Thú vui nói xấu sếp ở nơi công sở
Năng lực lãnh đạo, cách đối nhân xử thế và cả chuyện riêng tư của sếp đều là đề tài nóng hổi để ‘buôn bán’.
Chuyện nói xấu sếp với nhân viên văn phòng như chuyện cơm bữa, thậm chí còn được “nâng tầm” lên thành thú vui, hoạt động thường xuyên để dân tình xả stress. Lúc rảnh rỗi, những câu chuyện về các “vị lãnh đạo” không chỉ là chủ đề được chị em hưởng ứng nhiệt tình mà ngay cả cánh mày râu cũng xôn xao không kém.
Tính cách, năng lực chuyên môn và chuyện đời tư của sếp dễ trở thành đề tài “nóng” hơn cả. Ngoài ra, sếp nữ còn hay bị “soi” về ngoại hình, thời trang, gu làm đẹp. Dưới góc nhìn của Mai Lan (25 tuổi, Kế toán), người từng trải qua 3 công việc ở ba công ty khác nhau, hãy xem thói quen này “lây lan” như thế nào trong dân công sở.
Lan kể, công ty cô hiện có trên 10 nhân viên. Những vấn đề khác mọi người có quan điểm thế nào thì không biết, nhưng chỉ cần nhắc đến sếp là các nhân viên ngay lập tức tìm được tiếng nói chung. Nói về sếp, Lan ngán ngẩm: “Sếp mình mang tiếng đi du học về mà viết một đoạn văn cũng không ra hồn, sai chính tả be bét. Website công ty do sếp tự chăm sóc đầy những lỗi sai cơ bản, nhìn vào mà thấy xấu hổ thay. Khổ nỗi, sếp luôn nghĩ mình giỏi giang nên thích khoe khoang, khoác lác. Cứ có dịp nào đông đủ nhân viên là lại ‘nổ’ về quá trình lập nghiệp gian khổ thế nào. Nhưng ai cũng biết là gia đình sếp có sẵn tiềm lực kinh tế và quan hệ rộng rãi nên cũng chẳng khổ đến mức như sếp kể”.
Năng lực lãnh đạo không ổn của sếp dễ khiến nhân viên bàn ra tán vào .
Lan bảo không chỉ các chị em “tích cực” với chuyện nói xấu sếp mà các anh em cũng hào hứng không kém. Anh bạn đồng nghiệp của cô từng nói xấu sếp như thao thao bất tuyệt như “ xe mất phanh” rằng: “Ghét nhất là cái kiểu vờ như quan tâm mà thực chất là thăm dò công việc của nhân viên. Mỗi lần nhìn thấy nhân viên nghỉ ngơi một chút là ‘quan tâm’ ngay: ‘Em đang làm gì thế?’. Trả lương thì thấp, việc thì giao nhiều. Rõ là hãm tài”.
Năng lực quản lý của sếp là yếu tố bị “soi” đầu tiên. Ai cũng mặc định, là sếp thì phải giỏi, nếu không giỏi sẽ khiến nhân viên không phục, thậm chí còn nảy sinh tâm lý coi thường. Đó cũng là trường hợp Mai Lan gặp phải khi cô làm việc ở công ty đầu tiên. Cô kể ngoại trừ tháng đầu tiên trả lương đúng hạn, từ tháng thứ 2 trở đi, lương của nhân viên chỉ được trả kiểu… nhỏ giọt – một triệu đồng một tháng và với lý do đưa ra là kinh tế khó khăn, không đòi được nợ, không có hợp đồng…
“Trong buổi họp toàn công ty để thông báo vấn đề này, sếp đã trình bày một bài diễn văn kêu gọi sự thông cảm nghe lọt lỗ tai đến nỗi ‘kiến trong lỗ cũng phải bò ra’. Kết quả là ai nấy cũng nhìn nhau gật gù, đồng lòng ‘chia sẻ khó khăn chung với công ty’ nhưng trong lòng thì mỗi người một suy nghĩ”.
Nhưng một tháng rồi hai, ba tháng trôi qua, tình hình cũng không khả quan hơn. Khó khăn là thế, ấy vậy mà trên Facebook cá nhân, sếp còn khoe ảnh đi du lịch Singapore cùng gia đình. Không có động lực làm việc, mỗi ngày các nhân viên đến công ty đều mặt mày ảm đạm, câu cửa miệng là: “Bao giờ mới có lương nhỉ?”, rồi quay ra chỉ trích sếp… bất tài.
Video đang HOT
Khi bị nói xấu, sếp không còn là sếp, mà sẽ là “mụ ấy”, “bà ấy”, “lão ấy”…
Ban đầu, mọi người còn nhỏ to, thì thầm, thậm chí chỉ dám bàn tán qua Yahoo, Skype. Về sau, mọi người đóng cửa phòng để tiện nói xấu sếp cho hả. Sau hai năm rời công ty, Lan hỏi han các bạn cũ mới biết, những người làm cùng đợt với cô, đến giờ vẫn chưa được trả lương đúng hạn và việc nói xấu vẫn cứ thế diễn ra như cơm bữa.
Qua công ty mới, Lan hy vọng sẽ gắn bó lâu dài vì đó cũng là một công ty kinh doanh có tiếng tăm. Nhưng sau hơn 7 tháng làm việc, cô đã phải rời bỏ để tìm “bến đậu” mới vì không thể chịu đựng nổi tính tình của sếp. Không phủ nhận tài năng của cấp trên, nhưng nói đến tính cách thì ai cũng lè lưỡi, lắc đầu. Sếp chưa đầy 30 tuổi nhưng mỗi lần cáu giận là chửi nhân viên “như hát hay”, không nể nang tuổi tác, kinh nghiệm của bất kỳ ai.
Lan nhớ, không dưới hai lần cô phải rơi nước mắt khi bị sếp chửi rủa cay độc mỗi khi tức giận, mà nhiều khi vì những lý do rất “trời ơi đất hỡi”. Đỉnh điểm của sự chịu đựng này là một lần Lan bị sếp… cấu véo đến tím tay vì không nghe thấy sếp gọi. Cô kể: “Lúc đó, mình thực sự sửng sốt và uất ức đến mức không biết đến cảm giác đau đớn. Về nhà mới thấy tay mình bị tím ngắt, mình xót xa quá. Từ đấy về sau, mình chẳng ngại ngần vào hùa, gọi sếp bằng những từ như ‘mụ ấy’, ‘bà ta’, ‘nó’ và còn nhiều tên gọi khác chẳng lấy gì làm đẹp đẽ”.
Có gia nhập hội nói xấu sếp mới thấy, không chỉ cách quản lý độc đoán, chuyên quyền, thích nịnh nọt hay những quyết định sai lầm của sếp bị đem ra bàn tán, mà cả những chuyện riêng tư như gia đình, chồng con, giới tính… cũng trở thành đề tài hấp dẫn để mọi người “mổ xẻ”. Lan tâm sự: “Có lần, mình còn nghe các chị trong phòng kể, chồng sếp bị ‘yếu’ nên lấy nhau mấy năm rồi mà chưa có con. Hay chuyện sếp của bạn mình chưa lấy vợ cũng khiến mọi người thắc mắc. Sếp là người nước ngoài, tính tình rất tốt, bề ngoài phong độ nhưng gần 40 tuổi rồi mà chưa lấy vợ. Từ đấy, mọi người dấy lên tin đồn về giới tính thật của sếp”.
Nói xấu sếp không phải là chuyện riêng của chốn công sở nào.
Nói xấu cấp trên không phải là câu chuyện riêng của chốn công sở nào. Trong những buổi cafe, trà đá vỉa hè, nghỉ trưa của dân công sở, đề tài xoay quanh sếp, đồng nghiệp, môi trường làm việc luôn được bàn tán và hưởng ứng “nhiệt liệt”. Người có ác cảm với sếp thì coi đây là dịp để nói cho hết những ấm ức trong lòng. Người hiền lành, ít va chạm thì chỉ “góp vui” bằng những “giai thoại” về sếp được nghe kể lại. Dù biết nói xấu sếp là điều không hay nhưng nhiều người cũng thừa nhận, đây là một trong những cách giải tỏa stress hiệu quả.
“Ngày nào cũng đối mặt với những áp lực từ công việc, từ sếp quả thật chẳng dễ dàng gì. Mà nói thẳng với sếp cũng khó lắm chứ, ai chẳng sợ bị sếp ‘đì’. Thôi thì chọn cách an toàn là nói xấu sau lưng. Cũng biết rằng làm như thế chẳng có gì là hay, nhưng cảm giác được nói ra, có người chia sẻ hoặc cùng cảnh ngộ sẽ giúp tâm trạng thoải mái hơn rất nhiều”, Lan kết luận.
Theo VNE
'Méo mặt' vì thói nói xấu sếp
'Sáng ra đã bị 'chó cắn' rồi. Mình phải chịu đựng mụ yêu tinh ấy đến bao giờ nữa' - không may, danh sách bạn Facebook của Diệp có sếp.
Nói xấu sếp là chuyện không lạ ở chốn công sở. Có người nói xấu sếp chỉ nhằm mục đích "mua vui" trong lúc "tám chuyện" với bạn bè. Còn người sẵn có mâu thuẫn với sếp thì coi đây là dịp xả stress, tìm sự đồng tình từ người khác... Dù với mục đích nào thì có thể bạn sẽ gặp phải những tình huống trớ trêu, thậm chí "rước họa" nếu chuyện đến tai cấp trên của bạn.
Cứ tưởng sếp "gà mờ"
Lan Phương (25 tuổi, nhân viên kinh doanh) làm việc cho một công ty phần mềm nước ngoài. Ông chủ của cô là người ngoại quốc, nói tiếng Việt chưa sõi nhưng lại có tinh thần ham học hỏi. Tính sếp hoà đồng nên cuối tuần nào cũng tham gia câu lạc bộ bóng đá do các nhân viên nam trong công ty khởi xướng.
Có lần, Phương được các đồng nghiệp rủ đi xem sếp đá bóng. Lúc ấy, cô mới biết các anh nhân viên "lợi dụng" sếp không biết tiếng Việt nên gọi sếp là... cún. Mỗi lần sếp mắc lỗi là mấy cậu lại quát lên: "Ê, cún, đá kiểu gì thế?". Không biết sếp có hiểu không mà chỉ cười hì hì.
Hôm sau đến công ty, Phương kể chuyện này cho các "bà tám" nghe. Ai nấy cũng phá lên cười ha hả, chê sếp "gà tồ'. Mọi người đang "tán hươu tán vượn" rôm rả thì sếp vào hỏi đang kể chuyện gì. Mấy cô nhìn nhau cười hi hi và nói đang kể chuyện... con cún ở nhà. Sếp mỉm cười rồi thủng thẳng trả lời rành rọt: "Không phải, đang nói về tôi đấy chứ? Mấy cậu hôm trước gọi tôi thế nào, tôi hiểu hết đó". Sếp đi rồi, mấy chị em chột dạ, hoá ra sếp biết cả chỉ là không để bụng mà thôi.
Bị "bắt quả tang" nói xấu sếp
Không may mắn như Phương, Ngọc Hân (23 tuổi, kế toán) mỗi lần nhìn thấy sếp lại ngượng tím mặt chỉ vì thói buôn chuyện của cô. Mới chuyển đến làm kế toán cho một công ty thời trang, Hân làm dưới trướng của kế toán trưởng là nam. Hôm đó, sếp giao cho cô công việc tính bảng lương của nhân viên. Có vài chỗ không hiểu nên cô xin nick Yahoo của sếp để tiện trao đổi. Vì công việc không quá gấp gáp nên cô vừa làm, vừa tranh thủ nói chuyện qua Yahoo với một cô bạn đại học.
Lâu ngày không gặp, cô bạn hỏi han công việc mới thế nào, sếp ra sao. Như động vào "tổ ngứa" của Hân, cô viết ào ào một mạch: "Ôi, ông ý mông cong, ngực nở như kiểu đàn bà ý mày ạ. Giọng nói thì nhỏ như tiếng muỗi kêu. Nhìn chán đời lắm!". Nhân vật được "phác họa" trong câu chuyện của Hân sẽ chẳng bao giờ biết mình có được "vinh dự" như thế, nếu Hân không sơ suất gửi nhầm vào địa chỉ Yahoo của... sếp. Đến khi phát hiện ra sai lầm tai hại ấy, cô bắt đầu thấy toát mồ hôi hột mặc dù trời hôm ấy rất lạnh.
Trong lòng khi đó Hân chỉ hy vọng có phép màu xảy ra: tin nhắn không được gửi đi vì lỗi mạng hoặc sếp không đoán ra cô đang nói xấu ai nhưng cũng chuẩn bị tinh thần bị đuổi việc. Nhưng sau một tháng thử việc, cô vẫn được nhận vào làm chính thức nhờ những lời nhận xét tốt đẹp từ phía sếp. Điều này lại càng khiến cô thấy áy náy và xấu hổ khi chạm mặt sếp mỗi ngày.
"Mồm miệng hại chân tay"
Nói xấu sếp không phải là nhu cầu của riêng các chị em mà các anh em nhiều lúc cũng cần đến để giải tỏa sự bực bội, khó chịu khi có mâu thuẫn, bất đồng với sếp. Thanh Bình (28 tuổi) là nhân viên kinh doanh của một công ty chuyên cung cấp các thiết bị y tế.
Khi nền kinh tế khó khăn, công ty cắt giảm nhân sự, Bình buộc phải kiêm thêm công việc thủ quỹ và kế toán. Anh luôn thấy mệt mỏi một phần vì công việc áp lực, một phần vì mức lương không như mong muốn. Lần ấy, sẵn có một đồng nghiệp từ trụ sở trong miền Nam ra công tác, hai anh em rủ nhau đi uống rượu để giao lưu. Rượu vào lời ra, Bình bộc bạch những ấm ức trong lòng với anh bạn kia, nào thì sếp tệ bạc, bóc lột nhân viên, quản lý kém... Bình không ngờ rằng, những lời của anh đã đến tai sếp thông qua ông bạn "quý hoá" kia. Tháng sau đó, lương của anh bị cắt giảm 10% và liên tục bị cử đi công tác. Mới đầu, anh cứ nghĩ là do chính sách chung của công ty nhưng về sau mới biết nguyên nhân thật sự là do "vạ miệng".
Đi "tàu suốt" vì chê sếp
"Tai nạn" đáng nói nhất vì chê sếp phải kể đến Ngọc Diệp (22 tuổi). Sau khi tốt nghiệp đại học, trong lúc chờ xin việc ổn định, cô làm lễ tân cho một công ty thực phẩm. Tưởng lễ tân là công việc nhẹ nhàng nhưng Diệp phải kiêm rất nhiều việc không tên khác như đi mua cơm cho nhân viên, trông đồ cho khách, thường xuyên phải đi giao hàng... Sếp cô lại là một người kỹ tính và cầu toàn nên không ít lần cô bị mắng, phạt vì giao nhầm hàng, nhận thiếu tiền...
Cho đến một hôm, Diệp được sếp yêu cầu giao hàng gấp đến nhà cho khách. Vì không muốn đi nên cô lấy lý do đi làm bằng xe bus để từ chối. Công ty chẳng còn ai nên sếp đích thân phải đi giao hàng. Lời nói dối của Diệp sẽ không bao giờ bị lộ nếu đến cuối giờ làm, cô không quên mất mình đã nói gì mà cứ ung dung đi lấy xe máy trước mặt các đồng nghiệp. Hôm sau, sếp biết chuyện đã gọi cô lên phòng làm việc và trách mắng cô gay gắt rằng: "Em còn trẻ thế mà đã biết nói dối như Cuội", "Không có tinh thần xả thân thì làm sao làm được việc lớn"...
Quá bức xúc, Diệp về bàn làm việc viết ngay lên Facebook cá nhân mà không suy nghĩ: "Sao số mình khổ thế. Sáng ra đã bị 'chó cắn' rồi. Mình phải chịu đựng mụ yêu tinh ấy đến bao giờ nữa đây? Công ty thì chả ra gì mà cứ làm như chuyên nghiệp lắm. Đến cái đứa giao hàng tử tế cũng không có...". Thật không may cho cô, trong danh sách bạn bè trên Facebook của cô lại có sếp. Và chỉ 5 phút sau, cô được sếp "trân trọng" mời vào uống trà và cho nghỉ vô hạn ở nhà từ ngày hôm sau.
Theo VNE
Chán kiểu gái già công sở 'cưa sừng làm nghé' Chuyện về các bà, các chị, thậm chí là các anh thích &'cưa sừng làm nghé' đã không còn là chuyện của một người. Vì xem chừng, cái sự thích nai tơ hay hồi xuân của các chị ấy đã ảnh hưởng tới cả văn phòng, làm anh em và các chị em khác nhốn nhác, khó chịu. Thậm chí quan khách khác...