Thú vị dạo chợ quê ngày Tết
Ngày Tết Nguyên đán đang đến rất gần, nhiều phiên chợ quê họp những ngày giáp Tết diễn ra nhộn nhịp, tấp nập người mua kẻ bán. Chợ quê bày bán nhiều mặt hàng từ nhỏ đến lớn và lưu giữ những nét văn hóa rất riêng của người Việt.
Chuối xanh đắt hàng trong phiên chợ Tết
Những phiên chợ quê vẫn còn lưu giữ được những nét đẹp rất xưa trong truyền thông văn hóa dân tộc. Vào những ngày cuối năm, được đi một phiên chợ quê mới cảm nhận hết được không khí xuân đang về.
Các bà, các chị vẫn quẩy trên vai đôi quang gánh, chất đầy hàng sau xe để đến chợ. Các mặt hàng được bán chủ yếu phần lớn là của nhà làm được là cây chổi, bó rau, nải chuối chưa kịp chín…
Chợ quê những ngày giáp Tết càng đông vui. Ngoài những mặt hàng ngày thường, đi chợ vào những ngày này thấy đâu đâu cũng bày bán lá dong, lạt, cây quất, cành đào. Không khí Tết làm cả khu chợ quê rộn ràng, vui tươi hơn những ngày thường.
Khi trời mới tờ mờ sáng, những người bán hàng đến chợ, bày biện hàng hóa. Còn những người đi chợ cũng đến từ rất sớm để tìm mua thực phẩm tươi ngon. Phiên chợ quê ngày Tết thường họp đến đầu giờ chiều hoặc buổi sáng, nếu càng vào những ngày giáp Tết, chợ sẽ họp cả ngày. Mọi người đi chợ để sắm Tết, tìm mua cho gia đình những vật dụng, thực phẩm cần thiết. Có người đến chợ chỉ để tìm mua được một cành đào, có người chỉ đi dạo chơi nhưng quan trọng là tìm lại không khí Tết của phiên chợ quê.
Các bà, các mẹ đi chợ tất bật tìm mua cho đủ những thứ cần thiết, còn những đứa trẻ thì háo hức để đợi được mua quần áo mới. Cho đến bây giờ, với những đứa trẻ quê, Tết là vui mừng vì có được một bộ quần áo đẹp, được mặc đi chúc Tết, chơi xuân và có dịp khoe với chúng bạn.
Chị Nguyễn Thị Thu (35 tuổi, xã Minh Thành, Yên Thành, Nghệ An) vừa bán xong xe chè vội chạy vào hàng quần áo. Chị chia sẻ: “Hôm nay chị bán hết xe chè sớm hơn ngày thường, bây giờ mới có ít tiền mua cho ba đứa con bộ quần áo mặc Tết và bố nó đôi giày đi cho ấm”.
Bà Phan Thị Lý (54 tuổi, Quan Thành, Yên Thành) đạp xe 30 cây số xuống chợ Dinh, Hợp Thành bày bán 3 chú chó con từ sáng sớm. Bà cho biết: “Phiên chợ này 9 ngày mới mở một lần, đây là phiên chợ lớn nhất của huyện Yên Thành, khách từ các xã, huyện lân cận đi chợ rất đông. Đợt này trong nhà có ba chú chó con mà ăn nhiều quá nên bán lấy ít tiền sắm Tết. Tết gần đến nơi rồi mà chưa sắm được chi. Bán ba chú chó này thì mới có tiền sắm Tết!”.
Về quê đi chợ ngày Tết, nhiều người xa quê tìm lại biết bao nhiêu thứ để nhớ. Nhớ lại ngày nhỏ được mẹ mua cho kẹo mật, bánh nếp, bánh kê thơm phưng phức…Những lần đi chợ với mẹ hay cùng lũ bạn mải mê ngắm những chùm bóng bay đủ màu sắc tung bay trên bầu trời rồi quên cả đường về nhà.
Chợ Tết còn có hương rất riêng của ngày Tết, đó là mùi của hoa quả ngày Tết, mùi của hương trầm ngào ngạt, mùi của lá dong, mùi gừng sả phảng phất đâu đó…
Video đang HOT
Chợ Tết, nhiều người như tìm về những kỷ niệm xưa, với nét văn hóa đã ăn sâu vào ký ức của mỗi người, nó là nơi thể hiện một phần đời sống của người dân. Nhiều mặt hàng quen thuộc với đời sống nông dân bày bán ở chợ quê ngày cuối năm vừa cho ta thấy những nét đẹp xưa cũ của dân tộc.
Hình ảnh phiên chợ quê ngày Tết tại Yên Thành – Nghệ An:
Lá dong…
Ống giang làm dây lạt gói bánh chưng là những mặt hàng không thể thiếu trong phiên chợ Tết
Hành kiệu
Không khí chợ quê ngày Tết tấp nập
Sau khi mua chiếc chậu mới, người dân đem đến ông thợ dán thêm một miếng đế để dùng bền hơn, mỗi chiếc giá từ 8.000-10.000 đồng
Để có tiền tiêu Tết, nhiều người đem bán những chú chó
Khu vực bán trống, cồng chiêng của làng nghề truyền thống Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu thu hút khách hàng
Cánh đàn ông thử thuốc lào
Cuối năm, nhiều người đem hấp nhuộm lại quần áo để lấy may mắn cho năm mới.
Tâm Nhi – Hồ Hà
Theo Dantri
Chợ trời "đặc biệt" ở Sài Gòn
Vừa là người bán, người mua, lại tự mình định giá hàng hóa... đó là những gì đang diễn ra tại khu chợ trời với đủ loại hàng, từ đồng nát đến vàng bạc, đồ điện tử... ở đường Lý Thường Kiệt, phường 7, quận 11, TPHCM.
Mua bán từ đồng nát đến vàng bạc
9 giờ sáng, dọc con hẻm 001 chung cư Lý Thường Kiệt vòng sang đường Lý Nam Đế bắt đầu đông người. Trên vỉa hè, trong quán cà phê đầy ắp người ra vào, việc mua bán diễn ra tấp nập. Hàng ở đây chủ yếu đã qua sử dụng; có đủ loại từ đồng nát đến vàng bạc, tuy nhiên nhiều nhất là hàng điện tử như điện thoại, đồng hồ, máy tính... Chú Long, người có hơn chục năm làm nghề mua bán đồng nát ở đây cho biết, chợ trời này có cách đây gần hai mươi năm. "Ban đầu, chợ chỉ có khoảng chục người mua bán đồng nát, thấy làm ăn được nên ngày càng nhiều người về đây kinh doanh. Tuy nhiên, khoảng mấy năm gần đây, hàng đồng nát mất dần vị thế thay vào đó là hàng điện tử như điện thoại, máy tính, sạc pin...", chú Long nói.
Quang, quê Quảng Nam, vào TPHCM lập nghiệp gần 10 năm. Việc kinh doanh của Quang rất đơn giản. Buổi sáng, anh đến quán cà phê trong khu chợ trời này vừa tranh thủ làm ly cà phê vừa mua bán. Trên chiếc bàn của quán, ly cà phê anh bỏ một góc, còn mặt bàn trưng bày toàn là điện thoại, sạc pin..."Làm nghề này thấy vậy mà không đơn giản, tuy chỉ cần vài triệu đồng có sẵn trong túi để mua đổi hàng, nhưng nếu non tay, yếu mắt nhìn, mua phải hàng dỏm coi như ôm đủ", anh Quang nói.
Đối diện bên kia bàn anh Quang, một người đàn ông chừng 50 tuổi đang cặm cụi lau mấy chiếc mắt kính rồi lại xỏ tay vào túi quần lôi ra một túi nilong, bên trong túi có mấy chiếc nhẫn và lắc tay, vàng cũng có, bạc cũng có. "Ông đó là tay chơi đồ cổ, chuyên sưu tập mấy thứ lạ mắt, như kính, nhẫn, tiền giấy...hầu như mấy thứ của ổng là hàng độc hết đó", anh Nam, một người bán hàng điện thoại gần Quang nói. Một lát sau một người đàn ông đi xe máy trờ đến, phía sau xe là một thùng loa điện tử. Xe vừa dừng, mọi người xúm lại bàn tán. Họ ra giá và mặc cả với nhau. Cuối cùng, chiếc loa thuộc về một người đàn ông tên Nghĩa với giá 70 ngàn đồng.
Ở chợ trời này, có thể tìm thấy đủ loại hàng
Kiểu mua bán lạ đời
Ở quán cà phê, người ra vào mua bán đủ loại, có già, trẻ, sang trọng, dân dã... Họ đến đây buôn bán nhưng có người mang cặp táp, có người mang túi xách, người đeo ba lô, có người thì hai ba túi nilong nhưng bên trong đầy điện thoại, sạc pin... Điểm chung giữa những người này, họ khá am hiểu về điện tử bởi cầm thứ nào lên, họ nói đúng tên, đúng hãng, dòng đời ra năm nào luôn và kể cả hàng nhái, hàng giả...
Anh Mừng, quê ở Thái Nguyên, vào TPHCM làm ăn hơn chục năm nay cho biết, làm nghề này thì khó mà kiếm cơm được bởi thật giả khó biết. Buổi sáng, anh xách một chiếc cặp đen đến quán cà phê này ngồi. Chiếc bàn gần như thuộc về anh bởi ngày nào cũng góc đó anh ngồi từ 9 giờ đến khoảng 3 giờ chiều.
"Ở đây mọi thứ gần như mặc định, không ai giành chỗ của ai, thấy bàn nào có ly cà phê, trên bàn có vài chiếc điện thoại là bàn đó đã có chủ", anh Mừng nói. Ngồi chốc lát, Mừng đứng dậy, ngó nghiêng rồi cùng xúm lại một nhóm khác, bàn tán xôn xao. Lâu lâu Mừng lại chạy bàn này sang bàn kia, cầm điện thoại này đến điện thoại khác rồi hô giá, gật đầu thì đưa tiền, lắc đầu bỏ xuống chạy đến nhóm khác.
Theo anh Mạnh, quê ở Hà Nội, trong tay anh hiện có khoảng 600 chiếc điện thoại khác nhau. Có những cái từ thập niên 90, cái mới nhất như iPhone 5... nhiều cái biết không dùng được nhưng anh vẫn mua, bởi đó là đam mê. "Ngồi ở đây cả ngày nhiều lúc chỉ mong đủ tiền trả cà phê, kiếm dĩa cơm cho vui chứ làm ăn gì được, toàn là tay chơi chuyên nghiệp về điện tử hết, chẳng qua là mê chơi hàng độc, hàng lạ nên ngồi đây cho xôm tụ đó thôi", anh Mạnh nói.
Cùng lúc, một cô gái chừng 25 - 27 tuổi, trên tay cầm một túi nilong đen đến cầm điện thoại của anh Mạnh lên. Sau một hồi xoay ngang liếc dọc, cô này ra giá 120 ngàn, anh Mạnh lắc đầu. Ngần ngừ một lúc, cô này lên giá thêm 30 ngàn, anh Mạnh gật đầu rồi người cầm tiền, người cầm điện thoại là xong. "Con bé này chuyên đi mua xác mấy thứ này rồi về bán lại cho mấy tên sửa điện thoại, ngon ăn có ngày nó kiếm đến vài trăm đó chú", anh Mạnh nói.
Dọc ngoài vỉa hè xung quanh khu vực chung cư 001 Lý Thường Kiệt này phải có đến mấy chục người kinh doanh kiểu thế này. Họ trải một tấm bạt ở dưới đường rồi bày hàng hóa lên với đủ loại thập cẩm từ đồng nát đến điện tử, dây nịt, đồng hồ, Zipo...
Theo Nguyễn Dũng
Ám ảnh những phận người sau một tai nạn thương tâm Ngồi trên xe lăn bên bàn thờ con gái mới qua đời, hai giọt nước mắt đục ngầu của cụ từ trong hõm mắt sâu hoắm lặng lẽ rơi. Ngoài 80 tuổi, cụ phải gánh trọng trách nuôi hai cháu ngoại. Nỗi đau và sự bất lực khiến cụ nghẹn ngào không nói thành lời. Đến cái xe lăn mà cụ đang ngồi...