Thủ tướng: Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào quá trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên
Đó là một trong số những nội dung trao đổi giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Ri Yong Ho hôm 1/12.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nhiệt huyết khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm cho quốc phú, dân cường
Chiều 1/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho đang thăm chính thức Việt Nam.
Video đang HOT
Quang cảnh buổi tiếp.
Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho bày tỏ ấn tượng sâu sắc và chân thành chúc mừng những thành tựu kinh tế – xã hội mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; chúc nhân dân Việt Nam giành nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong việc quán triệt đường lối của Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao Triêu Tiên Ri Yong Ho khẳng định lập trường nhất quán của Đảng, Chính phủ Triều Tiên là tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, tài sản quý báu do Chủ tịch Kim Nhật Thành và Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng và vun đắp; nhấn mạnh mong muốn tăng cường giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực theo nhu cầu và tiềm năng của hai nước, phù hợp với sự phát triển của tình hình mới.
Về tình hình Triều Tiên, Bộ trưởng Ri Yong Ho nhấn mạnh toàn đảng toàn dân Triều Tiên đang dồn sức quán triệt đường lối chiến lược mới về tập trung xây dựng kinh tế do Chủ tịch Kim Jong Un đề ra và được thông qua tại Hội nghị TW 3 khóa 7 Đảng Lao động Triều Tiên; đồng thời, để xây dựng môi trường hòa bình phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, thời gian vừa qua, Chủ tịch Kim Jong Un đã đẩy mạnh nhiều hoạt động đối ngoại với các nước liên quan. Bộ trưởng Ri Yong Ho đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong đó hai bên đã nhất trí về các biện pháp cụ thể để củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đồng chí Ri Yong Ho, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên sang thăm Việt Nam; khẳng định Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống với Đảng, Chính phủ và nhân dân Triều Tiên; sẵn sàng cùng Chính phủ và nhân dân Triều Tiên tiến hành giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế và xu thế chung của thời đại, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi với Bộ trưởng Ri Yong Ho về đường lối đổi mới và các biện pháp triển khai dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hơn 30 năm qua, trong đó có việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống nhân dân; bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Triều Tiên, trong đó có việc mở rộng kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư và du lịch.
Về tình hình Bán đảo Triều Tiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những tiến triển tích cực trên Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là những kết quả đạt được tại các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc thời gian qua; mong muốn Triều Tiên và các bên liên quan sẽ tận dụng tối đa các cơ hội đối thoại, linh hoạt trong việc thực hiện các thỏa thuận để tạo tiến triển thực chất trong tiến trình giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên; nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực trong tiến trình đối thoại giữa Triều Tiên và các bên liên quan. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc Bộ trưởng Ri Yong Ho và đoàn Triều Tiên có chuyến thăm Việt Nam thành công
Theo PLO
Chuyến tàu Hàn - Triều "xuyên" lệnh trừng phạt chính thức khởi hành
Một chuyến tàu chở hy vọng hòa bình chạy dọc bán đảo Triều Tiên, càng thêm đặc biệt do bối cảnh phong tỏa kinh tế Bình Nhưỡng.
Lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ liên kết đường sắt giữa hai miền bán đảo bị chia cắt, một chuyến tàu từ Nam Hàn đến Bắc Triều đã khởi hành hôm nay (30/11), mang theo nhiên liệu và nhu yếu phẩm của chính họ để phù hợp với các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt vẫn đang được duy trì với Bình Nhưỡng.
Bất kỳ nhiên liệu dự phòng nào còn lại từ chuyến đi này đều sẽ phải được đưa trở lại Hàn Quốc để tránh rủi ro thanh tra vi phạm các hạn chế quốc tế về giao dịch với miền Bắc. Nếu những hạn chế này được dỡ bỏ trong tương lai, kết nối giữa hai hệ thống đường sắt Hàn - Triều có thể mang lại lợi ích kinh tế khổng lồ cho bán đảo từ việc kết nối các nhà máy Bắc Triều với các thị trường ở miền Nam, đồng thời cung cấp cho các nhà xuất khẩu Hàn Quốc một tuyến đường nhanh hơn đến Trung Quốc và châu Âu.
Theo các quan chức Hàn Quốc, Bắc Triều đang có hơn 5.226km đường sắt, so với khoảng 3.900km ở miền Nam. Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường này của miền Bắc hoạt động như các tuyến đường đơn - có nghĩa là tàu không thể vượt qua nhau - với tốc độ trung bình 40-50km /giờ. Korail ước tính năm 2012, tổng chi phí sửa chữa đường sắt ở Bắc Triều là 210 triệu USD đối với tuyến Đông và 96 triệu USD đối với tuyến Tây, mặc dù những con số này có thể tăng lên do hạn chế về khả năng và ảnh hưởng của lệnh trừng phạt.
Chuyến tàu là một phần trong kế hoạch chung nhằm kiểm tra hệ thống đường sắt của miền Bắc, sau một loạt các cuộc họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo hai nước hồi đầu năm hướng tới mục tiêu khuyến khích Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Nhóm nghiên cứu có mặt trên chuyến tàu này đã phải nhận được sự cho phép đặc biệt từ Liên Hợp Quốc để thực hiện hành trình này. Các biện pháp trừng phạt đã tạo ra một số vấn đề cho đoàn thanh tra người Hàn, buộc họ phải mang theo thức ăn, nước và nhiên liệu vì sợ rằng họ sẽ vi phạm luật quốc tế nếu mua bất kỳ vật dụng gì của Triều Tiên. Đội kiểm tra cũng được khuyến cáo cảnh giác với những rủi ro về sức khỏe nếu uống rượu hoặc ăn các sản phẩm của Bắc Triều.
Một phóng viên tiến hành tham quan, trước khi con tàu khởi hành, miêu tả, có hàng trăm chai nước xếp chồng lên nhau được chất trong các khoang, tiếp giáp với những khoang ngủ dài 2m - nơi các thanh tra viên sẽ sống trong vài tuần tới. "Cuộc khảo sát cuối cùng (năm 2007) đã có rất nhiều người bị đau bụng. Vì vậy, chúng tôi đã mang đi nhiều nước trong lần này", giám đốc dự án Ji Yong-tae lý giải.
Theo PLO
Mỹ muốn hợp tác liên Triều song hành cùng vấn đề phi hạt nhân hóa Theo Yonhap, ngày 20/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay nước này muốn đảm bảo sự tiến bộ trong phi hạt nhân hóa Triều Tiên không bị các nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều bỏ lại phía sau. Ông Pompeo nhấn mạnh quan ngại của Mỹ cho rằng những hoạt động nhộn nhịp gần đây giữa 2 miền Triều Tiên...