Thừa Thiên Huế: Cầu Tam Giang – điểm “check- in” quen mà lạ
Khi cầu Tam Giang trở thành điểm “check- in” mới, thu hút giới trẻ, những người đã quá quen thuộc với cây cầu này như tôi “giật mình”, thấy đẹp lạ làm sao.
Với những người dân đã và đang sống bên chân phá như tôi, cầu Tam Giang nghe thật lạ tai, bởi lâu nay chúng tôi thường gọi với cái tên thân quen là cầu Ca Cút. Ngày trước, chưa có cây cầu này, mỗi lần muốn lên phố quả thật khó khăn. Việc lụy đò suốt thời gian dài cũng là lý do khiến kinh tế – xã hội ở vùng Ngũ Điền và xã Hải Dương ít có điều kiện phát triển.
Năm 2010, cầu Tam Giang được thiết kế xây dựng bằng bê tông cốt thép có chiều dài 607m, rộng 10m được hoàn thiện và chính thức nối đôi bờ phá Tam Giang. Cầu nối liền hai xã Hương Phong và Hải Dương, trước đây là thị xã Hương Trà, nay thuộc TP. Huế. Cây cầu là một phần của tuyến Quốc lộ 49B. Cùng với 3 cây cầu bắc qua hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai: Thuận An, Trường Hà và Tư Hiền, cầu Tam Giang góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông giữa các xã miền biển và đồng bằng, rút ngắn khoảng cách các khu dân cư đầm phá phía bắc, cửa Thuận An với TP. Huế.
Không chỉ là cây cầu nối liền đôi bờ, giúp giao thông thuận lợi, cầu Tam Giang bây giờ còn là điểm “check- in” mới, điểm đến hấp dẫn khi thu hút lượng lớn giới trẻ về chụp ảnh mỗi ngày. Nhờ thế mà nhiều hoạt động kinh doanh ở khu vực gần chân cầu cũng được hình thành, tạo thêm sinh kế cho người dân.
Cầu Tam Giang trở thành điểm “check-in” mới thời gian gần đây
Video đang HOT
Từ ngày cầu được thông xe đã 11 năm, qua về không biết bao nhiều lần, quá quen thuộc đến nỗi tôi chưa từng dừng chân lại chụp ảnh. Nhưng khi thấy hàng chục bạn trẻ háo hức tạo dáng chụp ảnh, tôi cũng xuống chân cầu xem sao, biết đâu có điều gì đó mà đôi khi mình có thể bỏ lỡ.
Nhìn từ dưới, cầu Tam Giang khác hẳn, cao lớn sừng sững. Những ghềnh đá, cây dương liễu, con đò, cảnh đánh bắt cá của ngư dân vùng phá… bên dưới chân cầu, tô điểm thêm cho những bức ảnh đẹp với hậu cảnh là cây cầu Tam Giang.
Càng về chiều, giới trẻ “đổ” về đây càng nhiều hơn, những bức ảnh được chụp khi hoàng hôn dần buông xuống chân phá càng đẹp. Một bạn trẻ chia sẻ, thấy nhiều bạn bè của mình về “check-in”, đưa hình lên mạng xã hội, nên bạn này cũng tranh thủ về cầu Tam Giang cho kịp “trend”. Về đây, không chỉ để có những bức ảnh đẹp mà là để tìm những giây phút thảnh thơi, thư giãn khi đứng trước mênh mông sóng nước, của gió trời lồng lộng.
Cầu Tam Giang cách trung tâm TP. Huế gần 18km về hướng Đông Bắc. Nếu bạn muốn có khoảnh khắc tuyệt vời, lãng mạn với khung hình thơ mộng dưới chân cầu, có thể di chuyển theo hướng Quốc lộ 49B, qua đập Thảo Long, rồi đi tiếp khoảng 7km nữa là về đến. Hoặc có thể đi theo hướng phường Hương Vinh, qua cầu Thanh Phước rẽ trái về xã Hương Phong cũng sẽ đến. Giao thông thuận lợi nên ô tô, xe máy, thậm chí là xe đạp nếu bạn muốn rèn luyện đôi chân cũng chỉ mất từ 15-20 phút (xe máy, ô tô) hoặc tầm 1 tiếng nếu vừa đạp xe vừa ngắm cảnh.
Các đơn vị lữ hành cho rằng, với điểm “check-in” mới tại cầu Tam Giang, một tour du lịch mới hứa hẹn thu hút du khách là hành trình nửa ngày để khám phá Rú Chá, “check in” cầu Tam Giang, tắm biển và ăn tối hải sản tại biển Hải Dương, hoặc Cồn Tè. Đây là tour phù hợp để khai thác dòng khách nội tỉnh trong giai đoạn hiện nay.
Một chuyến xê dịch, “check-in”, chụp ảnh tại chân cầu Tam Giang là sự lựa chọn không tồi cho những ngày nghỉ cuối tuần. Bạn thấy sao, còn tôi đã sẵn sàng có những bức ảnh đẹp.
Thừa Thiên Huế: Hòa mình vào thiên nhiên ở suối Hợp Hai
Đến suối Hợp Hai vào mùa này thật lạ, từ hồ Truồi, núi đồi, con suối hoang sơ đến từng cọng cỏ, tán cây đều khoác lên mình một màu xanh ngan ngát.
Dòng suối mát lành, mời gọi ở Hợp Hai
Trải nghiệm
Tọa lạc ở địa bàn huyện Phú Lộc, hồ Truồi cách TP. Huế khoảng 38km về phía nam. Là hồ chứa có diện tích gần 400ha, suối Hợp Hai là một trong bốn con suối chính đổ vào hồ Truồi. Từ cuối tháng 4 năm nay, HTX dịch vụ du lịch thanh niên Lộc Hòa đã rộn ràng những chuyến thuyền du lịch đưa du khách ghé thăm, khám phá địa điểm này.
Ông Trần Quang Hồng, đại diện HTX dịch vụ du lịch thanh niên Lộc Hòa, cho biết: "Hiện tại HTX đang khai thác hai tuyến suối là Hợp Hai và Vũng Thùng. Với điều kiện thời tiết và mực nước hiện nay, suối Hợp Hai là lựa chọn phù hợp cho chuyến đi "trốn nắng", giải nhiệt mùa hè".
Trước khi vào suối Hợp Hai, du khách sẽ được trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng của hồ Truồi. Dưới cái nắng hè oi gắt, thuyền lướt trên dòng nước xanh ngát, hai bên bờ hồ là những đỉnh núi nối tiếp nhau với bạt ngàn cây cối.
Tranh thủ chụp những bức ảnh trên đường đến suối, anh Xuân Hùng, thành viên đoàn du khách tham gia trải nghiệm suối Hợp Hai, chia sẻ: "Tôi đã đến hồ Truồi để thăm Thiền viện Trúc lâm Bạch Mã một vài lần, nhưng vẫn chưa có dịp vào sâu trong hồ. Thật sự cảnh sắc thiên nhiên rất đẹp và hữu tình. Đã từng đi Ninh Bình, với tôi, hồ Truồi mang dáng dấp của Tràng An với núi non, đầm nước nhưng khác ở một chỗ, điểm đến đang chờ đón chúng tôi là dòng suối xanh mát, trong lành giữa núi rừng".
Sau tầm mươi phút, thuyền đã đến chân suối, nơi mạch nước của dòng Hợp Hai hòa làm một với hồ Truồi. Người lái cho neo thuyền ngay sát các bậc đá. Đến đây, du khách có thể tùy ý vào sâu trong con suối, khám phá dòng Hợp Hai với rất nhiều vũng nước tạo thành hàng loạt những hồ bơi nho nhỏ.
Giải nhiệt
Khác với những con suối đông đúc, ồn ào, suối Hợp Hai thu hút du khách bởi sự tĩnh mịch và dòng nước trong vắt, mát lành len lỏi dưới tán rừng già. Suốt dọc theo dòng nước, cứ mỗi 50m, du khách sẽ có điểm dừng chân là những bóng cây, phiến đá bằng phẳng, mát rượi. Để đảm bảo an toàn cho du khách, ban quản lý đã cho neo những sợi dây thừng, hạn chế rủi ro khi du khách bơi vào vùng thác nước chảy xiết.
Ngoài hệ thống hàng chục vũng bơi lớn nhỏ tự nhiên, Hợp Hai còn là địa điểm lý thú để ngắm nhìn các loài bướm, côn trùng và cây cối chỉ có ở các khu rừng nguyên sinh như cây ổ rồng, cẩm cù, lan rừng... Mùa này cũng là mùa của những tiếng ve râm ran và du khách có thể tự do thỏa thích ngắm, câu cá hay bắt cua suối.
Ngâm mình vào dòng nước mát lạnh, Ngọc Sỹ, thành viên khác trong đoàn, hào hứng: "Địa điểm này trong lành, mát mẻ và rất bình yên. Đặc biệt, điều thu hút mình nhất ở dòng Hợp Hai này là cây cối. Những tán cây cổ thụ xanh mát, rễ cây hòa cả vào dòng suối. Bóng cây che mát rười rượi, mình có thể vừa tắm suối, vừa câu cá để tận hưởng không gian hoang sơ ở đây, xóa tan đi cái nắng gió của mùa hè oi ả ngoài kia".
Một điểm cộng đáng hoan nghênh ở địa điểm thăm thú này, đó là ban quản lý đã treo những chiếc túi lớn để đựng rác cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến du khách tham quan.
Về miền di sản Cố đô Huế Lịch sử vùng đất Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã tạo ra những di sản văn hóa có giá trị nổi bật. Những công trình tại Quần thể Di tích Cố đô Huế vẫn giữ được nét độc đáo riêng có của hàng trăm công trình kiến trúc, nghệ thuật mang giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa...