‘Thưa mẹ con đi’ tung trailer căng thẳng về chuyện tình đồng tính nhưng lại gây sốt vì câu hỏi: ‘Muốn nằm trên hay nằm dưới’
Bộ phim điện ảnh đam mỹ Thưa mẹ con đi công bố trailer chính thức, hé mở những căng thẳng trong mối quan hệ đồng giới và đối mặt với việc come-out gia đình.
Thưa mẹ con đi là bộ phim điện ảnh Việt Nam sẽ ra rạp vào giữa tháng 8/2019 với bức tranh gia đình song song cùng câu chuyện tình cảm đồng giới giữa hai nhân vật nam. Chuyện phim xoay quanh hai anh chàng Việt kiều trở về nước thăm gia đình. Sẽ là một hành trình đầy cảm xúc yên bình giữa không khí làng quê, khác xa với nhịp sống ồn ào lạnh lẽo nơi phố thị nước ngoài, nếu như mối quan hệ tình cảm ‘khác biệt’ của họ không bị hỏi đến.
“Thưa mẹ con đi” tung trailer căng thẳng về chuyện tình đồng tính nhưng lại gây sốt vì câu hỏi: ‘Muốn nằm trên hay nằm dưới’
Mẹ và bà của Văn ( Lãnh Thanh) đón tiếp cậu bạn Ivan ( Võ Điền Gia Huy) đầy nồng ấm. Thế nhưng, sự thân thiết quá mức của hai người, kèm theo đó là những lời thúc giục Văn cưới vợ sinh con đã khiến họ phải khó xử. Vai diễn người mẹ do nghệ sĩ Hồng Đào thể hiện vừa mang đến tình thương mẫu tử nhưng vẫn cứng rắn về việc con trai đích tôn, có cháu nối dõi tông đường.
Nếu như trong teaser trailer được công bố trước đó mang đến không khí dễ thương ngọt ngào đậm vị đam mỹ, thì trailer chính thức lại khiến người xem nghẹn lòng vì áp lực gia đình, bà con láng giềng cho mối quan hệ tình yêu đồng giới. Nói như một nhân vật trong phim: ‘ Hai đứa nó yêu nhau cũng không sao, quan trọng là mẹ nó nghĩ gì‘. Rõ ràng, khi đối mặt với việc come-out, công khai mình là người đồng tính và giới thiệu hẳn bạn trai của mình với mẹ, với bà, với mọi người là điều không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là bước ngoặt lớn của cuộc đời Văn.
Hai lời thúc giục Văn lên tiếng của người yêu: “ nói chuyện này với mẹ” và mẹ anh: “ nói mọi người con tính tương lai thế nào” có hai ý nghĩa khác nhau. Nhưng cả hai đều đẩy Văn vào thế khó xử. Liệu anh sẽ nói lên tiếng lòng, công khai bản thân mình vào giây phút nào?
Nam diễn viên Lãnh Thanh bày tỏ cảm xúc khi vào vai Văn: “ Tôi thường tự nhủ phải đặt mình vào nhân vật để diễn tròn vai. Nhưng trường hợp của nhân vật Văn không phải ai cũng gặp. Khi cậu dẫn người yêu về nhà, cả nhà chào đón Ian nhưng như một người bạn của Văn, bà nội Văn thì lại nhận nhầm Ian là cháu đích tôn của mình và cưng chiều Ian hết mực. Ấy vậy mà Văn vẫn chưa thể công khai tình yêu, nói với gia đình, với người mẹ thương mến rằng đó là người cậu ấy yêu thương nhất“.
Chính việc cài cắm những khoảnh khắc lãng mạn giữa Văn và Ian lại càng làm nổi bật những xung đột, đấu tranh nội tâm trong chính bản thân nhân vật. Anh nửa muốn bảo vệ tình yêu khỏi hoài nghi từ bà con, nửa muốn công khai bản thân, tình yêu với mẹ mình. Trước sự thúc giục của Lan: “ Rồi anh tính khi nào mình nói chuyện này với mẹ?”, Văn chỉ biết câm lặng vì lời nói của những người thân : “Cái quan trọng là phải có trưởng nam trong nhà, không có con là không được đâu nghen”, “Cưới vợ đi rồi đẻ đứa con, để mẹ con có cháu ẵm bồng”, “Bây giờ con nói cho mọi người biết là con sẽ tính tương lai làm sao, nói lớn lên nha“…
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ: “ Đặt nhân vật đồng tính vào bối cảnh gia đình, tôi không chỉ tập trung vào đề tài tình yêu mà mong muốn khai thác sâu mối quan hệ giữa con cái và bố mẹ. Sự thấu hiểu, cảm thông là điều cần có ở bất cứ mối quan hệ cha mẹ – con cái nào. Nhưng với người đồng tính, điều đó khó khăn hơn rất nhiều. Họ sợ không thể lập gia đình sinh con, đền đáp công ơn cha mẹ, khiến cha mẹ đau lòng; còn bậc cha mẹ thì ngoài nỗi buồn không làm tròn bổn phận với dòng tộc thì lớn hơn cả là nỗi sợ con mình bị mọi người kỳ thị, coi thường“.
Thế nhưng suy cho cùng, những xung đột với bà con và xã hội cũng quy lại thành sự rạn vỡ trong gia đình. Là người mẹ dành tình thương và sự kỳ vọng tột bậc cho đứa con trai duy nhất, nhân vật của Hồng Đào vừa muốn bảo vệ con khỏi những cái nhìn phản đối, khinh miệt của người ngoài; vừa giận vì những sự thật con trai mình còn giấu diếm.
Trailer bộ phim Thưa Mẹ Con Đi đã cho thấy diễn xuất dạn dày kinh nghiệm của nữ diễn viên khi khắc họa chân dung người mẹ truyền thống giờ đây phải cùng con trai đối mặt với những bước ngoặt. Bà chưa sẵn sàng có thêm một người con trai, nhưng cũng không bao giờ muốn mất đi đứa con duy nhất. Tâm trạng ngổn ngang của người mẹ khi tưởng chừng sắp có con dâu lại bỗng dưng có thêm một cậu con trai chắc chắn sẽ khiến khán giả đồng cảm….
Một chi tiết khá thú vị đã phá vỡ bầu không khí nặng nề của trailer, là khi hai nhân vật hỏi nhau ‘ Em muốn nằm trên hay nằm dưới?‘. Dẫu biết đó là câu hỏi cho vị trí chỗ ngủ (trên giường hay dưới đất) nhưng cách dịch ẩn ý của phụ đề tiếng Anh thể hiện ‘ top or bottom‘ cũng ngầm đặt ra câu hỏi về vị trí tình cảm hai nhân vật nam đồng tính.
Thưa Mẹ Con Đi là hành trình trở về từ nước Mỹ nơi Văn và Ian đang tự do chung sống và bộc lộ tình cảm, về lại nơi quê hương có gia đình của Văn yêu thương chờ đợi, nhưng cũng đầy những định kiến và nghĩa vụ phải lấy vợ sinh con đè nặng lên vai người cháu đích tôn của dòng họ. Liệu cái kết nào dành cho chuyện tình yêu của hai chàng trai? Bí mật nào còn che giấu trong lòng người mẹ? Khi những xung đột nội tâm của nhân vật càng được đẩy lên cao, khán giả sẽ tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc và rung động trước những cảm xúc chân thành. Phim dự kiến khởi chiếu từ ngày 16/8 trên toàn quốc.
Theo saostar
Phim lấy chủ đề tình yêu đồng tính tại Việt Nam: Bao giờ hết bi kịch?
Bi kịch vẫn là cái kết phổ biến nhất trong các bộ phim lấy đề tài tình yêu đồng tính tại Việt Nam. Điều đó không khó hiểu vì kết thúc buồn thường để lại nỗi ám ảnh cho người xem, đồng thời phản ánh một xã hội chưa hoàn toàn mở lòng với cộng đồng LGBT.
Tình yêu đồng tính, cộng đồng LGBT thường được thể hiện qua cái nhìn dị thường trên màn ảnh rộng. Nếu không phải những vai diễn hài, lố, thái quá trong các phim điện ảnh, người ta lại thấy người đồng tính sống cuộc đời gai góc, trái ngang. Bi kịch vẫn là cái kết phổ biến nhất trong các bộ phim lấy đề tài tình yêu đồng tính tại Việt Nam. Điều đó không khó hiểu vì kết thúc buồn thường để lại nỗi ám ảnh cho người xem, đồng thời phản ánh một xã hội chưa hoàn toàn mở lòng với cộng đồng LGBT.
Trên thế giới, chủ đề tình yêu đồng tính cũng từng được thể hiện gai góc qua vô vàn bộ phim. Tác phẩm Bridegroom từng khiến khán giả đại chúng rùng mình bởi sự kỳ thị và bạo liệt từ chính những bậc cha mẹ người đồng tính. Người bố thậm chí kề súng vào đầu và tấn công con trai mình chỉ vì anh là gay. Thế nhưng, đó không phải cách thể hiện duy nhất của những tình yêu khác biệt trong xã hội.
"Tại sao người đồng tính phải come out?", câu hỏi của Simon trong Love, Simon khiến khán giả đại chúng phải suy nghĩ. Cậu cho rằng điều đó "không công bằng". Sống đúng với bản thân mình không phải lời thú nhận, càng không phải lời thú tội. Cộng đồng người đồng tính sẽ không bao giờ nhận được "sự bình đẳng" mà người ta vẫn thường rao giảng, nếu chính bản thân họ (và những người xung quanh) cho rằng cộng đồng LGBT cần thương cảm, che chở và lấy lại tiếng nói.
Đã có những bộ phim đẹp đẽ và trong sáng như Call Me by Your Name. Tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết Call Me by Your Name của nhà văn André Aciman, được cầm trịch bởi đạo diễn James Ivory nhận được sự đón nhận mạnh mẽ từ cả khán giả đại chúng lẫn giới chuyên môn. Phim nằm trong danh sách đề cử Oscar năm 2018. Không lâu sau đó, phim Love, Simon cũng ra đời và trở thành hiện tượng trên các phương tiện truyền thông thế giới và Việt Nam.
Tình yêu rực rỡ trong "Call Me by Your Name".
Trước đó, đã có những sản phẩm cùng đề tài thuộc đủ thể loại: từ phim điện ảnh đến phim ngắn, phim chiếu mạng được khán giả đón nhận. Phim chiếu mạng Thượng Ẩn của màn ảnh nhỏ Trung Quốc gây rúng động cộng đồng mạng châu Á và Việt Nam, trở thành bệ đỡ hoàn hảo cho hai tên tuổi Hứa Ngụy Châu và Hoàng Cảnh Du. Không lên gân, không bi kịch, các tác phẩm cứ thể chinh phục người xem bằng câu chuyện nhẹ nhàng, giản đơn.
Tình yêu đồng tính qua đó tiếp cận khán giả đại chúng theo cách nhẹ nhàng nhưng lôi cuốn. Theo dòng cảm xúc hoàn toàn tự nhiên, người xem chấp nhận sự kết nối của những mảnh ghép hoàn toàn đối lập: thiếu gia Hoàng Cảnh Du sống tự do, lạnh lùng, cậu học sinh Hứa Ngụy Châu hiền lành nhưng nghiêm túc; thiếu niên mới lớn Elio trong sáng, mong manh và chàng sinh viên 24 tuổi Oliver chủ động, phóng khoáng.
Những nhân vật không phải gồng mình lên trước sự kỳ thị của xã hội. Họ đơn thuần đón nhận tình yêu và tìm đến sợi dây thấu cảm với nhau và với những người thân xung quanh mình.
Giống như trong tiểu thuyết gốc của phim Call Me by Your Name, cha của Elio từng nói: "Hầu hết mọi người cứ như là có hai cuộc đời để sống vậy, một làm nháp, một hoàn chỉnh, rồi mọi phiên bản khác ở giữa. Nhưng chỉ có một mà thôi, trước khi con kịp nhận ra thì tim con đã mòn mỏi, còn thân thể con thì sẽ đến lúc chả ai thèm nhìn nữa chứ đừng nói là tới gần. Ngay lúc này thì có sầu khổ đó. Cha không ghen tị với nỗi đau. Nhưng cha ghen tị với nỗi đau của con".
Trên màn ảnh rộng Việt Nam, những tác phẩm cùng đề tài vẫn chưa thoát khỏi góc nhìn bi kịch, thậm chí, người đồng tính thường bị gắn vào những vấn nạn gai góc như mua dâm, bán dâm. Thường không có nhân vật nào thoát khỏi số phận bế tắc. Hay trong phim Song Lang, mối tình chóng vánh giữa Dũng "thiên lôi" (Liên Bỉnh Phát) và Linh Phụng (Isaac) cũng khép lại bằng chết chóc. Phim thua lỗ tại phòng vé dù được giới mộ điệu hết lời khen ngợi.
"Thưa mẹ con đi" là niềm hy vọng mới.
Mới đây, dự án Thưa mẹ con đi của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh được khán giả đại chúng chú ý. Phim nhanh chóng ghi điểm trong lòng công chúng nhờ những thước phim đẹp và thơ. Ngoài ra, màu sắc tươi sáng của phim cũng hứa hẹn về một tác phẩm lấy đề tài tình yêu đồng tính bớt lên gân và bi kịch hơn. Tuy vậy, xây dựng một bộ phim đơn giản nhưng vẫn đủ lôi cuốn là điều không dễ dàng. Bên cạnh đó, diễn xuất của hai gương mặt trẻ Lãnh Thanh và Võ Điền Gia Huy trong chủ đề lạ lẫm này cũng khiến khán giả đặt hoài nghi.
Xã hội ngày càng mở lòng với những cá nhân "sống thật". Người đồng tính không phải chỉ để mua vui hay lấy nước mắt trên màn ảnh rộng. Một bộ phim về tình yêu giữa những người đồng tính không nhất thiết phải gai góc, bi kịch, khơi gợi sự thương cảm từ khán giả. Bởi một chuyện tình giữa hai người con trai/con gái có nhiều thứ đáng để nói hơn thế.
Theo saostar
'Thưa mẹ con đi': Giản dị nhưng lôi cuốn Thưa mẹ con đi của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, một tác phẩm hòa quyện giữa chất thơ của Call me by your name và câu chuyện gần gũi của Love, Simon. Thưa mẹ con đi - giản dị nhưng lôi cuốn Gợi nhắc đến Call me by your name và Love, Simon, bộ phim Thưa mẹ con đi của đạo diễn...