Thủ tướng trả lời báo chí quốc tế về vấn đề căng thẳng trên Biển Đông
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế liên quan những căng thẳng trên Biển Đông.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu về thách thức an ninh ở châu Á trước hàng trăm học giả ở Berlin. (Ảnh: Mạnh Hùng/Vietnam )
Trả lời phỏng vấn các báo Làn sóng Đức của Đức và Le Monde của Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình; đồng thời luôn chân thành bày tỏ thiện chí cùng các nước xây dựng lòng tin chiến lược – bền vững lâu dài trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và Luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Việt Nam tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và thế giới.
Thủ tướng nêu rõ Việt Nam hoan nghênh mọi chính sách của các nước lớn đối với châu Á-Thái Bình Dương nếu các chính sách đó tôn trọng Luật pháp quốc tế và các thể chế khu vực, không cường quyền áp đặt, không xâm phạm độc lập chủ quyền của các quốc gia và đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển ở khu vực và thế giới.
Về quan hệ với Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam-Trung Quốc mãi là hai nước láng giềng. Việt Nam luôn mong muốn cùng với Trung Quốc làm hết sức mình để có môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị tốt đẹp, đưa quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược toàn diện với Trung Quốc đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, đem lại lợi ích cho cả hai bên và đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực.
Thủ tướng cũng nêu rõ mọi tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Video đang HOT
Thủ tướng cũng cho biết sau khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận cùng nỗ lực thực hiện tiến trình này.
Liên quan vai trò của Đức và Liên minh châu Âu (EU) trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định hòa bình, ổn định và an ninh của tuyến hàng không và hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực.
Biển Đông là tuyến huyết mạch của hàng hải quốc tế, chiếm một nửa lưu lượng vận chuyển hàng hóa trên biển của thế giới. Do vậy, nguy cơ bất ổn sẽ không chỉ gây thiệt hại cho các nước trong khu vực, mà với cả thế giới.
Thủ tướng nêu rõ EU cũng như Đức và các nước khác trên thế giới phải cùng nhau hợp tác để đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 10 tại Milan của Italy sẽ thảo luận nhiều vấn đề hợp tác chiến lược giữa hai châu lục và toàn cầu. Trong tiến trình này, hợp tác ASEAN-EU là hạt nhân và động lực của hợp tác giữa hai châu lục.
Việt Nam – với tư cách thành viên tích cực của ASEAN và Đức – với tư cách là thành viên trụ cột của EU, cần nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng góp phần tạo xung lực cho hợp tác ASEAN-EU và quan hệ giữa hai lục địa Á-Âu phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phồn vinh ở cả hai châu lục.
Ngày 16/10, một số báo của Đức như DW, Aseantoday… cũng đã đề cập tới bài phát biểu về những thách thức an ninh ở khu vực châu Á được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập tại một diễn đàn do Viện Krber phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại đây tổ chức ở khách sạn Adlon.
Trong đó, các báo đều nhấn mạnh phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tầm quan trọng của việc giải quyết xung đột trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Liên quan vấn đề này, hãng tin Đức DPA cũng dẫn lời Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi giải quyết hòa bình những căng thẳng trên Biển Đông, khẳng định tự do hàng hải là lợi ích của Đức; đồng thời cho biết EU sẽ nêu vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAM ở Milan.
Theo Mạnh Hùng-Đức Chung/Berlin
Vietnam
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Đức
Trưa 14/10 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới thành phố Stuttgart, bang Baden Wuerttemberg, bắt đầu các hoạt động thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ hiến bang Baden Wuerttemberg. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Đức tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu.
Kim ngạch thương mại hai chiều trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt khoảng 3,6 tỷ USD. Tính đến tháng 8/2014, đầu tư trực tiếp của Đức vào Việt Nam đạt 1,25 tỷ USD với 232 dự án còn hiệu lực, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất thiết bị, năng lượng, hóa chất, y dược...
Đức cam kết cung cấp 100 triệu USD viện trợ phát triển cho Việt Nam trong giai đoạn 2014-2015, tập trung vào 3 lĩnh vực ưu tiên là môi trường, năng lượng và dạy nghề. Năm 2015, hai nước sẽ kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2015).
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm triển khai Kế hoạch hành động chiến lược Việt Nam-Đức; thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực lao động, đào tạo nghề, giáo dục và các dự án lớn đã ký kết; chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức trong năm 2015 và trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký sổ lưu niệm của bang Baden Wuerttemberg. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ hiến bang Baden Wuerttemberg, ông Winfried Kretschmann nhiệt liệt chào đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn Đại biểu Việt Nam đã chọn bang Baden Wuerttemberg là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức.Thủ hiến bang Baden Wuerttemberg đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế năng động của Việt Nam và bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giữa bang Baden Wuerttemberg với các địa phương của Việt Nam, nhất là những lĩnh vực mà bang Baden Wuerttemberg có thế mạnh như giáo dục đào tạo, công nghiệp chế tạo...Thủ hiến đặc biệt vui mừng trước việc hai bên tổ chức diễn đàn Đối thoại kinh tế Việt Nam- Baden Wuerttemberg nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Đức đang phát triển tích cực trên các lĩnh vực. Hiện Đức là đối tác kinh tế châu Âu hàng đầu của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Bang Baden Wuerttemberg hoạt động lâu dài và có hiệu quả tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như sản xuất thiết bị, hóa dược, năng lượng sạch, dạy nghề,...
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và bang Baden Wuerttemberg, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề, lao động, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ,...
Theo chương trình, chiều 14/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Baden Wuerttemberg, thăm Tập đoàn Daimler... sau đó sẽ về Thủ đô Berlin.
Theo Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc
Chính phủ
Bộ trưởng Trần Đại Quang thăm và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức Nhận lời mời của Bộ Nội vụ và các cơ quan hữu quan Cộng hòa Liên bang Đức, ngày 02/07/2014, Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Công an do Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn đầu, đã đến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Đức. Ngày 03/07/2014, Đoàn đã tiến hành hội...