Thư viện công: Làm gì để tách dần “bầu sữa” ngân sách?
Câu chuyện làm gì để đẩy mạnh xã hội hóa phát triển văn hóa đọc, hay nói cách khác là để hoạt động thư viện công tách dần “bầu sữa” ngân sách tiếp tục được trao đổi tại hội thảo cùng chủ đề do Bộ VH,TT&DL tổ chức ở Hà Nội.
Rất cần đẩy mạnh xã hội hóa để các thư viện có nhiều hoạt động cuốn hút độc giả. Ảnh: Bình Thanh
Chưa tha thiết và còn ỷ lại
Nhiều ý kiến cho rằng, không thể phủ nhận những năm qua công tác xã hội hóa thư viện đã được đẩy mạnh. Trên cơ sở hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện với hàng loạt văn bản quy định được ban hành, hoạt động này sôi nổi hơn bao giờ hết trong các chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động, giúp các thư viện phát triển vốn tài liệu, tăng cường cơ sở vật chất và công nghệ, cải thiện môi trường đọc, tăng cường năng lực trong tổ chức các hoạt động khuyến học, công tác đào tạo, hình thành mạng lưới thư viện phòng đọc cơ sở thư viện tư nhân… Từ đó, trong các trường phổ thông, trường đại học, việc đọc của học sinh, sinh viên được quan tâm hơn…
Tuy nhiên, theo bà Vũ Dương Thúy Ngà – Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VH,TT&DL, văn hóa đọc có khởi sắc nhưng đối với những thư viện ỷ lại thì vẫn đạt ở độ vừa phải. Trên thực tế, việc thu hút các nguồn lực của xã hội vào các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc, việc triển khai tự chủ trong các thư viện cũng còn một số hạn chế và chưa được thực hiện một cách rộng khắp. Còn khá nhiều thư viện ỷ lại vào bao cấp của Nhà nước khi triển khai các biện pháp phát triển văn hóa đọc và chưa thực sự năng động trong việc tổ chức các dịch vụ cũng như huy động sự hỗ trợ từ các cá nhân và tổ chức cho các hoạt động của mình.
Cũng theo bà Ngà, tại một số địa phương, bộ ngành các cấp, lãnh đạo còn chưa quan tâm đến phát triển và tạo môi trường đọc thân thiện, hữu ích. Một số địa phương, bộ ngành có nơi cắt giảm ngân sách cho thư viện, phòng đọc sập xệ, có nơi bị chuyển ra nơi xa trung tâm nên vắng bạn đọc. “Người dân nói chung còn chưa thực sự tha thiết với việc đọc để nâng cao hiểu biết. Có thể nói, thời gian dành cho việc đọc của người dân Việt Nam còn chưa nhiều, kỹ năng đọc và sử dụng thông tin của các đối tượng từ học sinh đến công chức, viên chức còn hạn chế. Cứ quan sát ở các nơi công cộng, chúng ta thấy người đọc chủ yếu vẫn là người nước ngoài…” – bà Thúy Ngà nhấn mạnh.
Trong khi đó, công tác này cũng chưa được quan tâm đúng mức hoặc còn lúng túng ở hệ thống thư viện công cộng và trường học. Bà Phạm Thu Hạnh, Trưởng phòng Nghiệp vụ và phong trào cơ sở, Thư viện Hà Nội đã thẳng thắn nêu thực trạng: “Hiện nay có nhiều thư viện, phòng đọc sách cơ sở sau một thời gian hoạt động đã chững lại, không phát triển thêm được gì, cá biệt có những thư viện chỉ sau khi ra mắt đã lại đóng cửa và thực tế chính là bệnh hình thức”.
Còn bà Vũ Thanh Thủy – Học viện Tài chính thì chia sẻ những tồn tại chung của nhiều học viện, trường đại học hiện nay: Việc kêu gọi, thu hút từ cá nhân, tổ chức chưa thực sự được quan tâm; chưa có kinh nghiệm trong việc viết dự án xin tài trợ để phát triển cơ sở vật chất và trang thiết bị; chưa có nguồn thông tin đầy đủ và thường xuyên về các dự án tài trợ kinh phí cho thư viện…
Video đang HOT
Ảnh minh họa/ INT
Làm tốt hơn khi bị… “bắt ép” tự chủ?
Bà Vũ Dương Thúy Ngà đánh giá, ở những nơi nào buộc phải tự chủ thì càng thấy hiệu quả rất tốt. Bà Ngà đã dẫn chứng cụ thể: “ Thư viện Tạ Quang Bửu (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Thư viện Hà Nội, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh… là những nơi bị buộc phải tự chủ và khoán hẳn bao nhiêu tiền thì gần như các cán bộ thư viện sẽ nghĩ ra đủ mọi cách để thu hút bạn đọc đến và bạn đọc rất đông. Như Thư viện Tạ Quang Bửu ngày vắng đón 5.000 lượt bạn đọc còn ngày đông đón 10.000 lượt”.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần tích cực quảng bá hình ảnh, hoạt động của mình dưới mọi hình thức nhằm tạo nên sự chú ý, quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước; chủ động tìm kiếm và tham gia các dự án từ các tổ chức nước ngoài để trở thành đơn vị được hưởng thụ các dự án về tài liệu, ngân sách, trang thiết bị… Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng là cùng với việc củng cố, hoàn thiện thư viện điện tử/thư viện số thì những người làm thư viện cần được đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ…
Để đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát triển văn hóa đọc, những người công tác trong ngành thư viện đều mong mỏi Luật Thư viện sớm được Quốc hội thông qua để tạo hành lang pháp lý cho phát triển văn hóa đọc, thư viện và đẩy mạnh xã hội hóa. “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thư viện (xây dựng Luật Thư viện và các văn bản pháp quy), nhấn mạnh công tác xã hội hóa thư viện làm cơ sở pháp lý quan trọng để các thư viện trong cả nước có căn cứ triển khai công tác xã hội hóa thư viện”. – Ông Vũ Văn Tuấn – Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp Hải Phòng
Với nhận định, thư viện hoạt động theo kiểu truyền thống chắc chắn sẽ không thể thu hút được bạn đọc cũng như có nhiều thư viện có đầy đủ vốn tài liệu, trang bị máy móc hiện đại nhưng vẫn vắng khách, Thạc sĩ Võ Văn Nhiếng – Giám đốc Thư viện tỉnh Bình Định đề xuất: “Để phát huy tốt nguồn lực có được, kể cả từ xã hội hóa, đòi hỏi cán bộ thư viện phải có năng lực triển khai tất cả các mặt hoạt động vốn có của một thư viện. Làm được như vậy mới hy vọng tạo ra được tính hiệu quả, góp phần phát triển văn hóa đọc, thu hút được đông đảo bạn đọc đến với thư viện một cách bền vững”.
Bên cạnh đó, ông Huỳnh Tới – Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhấn mạnh đến các giải pháp trong xây dựng mô hình phối hợp giữa thư viện tỉnh và thư viện trường học phổ thông. Điển hình như: Cần lồng ghép chương trình xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong bài giảng của giáo viên chủ nhiệm; đa dạng hóa, linh hoạt hình thức phục vụ; bổ sung thêm các loại hình tài liệu; bố trí theo hướng mở; hoạt động theo hướng tích cực, thân thiện; phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, các thầy cô giáo trong công tác xã hội hóa…
“Các giải pháp này cần thực hiện đồng bộ. Để thư viện trường phổ thông thân thiện, đạt chuẩn và gần gũi, thu hút đông đảo học sinh cần có sự thay đổi không chỉ từ bề ngoài mà cần có sự thay đổi từ bên trong, ví như thay đổi về suy nghĩ của các cấp lãnh đạo giáo viên, cán bộ thư viện, bản thân gia đình và học sinh” – ông Huỳnh Tới lưu ý.
Thanh Hà
Theo GDTĐ
Thái Bình nhân rộng mô hình mới, cách làm hay
Những năm qua, các cấp ủy đảng ở Thái Bình thường xuyên khuyến khích những mô hình mới, cách làm hay trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Buổi học tập của cô và trò tại Vườn cổ tích, Trường mầm non An Quý, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình).
Những điểm sáng
Ngay sau khi đưa vào hoạt động, Vườn cổ tích của Trường mầm non An Quý, xã An Quý, huyện Quỳnh Phụ nhanh chóng thu hút không chỉ học sinh trong trường mà nhiều em nhỏ ở các nơi khác cũng đến để vừa học, vừa chơi. Trong nắng chiều cuối thu, hàng trăm cháu hồn nhiên vui đùa, ngắm từng nhân vật cổ tích mô phỏng theo các truyện Tấm Cám, Thánh Gióng, Sự tích bánh chưng, bánh dày, Cây tre trăm đốt, Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn... Với diện tích hơn 1.000 m2, Vườn cổ tích còn có cột mốc đảo Trường Sa với chiến sĩ hải quân vững tay súng đứng gác; có chợ quê gồm đủ sản phẩm của nhà nông; có khu phát triển vận động như bể cát, hình những con thú ngộ nghĩnh. Cô giáo Trần Thị Mai, Hiệu trưởng Trường mầm non An Quý chia sẻ, để xây dựng Vườn cổ tích, nhà trường đã huy động nhiều nguồn từ giáo viên, chính quyền, người dân địa phương được tổng trị giá hơn 300 triệu đồng. Giờ đây, những giờ kể truyện cổ tích cả cô giáo và học sinh đều rất hào hứng, vì thế các em nhớ, thuộc bài rất nhanh.
Cùng chăm lo cho thế hệ trẻ, các giáo viên tiểu học ở thôn Nam, xã Tây Giang, huyện Tiền Hải và học sinh trong thôn thành lập Câu lạc bộ Văn hóa đọc, vận động nhân dân ủng hộ được gần 15 triệu đồng, mua sắm tủ sách, đồ chơi dân gian cùng hơn 700 đầu sách. Mỗi tuần ba lần, hơn 200 cháu thành viên câu lạc bộ lại có mặt đông đủ để đọc sách, giao lưu trao đổi về kinh nghiệm học tập.
Để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực và hiệu quả, các tổ chức đảng chú trọng gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tại Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Phụ, nơi mỗi ngày khám và điều trị cho 750 đến 800 người bệnh ngoại trú và 350 đến 400 người nội trú. Cùng với thực hiện các tiêu chí xanh, sạch, đẹp, bệnh viện có các bình nước nóng lạnh, cho mượn chăn ga, gối đệm miễn phí; có cán bộ điện thăm hỏi tình hình sức khỏe người bệnh sau điều trị, xin ý kiến góp ý về tinh thần thái độ phục vụ; họp Hội đồng bệnh nhân hằng tháng để phổ biến quy định của bệnh viện và tiếp thu ý kiến góp ý. Với tinh thần không để hội viên nào nghèo, năm 2018, Hội Cựu chiến binh xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ phối hợp tổ chức một lớp tập huấn về phát triển kinh tế, một lớp về sử dụng vốn vay cho 320 lượt hội viên; kết nối cho 56 hộ vay 1,43 tỷ đồng; phát động hội viên đóng góp 600 nghìn đồng/người xây dựng Quỹ Tình nghĩa được 274 triệu đồng cho 54 hội viên vay. Nhờ đó các hội viên từng bước thoát nghèo; số gia đình hội viên có kinh tế khá giả đạt hơn 75%, hộ nghèo chỉ còn 0,22%.
Với những cách nghĩ, cách làm sáng tạo, thiết thực và cụ thể, hằng năm huyện Quỳnh Phụ xuất hiện hàng trăm tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác. Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Điều, để có được điều ấy, trước hết huyện chú trọng cả việc quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị sát với từng loại hình tổ chức cơ sở đảng; rà soát, bổ sung, xây dựng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ theo tư tưởng của Bác. Các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ đều tập trung đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 05 gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, với quy định về trách nhiệm nêu gương. Trong dịp Kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-2019), huyện đã bình xét, tôn vinh 29 tập thể điển hình tiêu biểu và 14 mô hình hay, cách làm sáng tạo. Đối với những trường hợp chưa nghiêm, sẽ phải xử lý thỏa đáng, như ở xã An Quý, 14 đảng viên phải lên huyện học lại Nghị quyết của Đảng do tham gia học tại xã không đầy đủ; một đảng viên trẻ viết bài thu hoạch thiếu nghiêm túc bị yêu cầu kiểm điểm.
Giải quyết những vấn đề bức xúc
Trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các tổ chức đảng ở Thái Bình luôn đưa việc học tập, làm theo Bác vào từng hoạt động trong các cơ quan, địa phương, đơn vị. Ở khu vực nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới, các cơ quan hành chính gắn với nâng cao đạo đức công vụ, các nhà trường là đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Trong các cấp ủy, cơ quan gắn với thực hiện các quy định, quy chế về đề cao trách nhiệm nêu gương; tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân,... Sau đối thoại chậm nhất năm ngày, người đứng đầu chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những kiến nghị chính đáng; chỉ đạo bổ sung, sửa đổi chính sách chưa phù hợp. Chậm nhất sau 10 ngày, cơ quan đơn vị được phân công có văn bản trả lời cho địa phương, cá nhân kiến nghị.
Thông qua đối thoại, Đảng ủy xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy tập trung giải quyết việc vi phạm đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác vệ sinh môi trường và giải phóng mặt bằng dự án đường ĐH95B đã được tất cả các hộ đồng thuận giải phóng mặt bằng phục vụ thi công. Trước việc tiền đóng góp ban đầu cao, chất lượng nước sạch lại không bảo đảm, chính quyền xã trực tiếp đối thoại làm việc với các bên liên quan, kết quả tất cả các hộ dân đã đấu nối và sử dụng nước sạch.
Nói về việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vũ Thư Vũ Hồng Quân chia sẻ, Huyện ủy chú trọng gắn học tập và làm theo Bác với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hai năm qua, ủy ban kiểm tra các cấp trực thuộc Huyện ủy đã tiến hành năm cuộc kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đối với năm trường hợp, trong đó có ba ủy viên ban thường vụ đảng ủy, một đảng ủy viên và một đảng viên. Cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy thi hành kỷ luật 121 đảng viên với các hình thức: Khiển trách 74 đảng viên, cảnh cáo 25 đảng viên, cách chức 10 đảng viên và khai trừ 12 trường hợp. Đi liền với đó, Huyện ủy quyết liệt đổi mới công tác đánh giá cán bộ, rà soát, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh; lấy phiếu tín nhiệm cán bộ; điều tra dư luận xã hội để đánh giá mức độ hài lòng của nhân dân đối với cán bộ, công chức ở tất cả các xã, thị trấn. Từ đó chấn chỉnh kịp thời tác phong, lề lối làm việc của công chức. Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị được Huyện ủy coi là một trong những nội dung quan trọng để đánh giá cán bộ, nhất là mỗi khi quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, hoặc giới thiệu ứng cử, đề cử. Mặt khác, để cổ vũ, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo, trong Bản tin nội bộ phục vụ sinh hoạt chi bộ định kỳ phát hành hằng tháng, duy trì đều đặn mục học tập và làm theo Bác, giới thiệu các nhân tố điển hình mới, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua Người tốt việc tốt báo công dâng Bác. Điển hình như ở thôn Thượng Xuân, xã Bách Thuận, các gia đình: bà Nguyễn Thị Dần ủng hộ 100 triệu đồng, ông Phạm Đức Kính 75 triệu đồng, ông Trần Sách Lân 50 triệu đồng, Đào Xuân Quynh 50 triệu đồng để thực hiện xây dựng nông thôn mới,...
Tiếp tục nhân rộng các mô hình mới hiệu quả, cách làm hay và kiên quyết khắc phục những việc làm chưa tốt để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu và có ý nghĩa thiết thực luôn là điều các tổ chức đảng ở Thái Bình quan tâm.
BÀI, ẢNH: BẮC VĂN VÀ ANH TÚ
Theo Nhân dân
Năng lực đọc là nền tảng của việc học tập suốt đời Phát triển văn hóa đọc là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược của mọi quốc gia trong nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực; năng lực đọc là nền tảng của việc học tập suốt đời. Với chủ đề "Phát triển thói quen đọc sách để trở thành người học suốt đời", trongTuần lễ hưởng ứng học tập suốt...