Thủ tướng truy vấn, lãnh đạo địa phương “đang xanh thành đỏ” lúng túng
“Tôi hỏi chi tiết để thấy sự lúng túng của lãnh đạo địa phương. Chính sự lúng túng này mà mặc dù giãn cách cứ kéo dài mãi nhưng làm gì để chặn dịch trong thời gian đó lại không rõ” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng phê bình lãnh đạo Kiên Giang, Tiền Giang lơ mơ
Chủ trì cuộc họp với 2 tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang sáng 13/9, sau khi nghe các địa phương báo cáo, Thủ tướng đặt nhiều câu hỏi kiểm tra việc nắm bắt tình hình của lãnh đạo các địa bàn tại đây.
“Ngày hôm qua trong cộng đồng các anh xét nghiệm ra bao nhiêu ca, phải rất cụ thể, cứ lơ ma lơ mơ làm sao chỉ huy được?” – Thủ tướng truy vấn.
Lãnh đạo Kiên Giang trả lời ấp úng “hôm qua, tổng số có 154 ca F0″. Thủ tướng tiếp tục hỏi địa bàn phát sinh, ghi nhận các ca bệnh thì lãnh đạo địa phương thừa nhận “không nhớ nổi”.
Thủ tướng chủ trì họp trực tuyến với tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang (Ảnh: VGP).
Thủ tướng phê bình: “Đã nhiều lần tôi gọi điện cho lãnh đạo tỉnh và nói phải kiểm soát hàng ngày, để xem số ca mắc trong cộng đồng tăng hay giảm và hiện tại việc xét nghiệm đã theo đúng hướng dẫn của Trung ương, Bộ Y tế chưa. Những việc này rất quan trọng nhưng làm chưa tốt. Kiên Giang từ chỗ “xanh rờn” thành “đỏ quạch” vậy đó”.
Những câu trả lời bị động, chưa nắm chắc tình hình của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang và một số xã phường khiến người đứng đầu Chính phủ rất sốt ruột.
Thủ tướng nhận định, chỉ kiểm tra nhanh đã thấy công tác phòng chống dịch ở các địa phương này bộc lộ nhiều điểm yếu, sự lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tốc độ xét nghiệm còn chậm hơn tốc độ lây nhiễm. Một số nơi lỏng lẻo trong quản lý người về từ vùng dịch, một số nơi chưa triển khai trạm y tế lưu động xuống xã phường gây quá tải lên tuyến trên, gây tử vong.
Thủ tướng cũng chỉ rõ, các mục tiêu, giải pháp trong báo cáo của các địa phương cũng chung chung, không rõ ràng. Ông đòi hỏi, đặt ra mục tiêu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thì phải rõ kéo dài đến bao giờ nhưng báo cáo của Kiên Giang, Tiền Giang không thấy đưa ra thời điểm cụ thể.
Bày tỏ lo lắng trước thực trạng này, Thủ tướng yêu cầu Tiền Giang, Kiên Giang chấn chỉnh ngay.
Video đang HOT
Giãn cách kéo dài mãi nhưng không biết mục tiêu là gì
Đi vào các vấn đề cụ thể, Thủ tướng nhắc, công tác xét nghiệm tỉnh Kiên Giang vẫn còn chậm hơn tốc độ lây lan và không đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
“Cứ nói xét nghiệm 5-7 vòng nhưng mà 5-7 vòng trong vòng cả 2 tháng giãn cách thì có ý nghĩa gì? Đây là điểm yếu cần phải nhanh chóng khắc phục” – Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng nhắc nhở, gần 2 tháng triển khai giãn cách xã hội rồi mà vẫn chưa triển khai được trạm y tế lưu động nào, đặc biệt Kiên Giang khi cả 13 xã nguy cơ cao đều chưa điều động được trạm xá về cơ sở.
Thủ tướng nhấn mạnh bài học rút ra từ TPHCM, Bình Dương… để người dân được tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay tại cơ sở xã phường, thị trấn thì mới giảm tử vong, giảm ca chuyển nặng, giảm ách tắc tuyến trên.
“Tôi hỏi chi tiết để thấy sự lúng túng của các cấp lãnh đạo địa phương. Chính sự lúng túng này cho thấy mặc dù giãn cách, rồi tăng cường giãn cách cứ kéo dài mãi nhưng biện pháp để làm gì, chặn dịch thế nào trong mỗi lần giãn cách đó, mục tiêu để đạt được gì thì địa phương lại không nêu ra được” – Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đánh giá một số điểm hạn chế khác trong hoạt động chống dịch tại hai địa phương, như một số nơi còn chưa quản lý chặt chẽ người về vùng dịch; lực lượng hỗ trợ tại chốt chặn, khu cách ly chưa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; còn tình trạng chủ quan, lơ là để lây nhiễm từ trong khu cách ly, điều trị ra ngoài cộng đồng.
Sau khi kiểm tra địa phương, Thủ tướng đã mời nhiều chuyên gia, nhà khoa học, Bộ Y tế cùng các bộ ngành phát biểu để lắng nghe thêm đánh giá, góp ý giải pháp cho 2 tỉnh.
Thủ tướng: Ai cũng ngậm ngùi vì các cháu không được nghe tiếng trống trường
"Tất cả chúng ta ai cũng ngậm ngùi vì dịch bệnh lấy đi ý nghĩa của tuổi thơ các cháu khi chưa được cắp sách đến trường; hàng ngày không được nghe tiếng trống trường...", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Tối 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em" kêu gọi toàn xã hội hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện học tập trực tuyến.
Tới tham dự chương trình còn có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, ông Đỗ Văn Chiến - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng...
Chương trình ra đời từ cuộc gọi của Thủ tướng lúc nửa đêm
Phát biểu khai mạc Chương trình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói: "Thủ tướng Chính phủ thường có các cuộc gọi các Bộ trưởng vào lúc nửa đêm. Rất có thể là vì đến lúc đó, Thủ tướng mới có thời gian dành cho các ý tưởng mới. Cách đây 5 ngày, vào lúc 0h15 ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ nói với tôi ý tưởng của chương trình "Sóng và máy tính cho em" vừa là học trực tuyến vừa là xây dựng xã hội số".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em" (Ảnh: Quốc Chính).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khi Covid-19 ập đến và giãn cách xã hội, các em học sinh là những người đầu tiên phải ở nhà, phải học trực tuyến từ nhà. Nhưng hàng triệu em không có máy tính. Vào lúc 9h ngày 7/9, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chương trình "Sóng và máy tính cho em".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là một chương trình lớn, liên quan đến toàn quốc, liên quan đến hàng chục triệu học sinh và sự hỗ trợ giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng của rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức và toàn dân.
Do chủ trương đúng, do tính nhân văn của nó nên chỉ trong chưa đến 5 ngày, bằng vào sự vào cuộc nhanh chóng, tích cực nên hôm nay chương trình được ra mắt, chứng kiến những đóng góp đầu tiên lên tới một triệu máy tính cho em.
Chương trình gồm 3 mục tiêu chính là: Có sóng, có internet đến tất cả các hộ gia đình Việt Nam; Có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo; Có giá cước phù hợp cho các máy tính.
Phương thức học tập mới phù hợp với điều kiện giãn cách
Phát biểu phát động chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sóng và máy tính là phương thức học tập mới, mang tính tình thế nhưng phù hợp trong điều kiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội để các cháu, nhất là các cháu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hộ khó khăn có điều kiện học tập bình đẳng trong tiếp cận kiến thức.
Tuy nhiên, đây là phương thức học tập mới, đòi hỏi các nhà giáo và các em học sinh phải điều chỉnh phương thức dạy và học. Nhất là các thầy cô phải điều chỉnh nội dung, giáo trình, thời lượng và khối lượng kiến thức phù hợp để các cháu tiếp thu tốt nhất, đặc biệt đối với các cháu bước vào lớp một và cuối các cấp học.
Các đại biểu tham dự Chương trình tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ (Ảnh: Quốc Chính).
"Với chương trình này chúng tôi quan tâm đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo, những nơi chưa có sóng. Có sóng mà không có máy tính thì cũng không học được, có máy tính mà không có sóng thì cũng không học được. Do vậy, sóng và máy tính cho em là những cái không thể thiếu", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, tất cả chúng ta ai cũng ngậm ngùi vì dịch bệnh đã lấy đi ý nghĩa của tuổi thơ các em học sinh khi chưa được cắp sách đến trường; hàng ngày không được nghe tiếng trống trường; không được gặp gỡ, giao lưu với bạn bè, thầy cô. Nhiều nơi các em phải học trực tuyến gần 2 năm qua. Điều đó ảnh hướng đến tâm lý, kiến thức và sự phát triển toàn diện của các em.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên các em thiệt thòi hơn nhiều bạn cùng trang lứa vì không có máy tính để học trực tuyến, nhiều nơi mạng chập chờn hoặc không có kết nối sóng. Nhiều nơi ở vùng sâu, vùng xa các em còn phải dựng lán ở đỉnh đồi để có sóng để học. Nhiều gia đình không có điều kiện mua máy tính cho con, những học sinh đó không được tiếp cận kiến thức và tủi thân với bạn bè.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại chương trình (Ảnh: Quốc Chính).
"Đảng, Nhà nước hiểu rất rõ và chia sẻ với gia đình các cháu đang đối mặt với khó khăn để thích ứng với việc học tập trong điều kiện dịch bệnh. Đảng, Nhà nước đang xây dựng những giải pháp trước mắt và lâu dài để chúng ta thích ứng an toàn với dịch bệnh, thực hiện mục tiêu mở trường học một cách an toàn, và an toàn mới mở cửa", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho biết, việc dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng ta cần đánh giá tác động nhiều mặt để có phương án giải quyết từng vấn đề trước mắt và lâu dài. Một trong những vấn đề nảy sinh khi tổ chức dạy trực tuyến tại những địa phương chịu ảnh hưởng của dịch bệnh là thiếu thiết bị học và thiếu sóng. Điều này có thể dẫn đến thiếu công bằng trong tiếp cận giáo dục, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, "Sóng và máy tính cho em" là một chương trình lớn và ý nghĩa (Ảnh: Quốc Chính).
Thông qua Chương trình "Sóng và máy tính cho em", Thủ tướng mong các địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân "có được cái gì thì ủng hộ cái đó"; có được đến đâu thì ủng hộ đến đấy, với tinh thần "tương thân, tương ái" để chúng ta vượt qua khó khăn, thách thức.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao các Bộ ngành, các địa phương đã hưởng ứng kế hoạch thực hiện chương trình "Sóng và máy tính cho em". Thủ tướng cũng nhiệt liệt biểu dương các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh, nhưng với tinh thần tương thân, tương ái đã ngay lập tức hỗ trợ chương trình.
Thủ tướng: 'Tránh nóng vội muốn mở lại ngay các hoạt động sản xuất' Thủ tướng lưu ý chống hai khuynh hướng: Mất cảnh giác khi chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu; hoặc chủ quan, nóng vội muốn mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay. Quan điểm chỉ đạo trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính (Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) quán triệt khi kết luận...