Thừa Thiên Huế kiến nghị Bộ NNPTNT hỗ trợ phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng
Ngày 12/2, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác của Bộ NNPTNT đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình phát triển ngành nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Phương- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2021 đã có bước phát triển khá toàn diện.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác của Bộ NNPTNT làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: L.H.
Tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp tỉnh năm 2021 đạt 3,62%, chiếm 11,7% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu nông -lâm- thủy sản ước đạt 150 triệu USD, tăng 25% so với năm 2020.
Toàn tỉnh hiện có 63/94 xã hoàn thành 19/19 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. An ninh lương thực được đảm bảo, kết cấu hạ tầng nông nghiệp- nông thôn được đầu tư đồng bộ và ngày càng hoàn thiện, đời sống dân cư nông thôn được nâng cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: L.H.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ NNPTNT quan tâm hỗ trợ kinh phí để khắc phục, sửa chữa các công trình bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP về dịch vụ, du lịch cộng đồng giai đoạn 2021- 2025; hỗ trợ triển khai dự án nghiên cứu và sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thăm mô hình Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Tập đoàn Quế Lâm tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Ảnh: Đ.Q.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị Bộ NNPTNT sớm có chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất kinh doanh và người nông dân nhằm phục hồi sản xuất nông nghiệp hậu Covid-19; hỗ trợ tỉnh xây dựng thí điểm mô hình xã kiểu mẫu về ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2021-2025 tại xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền)…
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao những kết quả tỉnh Thừa Thiên Huế đạt được trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tỉnh Thừa Thiên Huế phải đề ra mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan kiểm tra quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ bằng công nghệ vi sinh của Tập đoàn Quế Lâm tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Đ.Q.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, hiện cách thức tổ chức sản xuất, sức ì quán tính của người nông dân, tính tư hữu, tính nhỏ lẻ đang là khó khăn cho việc phát triển nông nghiệp. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải có cách tiếp cận chiến lược hơn.
“Những chương trình phát triển của Huế, từ khuyến nông, kinh tế hợp tác, chế biến, phát triển thị trường, thủy sản, kể cả lâm nghiệp phải có tư duy tích hợp đa giá trị. Nó phải gắn liền một chuỗi, từ giống đầu tiên, tới chế biến, tới thị trường. Phải đi theo tư duy kinh tế tích hợp đa giá trị thì sẽ có kế hoạch khả thi hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao mô hình nông nghiệp tuần hoàn lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam
Chiều ngày 11/2, trong khuôn khổ chuyến công tác ở Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đã thăm mô hình Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F cùng một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm.
Dự án Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Tập đoàn Quế Lâm có tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, thực hiện trên diện tích 15ha tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan thăm mô hình Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F của Tập đoàn Quế Lâm tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Ảnh: Đ.Q.
Dự án Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F (Farm - Food - Feed - Fertilizer) là dự án hiện thực hóa khái niệm "Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp" trong thế kỷ XXI. Đây là mô hình độc đáo, tiên tiến nhất lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Đến nay, dự án đã sản xuất được hàng nghìn con lợn giống và lợn thịt, lợn nái. Mục đích của dự án nhằm cung cấp lợn nái hậu bị, lợn con giống cho các nông hộ trên địa bàn tỉnh; điều phối sản phẩm thịt lợn trên thị trường để chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy, đào tạo, tập huấn cho nông dân trong và ngoài tỉnh.
Trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm tại xã Phong Thu, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Ảnh: T.H.
Ngoài sản xuất lợn, dự án còn có các hạng mục như nhà máy sản xuất các chế phẩm sinh học theo công nghệ tiên tiến hàng đầu của Nhật Bản với công suất 50.000 tấn/năm. Sản phẩm nhằm phục vụ chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, sinh học và tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp...
Theo lãnh đạo Tập đoàn Quế Lâm, hiện doanh nghiệp này có 8 nhà máy phân bón hiện đại trên toàn quốc với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, năng lực sản xuất gần 1 triệu tấn/năm.
Quế Lâm đã ký kết hợp tác với hàng chục các tỉnh thành, xây dựng hàng trăm mô hình liên kết với các địa phương và hộ nông dân để trồng trọt, chăn nuôi và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài dự án Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F, Tập đoàn Quế Lâm đã đầu tư 1 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ tại phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà), thành lập 3 công ty để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Quế Lâm đã cùng với các hợp tác xã và hàng trăm hộ nông dân liên kết sản xuất nông sản hữu cơ và chăn nuôi an toàn sinh học tại thị xã Hương Trà, thị xã Hương Thủy, các huyện Phong Điền, Phú Lộc, A Lưới, Quảng Điền...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ bằng công nghệ vi sinh của Tập đoàn Quế Lâm tại Thừa Thiên Huế. Ảnh: Đ.Q.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao mô hình Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F cũng như các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn của Tập đoàn Quế Lâm.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các mô hình này giúp người chăn nuôi có đầu vào và đầu ra ổn định, có lãi, bảo đảm an toàn dịch bệnh và không gây ô nhiễm môi trường.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Tập đoàn Quế Lâm là đơn vị có tư duy tiên phong, đổi mới trong sản xuất nông nghiệp và các mô hình của Tập đoàn cần được nhân rộng nhằm tạo ra những vùng sản xuất sạch, hướng đến phát triển kinh tế xanh, bền vững theo đúng định hướng của quốc gia...
Giải pháp khắc phục tình trạng mất an ninh lương thực tại Đông Nam Á Các chuyên gia khẳng định COVID-19 đã gây trở ngại với những tiến bộ đạt được trong việc giải quyết các thách thức chính đối với an ninh lương thực, trong đó có biến đổi khí hậu, năng suất cây trồng. Ảnh minh họa (Nguồn:TTXVN) Đại dịch COVID-19 đã gây hậu quả nghiêm trọng trên khắp khu vực Đông Nam Á, khiến nhiều...