“Thuần phục” cá tiến vua nơi lưng đèo hiểm ác
Ở lưng chừng đèo Ái Au hiểm trở không ai nghĩ có thể phát triển mô hình kinh tế gì lớn. Thế nhưng, vợ chồng anh Nguyễn Việt Hoà, dân tộc Tày, ở xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) lại nghĩ ra cách ngăn dòng suối, nuôi nhiều loại cá tiến vua đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ý nghĩ và cách làm táo bạo
Xuất thân con nhà nông, từng có thời gian nuôi cá trên lòng hồ Thuỷ điện Tuyên Quang, vợ chồng anh Hoà từng nếm trải hạnh phúc và cả những cay đắng với nghề nuôi cá. Anh Hoà kể, đận trước nuôi cá ở khu vực lòng hồ giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình nhưng bấp bênh lắm. Mùa đông khi gió hang thổi đến, có đợt anh ra thăm lồng cá gặp gió lớn lật úp thuyền suýt mất mạng. Cũng theo anh Hoà, chuyện sóng to, gió lớn phá huỷ lồng nuôi cá của bà con trên hồ khá nhiều, đây cũng chính là một khó khăn ảnh hưởng rất lớn đến các hộ nuôi cá trên lòng hồ Thuỷ điện Tuyên Quang.
Mô hình nuôi cá tiến vua của gia đình anh Nguyễn Việt Hoà. Ảnh: Huy Hoàng
Suy nghĩ bao đêm, anh Hoà thấy quê mình có ngọn núi Ái Au cây cối quanh năm xanh tốt, nước suối sạch trong lành chảy róc rách, anh bàn với vợ vay vốn ngân hàng mua lại khoảng đất của mấy hộ dân ở lưng chừng núi để phát triển trang trại, nuôi cá đặc sản tại đây sẽ ổn định hơn.
Giờ nghĩ lại anh Hoà vẫn thấy ý nghĩ của mình là quá táo bạo, bởi từ trước đến nay ở quê anh chưa thấy ai nuôi cá trên núi bao giờ, hoạ chăng họ chỉ nuôi ở những vạt ruộng thấp, nơi thuận cả về nguồn nước và đường đi.
Ấy vậy mà vợ anh lại ủng hộ ngay. Đầu năm 2014, vợ chồng anh rút cả “hầu bao” dành dụm bao năm cộng với tiền vay ngân hàng đầu tư vào mấy sào đất đầy lau lách nơi lưng núi thâm u.
Khu vực vợ chồng anh Hoà lựa chọn là ở thôn Cốc Phát, xã Thượng Lâm, ngay lưng chừng đèo Ái Au. Ngày nhận đất, công việc đầu tiên vợ chồng anh Hoà bắt tay vào làm là phá hết những đám lau sậy, hì hục đào những ao nuôi nhỏ rồi bắt nước suối vào ao. Việc xong xuôi anh lại tất bật bắt xe khách lên tận Bắc Mê, Bắc Quang của tỉnh Hà Giang tìm và học hỏi cách nuôi những loại cá đặc sản dầm xanh, anh vũ, cá bống…
Dân trong xã Thượng Lâm khi kể chuyện thường so sánh hành trình đưa những giống cá tiến vua nuôi tại lưng chừng đèo Ái Au của vợ chồng anh Hoà giống như trong câu chuyện cổ tích chàng Mai An Tiêm xưa tìm được giống dưa quý nhưng phải nhờ những dòng nước xoáy may rủi mang đi để đợi chờ tin vui vậy. Anh Đinh Công Thảo, hàng xóm nhà anh Hoà chia sẻ, thấy vợ chồng anh Hoà bỏ nhà lên rừng ở cả thôn Bản Chợ ai cũng ái ngại. Ấy vậy mà bây giờ đến thăm nhiều người phải nể phục bởi anh chị ấy đã gây dựng trang trại cá quy củ, mang lại thu nhập khá cho gia đình.
Video đang HOT
Địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch
Ngoài nuôi cá đặc sản, gia đình anh Hoà còn nuôi lợn đen cho thu nhập khá. Ảnh: Huy Hoàng
Nguồn nước suối trong lành được anh Hoà dẫn vào ao nuôi thông qua hệ thống đường ống dẫn nước rồi lại từ ao nuôi thoát qua hệ thống cống tràn, vì thế ao nuôi luôn trong mát và nước lưu thông giúp cá nhanh lớn và khoẻ mạnh. Nói về những tháng ngày “thuần phục” những loại cá đặc sản ở vùng đất mới, chị Thơm vợ anh kể lại, mẻ cá giống đầu lấy về chỉ sống được vài ngày, đợt 2 thì chỉ 50% cá giống sống sót. Bao lần lội xuống ao vét bùn, vệ sinh mới biết cá chết do nước lạnh hoặc nóng quá. Sau này anh chị điều chỉnh lại dòng chảy và mực nước trong ao nuôi hợp lý nên cá mới phát triển được.
Khu vực rừng núi Ái Au có nhiều cây cỏ như dứa dại, cỏ ngọt, rêu đá… là thức ăn yêu thích của nhiều loại cá nên vợ chồng anh Hoà ngày nào cũng lặn lội kiếm về nuôi cá. Nhiều lần lên núi lấy thức ăn cho cá bị đá núi sắc nhọn cứa đứt chân tay nhưng anh chị không nản chí bởi nhìn đàn cá khoẻ mạnh tung tăng dưới làn nước mát đã đem lại niềm vui và say mê công việc.
Do cá tiến vua phải nuôi trong khoảng thời gian dài mới có thể thu hoạch nên vợ chồng anh Hoà còn nuôi thêm các loài cá ngắn ngày hơn như trắm cỏ, trôi, chép… để tăng thêm thu nhập cho gia đình và “lấy ngắn nuôi dài”. Ngoài phát triển cá, vợ chồng anh Hoà còn chăn nuôi thêm vịt suối, lợn đen và gà đồi…
Nhiều khách du lịch hoặc người dân địa phương khi đi qua cung đường đèo Ái Au thấy lạ lẫm trước trang trại của vợ chồng anh Hoà đã dừng chân để mua những sản vật đem về thưởng thức đều tấm tắc khen ngon. Anh Nguyễn Văn Thắng ở phường Minh Xuân (TP.Tuyên Quang) cho biết, thức ăn ở trang trại của anh Hoà không thể chê được. Thích nhất là được vào trang trại nổi lửa lên nướng cá thưởng thức tại chỗ, lắng nghe âm thanh của núi rừng và cả những tiếng quẫy của cá trong ao nuôi rất thú vị. Gia đình anh cũng hay điện thoại nhờ chủ trang trại gửi thực phẩm về xuôi.
Bước đầu mô hình kinh tế trang trại, trọng tâm là phát triển nghề nuôi cá đặc sản đã giúp gia đình anh Hoà có thu nhập ổn định. Hiện nay, trang trại của anh chị có 10 ao nuôi cá với trên 1.000 cá bống, trên 3.000 cá anh vũ và hàng nghìn con cá nuôi lấy thịt khác. Số cá bống nuôi được 3 năm đã có trọng lượng trung bình từ 2,5 – 3kg/con. Với giá thị trường của loại cá đặc sản này dao động khoảng 250.000 – 300.000 đồng/kg, vợ chồng anh Hoà đã có một khoản thu không hề nhỏ.
Hiện nay, huyện Lâm Bình đang xây dựng kế hoạch phát triển một số cây, con đặc sản là thế mạnh của huyện, từ đó có sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời người dân trong phát triển các cây, con đặc sản, trong đó có nghề nuôi cá trên lòng hồ và các sông, suối.
Ông Ma Ngọc Trường – Trưởng Phòng NNPTNT, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân huyện khẳng định, huyện luôn khuyến khích các hộ dân phát huy thế mạnh của địa phương để xây dựng các mô hình kinh tế trang trại. Đặc biệt là nuôi các loại cá đặc sản, góp phần bảo tồn những loài cá quý hiếm, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cao. Vì thế mô hình nuôi cá đặc sản của gia đình anh Nguyễn Việt Hoà ở Thượng Lâm rất cần được nhân rộng.
Theo Danviet
Đánh cược cơ nghiệp vào "con đặc sản"
Đến xã Sơn Đông, TP.Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình hỏi ông Tiến "con đặc sản" ai cũng biết, bởi lẽ ông đã bạo gan đi tiên phong nuôi con đặc sản ở vùng đất này và giúp đỡ nhiều hộ khác cùng làm giàu.
Khởi nghiệp nơi đất dữ
Thung lũng Quèn Thờ (nay là thôn 12 của xã Đông Sơn), gần 20 năm về trước vốn là vùng khó khăn, nghèo đói bậc nhất của tỉnh Ninh Bình. Hồi đó, nếu ai muốn vào được nơi ông Tiến làm trang trại bây giờ, phải vượt qua 5 - 6 thung lũng núi đá tai mèo sâu hun hút. Ông Tiến bảo: "Vào đến nơi không biết còn giữ nổi mạng không chứ chưa nói gì đến khai hoang phát triển kinh tế".
Đàn hươu của được ông Tiến nuôi trong thung lũng núi đá tai mèo tự nhiên luôn đảm bảo chất lượng thịt thơm ngon nhất. Ảnh: Trần Quang
Đến giờ tìm vào trang trại của ông Tiến vẫn phải đi qua chừng đó thung lũng nhưng đường xá đã được mở rộng, bê tông hóa. Ông Phạm Đình Cư - Chủ tịch UBND xã Đông Sơn bảo rằng, đó là cả một cuộc trường chinh gian khổ của chính quyền và người dân trong tỉnh đoàn kết mới giành được thắng lợi, giúp bà con thôn 12 có được "áo mới" như ngày hôm nay.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm quan trang trại, ông Tiến vừa kể về những gian nan đời mình. Quê ông ở Yên Thái (huyện Yên Mô). Năm 1990, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông về quê rồi lấy vợ. Ngày cưới, hai bên nội ngoại đều nghèo nên chẳng có gì cho con làm lưng vốn. Không cam chịu cảnh cả ngày vợ chồng làm quần quật vẫn không đủ ăn, ông Tiến quyết chọn hướng đi mới. Một lần về chơi với bạn ở Nghệ An, ông thấy bà con nuôi nhím, nai, hươu cho hiệu quả cao gấp nhiều lần trồng lúa, trở về ông bàn với vợ hướng đi mới mà quê ông chưa ai làm: Mở trang trại nuôi nhím, nai, hươu...
Được vợ ủng hộ, sau nhiều ngày tìm nơi dựng trang trại, ông quyết định vào Quèn Thờ - nơi núi bao quanh để chăn nuôi gia súc. Năm 1993, gia đình ông chuyển hẳn vào Quèn Thờ để sinh sống và xây dựng kinh tế.
Vào nơi ở mới, vợ chồng ông bắt tay vào khai hoang, trồng sắn. Vụ đầu tiên thu được 5 tấn sắn tươi, ông bán đi lấy tiền mua lợn về nuôi. Cứ thế, "lấy ngắn nuôi dài", có vốn ông về Nghệ An mua giống nhím, hươu... và học hỏi cách nuôi. "Thời gian đầu do chưa nắm được kỹ thuật nuôi, tôi liên tiếp thất bại. Tuy nhiên tôi không chùn bước mà vẫn kiên trì hướng đi đã chọn"- ông Tiến tâm sự.
Gán nhà vì thực phẩm sạch
"Thời buổi này làm ra sản phẩm sạch mới khó chứ làm gian dối, chụp giật thì dễ nhưng sớm muộn cũng bị khách hàng và thị trường sa thải. Trong thời thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, để phát triển chăn nuôi theo quy trình sạch sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng tôi và bà con luôn cam kết, dù khó khăn đến mấy cũng sẽ làm bằng cái tâm của mình vì cộng đồng". Ông Trịnh Văn Tiến
Hễ có thời gian, ông Tiến lại đi khắp các tỉnh miền Bắc, nơi nào có trang trại nuôi nhím, hươu, nai thành công là ông đến học hỏi, nghiên cứu rồi áp dụng các kiến thức học được vào trang trại của mình. Sau khi nuôi thành công đàn nhím, hươu, hai vợ chồng ông lại lặn lội khắp nơi để tiếp thị, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình.
"Thời gian đầu tôi cứ tưởng mình chăn nuôi con đặc sản sạch thì dễ bán, nhưng khi đi bán mới biết khổ cực như thế nào. Do là những con vật mới nuôi, chưa ai biết ăn nên mình không thể mang ra chợ bán được mà phải tìm đến các nhà hàng, đánh cược tiền, tài sản họ mới chịu mua. Thậm chí, có lần vợ chồng tôi mang thịt nhím, hươu đến tiếp thị còn bị chủ nhà hàng đuổi vì cho rằng bán thực phẩm lạ. Mỗi lần như thế, vợ tôi lại lo lắng khóc nhiều lắm, nhưng tôi vẫn động viên vợ và cố gắng ngược xuôi khắp nơi đi tìm cơ hội khác..." - ông Tiến ngậm ngùi kể.
Cuối năm 2000, trong một lần tiếp thị sản phẩm ở một nhà hàng trên địa bàn tỉnh, ông Tiến đã mạnh dạn đánh cược cả ngôi nhà đang ở của mình để lấy... lòng tin. Mọi sự cố gắng cuối cùng đã được đền đáp xứng đáng khi một thời gian sau, nhím, hươi trong trang trại của ông liên tục được một số nhà hàng đón nhận và đặt hàng. Hiện nay, ngoài việc tiêu thụ sản phẩm tại các nhà hàng, khách sạn trong tỉnh, vợ chồng ông Tiến còn nhận làm cỗ đám cưới ở trong và ngoài xã để tiếp thị thêm cho sản phẩm của mình. Biệt danh "Tiến con đặc sản" cũng nổi tiếng từ đó. "Chăn nuôi con đặc sản rất đặc biệt và cầu kỳ hơn nuôi những loài vật bình thường khác, bởi chúng chỉ ăn lá cây, uống nước suối sạch nên thịt rất thơm ngon, đảm bảo an toàn thực phẩm nên khách hàng rất ưa chuộng" - ông Tiến cho biết.
Kiếm tiền tỷ từ con đặc sản
Từ tay trắng, đến nay vợ chồng ông Tiến đã gây dựng được cơ nghiệp tiền tỷ. Ông cho biết hai vợ chồng sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại theo hướng nông - lâm - thủy sản kết hợp kinh doanh. Hiện, vợ chồng ông đang sở hữu trang trại rộng tới 23ha, trong đó 15ha làm nông - lâm -thủy sản và 8ha làm vùng nguyên liệu thức ăn cho vật nuôi. Ông sẽ không dừng lại ở tiêu thụ trong nước mà sẽ xây dựng kế hoạch mở rộng thị trường ra nước ngoài.
Ông Tiến cho biết, hiện mỗi năm trang trại của ông bán ra thị trường hàng tạ nhung (giá trên dưới 1,5 triệu đồng/lạng) và hàng trăm con hươu giống, hươu thương phẩm với giá bình quân 200.000 đồng/kg (cân hơi), ngoài ra còn bán nhím, lợn rừng, cá sạch..., thu về hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhờ sản xuất lớn nên trang trại của ông đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động trong thôn với mức lương trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Qua nhiều năm ấp ủ và khảo sát thị trường, hiện ông Tiến đang đầu tư nuôi thêm giống ngựa bạch nhằm cung cấp sản phẩm thịt và cao ngựa bạch cho khách hàng. "Ngựa bạch có thị trường rất tiềm năng, chỉ cần mình chăn nuôi, chế biến đúng kỹ thuật, theo quy trình sạch, an toàn sẽ phát triển rất tốt" - ông Tiến nói. Từ thành công của mình, ông vận động các hộ trong thôn mạnh dạn xây dựng trang trại nuôi con đặc sản và ông nhận bao tiêu thành phẩm. "Ai thiếu vốn, thiếu giống, chưa biết kỹ thuật, tôi sẵn sàng hỗ trợ. Ai nản chí, thất bại, tôi sẽ động viên họ làm thành công" - ông Tiến xởi lởi cho biết.
Theo ông Phạm Đình Cư - Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, trang trại của ông Trịnh Văn Tiến đã được xã chọn làm mô hình điểm để nhân rộng, nhiều nông dân đã học theo và áp dụng thành công.
Với sự góp sức của ông Tiến, phong trào làm trang trại ở thôn 12 ngày càng phát triển. Nhờ đó, từ 100% số hộ trong thôn thuộc diện nghèo (năm 2000), nay giảm chỉ còn dưới 10%, nhiều nhà đã có của ăn của để. Với thành tích đặc biệt xuất sắc của mình, năm 2012, ông Tiến được T.Ư Hội ND Việt Nam vinh danh là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ IV. Đầu năm 2012, ông Tiến được bà con thôn 12 tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, Chi hội trưởng Hội ND thôn 12 và đến giờ lại được bầu làm Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất và tiêu thu cây, con đặc sản của xã.
Theo Danviet
Vào tổ hợp tác làm chơi cũng thu tiền tỷ N hiều nông dân ở xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) ví Tổ hợp tác (THT) sản xuất và tiêu thụ cây, con đặc sản như ngôi nhà thứ 2 của mình. THT không chỉ tập hợp được những người cùng sở thích vào sinh hoạt mà còn giúp các thành viên trong tổ nâng cao thu nhập, cải thiện...