Thừa thầy thiếu thợ, Bộ trưởng Dung lo, Bộ trưởng Nhạ yên chí
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “xin nhân dân ủng hộ, động viên con em tham gia học nghề để có việc làm chính đáng, đại học không phải là con đường duy nhất!”.
Tại buổi chất vấn và trả lời chất vấn vào sáng 18/4 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – ông Đào Ngọc Dung, nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề phân luồng trong giáo dục hiện nay.
Đặc biệt, tình trạng học sinh đi học nghề chưa được như mong đợi, nhiều trường nghề tuyển không đủ chỉ tiêu. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thừa thầy thiếu thợ hiện nay.
Câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng: “Trong điều kiện thi đại học, tuyển vào đại học rộng mở như thế này thì công tác tuyển sinh của các trường Cao đẳng, Trung cấp Nghề như thế nào?”
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tỏ ra lo lắng về đầu vào của các trường nghề (ảnh nguồn baogiaothong.vn)).
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: “Theo chỉ thị 10 của Ban Bí thư là phấn đấu đến năm 2020 chúng ta có 30% học sinh phổ thông cơ sở vào học nghề.
Ở bậc trung học phổ thông tiếp tục có khoảng 60 – 70 % vào học nghề.
Trước tình hình, vừa qua công tác của chúng ta đã khó khăn về số lượng, bên cạnh nhiều trường chất lượng tốt tuyển sinh thừa nhưng một tỉ lệ 60 – 70% các trường nghề mới tuyển được 50 – 60% so với chỉ tiêu. Đây đã là một sự cố gắng rất lớn.
Trong thời gian tới, nhận định của chúng tôi việc thu hút học sinh vào học trường nghề ngày càng khó khăn hơn.
Chúng tôi, một mặt nâng cao chất lượng học nghề. Việc nâng cao chất lượng công khai minh bạch để hút người, hút số thanh niên vào học.
Đảm bảo làm sao việc học nghề ra trường có việc làm, có thu nhập và người học nghề có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, nhu cầu học lên thì được tiếp tục liên thông.
Và cuối cùng, nhân diễn đàn này, cũng xin báo cáo với Quốc hội, xin nhân dân ủng hộ, động viên con em tham gia học nghề để tìm được việc làm chính đáng. Đại học không phải là con đường duy nhất”.
Video đang HOT
Cũng tại buổi trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Phùng Xuân Nhạ có tham gia giải trình những vấn đề liên quan mà các Đại biểu Quốc hội quan tâm, trong đó có việc phân luồng trong giáo dục hiện nay.
Đây được xem là công đoạn quan trọng để định hướng cho việc lựa chọn nghề nghiệp đối với người học hiện nay.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khá tự tin về các biện pháp phân luồng giáo dục ở bậc phổ thông hiện nay (ảnh Xuân Quang, vietnamnet.vn).
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Phùng Xuân Nhạ: “Thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội để phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Việc phân luồng, thời gian qua có sự chuyển biến tích cực. Số học sinh đã học văn hóa trong các trung tâm giáo dục thường xuyên tăng lên. Năm vừa rồi tăng 40%.
Số học sinh có nhu cầu chuyển học giáo dục nghề nghiệp không học giáo dục đại học tăng.
Theo số lượng thống kê năm 2016, hiện có dưới 50 % học sinh tốt nghiệp phổ thông có tiếp tục chọn lựa học đại học.
Như vậy, sự chuyển biến phân luồng giáo dục có sự tiếp tục tăng lên”.
Bàn về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trình bày: “Năm 2017 đã thực hiện một số giải pháp như rà soát nguyên nhân dẫn tới phân luồng học sinh chậm. Trước hết, trách nghiệm thuôc về Bộ trưởng.
Chúng tôi sẽ tập trung nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp ở bậc phổ thông. Ngay khi học phổ thông cơ sở học sinh được tiếp cận với thị trường lao động để nâng cao nhận thức về học nghề. Đó cũng là giải pháp tạo đầu vào cho các trường nghề.
Khuyến khích các em khi tốt nghiệp phổ thông cơ sở đã có thể học nghề mà không nhất thiết tiếp tục học bậc phổ thông trung học để vào đại học.
Qua thống kê vừa rồi, đăng ký vào đại học có dấu hiệu giảm tương đối rõ. Đây là kết quả bước đầu của đổi mới giáo dục, tăng cường hướng nghiệp.
Một giải pháp nữa đó là tiến hành thắt chặt đầu vào các trường đại học để góp phần hài hòa lượng học sinh chọn học nghề và học đại học.
Đồng thời, chúng tôi có giải pháp đưa 5 trường đại học sư phạm tăng cường đào tạo giáo viên dạy nghề cho bậc phổ thông.
Chúng tôi cũng phối hợp để đào tạo dạy học liên thông nghề nghiệp với các bậc đại học và sau đại học. Mục đích là để tạo động lực cho các em từ học nghề, sau đó học lên đại học và các bậc cao hơn”.
Qua việc trả lời của hai Bộ trưởng có thể thấy Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đang cảm thấy lo lắng cho việc đầu vào của các trường nghề hiện nay.
Trong khi đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tỏ ra rất tự tin về các biện pháp phân luồng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện.
(Theo Giáo Dục)
"Học viên cai nghiện phá trại, cùng lắm cũng chỉ bị... bắt lại trại"
Trả lời chất vấn trước UB Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày nhiều khó khăn. Bộ trưởng chia sẻ, sau vụ "vỡ trại" ở Đồng Nai, lan đến Vũng Tàu, ông có hỏi một người trốn trại thì được trả lời "cứ hùa nhau ra thôi, cùng lắm cũng chỉ bị bắt đưa trở lại trại"...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là người đăng đàn trả lời chất vấn sáng nay, 18/4.
Bước vào phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đặt vấn đề về tình trạng học viên trung tâm cai nghiện trốn trại gây dư luận xấu. Nguyên nhân và giải pháp giải quyết vấn đề này?
Bộ trưởng Lao động khẳng định, phòng chống cai nghiện ma tuý là công việc quan trọng Bộ được giao. Vừa qua, Bộ đã họp với 21 tỉnh trọng điểm về ma tuý để giải quyết việc này. Cả nước hện có 210.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý, tăng mạnh so với 2015. Thực tế phức tạp là hiện ngoài heroin, có nhiều loại ma tuý phát sinh, nhất là ma tuý đá, dễ dẫn đến rối loạn tâm thần, ảo giác, quản lý đối tượng này cũng khó hơn. Gần đây Bộ Công an thống kê có đến 60% tội phạm liên quan đến ma tuý.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Một ngành dân sự như chúng tôi lại phải quản lý nhóm đối tượng rất phức tạp là người nghiện nên rất khó".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cung cấp thông tin, hiện cả nước có 60.000 người nghiện đang được quản lý tập trung tại các trại cai nghiện, trong đó có 17.000 người phải cai nghiện bắt buộc theo quyết định của toà án, hầu hết là không có gia đình, nơi cư trú.
Người trả lời chất vấn phân trần, việc đưa các đối tượng vào cơ sở cai nghiện tập trung là điều không mong muốn nhưng không thể không làm vì những người này đã qua quá trình cai nghiện tại cộng đồng, gia đình không thành công nhưng nói là tự nguyện cai nghiện cũng không đúng, hầu hết chỉ là gia đình tự nguyện đưa con em vào trại chứ bản thân người nghiện không tự nguyện.
Hiện tượng đập phá trại cai nghiện đã xảy ra ở nhiều như ở Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Tây Ninh... theo Bộ trưởng Dung, do việc thực hiện chính sách cai nghiện tại một số nơi không đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ. "Nhiều địa phương vì để làm trong sạch địa bàn nên cứ người nào sử dụng ma tuý là đưa vào đây trong khi đáng ra phải phân biệt người nghiện với người sử dụng, người có nơi cư trú hay không. Điều đó dẫn đến hiện tượng trại cai nghiện quá tải" - ông Dung nói.
Bộ trưởng dẫn chứng, vụ "phá trại" ở Đồng Nai, cơ sở này đáng ra chỉ có thể đáp ứng việc sinh hoạt, quản lý 500 học viên nhưng số người thực tế đưa vào tới hơn 1.400 người. Cơ sở vật chất của trại thì tận dụng từ thời Mỹ - Nguỵ để lại, không đảm bảo dẫn đến sự bức bối của học viên. Do sự hạn chế này, trại buộc phải để cả những người vừa vào cai ở chung với người đã xong giai đoạn cai bắt buộc, thực hiện xong bản án của toà án. Điều này tạo điều kiện cho các nhóm đối tượng lôi kéo, kích động nhau phá trại.
Ông Dung phân tích: "Ở những cơ sở cai nghiện, tình hình phức tạp khi có tới 35-45% các học viên là người có tiền án, tiền sự, thậm chí là những đối tượng cộm cán, đã qua tù đày. Những người này hay lôi kéo xúi giục những người ở cùng gây hỗn loạn trong trại".
Ngoài ra, Bộ trưởng Lao động cũng nêu những khó khăn về chính sách pháp luật, như vấn đề chế tài với các học viên có phá trại hiện không có gì ngoài việc tìm, vận động đưa đối tượng trở lại trại...
"Sau khi việc xảy ra tại Đồng Nai, dẫn đến Vũng Tàu, tôi đến nơi tìm hiểu, có hỏi các em lý do vì sao phá trại thì ai cũng nói là cứ tìm đường ra đã, có gì cùng lắm cũng bị bắt đưa lại trại thôi, có gì đâu" - ông Dung than.
Các Bộ trưởng cùng tham gia "chia lửa" với Bộ trưởng Lao động tại phiên chất vấn.
Thách thức khác là lực lượng làm công tác cai nghiện rất mỏng. Ở trại cai nghiện Đồng Nai, dù được tăng cường thêm 30 cán bộ so với trung bình thì tính trung bình mỗi cán bộ cũng phải phục vụ ít nhất 10 học viên, trong khi ở gia đình, cả nhà phụ trách 1 người nghiện có khi đã mệt. Việc tìm người vào làm tại các trung tâm cai nghiện cũng khó khăn khi lương trả chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng trong khi bao nhiêu khó khăn, nguy hiểm rình rập.
Cán bộ làm công việc trong trại cai nghiện lại không được trang bị bất cứ công cụ gì để đảm bảo an toàn cho chính mình trong khi các đối tượng chỉ tìm cách bới móc, kích động làm cán bộ nóng lên một chút là tạo cớ cho họ hành động manh động.
"Ở nhiều nước, nhiệm vụ đảm bảo hoạt động cai nghiện được giao cho các cơ quan tư pháp nhưng ở Việt Nam, việc này được giao Bộ Lao động. Một ngành dân sự lại quản lý nhóm đối tượng rất phức tạp thế này nên rất khó. Chúng tôi chỉ có công an hỗ trợ chỉ ở vòng ngoài, còn từ cổng trại vào là phải tự đảm nhận hết, khi có vấn đề xảy ra, trong trại báo ra thì công an mới can thiệp" - Bộ trưởng nêu một trong 5 vướng mắc trong quy định pháp luật mà ngành đã tổng kết.
P.Thảo
Theo Dantri
Tuần tới những Bộ trưởng nào sẽ trả lời chất vấn? Theo thông báo của Tổng thư ký Quốc hội, ngày mai (17.4) phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ sẽ khai mạc. Điểm đáng chú ý tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành một ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là người đăng đàn đầu tiên...