Thuận ý dân, khó mấy cũng thành
Phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên của Thủ đô, qua 5 năm hợp nhất, nông nghiệp, nông thôn được quan tâm, chất lượng cuộc sống của nông dân ở Đan Phượng đang đổi thay từng ngày.
Chất lượng sống của người dân thôn Đoài Khê, xã Đan Phượng ngày một nâng cao
Hiến đất làm đường
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó chủ tịch UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho hay, đến nay, toàn huyện đã hoàn thành đề án xây dựng NTM ở cấp huyện và cấp xã, với 15/15 xã gần như đã đạt chỉ tiêu. Có được kết quả như vậy là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động được sự ủng hộ từ nhân dân. Về nguồn lực huy động, từ năm 2010 đến tháng 6-2013, ngân sách TP cấp cho huyện 249 tỷ đồng, ngân sách huyện là 1.163 tỷ đồng, ngân sách huy động từ xã là 136,177 tỷ đồng và từ các nguồn khác là hơn 71 tỷ đồng.
Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng mạnh qua các năm. Năm 2010, toàn huyện đạt 261 tỷ đồng, năm 2012 đạt 281 tỷ đồng, bình quân giá trị thu nhập nông nghiệp đạt 204 triệu đồng/ha/năm. Trong 3 năm qua, huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên khoảng hơn 177 ha, năm nay, tập trung thực hiện tiếp 3 dự án trọng điểm nông nghiệp gồm sản xuất 5ha hoa cao cấp tại xã Song Phượng; 5ha cam Canh, bưởi Diễn ở xã Thượng Mỗ và 10ha rau an toàn ở xã Phương Đình.
Song, nổi bật nhất trong xây dựng NTM ở Đan Phượng, theo ông Nguyễn Hữu Hoàng phải kể đến kết quả xây dựng đường giao thông nông thôn. Từ năm 2009 đến 2013, huyện đã đầu tư xây dựng mới hơn 50km và cải tạo, nâng cấp 270km đường thôn, xóm. Các xã, thôn tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nhân dân về xây dựng cơ sở hạ tầng nhất là đường làng, ngõ xóm. Năm 2012 đã xây dựng được gần 2.000 tuyến đường, trong đó, kinh phí vật liệu hơn 58 tỷ đồng, nhân dân đóng góp ngày công trị giá 61 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều hộ đã tham gia hiến đất xây dựng đường nông thôn. Toàn huyện có gần 1.500m2 đất được các hộ tình nguyện hiến tặng, nổi lên là xã Phương Đình với 50 hộ-407m2, xã Thượng Mỗ 25 hộ 364m2…
Ông Nguyễn Công Tuấn (thôn Địch Thượng, xã Phương Đình, Đan Phượng), người hiến 57m2 đất để làm đường thôn, xóm không giấu vẻ tự hào: “Xây dựng nông thôn mới khang trang, sạch đẹp thì bộ mặt của làng, xã cũng thay đổi. 57m2 đất gia đình tôi hiến có giá trị lớn, nhưng được cùng chung sức với Nhà nước xây dựng quê hương tôi thấy việc làm này hoàn toàn đáng”. Cũng tại thôn La Thạch, xã Phương Đình, chỉ chưa đầy 2 tháng triển khai xây dựng 31 trục đường ngõ xóm dài gần 3,5km, nhân dân đóng góp 3 tỷ đồng và 5.000 ngày công. Tương tự, ông Hoàng Đức Chiến ở xã Thọ Xuân cũng hiến 41m2, ông Phạm Văn Tiến ở xã Hồng Hà hiến 48m2…
Thanh niên tham gia xây dựng đường ngõ, xóm ở Đan Phượng
Video đang HOT
Nông thôn nhộn nhịp
Chúng tôi về xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), một xã vẫn lấy nông nghiệp làm ngành nghề chính nhưng bộ mặt nông thôn đã đổi thay trên từng nếp nhà, con đường thôn, xóm. Mặc dù cuối năm 2011, đề án xây dựng NTM của xã mới được duyệt, và chỉ qua một thời gian ngắn triển khai, đến nay, xã Phương Đình đã đạt 16/19 tiêu chí của NTM. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho hay, hiện còn 3 tiêu chí gồm sắp xếp lại chợ, thu nhập của người dân và tiêu chí cơ sở vật chất nhà văn hóa. Tuy nhiên, cuối năm nay 2013, chắc chắn, Đan Phượng sẽ hoàn thành. Hiện nay, toàn bộ cơ sở hạ tầng nông thôn của xã đã được xây dựng khá quy củ và bài bản, thậm chí 15 tuyến đường nội đồng thì đã có 8 tuyến được bê tông hóa, còn 7 tuyến theo ông Nguyễn Văn Thông, đang xin UBND huyện phê duyệt.
Ông Đàm Xuân Cường, Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng tâm sự: “Từ ngày hợp nhất về Hà Nội, nông nghiệp được quan tâm đầu tư nhiều hơn, chế độ an sinh xã hội cũng tốt hơn, đời sống của bà con thay đổi từng ngày. Nhưng, một số thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà và làm khó người dân. Giá mà cải cách, giảm bớt thủ tục thì nhân dân sẽ phấn khởi hơn”.
Đưa chúng tôi đi thăm một vòng quanh thôn Đoài Khê, ông Nguyễn Hữu Họp, Phó trưởng thôn không giấu nổi niềm tự hào, khi những con đường bê tông sạch bóng, bài bản được xây dựng hầu hết nhờ vào công sức đóng góp của người dân trong thôn. Đường làng ngõ xóm sạch sẽ, rộng rãi đủ để ô tô chạy bon bon như đường phố. Nhà văn hóa thôn còn có tủ sách, báo để những lúc nông nhàn, người dân đến đọc sách, chơi cờ.
Dù vậy, nhưng ông Đoàn Xuân Cường, Bí thư Đảng ủy xã Đan Phượng vẫn còn chất chứa những băn khoăn. Nguồn lực từ kinh phí xã thì toàn dựa vào đấu giá đất, nhưng vài năm trở lại đây, đấu giá khó khăn, giá đất xuống thấp. Thậm chí, xã đã kêu gọi đầu tư đổi đất lấy hạ tầng nhưng cũng không doanh nghiệp nào mặn mà. “Nông thôn mới là sự nghiệp lâu dài, không thể nóng vội được. Cái cốt yếu là có được sự đồng thuận, cùng làm của nhân dân thì khó mấy chắc cũng sẽ thành công”.
Tuyết Nhung
Theo ANTD
Cựu binh Trường Sa sống cùng giấy báo tử
"Ngày tôi về, bàn thờ với di ảnh của tôi vẫn còn đó. 25 năm rồi, 9 anh em bị Trung Quốc bắt trong trận Gạc Ma vẫn còn giữ giấy báo tử, để luôn nhắc nhở mình được sinh ra lần thứ hai", cựu binh Trường Sa Nguyễn Văn Thống nói.
Tìm gặp trung sĩ Thống giữa cơn mưa chiều cuối tháng 7 ở xã Nhân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), bên ly trà nóng, ông thật thà: "Chuyện cũ lâu ngày mới nhắc lại, mỗi khi nhìn tờ giấy báo tử, ký ức lại ùa về đầy đặn. Nhiều đêm nhớ đồng đội mà rơi nước mắt!".
Cựu binh Trường Sa Nguyễn Văn Thống với tờ giầy báo tử ghi tên mình. Ảnh: Nguyễn Đông
Vốn dân đi biển, chàng trai Nguyễn Văn Thống hào hứng khi nhận tin ra đảo Gạc Ma (Trường Sa) làm nhiệm vụ. Trong thời khắc sinh tử rạng sáng 14/3/1988, ông Thống chỉ kịp thoát ra ngoài khi tàu HQ 604 chìm dần. Bám chặt cây gỗ khi trên mình bê bết máu do 8 mảnh đạn pháo găm vào người, ông vận hết sức tránh được hàm răng sắc lẹm của đám cá mập rồi bị lính Trung Quốc bắt lên tàu đưa về Quảng Đông giam giữ.
Bố anh Thống, cụ Nguyễn Viết Thoáng, kể rằng khi nghe đài phát bản tin về 74 liệt sĩ hy sinh và mất tích ở Trường Sa, cụ chết lặng. Ngày 28/3/1988, Bộ Tư lệnh Hải quân có thư chia buồn gửi gia đình với đoạn viết: " Đây là sự hy sinh lớn lao của nhân dân ta trong đó có gia đình ta, vì sự nghiệp toàn vẹn lãnh thổ, vì độc lập của dân tộc".
Bố mẹ ông Thống chưa hết niềm vui sau hơn 20 năm cậu con trai 'liệt sĩ' trở về. Ảnh: Nguyễn Đông
"Ngày nhận giấy báo tử, nước mắt ai cũng giàn giụa. Trong nhà lập bàn thờ, ngoài biển mọi người làm lễ gọi hồn, đắp mộ gió cho nó yên nghỉ", cụ Thoáng nhớ lại. Dù còn chút hy vọng có thể con mình đang bị phía Trung Quốc bắt nhưng mọi thông tin đều bặt vô âm tín.
Về phần ông Thống, khi bị Trung Quốc đưa về bán đảo Lôi Châu, họ chuyển ông vào bệnh viện. 2 tháng sau, ông mới biết 8 đồng đội khác cũng bị bắt giam. "Lành vết thương, tôi nói với lính Trung Quốc rằng cho tôi được ở cùng đồng đội của mình. Biết chúng tôi là lính công binh, họ cũng không tra khảo nhiều. Nhưng anh em bị nhốt riêng trong những nhà giam chật chội, không được liên lạc với nhau hay thông tin ra bên ngoài", ông nhớ lại.
Binh nhất Trần Thiên Phụng (TP Đông Hà, Quảng Trị) kể: "Một năm bị giam giữ, chúng tôi được Hội chữ thập đỏ quốc tế can thiệp, cho viết thư báo tin với gia đình. Lá thư đầu tiên không quá 25 chữ. Tôi đã viết: " Con còn sống, mạnh khỏe và đang bị tạm giữ ở Trung Quốc, ở nhà bố mẹ và vợ cứ yên tâm", anh Phụng nhớ lại và cho biết sau đó thư từ cũng được tạo điều kiện hơn. Giấy dành viết thư chỉ vỏn vẹn chưa đầy mặt sau của trang A4, có nhà từ bố mẹ, anh em đến vợ đều viết chung một lá, kiên nhẫn mới đọc rõ từng chữ một.
Những lá thư được tận dụng từng khoảng giấy để gửi gắm thông tin, cảm xúc. Ảnh:Nguyễn Đông
Những ngày sau đó, 9 'liệt sĩ' liên lạc thường xuyên hơn với gia đình. Bức thư đầu tiên bố mẹ ông Phụng nhận được là ngày 26/4/1989. Lá thư hồi âm, ông mới biết ở nhà đã nhận giấy báo tử gửi ngày 1/11/1988. Di ảnh ông được cắt ra từ bức ảnh cưới. Đều đặn 6 tháng một lần những lá thư mới đến được tay người nhận, nét mặt 9 anh em khi đó dễ dàng đo đếm được từng cảm xúc.
Trong lá thư ngày 28/9/1990, vợ anh Phụng chỉ còn phần giấy trống phía dưới, viết vội mấy dòng: Hơn 2 năm em mới nhận được thư anh. Em rất mừng và thương anh nhiều lắm. Con chúng mình đã đi học mẫu giáo. Anh hãy yên tâm, em sẽ xứng đang là người vợ hiền của anh. Hẹn ngày anh sum họp gia đình em sẽ tâm sự nhiều hơn. Thương anh nhiều. Tái bút, anh Tàu muốn ghi thư thăm anh nhưng giấy ngắn quá, hẹn dịp khác...
Sau 3 năm 5 tháng 15 ngày bị giam giữ ở nhà tù Trung Quốc, 9 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam được trả tự do vào ngày 28/8/1991.
Vừa đặt chân về làng, người dân kéo nhau ra xem mặt "liệt sĩ" Thống chật kín đường. Bàn thờ do gia đình lập cho ông vẫn được giữ nguyên. "Ngày tôi về, bàn thờ gia đình lập cho tôi cùng di ảnh vẫn còn đó. Khói hương nghi ngút. Mẹ bảo, bàn thờ lập cho con, giờ về rồi thì tự tay dọn đi. 25 năm rồi, tôi và các anh em khác vẫn còn giữ giấy báo tử, để luôn nhắc nhở mình được sinh ra lần thứ hai, phải sống sao cho xứng với đồng đội, người thân, Tổ quốc", ông Thống nói, đôi mắt nhìn vào tờ giấy báo tử đang rung bần bật trên đôi tay thương tật của mình.
Như được sống lại lần 2, ông Lê Văn Đông khao khát được gặp mặt đồng đội thường xuyên và thắp nén hương cho 64 liệt sĩ đã mãi nằm xuống vì chủ quyền Tổ quốc. Ảnh: Nguyễn Đông
Vợ ông Phụng cầm giấy báo tử đưa cho chồng và bảo hãy giữ nó làm kỷ niệm! "Khi đó cũng khổ tâm lắm! Nhà tôi cách nhà liệt sĩ Hoàng Ánh Đông chưa đầy nửa cây số, hai đứa chơi với nhau từ nhỏ, nhận nhiệm vụ ra xây dựng đảo Gạc Ma cùng một ngày. Ngày gia đình tôi sum họp vui biết bao nhiêu thì bên nhà Đông đau buồn bấy nhiêu, mọi người chỉ biết nhìn nhau trong nước mắt", ông Phụng bồi hồi.
Cựu binh Lê Văn Đông (xã Tây Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), tâm sự rằng nhiều khi nghe đài, xem tivi nói về đảo Trường Sa nghe cũng tự hào nhưng lại có phần tủi thân, muốn được tổ chức gặp mặt anh em mỗi năm một lần, nhưng ngặt nỗi thiếu "nhạc trưởng". "Nhiều khi nhờ đến báo chí mà anh em biết mặt của nhau. Cũng muốn được cùng nhau đến thăm, thắp nén hương cho 64 đồng đội mà khó quá!", ông Đông nói.
Theo VNE
Cuộc sống đời thường của những cựu binh Trường Sa Đằng sau ký ức của trận hải chiến Gạc Ma, những cựu binh Trường Sa trở về với cuộc sống thực tại nặng gánh áo cơm: người bán gạo ở chợ, người làm phụ hồ, thậm chí thất nghiệp... Là thương binh hạng 1/4, hỏng mắt trái, giờ đây cựu binh Nguyễn Văn Thống đã có mái ấm với người vợ đảm đang...