“Thưa mẹ con đi” và nỗi niềm của những chàng trai mang trên vai trọng trách gánh vác gia đình
Bằng một cách dung dị và chân thành, bộ phim đã gửi đi tiếng lòng đầy chua xót mà những người trong cộng đồng LGBT mong muốn được thấu hiểu.
Điện ảnh đã dạy chúng ta rằng “Quyền lực càng lớn thì trách nhiệm càng cao”. Đó không phải sự lựa chọn mà là bổn phận mỗi cá nhân cần hướng đến. Nhưng trong nhiều trường hợp nó lại trở thành gánh nặng hay nỗi lo thường trực đẩy con người vào sự bế tắc không nói nên lời.
Văn hóa phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng thường đề cao vai trò của người đàn ông trong gia đình, đi kèm với đó là những mong muốn, kỳ vọng của người thân. Vậy sẽ thế nào khi người con trai đó đi ngược lại với những giá trị mà các thế hệ đi trước theo đuổi? Đó chính là nỗi niềm đau đáu của Văn và của tất cả những con người giống như anh mà Thưa mẹ con đi khao khát được truyền tải.
Văn là trưởng nam, là cháu đích tôn của gia đình. Anh đã được định sẵn là người sẽ thừa hưởng tất cả tài sản và có trọng trách lèo lái con thuyền kinh doanh lẫn tương lai của cả gia đinh. Thế nhưng đó vẫn chưa phải là sự kỳ vọng lớn nhất. Cũng giống như bao chàng trai khác, Văn bị mọi người giục cưới vợ, sinh con đẻ cái để kế tục truyền thống gia đình.
Với những người khác đây vốn dĩ đã là điều mà không ai mong muốn. Thế nhưng với những người đồng tính, cảm giác khó xử, bối rối khi bị hỏi cưới còn lớn hơn gấp hàng trăm nghìn lần, vì sâu trong đó còn là nỗi dằn vặt do đã không hoàn thành đúng thiên chức của người con trai, đã phụ công kỳ vọng của gia đình.
Chúng ta có thể cảm thấy Văn như đang mắc kẹt trong chính cuộc sống của mình. Một bên là những mong mỏi từ gia đinh thấm nhuần tư tưởng của người phương Đông, còn một bên là ước muốn của bản thân và người yêu theo lối suy nghĩ hiện đại của văn hóa phương Tây. Sự xung khắc về lối sống, lối nghĩ này như hai gọng kìm bóp nghẹt trái tim khán giả khiến ai cũng nghẹn lòng vì thương cảm cho sự bế tắc mà Văn đang phải đối mặt.
Trong Thưa mẹ con đi, Văn không chỉ mâu thuẫn trong suy nghĩ với các thành viên trong gia đình, mà còn với cả chính người yêu Ian.
Hình mẫu nhân vật Văn được xây dựng rất đời thường và gần gũi như bao cá nhân khác. Anh xuất thân từ vùng quê Nam Bộ với một gia đình kiểu mẫu, đầy đủ các thế hệ chung sống dưới một mái nhà. Tuổi thơ anh cũng giống như bao đứa trẻ khác, có những buổi áo trắng đến trường và cả những phút giây nghịch ngợm, bồng bột của con nít. Lớn lên Văn lại có điều kiện đi du học, vậy nên trong anh là sự hòa trộn giữa văn hóa phương Đông và phương Tây.
Trái ngược với Văn, gia cảnh của Ian lại không được đề cập đến nhiều ngoài chi tiết anh sang Mỹ từ năm 15 tuổi. Thế nhưng từ cách ăn nói, sinh hoạt cho tới suy nghĩ của Ian đều đặc sệt một chất phương Tây. Do đó khi mẫu thuẫn giữa Văn và Ian xuất hiện, đó chính là mẫu thuẫn giữa phương Đông và phương Tây.
Người phương Đông thường quan tâm nhiều đến gia đình, luôn đặt lợi ích của gia đình lên trên hết. Còn người Tây lại biết cách quan tâm đến bản thân mình hơn. Đó là lý do tại sao Văn luôn chần chừ khi tiết lộ bí mật của mình với mẹ, còn Ian thì luôn giục người yêu tâm sự với gia đình để cả hai được sống thật thoải mái, thậm chí còn không ngần ngại nói về chuyện tình yêu đồng giới với bà nội.
Dù ít hay nhiều, mỗi khán giả đều có thể nhìn thấy được gánh nặng mà Văn đang đặt trên vai. Đó không chỉ là nỗi niềm của những người đồng tính nói riêng mà còn của thế hệ trẻ nói chung khi phải đấu tranh cho những mong muốn, đam mê của mình dù có đi ngược lại với sự kỳ vọng của gia đình. Chính vì lẽ đó, Thưa mẹ con đi không chỉ đơn thuần là một bộ phim tình cảm dành cho cộng đồng LGBT mà còn là tác phẩm điện ảnh thấm đẫm giá trị gia đình.
Trailer Thưa mẹ con đi
Theo yeah1.vn
Trăm câu hỏi "lấy vợ chưa con?" cũng không khổ bằng cảnh chàng gay bị "gài vợ" trong "Thưa Mẹ Con Đi"
"Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên", ấy vậy mà anh chàng Văn trong "Thưa Mẹ Con Đi" bị chú Tám hàng xóm gài cho một cô vợ trên trời rơi xuống.
Chuyện cưới hỏi đối với những thế hệ đi trước chúng ta, đôi khi giống như chuyện buôn bán, hơn thua nhau ở cái "gài hàng". Văn (Lãnh Thanh) - anh chàng đẹp trai trong Thưa Mẹ Con Đi bị một ông chú trong xóm "gài" cưới con gái, nhẹ bẫng như một nụ cười. Bởi vậy mới thấy, những câu hỏi thăm xã giao như: "Lấy vợ chưa con?" mới chỉ là màn "dạo đầu" cho một màn tra tấn cưới xin cực kỳ căng thẳng mà thôi.
Nhà sản xuất Thưa Mẹ Con Đi tiết lộ hẳn một cảnh quay được cắt từ trong phim. Với nội dung, tiết lộ cảnh Văn bị chú Tám gài hàng, gả con gái mình cho cậu. Trước mặt mẹ Văn, (Hồng Đào), chú Tám liên tục hối thúc Văn lấy vợ. Thậm chí người chú duyên dáng còn hỏi thẳng rằng liệu Văn và Ian có phải về Việt nam để tìm vợ không? Sẵn tiện, chú mai mối luôn cho Văn cô con gái của mình, mặc cho hai chàng trai ngượng chín cả mặt.
Hai chàng trai chẳng biết phản ứng thế nào ngoài việc cười gượng gạo.
Đoạn phim tưởng như hài hước, nhưng lại là một trường đoạn làm khó các nhân vật, kể cả dàn diễn viên. Đặc biệt là anh chàng Võ Điền Gia Huy. Nam diễn viên chia sẻ: "Đó là một tình huống tôi chưa bao giờ trải qua ngoài đời nên không biết phải thể hiện cảm xúc của nhân vật ra sao. Ngay trước mặt mình, người yêu mình lại bị người khác giục cưới và mai mối cho một cô gái khác. Nhân vật Ian khi đó vừa ái ngại, vừa tủi thân. Lúc nhập vai, có một thứ gì đó nhen nhóm trong tôi. Tôi nửa muốn che giấu chuyện tình của mình, nửa muốn bạn trai mình công khai tình yêu thật nhanh để mọi người hiểu anh ấy là của tôi".
Cô con gái của chú Tám giận điên người khi bố "gài" người khác cưới mình.
Theo đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ, đoạn trích ngắn nhưng mang theo cả tinh thần của phim. Ai xem cũng sẽ hiểu rằng nhân vật đang bị đặt vào một tình huống rất khó xử. Nhưng oái oăm làm sao, thứ làm nên áp lực nghẹt thở đó, chỉ là những lời hỏi han bình thường giữa những người hàng xóm với nhau. Thậm chí, ông Tám thậm chí còn vừa nói vừa cười được, khi thốt ra những câu hỏi thăm bông đùa, nhưng nặng cả ngàn cân như vậy. Từng câu nói "mang ý tốt" như nặng hàng tấn, đè lên tâm trí đang ái ngại, tủi thân của bạn trai Văn - Ian, vốn đang mang trong mình một tình yêu không được công nhận.
Trích đoạn Văn của "Thưa Mẹ Con Đi" bị ép gả cưới
Lãnh Thanh hài hước chia sẻ về cảnh quay này của mình: "Khi diễn cảnh quay bị chú Tám gài hàng, tôi thầm nghĩ: Thì ra những câu hỏi 'Có người yêu chưa', 'Bao giờ lấy vợ' của làng xóm chẳng thấm tháp gì so với tình cảnh này của Văn!".
Thôi thì dẫu sao, hàng xóm láng giềng có quan tâm mới hỏi thăm, thậm chí là góp phần mai mối cho chúng ta. Chỉ là đôi lúc những thành ý ấy lại vô tình đưa ra không đúng thời điểm, đúng lúc khiến người nghe và cả gia đình phải khó xử mà thôi.
Thưa Mẹ Con Đi sẽ ra rạp phục vụ khán giả kể từ ngày 16/08.
Theo Helino
'Thưa mẹ con đi' tung trailer căng thẳng về chuyện tình đồng tính nhưng lại gây sốt vì câu hỏi: 'Muốn nằm trên hay nằm dưới' Bộ phim điện ảnh đam mỹ Thưa mẹ con đi công bố trailer chính thức, hé mở những căng thẳng trong mối quan hệ đồng giới và đối mặt với việc come-out gia đình. Thưa mẹ con đi là bộ phim điện ảnh Việt Nam sẽ ra rạp vào giữa tháng 8/2019 với bức tranh gia đình song song cùng câu chuyện tình...