Thủ tướng: Việc “lọt” dự án khu nghỉ dưỡng trên núi Hải Vân là cá biệt
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tỉnh Thừa Thiên – Huế khi cấp phép cho DN nước ngoài làm khu nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao trên núi Hải Vân chưa xin ý kiến Bộ Tư lệnh quân khu 4 và Bộ Quốc phòng theo quy định…
Đây là nội dung thể hiện trong văn bản Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội). Văn bản trả lời vừa được ký, gửi trực tiếp cho đại biểu Khánh ngày 11/2.
Trước đó, chất vấn Thủ tướng, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đặt vấn đề, những năm qua, một số địa phương do muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội mà cho phép các DN nước ngoài đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh ở những khu vực nhạy cảm, trọng yếu về quốc phòng – an ninh, gây bức xúc dư luận. Bà Khánh trở lại chuyện gần đây nhất, tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp phép cho DN Trung Quốc làm khu nghri dưỡng quốc tế 5 sao trên núi Hải Vân, thuộc địa bàn giáp ranh với TP. Đà Nẵng với diện tích hơn 200ha, thời gian sử dụng đất 50 năm.
Phản ánh lo lắng của cử tri vì sự hiện diện của DN nước ngoài tại địa bàn trọng điểm về quốc phòng này, nhất là khi xảy ra tình huống đất nước có chiến tranh, không ai dám chắc khu vực phòng thủ ở đây có được bảo đảm, bà Khánh chất vấn người đứng đầu Chính phủ: “Việc cấp phép của tỉnh Thừa Thiên – Huế cho DN nước ngoài này đã được sự đồng ý, phê duyệt của Thủ tướng hay chưa?”.
Dự án khu nghỉ dưỡng trên núi Hải Vân đã được lệnh dừng kịp thời nhưng hệ quả có thể địa phương phải đền bù lớn cho nhà đầu tư.
Văn bản trả lời của Thủ tướng nêu khái quát, dự án khu nghỉ dưỡng Quốc tế World Shine – Huế là dự án đầu tư kinh doanh trong khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Theo quy định của Điều 39, Nghị định 108 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật Đầu tư thì dự án này do Ban quản lý khu kinh tế này cấp giấy chứng nhận đầu tư, không thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng.
Thủ tướng thông tin thêm, theo báo cáo của tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong quá trình xem xét thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án, Ban quản lý khu kinh tế này đã lấy ý kiến các Sở, ngành và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh về vấn đề an ninh quốc phòng nhưng chưa xin ý kiến Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Bộ Quốc phòng theo quy định tại Quyết định số 13 năm 2012 của Thủ tướng về quy chế kết hợp kinh tế với quốc phòng trong khu vực phòng thủ, trước khi cấp giấy phép cho dự án.
Video đang HOT
Cụ thể, khu vực dự án World Shine là khu vực ưu tiên sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng, theo Quyết định số 2412 năm 2011 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn cả nước giai đoạn 2011 – 2020.
Khi có thông tin về việc này, Thủ tướng khẳng định, đã yêu cầu UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế chủ động phối hợp với các Bộ, ngành chức năng giải quyết theo thẩm quyền, đúng pháp luật đối với những vấn đề liên quan đến dự án World Shine.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng “truy” thêm: Thủ tướng cần chỉ đạo chấn chỉnh tình hình chung ở các địa phương và xử lý vụ việc cụ thể như thế nào khi về nguyên tắc, lãnh đạo chủ chốt các tỉnh thành đều đã biết, phát triển kinh tế – xã hội phải gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng; phải công khai lấy ý kiến nhân dân, cơ quan chuyên môn, chuyên gia trước khi phê duyệt các dự án quan trọng, đặt biệt quan trọng trên địa bàn?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, nhìn chung, các địa phương đều thực hiện tốt các quy định của Nhà nước trong việc phối hợp với cơ quan quân sự địa phương, Trung ương khi xây dựng, triển khai các dự án, công trình tại địa phương. Việc công khai lấy ý kiến trước khi phê duyệt dự án quan trọng, đặc biệt quan trọng cũng được quy định tại nhiều văn bản. Thủ tướng dẫn chứng một loạt văn bản như Nghị định số 119 năm 2004 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuốc Chính phủ và các địa phương; Quyết định số 13 năm 2012 của Thủ tướng về quy chế kết hợp kinh tế – xã hội với quốc phòng trong khu vực phòng thủ; luật Đầu tư…
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng xác nhận, cá biệt có một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc các quy định này. Thủ tướng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành và Ban quản lý các khu kinh tế các tỉnh chấn chỉnh công tác thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư theo đúng quy định pháp luật về đầu tư.
P.Thảo
Theo Dantri
Thủ tướng: Bổ nhiệm thêm Thứ trưởng phải được Ban Bí thư đồng ý
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề "lạm phát" cấp phó, quá nhiều Thứ trưởng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, so với đầu nhiệm kỳ, số Thứ trưởng hiện đã giảm 3 người. Hiện còn 2 Bộ có 7 Thứ trưởng, 9 Bộ có 6 Thứ trưởng...
Thủ tướng: "Số Thứ trưởng hiện đã giảm 3 người".
Văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) của Thủ tướng được ký ngày 11/2 vừa qua.
Nội dung chất vấn của đại biểu Bùi Thị An nêu, vấn đề tinh giản để nâng cao hiệu quả, chất lượng bộ máy là một nội dung vô cùng quan trọng, trong đó có việc giảm cấp phó đến mức cần thiết (theo quy định). Vậy xin Thủ tướng cho biết về sự "lạm phát cấp phó" hiện nay ở các cấp, và giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới?
Đáp lại vấn đề nữ đại biểu nêu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, bộ máy, cơ cấu, số lượng lãnh đạo của Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được thành lập theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, và phải được Ban Chấp hành Trung ương Đảng chấp thuận. Số lượng Bộ, cơ quan ngang Bộ thực tế đã giảm từ 26 trong nhiệm kỳ 1997 - 2002 xuống còn 22 trong 2 nhiệm kỳ gần đây.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, theo quy định tại Nghị định số 36 ban hành năm 2012 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ thì mỗi bộ không quá 4 thứ trưởng. Đối với bộ quản lý đa ngành, số lượng thứ trưởng có thể nhiều hơn, do cấp có thẩm quyền quyết định.
"Việc bổ nhiệm một Thứ trưởng phải được Ban Bí thư Trung ương Đảng đồng ý trước về chủ trương, sau đó mới làm quy trình nhân sự cụ thể để trình lại Ban Bí thư xem xét chấp thuận. Trên cơ sở đó, Thủ tướng mới ký quyết định bổ nhiệm" - Thủ tướng nêu rõ quy trình.
Tại thời điểm cuối tháng 11/2014, Thủ tướng cho biết, Chính phủ có Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng và 22 Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ (trong đó có 1 Phó Thủ tướng trực tiếp làm Bộ trưởng). Trong các bộ, cơ quan ngang bộ có 119 thứ trưởng, bình quân mỗi bộ có 5,4 thứ trưởng. Cụ thể, có 4 Bộ có 4 Thứ trưởng, 7 Bộ có 5 Thứ trưởng, 9 Bộ có 6 Thứ trưởng và còn 2 Bộ có 7 Thứ trưởng.
So với đầu nhiệm kỳ (tháng 8/2011), Thủ tướng cho biết, số Thứ trưởng đã giảm 3 người.
Còn ở cấp tỉnh có tổng số 239 phó chủ tịch, nếu không tính 26 người thuộc diện luân chuyển thì vượt 11 người so với quy định.
Thủ tướng trình bày, cấp phó ở một số bộ còn nhiều do bộ quản lý đa ngành và yêu cầu nhiệm vụ tăng thêm, thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ nữ và do việc sáp nhập một số bộ trước đây. Việc tăng cấp phó ở địa phương để đáp ứng yêu cầu quản lý đặc thù và luân chuyển, đào tạo cán bộ.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy định về số lượng và quy trình bổ nhiệm cấp phó.
Đồng thời, tổ chức tổng kết và đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, trên cơ sở đó xác định cụ thể số lượng cấp phó phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng bộ, cơ quan ngang bộ.
P.Thảo
Theo Dantri
Dự án trên núi Hải Vân: Phải do Thủ tướng chỉ đạo! "Về dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World ShineHuế tất cả đều phải do Thủ tướng chỉ đạo". Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nói như vậy với Đất Việt bên hành lang Quốc hội chiều 20/11 khi được hỏi về quan điểm của Bộ đối với dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc...