‘Thưa mẹ con đi’, hơi thở đồng tính hòa quyện trong tình mẹ
Phim điện ảnh đang chiếu tại các cụm rạp Thưa mẹ con đi thổi làn gió mới về hình ảnh người đồng tính. Ở đó không còn sự yếu đuối, ủy mị, cũng không còn bị ruồng bỏ bởi cái nôi gia đình.
Trong những bộ phim trước đây, câu chuyện đồng tính, chuyện tình của người đồng tính luôn là màu đen của nước mắt, sự cùng quẫn không lối thoát. Các nhân vật bị vùi lấp bởi những dị nghị, gièm pha hoặc họ trở thành những nhân vật phụ được chèn vào nhằm mang lại tiếng cười vô nghĩa.
Văn và Ian.
Ở Thưa mẹ con đi, khán giả sẽ thấy được khung cảnh đã khác nhiều của cộng đồng LGBT (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới). Nó phản ánh đúng với hiện thực cuộc sống ngày nay rằng đã có tình thương nhưng đâu đó còn chưa hiểu rõ nên vẫn còn lăn tăn.
Hai nam chính diễn vừa phải, dàn bao quá tốt
Thưa mẹ con đi xoay quanh hai nam nhân vật chính là Văn và Ian lần lượt do Lãnh Thanh và Gia Huy thủ vai. Người tên Văn, du học và có thời gian sống tại Mỹ và Ian là một người Việt định cư tại Mỹ. Hai người gặp nhau tại đất nước cờ sao. Họ yêu nhau như một định mệnh khi Văn tình cờ đến bệnh viện và được Ian điều trị. Cả quyết định về Việt Nam, ở một vùng quê còn nhiều nét đặc trưng. Đoàn phim sở hữu bối cảnh cảnh quê chân thực với đồng ruộng, ngôi nhà xưa… Và mọi chuyện bắt đầu, lần lượt với các nhân vật mẹ, bà nội và các cô chú, anh em trong ngôi nhà ấy.
Người đồng tính không dễ “come out” với gia đình.
Mục đích ban đầu của chuyến trở về là muốn nói ra sự thật về tình yêu của hai người với mẹ và ngần ấy người trong ngôi nhà tam đại đồng đường với sự góp mặt của NSƯT Lê Thiện, nghệ sĩ Hồng Đào, diễn viên Hồng Ánh…
Phim lột tả đúng những khó khăn của người đồng tính khi quyết định “come out” (công khai) với người nhà. Văn giữ nét truyền thống, e dè và thận trọng với mọi quyết định. Ian thì lại bạo dạn hơn nhưng cũng sợ vì đây là nhà của người yêu, nó cũng khác rất nhiều với văn hóa phương Tây nhưng Ian lại cần một danh phận chính thức trong mối quan hệ này. Bên gia đình, bên người yêu, hai bên làm Văn khá mệt mỏi.
Một tình yêu nhẹ nhàng.
Phim không quá thiên vào những cảnh giường chiếu, những đoạn bày tỏ tình cảm vừa đủ chân thực… nên nhiều khán giả phải “ghen tị” trước tình yêu này. Thoại phim cũng không dùng những từ ngữ đao to búa lớn nên chuyện tình của cặp đôi trong phim cứ thế diễn ra mộc mạc, gần gũi, không huỵch toẹt trần trụi… y như tình yêu của họ.
Bên cạnh Lãnh Thanh (vai Văn), Võ Điền Gia Huy (vai Ian) thì các nhân vật trong gia đình tam đại đồng đường góp phần cho khán giả rời rạp còn bàn tán là NSƯT Lê Thiện (vai bà nội), diễn viên Hồng Ánh (vai cô Út)… Nét diễn chân thực làm phim thêm nhẹ nhàng và đời.
Nước mắt của mẹ và hai đứa con
Có lẽ nhân vật được nhớ nhiều nhất, lấy được nước mắt khán giả chính là vai mẹ do nghệ sĩ Hồng Đào đảm nhận. Đã rất lâu rồi chị mới lại xuất hiện đúng sở trường. Chị thể hiện xuất sắc vai trò của người mẹ thời hiện đại.
Lâu lắm rồi khán giả mới thấy Hồng Đào không vui nhộn kiểu gameshow.
Những đoạn quay đặc tả ánh mắt của chị khi thấy con trai và bạn của nó thân mật khiến khán giả phải ám ảnh. Người mẹ không cần con phải nói ra thì bà cũng hiểu vì đơn giản đó là con, là đứa bà rứt ruột sinh ra. Dĩ nhiên khi biết con mình đồng tính thì bất kỳ bà mẹ nào cũng sẽ có cảm xúc buồn và muốn xác định lại rằng điều đó là không đúng nhưng trong Thưa mẹ con đi, cách đón nhận đứa con trai có bạn trai khá văn minh. Dù thế nào thì đứa con vẫn là bé bỏng, vẫn cần được nuông chiều. Cảnh Văn sau lời xin lỗi, nằm co người dưới chân mẹ là phân đoạn đắt giá của phim.
Những giọt nước mắt chắc chắn đã rơi, cả người mẹ, hai đứa con và cả gia đình. Chị đã tát và bật khóc khi đứa cháu xúc phạm con mình. Chị đã khóc khi tiễn hai đứa con về Mỹ. Hai người con thì khóc vì mẹ đã là mẹ của hai đứa.
Cảnh Ian phản kháng khi bị người em họ của Văn (do Lê Công Hoàng đóng) đánh, phun nước bọt tiếp tục chứng minh người LGBT hiện tại không dễ bị tổn thương. Họ đã mạnh mẽ hơn rất nhiều. Nhưng vẫn cần có điểm tựa. Đó là gia đình, là những người thân thương nhất.
Dẫu còn vài câu thoại hơi sượng, nét diễn đôi chỗ ngô nghê của hai nam chính, Thưa mẹ con đivẫn là một bộ phim đáng nhận được những tràng vỗ tay của khán giả sau khi rời rạp bởi nó đã thổi một làn gió mới vào nền điện ảnh Việt Nam.
Trailer Thưa mẹ con đi
Theo plo.vn
Review Thưa Mẹ Con Đi: Phim gia đình "trá hình" đam mĩ, trai đẹp vẫn "hơi đơ" nhưng nhìn chúng yêu khéo lại nghiện!
Lâu rồi mới có "trai đẹp" yêu nhau trên màn ảnh rộng. Liệu Thưa Mẹ Con Đi có xuất sắc nên thơ như trailer đã nhá hàng trước đó?
Trong một bài phỏng vấn trước khi công chiếu Thưa Mẹ Con Đi, đạo diễn của bộ phim - Trịnh Đình Lê Minh đã trả lời báo chí rằng: " Tôi cho rằng trong phim của mình, những nhân vật LGBT khi họ xuất hiện, giới tính khi ấy đã chẳng còn là lựa chọn, mà nó thuộc về bản năng". Khác với các "bóng gió", "bê đê" thường bị mang ra làm cây hài chọc cười thiên hạ, những nhân vật đồng tính nam trong Thưa Mẹ Con Đi giữ mình ở phiên bản "bình thường" nhất. Ngoài ra, chính cách xây dựng tiết tấu, lẫn nội dung kịch bản cũng y hệt như cách Trịnh Đình Lê Minh xây dựng nhân vật, đây cũng là bộ phim khá "bản năng" và mang đậm cái tôi cá nhân.
Thưa Mẹ Con Đi cho khán giả nhiều "nội dung" hơn cả một bộ phim đam mĩ đơn thuần.
Chúng ta sống hiện đại, không có nghĩa là được quyền bỏ qua những giá trị truyền thống
Đạo diễn và nam chính Gia Huy cùng xem lại một shot quay.
Nếu từng hi vọng về một tác phẩm "đam mĩ" thuần tuý, nghĩa là sẽ có hai chàng trai yêu nhau cuồng say, yêu nhau bất chấp sự phản đối dư luận, cả hai sẽ có đôi ba góc quay ... có trong Thưa Mẹ Con Đi thì hẳn bạn đã lầm. Đây là bộ phim gia đình có yếu tố tình yêu đồng tính chứ không hề đam mĩ. Bởi đơn giản, trên cả tình yêu lứa đôi giữa hai chàng thanh niên có phần kì lạ trong mắt bà con lối xóm ở miền Tây Nam Bộ, Thưa Mẹ Con Đi còn chứa nhiều thông điệp khác.
Văn về Việt Nam thăm gia đình để giải quyết chuyện cá nhân của dòng họ, anh chàng dẫn theo Ian - người yêu của mình từ Mỹ theo về.
Nhiều tình huống dở khóc dở cười đã diễn ra trong chuyến về quê lần này.
Thưa Mẹ Con Đi cho nam chính Văn (Lãnh Thanh) có một gốc gác không thể nào thuần Việt hơn. Là con trai trưởng trong gia đình bao gồm nhiều thế hệ cùng nhau chung sống, có bà nội tuổi già nay đã lẫn, có người mợ "đành hanh" luôn lăm le gia sản, rồi cô út "ế chồng" có tính tình khá tưng tửng. Bản thân Văn vì gánh trách nhiệm là cháu đích tôn mà luôn bị dò xét khi nào lấy vợ, khi nào có cháu ẵm bồng, rồi còn phải tiếp quản sự nghiệp gia đình để lại. Câu chuyện của Văn có thể đại diện cho bất cứ thanh niên trai tráng nào ngoài kia, giữa nhịp sống hiện đại, họ vẫn phải o ép mình giữa những giá trị truyền thống.
Bất kể có là đi du học Mỹ đi chăng nữa, nhìn chung vẫn phải biết ăn nước mắm. Vậy nên một cô vợ hoàn toàn là yêu cầu hợp lí, ít nhất là với mẹ của Văn.
Câu chuyện tình yêu của Văn và Ian không mới, nhưng thú vị
Nói không mới là bởi giữa Văn và Ian là một chuyện yêu đương giống như bao cặp đôi khác. Ian theo Văn trở về Việt Nam, với cậu, đây giống như một kì nghỉ hè. Ian khá tận hưởng những giây phút bên gia đình của Văn, cậu thoải mái ngủ cùng bà nội, dạy cho em của Văn học tiếng Anh, nấu mì Ý cho cả gia đình của Văn. Nhưng tận sâu trong lòng, điều Ian muốn là được Văn giới thiệu tư cách của một người yêu cho mẹ của Văn.
Ian rất muốn thân phận người yêu của Văn được công khai với gia đình của Văn.
Đường dây câu chuyện đơn giản chỉ có vậy, nhưng thú vị ở chỗ đạo diễn rất chịu khó lồng ghép chất thơ vào, khiến cho Thưa Mẹ Con Đi gần như "na ná" giữa ranh giới của phim nghệ thuật. Những khung hình bắt cận khi Ian và Văn gần gũi nhau thật sự tạo được hiệu ứng rất tốt, cả về khâu hình ảnh lẫn cảm xúc của người xem.
Thưa Mẹ Con Đi có vài cảnh quay nhìn chung khá... xuất thần khi đặc tả cảm xúc của hai nhân vật chính.
Cảnh nóng của cả hai cũng khá vừa phải và "tình"
Tuy nhiên, phải chi phim "gọn gàng" hơn thì hay biết mấy
Phim đẹp nhưng hơi "lằng nhằng"
Điểm đáng tiếc nhất của Thưa Mẹ Con Đi chính là khâu biên tập khiến bộ phim trở nên dài dòng, nếu không muốn nói là "khá tham chi tiết". Bởi vì không biết tiết chế, tác phẩm khiến người xem mất kiên nhẫn khi phim mới chiếu 1/3. Quá nhiều những cảnh đặc tả vô nghĩa, chẳng hạn như hàng cây lao xao, chiếc xe bon bon trên đường. Việc tập trung đi vào tuyến tính thời gian giữa ngày - đêm qua chiếc điện thoại báo thức, nhịp phim "bình bình" này thật sự nguy hiểm cho những ai thích xem phim "vội".
Tuyến tính thời gian được khai thác triệt để trong phim.
Dàn diễn viên thực lực "ăn tiền" nhưng...
Với sự góp mặt của những tên tuổi gạo cội như Hồng Đào, NSƯT Lê Thiện, Kiều Chinh, Hồng Ánh, Thanh Tú... khán giả hoàn toàn có thể an tâm về năng lực diễn xuất của họ. Nhân vật bà nội cho NSƯT Lê Thiện có lẽ người "duyên dáng" nhất, bà cũng chính là chất xúc tác quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ mạch phim. Hồng Đào thì không phải bàn cãi nhiều, hình tượng người mẹ một tay gồng gánh, gánh vác cho cả dòng họ lẫn áp lực có cháu nối dõi được cô thể hiện tròn trịa. Hồng Ánh cũng có vai diễn "hài" để đời trong sự nghiệp của mình.
Bà nội Lê Thiện có vai trò rất quan trọng trong phim.
Hồng Đào vẫn xuất sắc như mọi khi.
Riêng hai nhân vật chính do Lãnh Thanh và Gia Huy đảm nhận vẫn còn đôi chỗ khá gượng ép. Có lẽ lần đầu chạm ngõ điện ảnh, ở những đoạn đầu Gia Huy khá "đơ", chưa thực sự hoà nhập hẳn vào mạch phim trong khi vai Ian rõ ràng nhiều đất diễn hơn hẳn vai Văn. Về phần Lãnh Thanh, so với Gia Huy rõ ràng anh chàng có kinh nghiệm hơn. Vai Văn cũng dễ thuyết phục người xem hơn. Nhưng điểm tốt là ngoại hình của cả hai khi đứng cạnh nhau rất đẹp đôi, ở hai người thực sự tạo được cảm giác cả hai đang yêu nhau thật lòng.
Sau Thưa Mẹ Con Đi nếu Lãnh Thanh và Gia Huy có dính nghi án hẹn hò thì cũng không có gì lạ.
Gia Huy khá đơ ở đoạn đầu nhưng càng về sau cách diễn cũng uyển chuyển hơn.
Thưa Mẹ Con Đi không đơn thuần là phim "đam mỹ"
Nhiều giá trị gia đình được đưa vào phim.
Thật thiếu sót nếu như chỉ xem Thưa Mẹ Con Đi là một bộ phim chiếu rạp "đam mĩ" thuần tuý, bởi nó đem lại nhiều giá trị hơn thế. Ngoài yếu tố tình yêu nam nam, phim còn khắc hoạ chân thực tình cảm, sự bảo bọc của gia đình. Trong đó có tình cảm của người bà dành cho cháu mình, mẹ dành cho con, cả sự lựa chọn giữa truyền thống và cái tôi cá nhân. Đoạn kết phim thật sự đã để lại không ít cảm xúc.
Nói một cách khách quan, Thưa Mẹ Con Đi được thực hiện chỉn chu ở mức tương đối, dù tác phẩm còn hơi "lê thê". Với những khán giả có hứng thú với các phim liên quan đến cộng đồng LGBT, Thưa Mẹ Con Đi hoàn toàn là lựa chọn đáng xem nhất ở thời điểm hiện tại. Còn câu chuyện phòng vé của đại chúng, có lẽ đành phải đợi xem phản ứng của số đông sau 3 ngày công chiếu đầu tiên thì mới hạ hồi phân giải được.
Trailer "Thưa Mẹ Con Đi"
Thưa Mẹ Con Đi công chiếu trên toàn quốc từ ngày 16/8.
Theo trí thức trẻ
'Thưa mẹ con đi': Có bình yên nào không xót xa? Có tình yêu nào trên đời nào là dễ dàng đâu? Có bình yên nào mà không xót xa đâu? Chỉ khi đi qua những ngày mưa, chỉ những người nắm tay đi với ta qua những ngày mưa, mới là người xứng đáng ở cạnh trong những ngày nắng ấm áp, tốt lành... Như Văn và Ian trong "Thưa mẹ con đi"...