Thư viện trường học: Cần đầu tư tương xứng
Theo các đại biểu Quốc hội, thư viện trường học có vị trí quan trọng, góp phần hình thành văn hóa đọc cho HS. Vì thế, thư viện trường học rất cần được quan tâm và đầu tư đúng mức.
Góc thư viện ngoài trời của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai). Ảnh: TG
Nâng cao chất lượng
Đại biểu Lâm Đình Thắng – Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng, thư viện trường học có tầm quan trọng bậc nhất, tác động đến hình thành thói quen đọc sách , phương pháp học tập có tra cứu và tham khảo khoa học. Từ đó, tạo nên văn hóa đọc và góp phần xây dựng nhân cách cho thanh, thiếu niên, nhi đồng.
Đại biểu Lâm Đình Thắng cho biết thêm: Nhiều nước trên thế giới đầu tư rất mạnh cho thư viện trong cơ sở giáo dục. Một nghiên cứu khoa học tại Australia đã chỉ ra rằng, Luật Thư viện trường học của Nhật Bản và Hàn Quốc đã tác động lớn đến thành tích học thuật của HS các nước này. Trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia mỗi năm chi 300 triệu USD, tức gần 7.000 tỷ đồng để mua sách, trong đó khoảng 2.300 tỷ đồng để đầu tư sách cho trường học. Tại Thái Lan, kinh phí đầu tư sách cho trường học rất cao đã giúp ngành xuất bản tại Thái Lan đạt doanh số 650 triệu USD, gấp hơn 3,6 lần Việt Nam, trong khi dân số chỉ bằng 2/3 dân số của nước ta.
Cho rằng, thư viện ở cơ sở giáo dục chưa được đầu tư tương xứng, đại biểu Lâm Đình Thắng nêu thực trạng: Nhiều đơn vị đã thực sự xem thư viện là “trái tim” của trường học nhưng cũng có nơi chưa quan tâm đến việc phát triển thư viện. Kinh phí đầu tư mua sách hàng năm không phục vụ đủ nhu cầu học chuyên môn và đọc mở rộng cho HS. Trung bình một thư viện trường tiểu học được cấp 8 triệu đồng một năm không đủ để trang bị sách cho HS. Nhiệm vụ chính của rất nhiều thư viện hiện nay là bán sách giáo khoa, bán dụng cụ học tập cho HS…
Đại biểu Lâm Đình Thắng đề xuất, cần bổ sung quy định đưa tiết đọc sách gắn với việc sử dụng thư viện vào khung chương trình chính thức ở cấp học phổ thông. Thực tế, thời gian đọc của HS ở trường chủ yếu là giờ ra chơi. Không khí ra chơi không phù hợp để trẻ có thể tập trung thưởng thức và thẩm thấu nội dung sách. Trong khi đó, tiết đọc sách là tiết học duy nhất trong nhà trường có thể giúp HS phát triển tất cả các yếu tố về nhu cầu, hứng thú, kỹ năng và thói quen đọc sách, làm nền tảng để HS trở thành người đọc độc lập.
“Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức giám sát việc chi đầu tư cho thư viện và văn hóa đọc hàng năm. Bởi rất có khả năng nhiều đơn vị sẽ tiếp tục viện lý do phải đầu tư cho những hạng mục quan trọng hơn và không đầu tư phát triển thư viện, văn hóa đọc như hiện nay. Trong tương lai, tôi kiến nghị Quốc hội nghiên cứu xây dựng Luật Thư viện trường học trên nền tảng những quy định khung tại Luật Thư viện để tập trung chính sách phát triển và phát huy hết công dụng của hệ thống này cho việc nâng cao trình độ học thuật, nâng cao dân trí, văn hóa đọc và nhân cách của con người Việt Nam” – đại biểu Lâm Đình Thắng kiến nghị.
Video đang HOT
Còn nhiều bất cập
Theo đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Đoàn Nam Định), hiện có khoảng 400 thư viện các trường đại học và cao đẳng, gần 26.000 thư viện ở trường phổ thông các cấp. Hệ thống thư viện, trường học đang chiếm đến 85% trên tổng số thư viện của cả nước. Nếu kể cả các tủ sách, phòng đọc cơ sở là hơn 50%, tức là hệ thống thư viện trường học có quy mô và số lượng rất lớn trên toàn quốc.
“Dù mang tính đặc thù nhưng thư viện trường học vẫn góp phần nâng cao chất lượng dạy học và xây dựng thói quen tự học, tự nghiên cứu cho HS, từng bước thay đổi phương pháp dạy học, hình thành văn hóa đọc, văn hóa cộng đồng ngay trong nhà trường”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo trao đổi, đồng thời nêu thực trạng: Thư viện trường học vẫn chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức. Một số trường coi thư viện như kho chứa sách; thư viện được đặt ở vị trí không hợp lý trong khuôn viên của nhà trường, không tạo thuận lợi cho HS lui tới. Mặt khác, thời gian hoạt động của thư viện theo giờ hành chính, mở cửa khi HS đã vào học và đóng cửa trước khi HS tan học.
Ngoài ra, một số trường thường chỉ quan tâm đến nội dung, cách thức giảng dạy từ giáo viên tác động đến HS, ít khuyến khích cho giáo viên trong hướng dẫn HS khả năng tự học, tự tìm kiếm tài liệu để hình thành thói quen đọc sách. “Thư viện trường học phải thực sự phát huy được hiệu quả giáo dục đối với các thế hệ độc giả là HS, chứ không phải chỉ là những quy định mang tính hình thức”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo mong muốn.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, cần quy định bắt buộc HS đọc sách chứ không chỉ là khuyến khích. Nhiều cơ sở giáo dục đã yêu cầu HS mang sách về nhà đọc và phải viết lại những nội dung chính của sách. Như vậy, muốn hay không trẻ em cũng phải đọc sách, từ đó hình thành thói quen đọc sách cho mình và góp phần vào phát triển văn hóa đọc.
“Các quốc gia có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển đều có tầm nhìn chiến lược cách đây nhiều năm. Họ rất chú trọng và đầu tư thực sự cho thư viện trường học để hình thành văn hóa đọc cho người dân nói chung và cho thanh, thiếu niên, nhi đồng nói riêng”. - Đại biểu Lâm Đình Thắng
Minh Phong
Phát triển văn hóa đọc: Đột phá từ thư viện trường học
Không phải trường học nào cũng đầu tư đúng mức cho thư viện trong quá trình giáo dục nói chung và xây dựng văn hóa đọc nói riêng.
Để phát triển văn hóa đọc cho HS cần nâng cao chất lượng thư viện. Ảnh: TG
Thế nên, đã đến lúc thư viện trường học cần được nhìn nhận và phát huy vai trò chức năng thay vì trở thành kho chứa sách.
Nhiều bất cập
Những năm gần đây, với sự quan tâm của ngành Giáo dục các địa phương, cơ sở vật chất, trang thiết bị (kệ sách, bàn ghế và đèn chiếu sáng) thư viện trường học đã được đầu tư, mua sắm và bổ sung nhiều về số lượng, phong phú về hình thức. Tuy nhiên, theo thống kê mới nhất từ Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), mức độ đáp ứng tốt về cơ sở vật chất trong thư viện các trường tiểu học mới đạt tỷ lệ khiêm tốn về kệ sách với 23,81%; Bàn ghế: 15,87%; Đèn và thiết bị chiếu sáng: 26,98%... Mặt khác, số phòng đọc rộng rãi, phù hợp với hoạt động đọc của HS, bảo đảm an toàn, bố trí hợp lý, khoa học có tỷ lệ đạt dưới 40% tổng số các trường tiểu học trên cả nước.
Trong vấn đề học liệu, hầu hết trường học đều đầu tư mua mới sách hàng năm để thay thế sách hư hỏng và tăng cường số lượng đầu sách. Ở nhiều trường học, ban giám hiệu và GV còn huy động thêm nguồn sách từ các đơn vị cung cấp sách, sự đóng góp của phụ huynh HS, cá nhân, cộng đồng. Các chủng loại sách phù hợp với nhu cầu của HS như truyện, sách tham khảo... cũng được nhiều nhà trường quan tâm hơn. Song, thực tế đầu sách trong thư viện trường học chủ yếu là sách giáo khoa, sách tham khảo, ít loại sách về giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, rèn luyện kỹ năng...
Cô Trần Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH Ma Li Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu) chia sẻ: Do không có nhân viên chuyên trách làm công tác thư viện nên trường phải cắt cử GV kiêm nhiệm. Khi GV này nghỉ chế độ thai sản phải tăng cường phó hiệu trưởng đảm trách tạm thời.
"Thiếu về số lượng, yếu về chất lượng... khiến thư viện trường học rơi vào tình trạng hoạt động trầm lắng. Ít HS tới thư viện hàng ngày để đọc sách. Vai trò của thư viện mờ nhạt. Để duy trì và phát triển văn hóa đọc cho HS, nhà trường đang rất nỗ lực tăng cường các hoạt động hỗ trợ như: Tiết học thư viện (1 tuần/tiết); Tổ chức thư viện xanh; Thư viện ngoài trời; Tổ chức ngày hội đọc sách" - cô Hằng cho biết.
Đặt vấn đề thực trạng thư viện trường học cũng cần nhắc tới hạn chế chưa tổ chức được hoạt động tiết đọc cho HS theo tuần, không tổ chức hoạt động đọc tại trường, không cho HS mượn sách đọc tại trường hoặc về nhà. Việc mở cửa thư viện của nhiều nhà trường còn mang tính hình thức. Đặc biệt, tình trạng cán bộ thư viện kiêm nhiệm nhiều nên hoạt động thư viện dành cho HS hạn chế, trang thiết bị, học liệu bị buông lơi, thiếu đầu tư.
Cần có nhân viên thư viện chuyên trách thay vì GV kiêm nhiệm. Ảnh: TG
Xây dựng văn hóa đọc
Để hình thành và phát triển văn hóa đọc cho HS ngay từ trường học thì thư viện trở thành một kênh đóng vai trò quan trọng và rất cần được đầu tư, quan tâm với những bước đi phù hợp.
Trên thực tế, nhiều trường học đã phát triển tốt thư viện theo nhiều cách khác nhau. Từ phát triển thư viện xanh, thư viện ngoài trời tới việc đặt thư viện ngay trong từng lớp học, góc cầu thang, sân chơi, chòi đọc sách trong khuôn viên trường... Thư viện được bố trí khắp nơi miễn sao HS được tạo cơ hội tiếp cận với sách nhiều nhất, qua đó kích thích tối đa HS đọc sách, truyện.
Ghi nhận tại Trường Tiểu học Quyết Tiến, Quản Bạ (Hà Giang), thư viện xanh đã thu hút HS đến đọc sách nhiều hơn so với thư viện trong phòng. Trường có 3/7 điểm trường tiêu biểu trong việc xây dựng thư viện xanh. Trường sẽ tiếp tục phát triển hệ thống thư viện xanh tới từng điểm trường lẻ để hỗ trợ tốt nhất cho việc đọc và học của HS dân tộc. Qua thư viện xanh, nhà trường cũng đặt niềm tin hy vọng sẽ nâng cao văn hóa đọc để tăng cường chất lượng giáo dục toàn diện.
Hiệu trưởng nhà trường, thầy Phạm Như Ý cho biết: 100% HS của trường là người dân tộc (trong đó 72% thuộc dân tộc Mông, còn lại dân tộc Tày, Bố Y, Nùng). Kể từ khi xây dựng phát triển thư viện xanh khả năng nói tiếng Việt của HS dân tộc tăng lên đáng kể. Sự thân thiện, tiện lợi và giảm phiền hà trong việc mượn trả sách cũng giúp hình thành cho HS thói quen, sự tự giác và văn hóa đọc. Thực tế cũng cho thấy, khi thư viện trường học được vận hành hiệu quả thì nhận thức của HS trên nhiều khía cạnh, kiến thức, kỹ năng... được nâng lên và hỗ trợ tích cực cho việc học tập trên lớp.
Đặc biệt lúc HS hòa mình với bạn bè đọc sách cũng giúp các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp hàng ngày với thầy cô, bạn bè và hoạt động bán trú tại trường. Nếu trước đây, HS thờ ơ và ngại đọc sách thì hiện nay các giờ ra chơi, thời gian trước và sau giờ học đều được tận dụng để tìm đến thư viện xanh của trường đọc sách, truyện theo nhu cầu tìm hiểu, giải trí.
Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái, thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) chia sẻ: Những góc đọc sách trong lớp, sân trường, cầu thang đều được trường quan tâm tạo cảnh quan xanh, sạch khiến HS cảm nhận sự thân thiện và hứng thú đọc sách. HS đến với thư viện ngày càng đông đồng nghĩa chất lượng giáo dục được nâng cao, HS được tăng cường khả năng tiếng Việt; bổ sung nhiều kiến thức kỹ năng không có trong sách giáo khoa và các giờ học chính khóa. Cô Thắm khẳng định: "Đến nay, thư viện đã thực sự phát huy được vai trò trong hoạt động giáo dục cũng như tăng cường văn hóa đọc cho HS khi hoạt động thư viện được tổ chức và vận hành đúng cách".
Thực tế chứng minh, thư viện trường học tốt sẽ hỗ trợ tích cực cho việc dạy và học. Đây cũng là cơ hội, điều kiện quan trọng để HS phát triển văn hóa đọc. Chính vì vậy, mỗi nhà trường cần coi đây như một hỗ trợ tích cực để nâng cao chất lượng dạy học. Từ đó cần có sự quan tâm, vận hành linh hoạt phù hợp để thư viện trường học phát huy tối đa vai trò hiệu quả vào giáo dục.
Đức Trí
Hơn 3,8 tỉ đồng hỗ trợ học sinh, trẻ mầm non ở TP.HCM Hai dự án với tổng giá trị hơn 3,8 tỉ đồng nhằm nâng cao cơ sở vật chất, hỗ trợ học sinh tiểu học và trẻ mầm non tại quận Bình Tân (TP.HCM) Trẻ em trong giờ ăn tại một trường mầm non ở quận Tân Phú, TP.HCM. - Ảnh minh họa: Bảo Châu Sở Kế hoạch - Đầu tư vừa trình UBND...