Thủ tướng yêu cầu chỉ rõ cơ quan nhà nước “ngâm” hồ sơ dự án
Thủ tướng chỉ rõ tình trạng cơ quan chức năng “ngâm” hồ sơ đầu tư xây dựng kéo dài, sợ trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến tiến độ, những thủ tục tiếp theo… Đây là một điểm vướng mắc cần tháo gỡ trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản được đưa ra tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng 20/4.
Chỉ thẳng những vướng mắc “nói mãi không sửa”
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh nội dung tập trung tháo gỡ khó khăn trước mắt làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, đặc biệt là năm 2018. Thủ tướng gợi ý, việc tháo gỡ gồm 2 phần, là trước mắt và lâu dài, gỡ từ nội dung về đơn giá tới định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn…
Thủ tướng cho rằng, hệ thống pháp luật về xây dựng rất lớn với 12 luật, hơn 100 nghị định, hàng trăm thông tư hướng dẫn, “nhiều đến mức độ không thể nhớ hết”. Sự chồng chéo trong quản lý và các văn bản pháp lý liên quan được coi là rào cản lớn nhất trong công tác đầu tư xây dựng, cần tháo gỡ cái này, nhất là trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ cần sửa đổi bổ sung thì các đồng chí kiến nghị sớm hơn để giải quyết, cụ thể là gì.
Về thủ tục hành chính, Thủ tướng nhấn mạnh, bộ nào, ngành nào, cấp tỉnh có vướng mắc gì để nâng cao hiệu quả giải quyết, một cửa liên thông, hậu kiểm những vấn đề gì… để tháo gỡ. Theo lãnh đạo Chính phủ, thủ tục giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều khâu ách tắc trong khi đã bước sang quý II của năm 2018.
Vấn đề đấu thầu, đất đai, giải phóng mặt bằng, phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương còn bất cập, Thủ tướng chỉ rõ, chậm do nhiều nguyên nhân trong đó có việc chọn nhà thầu không có đủ năng lực, kinh nghiệm vì lý do này, lý do khác, nhất là giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai. Chế độ công tác, kiểm tra, giao ban, đôn đốc xử lý vướng mắc trên công trường, trên nhật ký công trình, trong những vấn đề đặt ra của từng đơn vị cũng chưa phải làm tốt. Cơ chế nào điều hành việc này cần rõ hơn.
“Những tồn tại về chất lượng, tiến độ và những hiện tượng thất thoát, lãng phí trong xây dựng phải được chấn chỉnh tốt hơn nữa. Còn tình trạng cơ quan chức năng “ngâm” hồ sơ đầu tư xây dựng kéo dài, sợ trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến tiến độ, những thủ tục tiếp theo” – Thủ tướng đề nghị mạnh dạn chỉ ra cơ quan nào, đơn vị nào “ngâm” hồ sơ cũng những vướng mắc cần sửa để tháo gỡ.
Thủ tướng cũng đề nghị nói thẳng ra những thông tư, nghị định nào làm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia.
Điều hành việc thảo luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, không phải đến hôm nay lãnh đạo Chính phủ mới nghe, bàn về những khó khăn, vướng mắc với lĩnh vực mà Thủ tướng đã nhiều lần đặt việc này lên bàn nghị sự nhưng các chuyển biến chưa rõ ràng.
Video đang HOT
“Cần nói thẳng, chỉ thẳng những vấn đề vướng mắc mà nói mãi vẫn không sửa” – Phó Thủ tướng quán triệt quan điểm.
Tăng vốn là kẽ hở dẫn tới thất thoát
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà
Báo cáo về những bất cập về thể chế, quy định pháp luật, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đề cập, trên thực tế, nhiều dự án thuộc các trường hợp được phép điều chỉnh bị tăng tổng mức đầu tư từ dự án nhóm C lên dự án nhóm B, từ nhóm C lên nhóm A hoặc từ nhóm B lên nhóm A. Theo quy định hiện hành, cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư ban đầu cũng là cấp quyết định điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư nên có thể dẫn tới gây thất thoát trong quản lý đầu tư công.
Thời gian chuẩn bị đầu tư tính đến thời điểm khởi công của dự án sử dụng vốn công thường kéo dài, trung bình khoảng 42 tháng đối với dự án nhóm A, 29 tháng đối với dự án nhóm B, 23 tháng đối với dự án nhóm C do các dự án sử dụng vốn côn chịu sự điều tiết của nhiều quy định, thủ tục tại nhiều luật khác nhau.
Quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định, thiết kế cơ sở các dự án ODA hiện cũng nằm rải trong nhiều luật và chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.
Các nhà đầu tư, chủ đầu tư gặp khó khăn trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường tại giai đoạn lập đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư do các dữ liệu liên quan đến dự án tại giai đoạn này không đủ chi tiết, chỉ mang tính chất sơ bộ, chưa đủ điều kiện để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Bộ trưởng Xây dựng cũng khái quát khâu thường bị kéo dài nhất là thời gian hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bình quân mất khoảng 20 tháng, đặc biệt nhiều dự án bị kéo dài từ 5 đến 10 năm do đơn giá đền bù đất, công trình trên đất chưa theo cơ chế thị trường. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa theo quy hoạch được duyệt làm tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm hầu hết không đạt mức kế hoạch đề ra, bình quân trong 3 năm gần đây đạt khoảng 86% kế hoạch do tiến độ thực tế thực hiện hợp đồng xây dựng chậm so với tiến độ trong hợp đồng ký kết ban đầu. Nợ đọng trong xây dựng cơ bản vẫn còn diễn ra dotrên thực tế chủ đầu tư luôn giữ lại một phần giá trị thanh toán (từ 5-10% giá trị từng đợt thanh toán, phần giá trị quyết toán hợp đồng xây dựng).
Công tác nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án phát triển đô thị giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước còn chậm do quy định về tham gia nghiệm thu công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án phát triển khu đô thị của cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan chưa đầy đủ, chưa rõ.
Bên cạnh đó, việc sử dụng đất đai, mua bán, cấp giấy chứng nhận một số loại hình bất động sản mới như căn hộ – du lịch (condotel), căn hộ – văn phòng (officetel), shop-house, biệt thự du lịch còn gặp khó khăn.
P.Thảo
Theo Dantri
Thủ tướng: Dẹp ngay tình trạng "có 300 lạng việc này mới xong"!
"Thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân làm chậm trễ quá trình đầu tư xây dựng. Cần dẹp ngay tình trạng "quân xanh, quân đỏ", "ngâm" hồ sơ, hay tình trạng "có 300 lạng việc này mới xong" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Cần dẹp ngay tình trạng "ngâm" hồ sơ, hay tình trạng "có 300 lạng việc này mới xong".
Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng hôm nay (20/4), Thủ tướng nhấn mạnh, phải tập trung tháo gỡ thể chế pháp luật, nhất là những thủ tục rườm rà, những thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân làm chậm trễ quá trình đầu tư xây dựng.
Theo đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển đầu tư xây dựng là một yêu cầu cấp thiết, nhất là cho đầu tư tư nhân, xã hội hóa nguồn lực. Bên cạnh đó, nhà nước tăng cường quản lý đầu tư công để chống thất thoát, tham nhũng.
Thủ tướng nhắc lại, quản lý đầu tư công chặt chẽ đồng thời chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp, là rất quan trọng, là yêu cầu đối với tất cả cán bộ, công chức.
Lãnh đạo Chính phủ nêu thực trạng, hệ thống thể chế chính sách, pháp luật còn chồng chéo với nhiều luật, hơn 100 nghị định, hàng trăm thông tư hướng dẫn, hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức. Riêng trong khâu chuẩn bị đầu mục dự án đã có tới 45 thủ tục khác nhau mà giữa các luật, các văn bản lại không thống nhất.
Tính kỷ luật hành chính thì không đảm bảo, công tác quản lý lỏng lẻo, không thực hiện đúng quy chế làm việc của Chính phủ, không thực hiện đúng chức năng thẩm định, đùn đẩy, tránh né trách nhiệm, người dân, doanh nghiệp vướng mắc không được bộ, ngành, địa phương tháo gỡ, hướng dẫn thực hiện. Thủ tướng gay gắt khi nhắc tới tình trạng "ngâm" hồ sơ, nhất là đối với dự án đô thị, dự án xây dựng, dự án bất động sản.
Thủ tướng yêu cầu, với những văn bản pháp luật có vướng mắc mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cần nghiên cứu, sớm trình Quốc hội xem xét sửa đổi. Với các nghị định, thông tư, quy định do Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ban hành thì cần sửa ngay, để tạo điều kiện cho phát triển.
"Cần nhất phải sửa tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của tất cả cán bộ, công chức. Ai ngâm lâu hồ sơ, đúng quy chế kỷ luật thì phải xử lý. Tuy nhiên, yêu cầu làm nhanh nhưng không được làm ẩu, làm trái pháp luật" - Thủ tướng lưu ý.
Về vấn đề lãng phí, thất thoát, tiêu cực trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, Thủ tướng nhận định, tình trạng tham nhũng, bôi trơn, chi phí không chính thức còn nặng nề, diễn ra ở nhiều khâu, phức tạp, khó kiểm soát. Từ khâu quy hoạch, chủ trương dự án, nghiên cứu dự án, quyết định phê duyệt dự án, giải ngân, đấu thầu, thuế, kho bạc, nghiệm thu... đều có hình bóng của tiêu cực.
Người lãnh đạo đứng đầu Chính phủ quán triệt: "Chúng ta phải chống cho bằng được vấn nạn này. Cần dẹp ngay tình trạng "ngâm" hồ sơ, hay tình trạng "có 300 lạng việc này mới xong. Công khai minh bạch trong đầu tư xây dựng, theo đó, là vấn đề rất quan trọng".
Thủ tướng dẫn chứng, đất đai mà giao nhà đầu tư tự làm thì thất thoát lớn. Vừa qua, Việt Nam đã để bị thất thoát rất lớn trong vấn đề này, cần chấn chỉnh. Thủ tướng chỉ ra tình trạng lựa chọn nhà thầu một cách tùy tiện và quán triệt yêu cầu, đất đai phải được đấu giá công khai để thu lợi cho nhà nước, dẹp ngay tình trạng "quân xanh, quân đỏ".
Định hướng tháo gỡ, khắc phục các vướng mắc, Thủ tướng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng kiên quyết loại bỏ thủ tục không cần thiết hoặc lồng ghép trong các thủ tục khác.
P.Thảo
Theo Dantri
"Không trục lợi quy hoạch nhưng có biểu hiện lợi ích nhóm" Nhận trách nhiệm trong việc còn quá nhiều vi phạm về hoạt động xây dựng, xây dựng không phép, trái phép tại các đô thị lớn nhưng Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà không thể cam kết với đại biểu Quốc hội về việc chấm dứt trình trạng này. Ông phân tích, như vụ Mường Thanh, Bộ thanh tra, chỉ rõ sai...