Thừa Thiên Huế: Hai người phụ nữ “quên” lập gia đình vì mải chăm trẻ mồ côi
Gần 20 năm qua, tại thôn Tân Mỹ, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) có một mái ấm tình thương đã nuôi dưỡng không biết bao nhiêu em nhỏ mồ côi. Chủ nhân mái ấm ấy là hai phụ nữ nghèo độc thân.
Từ thành phố Huế chạy xe máy hết hơn 10km đến đường Nguyễn Cừ vào thôn Tân Mỹ, hỏi thăm mái ấm tình thương của hai chị Nguyễn Thị Lành (50 tuổi) và Đặng Thị Hiệp (50 tuổi) ai cũng biết rõ.
Căn nhà cấp 4 rộng hơn 100m2, phía trước sân phơi rất nhiều quần áo của trẻ nhỏ và đồ dùng của trẻ sơ sinh. Trong nhà, tiếng khóc của những đứa trẻ râm ran. Khi chúng tôi vào đúng thời điểm các em nhỏ đến giờ ăn trưa, hai chị tất bật tới lui làm không hết việc. Cháu này uống sữa, cháu kia ăn cơm, cháu khác ăn cháo, có cháu còn đang ăn bột… hai người phụ nữ cứ luôn chân luôn tay mà miệng vẫn nở nụ cười.
Chị Đặng Thị Hiệp nâng niu, đút cơm cho một cháu nhỏ.
Cả hai chị năm nay đã ngoài 50 tuổi, đều không lập gia đình. Cái lý do còn độc thân đến ngày hôm nay được chị Hiệp tâm sự : “Ngày này qua ngày khác cứ trôi qua, chúng tôi cứ mải loay hoay với những đứa trẻ để rồi quên đi chuyện lo cho mình một mái ấm mà tuổi tác ngày càng cao, nên đành ở vậy. Hai chúng tôi lấy niềm vui bằng việc chăm sóc những em nhỏ nơi đây”.
Những năm qua, hai người phụ nữ này đã cưu mang không biết bao nhiêu em nhỏ bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng mẹ. Các chị cũng không thể nhớ hết có bao nhiêu đứa trẻ đã qua vòng tay chăm sóc, bú mớm của mình. Chỉ biết rằng mỗi ngày hết lòng chăm lo cho các em là một ngày vui.
Chị Lành chăm lo bếp núc buổi cơm trưa cho cả mái ấm.
Video đang HOT
Chị Lành tâm sự: “Có nhiều đôi bạn trẻ do quá buông thả với lối sống hiện nay, đến khi mang thai lúc nào không hay biết. Vì không muốn vứt bỏ đi đứa con của mình nên đã đến các trung tâm trên thành phố sống tá túc sinh con. Sinh con ra ngay cả đứa con của chính mình cũng không một lần được gặp mặt. Chúng tôi tiếp xúc nhiều trường hợp, có những ông bố bà mẹ mới ở cái tuổi 12-13. Thật bi đát làm sao”.
Kỷ niệm mà hai chị nhớ nhất là đầu năm 2010. Hai bạn sinh viên ĐH Huế khi đi học về qua cầu Bạch Hổ thành phố Huế thấy một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngay dưới gầm cầu liền đưa về một nhà tình thương gần đó; đứa trẻ sau đó được đưa về đây.
Một em nhỏ đang được chăm sóc tại mái ấm tình thương do chị Lành và Hiệp nuôi dưỡng
Hai người phụ nữ không chồng mà có rất nhiều con; những đứa con không mang nặng đẻ đau nhưng nhọc công nuôi dưỡng; những đứa con được chăm bẵm giáo dục cho khôn lớn, có những đứa trẻ lại được nơi khác có cuộc sống đầy đủ hơn nhận về nuôi. Chúng đi rồi khi có điều kiện bao giờ cũng trở về thăm hai người mẹ đặc biệt này.
Chia tay mái ấm tình thương này mà lòng chúng tôi nặng trĩu với lời chị Lành: “Thật buồn vì những người cha người mẹ dứt ruột đẻ con ra rồi quên mất đi. Dẫu sao đó cũng là máu mủ ruột già của mình. Hai chúng tôi cũng chỉ biết gạt suy nghĩ đó đi mà hết lòng chăm sóc những đứa trẻ vô tội này”.
Những em nhỏ được nuôi nấng lớn lên tại đây cũng chung tay giúp 2 mẹ chăm các em nhỏ hơn.
Theo Dân trí
TPHCM Nỗi khát khao có cha mẹ của những trẻ mồ côi
"Mẹ đã yêu thương con tha thiết... ôi mẹ yêu", bằng chất giọng mộc mạc và hồn nhiên, nhiều em nhỏ mồ côi cất cao tiếng hát về mẹ, cha bằng cả niềm tự hào và khao khát.
Tối 27/2, trong cuộc thi hát karaoke do nhóm bạn trẻ hoạt động từ thiện tổ chức, ngồi nghe các em nhỏ mồ côi, có em chưa một lần nhìn thấy cha mẹ, nhưng các em lại thích hát những bài về gia đình. Có em thậm chí bị cha, mẹ đan tâm bỏ rơi, nhưng vẫn hát về họ với niềm tự hào. Tất thảy là một niềm khát khao được sống trong vòng tay bảo bọc của cha, mẹ đang dồn nén trong các em lâu ngày, nay được bộc lộ qua ca từ của bài hát.
Trong căn phòng rộng 30m2, vây quanh chiếc ti vi và máy hát karaoke, hơn 70 em nhỏ ở mái ấm tình thương Hoa Mẫu Đơn (quận Bình Tân, TPHCM) say sưa thi nhau trổ tài ca hát những ca khúc về mẹ, thầy cô và mái trường... Hoạt động do nhóm bạn trẻ đến từ một số trường ĐH trong địa bàn TPHCM tổ chức là món quà ý nghĩa dành tặng các em.
Phần thi của một "thí sinh" ở mái ấm tình thương
Điều đặc biệt, nhiều em nhỏ trong mái ấm này bị mồ côi cả cha lẫn mẹ đã chọn những bài hát liên quan đến gia đình như: "Mẹ yêu", "Ba ngọn nến lung linh"... Đó là những em bé vừa sinh ra đã bị bố mẹ bỏ rơi. Các em cất cao tiếng hát về mẹ bằng một trái tim khao khát được có mẹ, được mẹ ôm ấp và thương yêu.
Em Thủy (13 tuổi) bắt đầu cuộc thi với bài hát "Mẹ yêu": "Sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc...mẹ đã cho con lớn khôn", bằng chất giọng mộc mạc, nhẹ nhàng và hồn nhiên, Thủy đã làm "khán giả" trong mái ấm vỗ tay rào rào tán thưởng. Cô bé vừa nhìn dòng chữ chạy trên màn hình ti vi vừa say sưa hát. Tuy không bắt nhịp kịp dòng chữ chạy, có lúc em phải dừng lại chờ kịp nhịp nhưng em vẫn hồn nhiên thể hiện phần thể hiện của mình. Phía dưới, hàng chục em nhún đôi má, lắc lư đầu ngân nga hát theo Thủy.
Dõi theo Thủy hát, thầy giáo kiêm Phó ban điều hành mái ấm Nguyễn Trọng Tới cho biết, cách đây 5 năm, khi đang đứng trước cửa, thầy thấy một bà cụ bán vé số lọm khọm dắt một đứa trẻ chừng 8 tuổi bước tới. Bà cụ nói như van xin: "Anh hãy cứu lấy cuộc sống của đứa bé này. Mẹ nó đã bỏ rơi nó khi nó vừa sinh ra. Tui bán vé số nghèo quá không nuôi nổi". Bà cụ vừa dứt lời đã bước đi khiến anh chưa kịp hỏi tên bà cụ và thông tin về đứa trẻ.
Dù không biết mặt mẹ, không có một đặc điểm nào để nhận dạng, nhưng Thủy luôn tâm sự với thầy là nhờ giúp em tìm lại cha mẹ. Thầy Tới cũng đã hứa với đứa bé sẽ tìm bằng được, nhưng thực tế thầy chưa biết phải bắt đầu từ đâu? Bà cụ ngày xưa không biết giờ còn sống hay đã chết?.
Một em gái đang tự tin "trổ tài" biểu diễn trước hơn 70 em
Tiếng vỗ tay rào rào khi Thủy kết thúc phần biểu diễn. Bé Nhung (16 tuổi, em gái lớn tuổi nhất trong mái ấm) lên hát bài: "Ba ngọn nến lung linh". Có khuôn mặt ngăm đen, nhưng hát rất "ngọt", Nhung để lại ấn tượng sâu lắng trong lòng mọi người.
Nhung là bé gái sống lâu nhất trong mái ấm tình thương, từ lúc 8 tuổi. Năm 2002, thầy Tới về quê ở Lộc Ninh (Bình Phước), tình cờ biết được hoàn cảnh một em bé rất thương tâm. Ba mẹ li dị, Nhung bị nguyền rủa như nguyên nhân của sự đổ vỡ gia đình. Sau đó, mẹ Nhung mất vì căn bệnh ung thư. Ông bố đi bước nữa, bỏ Nhung bơ vơ một mình. Động lòng thương, thầy Tới đã đưa về mái ấm chăm sóc.
Đứng ngay bên cạnh thầy, bé trai có khuôn mặt khá "bảnh" tên là An (15 tuổi) miệng đang ngân nga theo nhịp những làn điệu của bài hát "Bụi phấn". Thầy kể, ngày trước một cô gái bị bệnh tâm thần thường đi lang thang qua các khu chợ. Một lần bị "yêu râu xanh" hại nên sinh ra An. Một người buôn bán ngoài chợ đã đưa An vào đây nhờ nuôi dưỡng.
Các "thí sinh" luôn dán mắt vào màn hình để hát nhưng thường bắt không kịp nhịp
Sau hơn 2 giờ thi đấu, cuộc thi hát karaoke cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn cũng đã kết thúc. Mỗi em tham gia đều được tặng một phần quà nho nhỏ. Bé Thủy được bình bầu là em có giọng hát hay nhất. Khuôn mặt em rạng ngời vui sướng nhảy cẫng lên.
"Em vui quá. Em thấy chữ hiện lên trên màn hình thì em hát theo chứ em không biết hát karaoke là thế nào. Sau này lớn lên, em mơ ước được thi vào trường học nhạc và cũng được hát như các anh chị trên tivi", em Thủy chia sẻ.
Hoài Thương (Sinh viên năm 3 ĐH Huflit, trưởng nhóm hoạt động từ thiện) cho biết, nhiều tổ chức từ thiện thường chỉ tặng quà cho các em, nhưng chưa ai tổ chức các chương trình giải trí để tạo niềm vui tinh thần cho các em. Xuất phát từ ý nghĩ đó, Thương và nhóm bạn đã nghĩ đến một chương trình "độc" là tổ chức thi hát karaoke cho các em ở mái ấm tình thương.
"Đây chỉ là chương trình thử nghiệm đầu tiên. Nếu thành công, trong thời gian tới nhóm mình sẽ nhân rộng ra mô hình này. Điều trăn trở lớn nhất là nhóm em không có tài trợ. Mọi kinh phí đều do các thành viên trong nhóm đóng góp", Thương chia sẻ.
Ngoài chương trình thi hát karaoke, Thương và nhóm những người bạn còn tặng quà, tự đứng ra nấu một bữa ăn và cùng ăn với các em nhỏ. Đó là niềm vui lớn nhất mà Thương và nhóm bạn cảm nhận được.
Theo Dân Trí
Bắt trẻ quỳ trên gai mít Hai đưa tre mơi lên bôn tuôi bi cơ sơ nuôi trẻ mồ côi đanh đâp nhiêu lân va con phat cac em phai quỳ gôi trên vo mit. Ngay 9-5, tư nguôn tin cua môt sô phu huynh Trương Mâm non 1/6, thi trân Thuân Nam, huyên Ham Thuân Nam (Binh Thuân), phong viên Pháp Luật TP.HCM đa tưc tôc co măt...