Thủ tướng Trung Quốc kêu gọi tạo động lực lâu dài cho nền kinh tế thế giới
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ngày 25/6, Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đại Liên 2024 đã khai mạc tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo tham dự Phiên toàn thể Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của WEF, sáng 25/6. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Được tổ chức từ ngày 25-27/6 với chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới”, sự kiện quy tụ khoảng 1.600 nhân vật hàng đầu trong khu vực công và tư từ gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ để cùng nhau trao đổi, tìm kiếm những động lực mới và những cách thức mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tham dự Hội nghị và có bài phát biểu tại sự kiện này.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cho rằng nền kinh tế thế giới thiếu động lực tăng trưởng hiệu quả do các yếu tố mang tính giai đoạn, như cú sốc do đại dịch COVID-19 gây ra, lạm phát cao và vấn đề nợ đang xấu đi, cũng như các vấn đề và mâu thuẫn sâu sắc khác.
Video đang HOT
Thủ tướng Lý Cường cho rằng lựa chọn đúng đắn là cần nhìn nhận vấn đề phát triển với tầm nhìn và tư duy rộng lớn hơn, tìm kiếm những lợi ích hợp lý để cùng nhau tạo động lực lâu dài cho nền kinh tế thế giới và mở ra một nền tảng mới cho sự phát triển của các nước.
Về vấn đề chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh, Thủ tướng Lý Cường cho rằng các quốc gia và khu vực nên thực hiện trách nhiệm cắt giảm khí thải và không thể trì hoãn tốc độ chuyển đổi xanh vì lợi ích tăng trưởng kinh tế ngắn hạn.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu, sáng 25/6. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Theo Thủ tướng Lý Cường, sự trỗi dậy nhanh chóng của các ngành công nghiệp mới nổi của Trung Quốc phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu và phát triển xanh. Xe điện, pin lithium và các sản phẩm quang điện do các công ty Trung Quốc sản xuất không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn làm phong phú thêm nguồn cung trên thị trường toàn cầu. Điều này đã giảm bớt áp lực lạm phát và đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thủ tướng Trung Quốc cũng kêu gọi “duy trì sự ổn định và vận hành trơn tru chuỗi công nghiệp và cung ứng, thúc đẩy tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, hướng dẫn và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh trên toàn cầu, đồng thời tập hợp những nỗ lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế thế giới”.
Chuyên gia Trung Quốc: Thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - Việt Nam lên tầm cao mới
Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức tại thành phố Đại Liên (Diễn đàn WEF Đại Liên), tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24 - 27/6, phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh đã có cuộc trao đổi với nhà báo Ngụy Vi, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, Trưởng Ban tiếng Việt - Đài Phát thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc về chuyến thăm này.
Nhà báo Ngụy Vi. Ảnh: Tiến Trung/TTXVN
Đánh giá về chương trình nghị sự của Diễn đàn WEF Đại Liên năm nay, nhà báo Ngụy Vi cho biết diễn đàn diễn ra từ ngày 25 - 27/6 có sự tham dự của trên 1.600 đại biểu các giới chính trị, doanh nhân, học giả, truyền thông đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể. Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường có bài phát biểu đặc biệt tại diễn đàn.
Ông Ngụy Vi nhấn mạnh, quy mô diễn đàn do WEF và Chính phủ Trung Quốc phối hợp tổ chức lần này chỉ đứng sau Diễn đàn Davos tại Thụy Sĩ. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính từng thăm chính thức Trung Quốc vào tháng 6/2023 và đã tham dự Diễn đàn WEF lần thứ 14 diễn ra tại Thiên Tân, thảo luận các thách thức làm cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Việt Nam, như kinh tế toàn cầu suy thoái, lạm phát không ngừng tăng lên, đời sống nhân dân khó khăn, vấn đề hậu COVID-19, chiến lược cạnh tranh địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, cũng như xung đột đe dọa an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu.
Theo ông Ngụy Vi, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính trở lại diễn đàn WEF vừa thể hiện sự đánh giá cao của thế giới về vị thế và vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế và sự đổi mới, mở cửa của Việt Nam, cũng như thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong việc tích cực tham gia phát triển kinh tế toàn cầu và quản trị toàn cầu.
Về quan hệ giữa hai nước, nhà báo Ngụy Vi đánh giá Trung Quốc và Việt Nam có tình hữu nghị truyền thống sâu đậm, có lợi ích dung hòa, cùng chia sẻ tương lại.
Trung Quốc liên tục nhiều năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác hợp tác lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Những năm qua, nhà lãnh đạo hai nước có nhiều chuyến thăm lẫn nhau, giao lưu mật thiết trên nhiều lĩnh vực. Dưới sự dẫn dắt của Tổng Bí thư Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ hai đảng, hai nước duy trì đà phát triển tốt đẹp.
Năm 2025 là năm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Việt Nam, ông Ngụy Vi cho rằng, trong tình hình thế giới phức tạp và biến động, hai nước cần phải chú trọng giữ gìn phát triển tốt quan hệ hai nước, cùng thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, chung tay xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai gắn bó hơn, trên khởi điểm mới, thúc đẩy quan hệ hai nước bước lên tầm cao mới, tiếp thêm tính ổn định và năng lượng tích cực cho hòa bình và phát triển của thế giới.
Cũng theo nhà báo Ngụy Vi, Trung Quốc và Việt Nam cần đi sâu khai thác hiệu quả tiềm năng vận tải đường sắt, đẩy nhanh kết nối đường sắt tiêu chuẩn biên giới, thúc đẩy nâng cấp mở cửa và kết nối hạ tầng cửa khẩu; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực thương mại hàng nông sản, đầu tư, năng lượng...; mở thêm đường bay thẳng, tăng cường giao lưu trên các lĩnh vực văn hóa, du lịch, giáo dục, thanh niên...; Chính phủ hai nước còn cần phải tiếp tục tạo môi trường kinh doanh tốt đẹp cho doanh nghiệp hai nước đầu tư khởi nghiệp. Ngoài ra, hai nước cũng cần phải kiên trì giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và hiệp thương, thúc đẩy hợp tác thiết thực trên biển, đẩy nhanh tham vấn Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), tránh thực hiện các hành động làm phức tạp tình hình...
Diễn đàn Davos mùa Hè lần thứ 15 tiết kiệm năng lượng và giảm carbon "Hàm lượng xanh" không ngừng nâng cao, thúc đẩy chuyển đổi xanh bằng tiết kiệm năng lượng và giảm carbon là những điểm sáng trong công tác chuẩn bị Diễn đàn Davos mùa Hè lần thứ 15, khi địa điểm tổ chức chính thực hiện 100% nguồn cung cấp "điện xanh"; hệ thống điều hòa không khí sử dụng nước biển làm mát...