Thủ tướng trả lời đại biểu Dương Trung Quốc về Uber, Grab taxi
Ngày 20/7, Thủ tướng gửi văn bản trả lời chất vấn tới đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Trước vấn đề về Uber, Grab đại biểu đặt ra, Thủ tướng xác nhận, loại hình vận tải này phần nào tác động đến loại hình kinh doanh vận tải bằng taxi. Đây là quy luật tất yếu, mang tính tích cực…
Trước đó, gửi chất vấn bằng văn bản tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi “Chính phủ sẽ cho thí điểm Uber, Grab đến bao giờ?”, “những hệ lụy ai cũng có thể nhìn thấy sẽ do ai chịu trách nhiệm?”.
Đại biểu Dương Trung Quốc phân tích, chủ trương cho phép Grab và Uber thử nghiệm đưa ra vào thời điểm sự phát triển của taxi truyền thống trên những địa bàn đô thị quan trọng ở Việt Nam đã tới ngưỡng phải giới hạn về số lượng so với nhu cầu và hạ tầng giao thông. Taxi bùng nổ làm tăng phương tiện lên gấp bội, nảy sinh xung đột lợi ích, nhất là xung đột với mục tiêu quản lý nhà nước trên cơ sở quy hoạch về số lượng, sẽ làm trầm trọng hơn áp lực quá tải lên hạ tầng và ách tắc giao thông.
Ông Quốc đặt vấn đề, đáng lo ngại hơn là thử nghiệm nào cũng phải đi đến kết cục: chấp nhận hay không chấp nhận cho đối tượng hoạt động chính thức và cả 2 phương án này “đều đi đến hệ lụy tiêu cực”.
Tính đến thời điểm này, Uber, Grab đã được chạy thử nghiệm ở Việt Nam 1,5 năm.
“Nếu chấp nhận Uber, Grab taxi, đương nhiên số lượng xe tham gia vận chuyển khách sẽ tăng vọt, đi ngược mục tiêu quản lý nhà nước và tiếp tục gia tăng xung đột giữa taxi truyền thống và 2 phương thức mới. Nếu không chấp nhận thì người chủ tổ chức loại hình kinh doanh ở nước ngoài này kết thúc cuộc làm ăn ở Việt Nam với những món lợi kếch xù đã bỏ túi, để lại hàng vạn lao động có xe mà không có quyền hoạt động.
Ông Quốc lo ngại, càng thử nghiệm lại thì sự tích tụ những hệ lụy càng lớn, trách nhiệm quản lý nhà nước Chính phủ sẽ phải gánh chịu và mục tiêu quản lý lĩnh vực này ngày càng bế tắc.
Với những vấn đề đặt ta, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lý giải, với xu thế tất yếu của việc ứng dụng công nghệ, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Chính phủ đã cho phép thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng bằng văn bản giấy trong hoạt động vận tải khách bằng xe hợp đồng (là một trong 5 loại hình đã được quy định tại Luật Giao thông đường bộ 2008).
Việc thí điểm, theo người đứng đầu Chính phủ, là đúng với quy định của Luật giao dịch điện tử, qua đó, đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nề nếp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của người dân về thời gian và chi phí giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cũng như đơn vị vận tải trong cung ứng dịch vụ vận chuyển của xe hợp đồng, thúc đẩy sự đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.
Thủ tướng cũng khẳng định, qua xem xét báo cáo của Bộ GTVT, ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, sự phản ánh tích cực của các chuyên gia, của nhân dân và xu thế phát triển chung, Chính phủ đã đồng ý cho phép thí điểm áp dụng hợp đồng điện tử trong loại hình kinh doanh vận tải bằng xe khách hợp đồng, với thời gian thí điểm là 2 năm (từ tháng 1/2016).
Video đang HOT
Đồng tình với các băn khoăn, lo cho sự phát triển ổn định của các đơn vị vận tải khi đầu tư phương tiện để tham gia kinh doanh theo hình thức này, cũng như vấn đề về bình đẳng trong hoạt động kinh doanh vận tải đại biểu Dương Trung Quốc nêu ra, Thủ tướng nêu những thông tin cụ thể về tác động của việc thí điểm, đến thời điểm này, và sự phối hợp quản lý của các cơ quan, đơn vị để đánh giá rõ hơn bản chất ứng dụng công nghệ.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử không chỉ dành riêng cho Uber, Grab mà được thực hiện cho tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ có sự phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng điện tử.
“Cho đến nay, không chỉ có Grab, Uber mà đã có 7 đơn vị của Việt Nam tham gia cung ứng dịch vụ tương tự như của Grab, Uber, trong đó có các hãng taxi lớn như Vinasun, Mai Linh; cụ thể là Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (V.CAR), Công ty Cổ phần Vận tải 57 Hà Nội (THANH CONG CAR), Công ty CP Sun Taxi… trong đó có những đơn vị như Công ty CP Hợp tác đầu tư và phát triển có khả năng đáp ứng tương đương như Uber, Grab trong cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng điện tử” – văn bản trả lời viết rõ.
Điều này, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho thấy sự thay đổi tích cực trong các DN vận tải và công nghệ của Việt Nam, khi “không ngừng đổi mới, chủ động nghiên cứu tiếp nhận và làm chủ các ứng dụng, cạnh tranh bình đẳng với các công ty nước ngoài”.
Thủ tướng khái quát: “Qua việc thí điểm cho thấy, chúng ta đã chủ động và hoàn toàn có thể phát triển bằng chính nội lực của các đơn vị vận tải cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối vận tải trong nước. Việc phát triển trong lĩnh vực vận tải đang được thực hiện bảo đảm sự ổn định, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy nội lực và làm chủ công nghệ, không lệ thuộc, trên cơ sở bình đẳng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, nhiều DN, HTX vận tải đã được thành lập và kinh doanh vận tải theo quy định thông qua áp dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực vận tải”.
Thừa nhận việc phát triển của loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng ứng dụng điện tử đã “phần nào tác động đến loại hình kinh doanh vận tải bằng taxi” nhưng Thủ tướng cho rằng “đây là quy luật tất yếu, mang tính tích cực theo hướng đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân với chi phí phù hợp hơn, đảm bảo thuận tiện, an toàn, chất lượng dịch vụ của cả xe taxi và xe hợp đồng được nâng cao, thay đổi để ứng dụng quản lý và điều hành hoạt động vận tải đã được chú trọng hơn, công tác quản lý trong lĩnh vực vận tải, thuế được quan tâm và thực hiện sát sao hơn… “.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ sẽ nhìn nhận các hạn chế cần điều chỉnh, như phối hợp sát sao hơn trong quản lý, điều chỉnh phù hợp các quy định… trong thời gian tới.
P.T
Theo Dantri
Thủ tướng trả lời đại biểu Quốc hội về an toàn biển 4 tỉnh miền Trung
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng cho biết nguồn lợi thủy sản bị tổn thương, hệ sinh thái biển 4 tỉnh miền Trung đã bước đầu phục hồi; hoạt động du lịch đã trở lại bình thường. Nước thải và khí thải phát sinh của Formosa Hà Tĩnh đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi xả thải ra ngoài môi trường.
Du khách trở về tắm biển ngày càng đông (Ảnh: Đăng Đức)
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TPHCM) về việc bồi thường thiệt hại, ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân 4 tỉnh miền Trung sau sự cố do Formosa gây ra và công tác kiểm tra giám sát Fomosa khắc phục 53 lỗi vi phạm bảo đảm không tái phạm và xảy ra sự cố khi vận hành, bảo đảm an toàn cho môi trường biển.
Nguồn lợi thủy sản bị tổn thương đã bước đầu phục hồi
Theo đó, Thủ tướng cho biết, sự cố môi trường biển từ tháng 4/2016 tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là hết sức nghiêm trọng; gây thiệt hại đối với hệ sinh thái biển và nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, kinh doanh và đời sống của khoảng 510.000 người thuộc 130.000 hộ dân ở 730 thôn/xóm tại 146 xã/phường/thị trấn của 22 huyện vùng ven biển thuộc 4 tỉnh miền Trung.
Ngay sau khi sự cố môi trường biển xảy ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sâu sát các Bộ, ngành trung ương, các địa phương liên quan vào cuộc kịp thời, đồng bộ để sớm tìm nguyên nhân xảy ra sự cố. Chỉ đạo khôi phục sản xuất, xây dựng chính sách hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống và triển khai khẩn trương công tác kê khai; xác định thiệt hại đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, dân chủ.
Trên cơ sở kết quả thống kê thiệt hại, định mức xác định thiệt hại, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm cấp kinh phí 3 đợt với tổng số tiền 5.500 tỷ đồng cho 4 tỉnh để chi trả bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.
Tính đến ngày 30/5/2017, công tác chi trả của 4 tỉnh đã được triển khai hiệu quả, đảm bảo đúng các nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng đối tượng, tỷ lệ giải ngân chi trả đạt trung bình 84%. Căn cứ tiến độ này, Thủ tướng đã quyết định tạm cấp kinh phí lần thứ 4 với số tiền 1.500 tỷ đồng để các tỉnh tiếp tục chi trả nốt.
"Đến nay, nhìn chung tình hình an ninh trật tự xã hội tại 4 tỉnh miền Trung đã ổn định, hoạt động khai thác, nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, sản xuất muối, các hoạt động du lịch tại 4 tỉnh miền Trung đã hoạt động trở lại bình thường, thậm chí tại một số thời điểm số lượng khách du lịch đến với 4 tỉnh tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước. Người tiêu dùng đã yên tâm tiêu thụ các sản phẩm hải sản; hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản bị tổn thương đã bước đầu phục hồi"- văn bản trả lời nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 12/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế".
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ chi trả bồi thường, hoàn thành đúng thời hạn; tiếp tục rà soát, xem xét bổ sung và cấp kinh phí bồi thường thiệt hại; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo đề án tổng thể được phê duyệt.
Nước thải của Formosa đã đạt quy chuẩn
Về công tác kiểm tra, giám sát Fomosa khắc phục các tồn tại, vi phạm, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng kỹ thuật đánh giá việc khắc phục hậu quả vi phạm của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Hà Tĩnh (FHS) và thành lập Tổ giám sát thực hiện cam kết khắc phục sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung của FHS. Tổ giám sát có trách nhiệm thường xuyên giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện của FHS trong thời gian 3 năm.
Từ ngày 27/7/2016, hàng ngày Tổ giám sát vẫn giám sát việc FHS, phối hợp với Viện Công nghệ môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lấy, phân tích mẫu nước thải trước xử lý của các trạm xử lý nước thải, lấy mẫu nước thải sau xử lý của các trạm xử lý nước thải và tại trạm quan trắc online trước khi xả ra biển.
Kết quả phân tích cho thấy các mẫu nước thải sau xử lý của Trạm xử lý nước thải công nghiệp trước khi xả ra biển của FHS đều đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho phép.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa 2 Trạm kiểm định môi trường di động lắp đặt tại Trạm xử lý nước thải công nghiệp của FHS để giám sát nước thải của Công ty trước khi thải ra biển 24/24 giờ trong thời gian là 3 năm.
Tính đến ngày 10/5/2017, FHS đã hoàn thành các hạng mục công trình xử lý chất thải bổ sung, công trình giám sát, phòng ngừa sự cố môi trường, đã được lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động liên tục, có camera theo dõi, giám sát và truyền trực tiếp các số liệu quan trắc nước thải về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường để kiểm tra, giám sát.
Hệ thống phòng ngừa và ứng phó sự cố nước thải theo 3 cấp độ: Ứng phó sự cố ngay trong các công đoạn của trạm xử lý nước thải; Ứng phó sự cố đối với trạm xử lý nước thải; Ứng phó sự cố đối với hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học.
Trên cơ sở giám sát chặt chẽ, nghiêm ngặt, Hội đồng liên ngành đã đồng ý FHS được vận hành thử nghiệm Lò cao số 1 và Xưởng luyện thép.
"Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì kết quả quan trắc online và giám sát hàng ngày cho thấy nước thải và khí thải phát sinh của FHS đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trước khi xả thải ra ngoài môi trường"- văn bản trả lời của Thủ tướng nêu rõ.
Thế Kha
Theo Dantri
Đại biểu Quốc hội muốn chất vấn Thủ tướng việc xây chung cư gây tắc đường Báo cáo tổng hợp ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất các nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 3, rất nhiều nội dung được gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, từ chuyện xây chung cư gây tắc đường tới chuyện các dự án nghìn tỷ thua lỗ, trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ trong...