Thừa nhận máy dỏm, công ty bất ngờ cam kết thay máy mới cho tàu 67
Sau nhiều lần đổ lỗi máy tàu hư hỏng do ngư dân không biết sử dụng, theo thông tin của Dân Việt vừa nắm được, Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (tại TP Hồ Chí Minh) đã bất ngờ nhận trách nhiệm về mình và cam kết thay toàn bộ máy mới.
Tàu 67 vừa hạ thủy đã hỏng khiến ngư dân Bình Định lao đao. Ảnh: NVCC
Mất 1 đến 3 tháng để thay máy mới
Chiều nay (10.6), trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Văn Nguyện- Chánh Văn phòng Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết: “Công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát (tại TP Hồ Chí Minh) đã có văn bản đồng ý thay máy mới Mitsubishi cho ngư dân đóng tàu 67 bị hỏng máy tại Bình Định”.
Theo văn bản này, ông Lê Hoàng Phong- Giám đốc công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát cho hay: “Vừa qua, công ty chúng tôi có ký hợp đồng kinh tế với công ty TNHH MTV Nam Triệu về cung cấp 2 loại động cơ máy chính cho tàu thủy hiệu Mitsubishi có Model S6R2-MPTA công suất 940HP số lượng 4 chiếc, S6R-MPTA công suất 811HP (6 chiếc). Khi đưa vào sử dụng chúng tôi mới biết loại máy này không phù hợp với tàu cá của ngư dân”.
“Với trách nhiệm là đơn vị cung cấp máy, tôi cam kết chịu trách nhiệm thay lại toàn bộ máy tàu thủy mới chính hãng Mitsubishi cho các tàu đã lắp đặt máy của chúng tôi, tàu do công ty TNHH MTV Nam Triệu thi công trong vòng 1-3 tháng”- ông Phong khẳng định.
Tổ thẩm định kiểm tra máy hư hỏng cho ngư dân. Ảnh: Dũ Tuấn
Sự việc nhận trách nhiệm của công ty này đã khiến nhiều ngư dân và lãnh đạo tại Bình Định bất ngờ. Bởi lẽ, cách đây không lâu tại cuộc họp với UBND tỉnh Bình Định (ngày 10.5), vị đại diện công ty TNHH TM XNK Hoàng Gia Phát đã liên tục khẳng định máy Mitsubishi là mới 100% và có ý đổ lỗi do ngư dân chưa biết sử dụng?.
Video đang HOT
Trước thái độ “ngang ngược” của vị đại diện đơn vị cung cấp máy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã phản rất ứng gay gắt.
“Nếu mình cung cấp máy tốt thì chẳng sợ ai cả. Tôi khẳng định, ông đang mị dân. Các ông lấy lý do thiết kế và thẩm định khác nhau để lừa dân chăng(?). Những việc tốt cho người dân không làm, lại đi lợi dụng sơ hở của dân. Như vậy là làm ăn không có đạo đức”- ông Châu khẳng định.
Thép “dỏm”, máy không phải chính hãng!
Mặc dù, phía công ty đã cam kết thay máy mới, song một vấn đề mà ngư dân lo lắng hiện nay là, với vật liệu là thép dỏm phải xử lý thế nào?. Việc nhiều tàu 67 của ngư dân Bình Định đã bị công ty TNHH Đại Nguyên Dương tự ý thay thép Hàn/ hật bằng thép Trung Quốc không đúng với hợp đồng sẽ được xử lý thế nào. Việc làm thiếu trách nhiệm của công ty với con tàu trị giá gần 20 tỷ đồng ai sẽ chịu trách nhiệm. Theo các ngư dân, việc phải tháo thép đóng mới thì tốn rất nhiều thời gian, tổn thất nằm bờ, nợ ngân hàng ai sẽ đền bù cho ngư dân hay họ phải bỏ tàu để ôm đống hồ sơ kiện ra tòa?. Hiện nay, ngư dân và doanh nghiệp vẫn chưa thỏa thuận được trong khi đó số tiền nợ ngân hàng vẫn đang “giục” ngư dân trong nỗi lo.
Ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho biết: “6 ngày qua, Tổ giám định của UBND tỉnh kiểm tra 18 tàu hư hỏng đã có được những kết quả ban đầu. Dự kiến ngày 20.6, sẽ báo cáo kết quả rộng rãi để tìm hướng giải quyết”.
Theo kết quả ban đầu, Tổ thẩm định ghi nhận vỏ tàu bị gỉ sét, chất lượng thép không đúng theo hợp đồng (thay thế thép Hàn/Nhật bằng thép Trung Quốc), sơn không đảm bảo theo quy trình, máy tàu không phải chính hãng Mitsubishi và linh kiện bên trong máy không phù hợp, thiết bị hàng hải chưa đúng thiết kế. Chất lượng con tàu chưa đảm bảo và việc giám sát của chủ tàu chưa phù hợp.
Chuyên gia Hàn đang kiểm tra máy cho ngư dân Bình Định. Ảnh:D.T
Theo ông Hổ, cơ sở đóng tàu thiếu trách nhiệm trong việc bảo hành bảo dưỡng không làm đúng theo hợp đồng với ngư dân. Đặc biệt, Sở NNPTNT vào xưởng đóng tàu kiểm tra giúp ngư dân thì phía cơ sở đóng tàu lại từ chối.
“Tỉnh Bình Định thẩm định tàu tốn rất nhiều tiền. Sau khi có kết quả của Tổ thẩm định, đề nghị cơ sở đóng tàu, nếu máy hư hỏng thì phải thay máy mới chứ không sửa, sơn chưa đúng quy trình phải sơn lại cho đảm bảo, thiết bị hàng hải chưa đảm bảo đề nghị các cơ sở dóng tàu sửa chữa. Đồng thời, phải bồi thường chuyến biển và trách nhiệm trả nợ ngân hàng do lỗi kỹ thuật từ cơ sở đóng tàu gây ra khiến ngư dân nằm bờ”- ông Hổ yêu cầu.
Bộ NNPTNT tạm đình chỉ tiếp nhận hợp đồng mới đối với 2 công ty Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: “Đối với 18 con tàu bị hư hỏng của tỉnh Bình Định, với trách nhiệm của mình thì Bộ NNPTNT hoàn toàn nhất trí với đề xuất UBND tỉnh. Bộ quyết định tạm đình chỉ việc nhận thêm hợp đồng đóng mới đối với 2 doanh nghiệp đóng tàu là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu để 2 cơ sở này có trách nhiệm cùng địa phương khắc phục sự cố lỗi của 18 con tàu. Những con tàu có vỏ bị gỉ sét do chất lượng thép không đúng theo hợp đồng thì cơ sở đóng tàu phải thay thép mới theo đúng hợp đồng. Với mẫu tàu không đảm bảo mới nguyên chiếc thì phải thay máy mới và 2 doanh nghiệp phải có trách nhiệm cùng địa phương khắc phục”.
Theo Danviet
Tàu vỏ thép "67" chưa được năm đã hư hỏng, ngư dân cầu cứu
Hàng loạt tàu cá vỏ thép (đóng mới theo NĐ 67/CP) của ngư dân Bình Định vừa bàn giao và đưa vào sử dụng vào năm 2016, nhưng đã bị hư hỏng liên tục, đành nằm bờ chờ sửa chữa. Ngư dân đang "ngồi trên, đống lửa" khi đối diện khoản nợ hàng chục tỷ đồng với ngân hàng.
Tàu vỏ thép BĐ-99086 đang nằm bờ tại Cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) vì hư hỏng.
Theo ngư dân Đinh Công Khánh (trú thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát; chủ tàu vỏ thép BĐ-99086), tàu ông được đóng tại Xí nghiệp đóng tàu của Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng, gọi tắt là Công ty Nam Triệu), trị giá hơn 18,5 tỉ đồng, gồm cả ngư lưới cụ. Tàu được hạ thủy vào tháng 9.2016 và đến tháng sau, ông cho tàu đi chuyến biển đầu tiên ở ngư trường Trường Sa theo lịch trình 30 ngày.
Thế nhưng, mới đánh bắt được 10 ngày, hơn 1.200 cây đá ướp cá để trong hầm đã tan do bị lỗi, đành phải đưa tàu quay về Cảng cá Đề Gi (Bình Định) để sửa. Chuyến biển đó, ngư dân Khánh lỗ hơn 200 triệu đồng. Đầu tháng 2 (âm lịch năm 2017), ông tiếp tục ra ngư trường Trường Sa nhưng mới vừa ra cửa biển Đề Gi, hộp số máy chính của tàu đã bị hỏng!
"Thuyền trưởng đưa tàu về cảng cá, đợi sửa cho đến nay. MùaVụ cá Nam đang vào chính vụ mà chưa biết bao giờ máy mới sửa xong. Trong khi công ty đóng tàu không tích cực sửa chữa, biết lấy đâu ra tiền để trả lãi ngân hàng? Ngư dân chúng tôi quá lo lắng" - ông Khánh giãi bày.
Đến tàu vỏ thép BĐ-99016 (940 CV, trị giá 18,7 tỉ đồng) của ngư dân Lê Văn Thãi (ở thôn An Quang Tây, xã Cát Khánh, Phù Cát; do Công ty Nam Triệu đóng) cũng bị hư hỏng liên tục. Tàu hạ thủy vào tháng 7.2016, đến trước Tết Nguyên đán 2017, tàu đi được 2 chuyến biển nhưng lần nào cũng xảy ra tình trạng bong bật mối hàn ở một số vị trí, song tự khắc phục được. Đầu tháng 4.2017, ông Thãi chuẩn bị cho chuyến biển thứ 3, phát hiện máy chính bị hỏng, bộ đề để khởi động máy phát điện và thiết bị giải nhiệt cho máy cũng không hoạt động được!
"Tàu nằm bờ vừa không có thu nhập, vừa không có tiền trả lãi. Một số bạn tàu của tôi rục rịch bỏ sang tàu khác. Riêng tôi chỉ biết dậm chân tại chỗ chờ sửa chữa..." - ông Thãi than thở.
Theo UBND xã Cát Khánh (Phù Cát), toàn xã hiện có 9 tàu vỏ thép do Công ty Nam Triệu đóng, đến nay 9/9 tàu đều xuất hiện tình trạng hỏng hóc.
Tàu cá vỏ thép hư hỏng nằm bờ tại Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định) chờ sửa chữa để vươn khơi.
Tình cảnh "khóc mếu" tương tự là tàu vỏ thép BĐ-99018 của ngư dân Võ Tuân (huyện Phù Mỹ) đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương, mới được bàn giao và sử dụng vào tháng 4.2016. Hiện nay vỏ tàu, mặt boong, ca bin, trang thiết bị trên boong tàu gỉ sét, bong tróc, xuống cấp trầm trọng; phần van ống bị gỉ sét, xuống cấp, kết dầu bị hỏng, chảy dầu; đường dẫn nước biển làm mát máy bị hỏng, chảy nước vào tàu,...
Cơ khổ không kém là tàu cá BĐ-99179 của ngư dân Mai Văn Chương (huyện Phù Cát) đóng tại công ty TNHH Đại Nguyên Dương, được sử dụng tháng 8.2016. Hiện vỏ tàu, mặt boong, ca bin, trang thiết bị trên boong tàu đều gỉ sét, bong tróc, xuống cấp trầm trọng; tủ điện hoạt động không ổn định; tăng phô điện bị cháy 6 cái; van buồng máy bị gỉ, đứt, chảy nước vào tàu; đầu máy dò cát bị hỏng không hoạt động được...
Theo ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định, đơn vị đã nhận được 10 đơn "la làng" của ngư dân về tình trạng tàu vỏ thép bị hư hỏng liên tục và việc sửa chữa không kịp thời của các cơ sở đóng tàu thuộc công ty TNHH Đại Nguyên Dương và công ty TNHH MTV Nam Triệu.
"Hiện nay, Sở NNPTNT Bình Định đã thành lập đoàn kiểm tra từng tàu của các ngư dân gởi đơn "cầu cứu" và khẳng định thực tế có hư hỏng. Nhưng đến bây giờ, chưa xác định được ai đúng, ai sai? Chủ tàu và 2 công ty trên sẽ làm rõ hư hỏng chi tiết để tìm tiếng nói chung. 2 công ty phải giải quyết dứt điểm, nếu không thì chúng tôi sẽ báo cáo UBND tỉnh Bình Định thành lập đoàn kiểm tra, báo cáo Bộ NNPTNT và mời đơn vị thẩm định để giải quyết dứt điểm cho ngư dân" - ông Hổ khẳng định.
Ông Nguyễn Trà Dương - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Định cho hay: "Hiện, có 11 ngư dân vay vốn từ các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đóng tàu đã quá hạn nhưng vẫn không trả được nợ. Việc trả nợ không đúng kỳ hạn, dẫn đến toàn bộ dư nợ sẽ bị chuyển đến sang nhóm nợ quá hạn; đồng nghĩa với việc ngư dân sẽ không được Nhà nước hỗ trợ lãi suất. Do vậy, chúng tôi đề nghị Ban chỉ đạo thực hiện NĐ 67/CP của tỉnh có văn bản đề nghị Bộ NNPTNT khảo sát, đánh giá lại năng lực tài chính, chuyên môn của các cơ sở đóng tàu. Công bố kết quả cho các đơn vị liên quan biết để tư vấn cho ngư dân, tránh tình trạng ngư dân thiếu thông tin khi lựa chọn cơ sở đóng tàu, dẫn đến chất lượng tàu không đạt yêu cầu, vừa tốn chi phí đầu tư, mất thời gian sửa chữa".
Theo Danviet
Sẽ xử lý doanh nghiệp lấn chiếm vỉa hè ở TP.Vinh Trước dư luận, báo chí phản ánh tình trạng nhiều điểm vỉa hè dành cho người đi bộ ở TP.Vinh (Nghệ An) bị doanh nghiệp lấn chiếm, lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị TP.Vinh cho biết sẽ tiến hành xử lý. Ngày 20 và 21.4, Dân Việt liên tiếp phản ánh về việc TP.Vinh ra quân giành lại vỉa hè, hàng nghìn...