Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTBXH làm rõ 8 vấn đề “nóng”
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo Bộ LĐTBXH quan tâm, làm rõ về 8 vấn đề “ nóng” như đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, tình trạng xâm hại trẻ em, tai nạn lao động, công tác dạy nghề…
Ngày 19.5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, dẫn đầu đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao tại Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội (LĐTBXH).
Tính từ đầu năm 2016 tới nay, Bộ LĐTBXH đã được giao 483 nhiệm vụ, trong đó đã hoàn thành 373 nhiệm vụ, còn 107 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong hạn, 3 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, trước yêu cầu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, nói đi đôi với làm, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác vào tháng 8.2016. Bộ là đơn vị thứ 24 được kiểm tra, với yêu cầu tất cả các nhiệm vụ đều được kiểm tra, đánh giá, đôn đốc.
Hoạt động của Tổ công tác đã giúp kéo giảm số nhiệm vụ chậm trễ từ trên 20% ở thời điểm tháng 8.2016 xuống còn 2,18% vào cuối năm 2016. Nhiệm vụ của Tổ công tác là kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ, đôn đốc, kết nối, phối hợp với các đơn vị, xử lý các vấn đề vướng mắc, đặc biệt nắm bắt những khó khăn, bất cập trong thực hiện các chỉ đạo điều hành, cơ chế, chính sách, tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.
Tổ công tác đề nghị Bộ giải trình, làm rõ về 3 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành với quyết tâm không để nhiệm vụ quá hạn trong thời gian tới.
Đồng thời, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo Bộ quan tâm, làm rõ 8 vấn đề. “Bộ LĐTBXH rất quan trọng, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ về chính sách an sinh xã hội, Bộ đã làm tốt rồi nhưng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu cao hơn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Vấn đề thứ nhất là chính sách với người có công. Cụ thể, vẫn còn nhiều trường hợp kê khai đề nghị hưởng chính sách nhưng chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ. Vẫn còn tình trạng hồ sơ giả, cán bộ ở cơ sở lợi dụng quyền hạn để trục lợi…
Thủ tướng đã chỉ đạo yêu cầu Bộ khẩn trương, nghiên cứu đề xuất đề án cải cách chính sách với người có công, đánh giá toàn diện, đề xuất sửa đổi căn bản chính sách, đặc biệt quan tâm đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Người có công.
Tổ trưởng Tổ công tác nhắc lại câu chuyện một Phó Chủ tịch xã ở Hà Nam khi còn làm cán bộ LĐTBXH đã trục lợi hơn 30 triệu đồng của các đối tượng chính sách.
Video đang HOT
“Ngay lập tức cán bộ đó phải nghỉ việc, bị khởi tố, số tiền tuy không lớn nhưng có ý nghĩa sâu xa. Nhà cán bộ 2 tầng nhưng nhà các đối tượng chính sách lại rất nghèo nên việc này không thể chấp nhận được. Nếu đạo đức cán bộ không tốt thì rất dễ lợi dụng những kẽ hở của chính sách”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Thứ hai, công tác dạy nghề được quan tâm đầu tư với ngân sách rất lớn, nhưng so với kỳ vọng và yêu cầu phát triển trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cả nước có khoảng 25 triệu lao động nông nghiệp, chiếm hơn 55% số lao động cả nước, mỗi năm có gần 1 triệu người đến tuổi lao động.
Vấn đề thứ ba là lao động, việc làm, tiền lương. Thủ tướng yêu cầu Bộ hết sức quan tâm tình trạng thất nghiệp dù tỉ lệ thất nghiệp hiện chỉ khoảng 4%, tình trạng thiếu việc làm, vấn đề việc làm cho sinh viên ra trường… Cần có hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để cung cấp cho xã hội.
Đồng thời, các chính sách về lao động, việc làm, tiền lương rất cần sự nhất trí, đồng thuận của người dân để bảo đảm khả thi. Đề nghị Bộ nghiên cứu kỹ vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, vấn đề liên quan tới quỹ bảo hiểm xã hội…
Vấn đề thứ tư cũng được cả xã hội quan tâm là tình trạng xâm hại thân thể trẻ em. Đây là vấn đề xã hội nhức nhối, liên quan tới luân thường đạo lý, vừa qua đã xảy ra ở nhiều địa phương như Vũng Tàu, quận Thủ Đức (TP.HCM), quận Hoàng Mai (Hà Nội), Vĩnh Long, Cà Mau… Đề nghị Bộ có nhiều giải pháp từ giáo dục cho tới ngăn ngừa, răn đe…
Thứ năm là vấn đề quản lý các cơ sở cai nghiện. Việc quản lý Nhà nước với đối tượng nghiện ma túy là rất phức tạp.
Thứ sáu là vấn đề an toàn lao động. Theo thống kê của Cục An toàn lao động, năm 2016 cả nước xảy ra gần 8.000 vụ tai nạn lao động, làm 862 người chết, hơn 1.900 người bị thương. Đề nghị Bộ có giải pháp kiềm chế tai nạn, tăng cường an toàn lao động.
Vấn đề thứ bảy liên quan tới hoạt động xuất khẩu lao động, từ quản lý các công ty xuất khẩu lao động, các địa phương có người đi lao động, công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ cho lao động đáp ứng yêu cầu của nước sở tại. Chú ý công tác thanh tra, kiểm tra các công ty, nắm bắt tình hình lao động Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời bảo hộ, can thiệp, mở rộng thêm nhiều thị trường…
Cuối cùng, Thủ tướng nhắc nhở năm 2017 là kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, ý nghĩa rất lớn, mang tính chất tri ân những người có công, đề nghị Bộ sớm đề xuất để tổ chức các hoạt động kỷ niệm xuyên suốt, tạo động lực cho toàn dân chăm lo, tri ân người có công.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho rằng, đây đều là những vấn đề rất bức xúc, trong một năm qua Bộ đã chỉ đạo quyết liệt nhưng còn nhiều vướng mắc trong thực hiện.
Tổ trưởng Tổ công tác nhắc lại câu chuyện một Phó Chủ tịch xã ở Hà Nam khi còn làm cán bộ LĐTBXH đã trục lợi hơn 30 triệu đồng của các đối tượng chính sách. “Ngay lập tức cán bộ đó phải nghỉ việc, bị khởi tố, số tiền tuy không lớn nhưng có ý nghĩa sâu xa. Nhà cán bộ 2 tầng nhưng nhà các đối tượng chính sách lại rất nghèo nên việc này không thể chấp nhận được. Nếu đạo đức cán bộ không tốt thì rất dễ lợi dụng những kẽ hở của chính sách”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Theo P.V (Baochinhphu)
"Cấm" thanh tra quá 1 lần/năm và sự quyết liệt của Thủ tướng
Suốt 2 thập kỷ qua, các doanh nghiệp vẫn bị "vấn nạn" thanh, kiểm tra "hành hạ". Có doanh nghiệp mỗi tháng thanh tra 3 lần, một năm thanh, kiểm tra 12 lần.
Ngay sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 diễn ra sáng 17.5, 13h chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Chỉ thị 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Động thái này đã làm nức lòng nhiều doanh nhân bởi quan điểm chủ đạo: Không thanh, kiểm tra, kiểm toán doanh nghiệp một năm quá một lần và thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng.
Đây là một bước đi cần thiết trong nền kinh tế thị trường, một cánh cửa mở cho các doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh lành mạnh.
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp luôn phải "ngửa mặt kêu trời" vì bị thanh, kiểm tra với tần suất quá nhiều, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tình trạng thanh, kiểm tra chồng chéo đã trở thành "vấn nạn", gây bức xúc cho doanh nghiệp, khi báo cáo của VCCI cho hay, có doanh nghiệp một năm phải chịu 6-7 cuộc kiểm tra trùng lắp, thậm chí có doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra tới 11-12 lần/năm. Việc bị thanh, kiểm tra nhiều không chỉ gây tốn kém tiền của cho các doanh nghiệp mà còn tạo những tác động xấu về thương hiệu, hình ảnh doanh nghiệp cho dù chưa biết kết quả thanh tra ra sao.
Hào hứng đón nhận Chỉ thị 20 của Thủ tướng ngay sau khi được công bố, lãnh đạo một Tập đoàn kinh tế lớn chia sẻ: Chỉ thị 20 cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, cũng là sự đồng hành và trách nhiệm của Chính phủ đối với doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp sẽ không bị thanh tra quá 1 lần/năm
Vị lãnh đạo Tập đoàn kinh tế này cho biết, khi có nhiều đoàn thanh kiểm tra, kiểm toán, doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian tiếp đón rồi còn mất nhiều thời gian để cung cấp hồ sơ, báo cáo, giải trình... Do đó, mất đi sự tập trung cho sản xuất kinh doanh của đội ngũ quản lý doanh nghiệp.
Việc nhiều đoàn thanh, kiểm tra, kiểm toán chồng chéo còn gây tâm lý không tốt trong đội ngũ quản lý doanh nghiệp, không loại trừ sự hiểu lầm, dẫn đến chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ doanh nghiệp.
Việc doanh nghiệp phải đón nhiều đoàn thanh, kiểm tra cũng sẽ tác động tâm lý không tốt tới khách hàng, ảnh hưởng xấu đến các giao dịch của doanh nghiệp, làm giảm hiệu quả kinh doanh.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thị trường quốc tế, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp diễn ra ngày một gay gắt, khốc liệt, càng đòi hỏi đội ngũ quản lý doanh nghiệp phải tập trung cao độ sức lực, trí tuệ và thời gian cho hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán không được chấn chỉnh, sẽ ảnh hưởng rất xấu tới hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Vì thế, Chỉ thị 20 ra đời là một chỉ dấu tốt cho doanh nghiệp. Các quy định của Chỉ thị sẽ khắc phục tình trạng nhiều cấp, ngành, đơn vị tùy tiện cho mình quyền gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp thấy được tôn trọng hơn, để yên tâm sản xuất kinh doanh thay vì luôn canh cánh nỗi lo đối phó với "cơn bão" thanh, kiểm tra bất cứ lúc nào.
Khi giảm được gánh nặng chi phí do các đoàn thanh, kiểm tra "thăm viếng", doanh nghiệp sẽ có điều kiện giảm giá thành, đầu tư trang thiết bị, máy móc, tập trung thời gian cho sản xuất kinh doanh, thêm sức cạnh tranh trên thị trường, từ đó chăm lo cải thiện đời sống người lao động.
Trong nỗ lực xóa bỏ mọi rào cản với kinh tế tư nhân, mở cửa cho các doanh nghiệp phát triển, việc hạn chế thanh, kiểm tra sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp, ngăn chặn lợi ích nhóm và cạnh tranh không lành mạnh trong sản xuất kinh doanh.
19 năm trước, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký nghị định số 61/1998/NĐ-CP về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, với quy định: "Việc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chỉ được thực hiện khi có quyết định của thủ trưởng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; không được tiến hành trùng lặp, không quá một lần về cùng một nội dung trong một năm đối với một doanh nghiệp (trừ trường hợp bất thường)".
Thế nhưng, bất chấp các quy định này, suốt 2 thập kỷ qua, các doanh nghiệp vẫn bị "vấn nạn" thanh, kiểm tra "hành hạ".
Do đó, để bảo vệ các doanh nghiệp, Chỉ thị 20 còn nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị, cấp, ngành; trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố trong việc phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp từ đầu năm. Đặc biệt, khi các cơ quan phát hiện có thanh, kiểm tra chồng chéo thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết như Chủ tịch UBND tỉnh. Nếu người có trách nhiệm không giải quyết mà doanh nghiệp kiến nghị lên cấp cao hơn thì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Với những quan điểm rất rõ ràng, Chỉ thị 20 không chỉ gỡ khó và tạo điểm tựa cho các doanh nghiệp chân chính, mà còn "buộc" được trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Những quy định cụ thể của Chỉ thị 20 đòi hỏi các quan chức địa phương và các bộ ngành không thể đứng ngoài cuộc, mà phải tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, chấn chỉnh các cơ quan chức năng liên quan thuộc quyền quản lý thực hiện đúng quy định của pháp luật và đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán đối với doanh nghiệp. Đặc biệt phải xác định mục đích của công tác thanh, kiểm tra, kiểm toán là hướng dẫn, uốn nắn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của mình theo quy định của Nhà nước, của địa phương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Với "tinh thần đồng hành" của Chính phủ và các ngành, địa phương, sự giám sát việc thực thi của doanh nghiệp và người dân, tôi tin "vấn nạn" thanh, kiểm tra chồng chéo ở các doanh nghiệp sẽ chấm dứt, để Việt Nam có một môi trường sản xuất kinh doanh tốt, đủ sức níu kéo các doanh nghiệp nội phát triển và thu hút các doanh nghiệp ngoại đến đầu tư. Một đất nước chỉ có thể giàu có khi các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển.
Theo Danviet
Thủ tướng nên trả lời chất vấn tại phiên họp Quốc hội giữa kỳ Sáng nay, 17.5, Uỷ ban Thường vụ Quốc đã hội họp cho ý kiến về một số vấn đề về chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Tại phiên họp Quốc hội giữa kỳ, sau khi các Phó Thủ tướng trả lời, Thủ tướng cũng sẽ lên trình bày những câu hỏi mà đại biểu trực tiếp hỏi. Ảnh: Zing.vn...