Thủ tướng: TPHCM áp dụng Chỉ thị 16 là đúng đắn và cần thiết
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý TPHCM cần tiếp tục kiên định với việc áp dụng Chỉ thị 16 để chống dịch.
Ông cũng yêu cầu địa phương tổ chức đợt tiêm vắc xin Covid-19 tiếp theo an toàn, hiệu quả.
“Quyết định đúng đắn, cần thiết, cần thực hiện” là nhận định xuyên suốt của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc TPHCM áp dụng Chỉ thị 16 để phòng, chống dịch Covid-19 trong buổi họp với UBND thành phố về công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn chiều 11/7.
Sau một buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại một số địa điểm trên địa bàn TPHCM, Thủ tướng đã có nhận định tổng thể và nêu phương hướng, nhiệm vụ mà thành phố cần tập trung quan tâm thời gian tới. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý Đảng bộ và chính quyền thành phố quyết tâm, kiên định với những giải pháp đang áp dụng.
Ít nhất 2 triệu liều vắc xin về TPHCM trong tháng 7
Một trong những nhiệm vụ quan trọng TPHCM cần thực hiện thời gian tới được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến là công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19. Theo Thủ tướng, thành phố đã có những đợt tập dượt trước đây để kịp thời rút kinh nghiệm, tổ chức tiêm chủng an toàn, hiệu quả, đúng quy định phòng, chống dịch bệnh đợt tiếp theo.
“Từ nay đến cuối tháng 7, thành phố cần tổ chức tiêm với tinh thần an toàn, hiệu quả, đúng tiến độ. Thành phố tiêm đến đâu, chúng tôi cung cấp đến đó, tinh thần là từ nay đến cuối tháng 7 sẽ cấp ít nhất 2 triệu liều vắc xin cho TPHCM”, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM (Ảnh: Hải Long).
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị TPHCM triển khai tiêm trên tinh thần đảm bảo an toàn, hiệu quả cao nhất chứ, không phải tốc độ nhanh nhất. Bên cạnh đó, công tác tiêm chủng phải phù hợp với điều kiện toàn địa bàn đang áp dụng Chỉ thị 16.
Thủ tướng cũng đề nghị chính quyền và ngành Y thành phố đảm bảo công tác xét nghiệm hiệu quả. Đặc biệt, các ổ dịch mới cần được xác định nhanh để khoanh vùng, dập dịch, áp dụng quy tắc giãn cách rộng nhưng phong tỏa hẹp.
Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo TPHCM thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết 68 về hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do dịch Covid-19. Hệ thống chính trị cơ sở cần nắm chắc thông tin, số lượng của người lao động mất việc trên địa bàn. “Lần tiếp cận hỗ trợ này rất thuận lợi khi đã bỏ đi 2/3 thủ tục hành chính. Chúng ta cứ mạnh dạn làm, điểm quan trọng là đừng bỏ sót”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các địa phương cần thành lập trung tâm hỗ trợ, đường dây nóng, kênh thông tin để tiếp nhận khó khăn của người dân, đối tượng yếu thế trong thời điểm áp dụng Chỉ thị 16. Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường tổ chức các xe bán hàng vào ngõ, hẻm, đường phố để cung ứng nhu yếu phẩm tới người dân.
Video đang HOT
Cả nước mong đợi, hy vọng, trông chờ vào TPHCM
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh việc TPHCM đã ra quyết định khó khăn là áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, đây là quyết định cần thiết để “hy sinh một số tuần nhằm đổi lại bình yên dài hơn”.
“Sau hơn 2 ngày áp dụng Chỉ thị 16, chúng ta khẳng định lại đây là quyết định đúng đắn, đúng hướng và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp và nhà tri thức, khoa học, chuyên gia”, người đứng đầu Chính phủ đánh giá.
Thủ tướng yêu cầu TPHCM đẩy nhanh việc hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (Ảnh: Hải Long).
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng điểm lại từ khi kiện toàn, đây là lần thứ 5 Thường trực Chính phủ làm việc với TPHCM, nhiều nhất trong các tỉnh, thành. Điều này thể hiện sự quan tâm của Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ và các lãnh đạo chủ chốt đối với địa bàn.
Bên cạnh đó, với vai trò, vị trí của TPHCM, Thủ tướng nhận xét thời điểm này, sự quan trọng của thành phố đối với sự phát triển kinh tế xã hội của vùng và của cả nước càng được bộc lộ rõ.
“Chúng ta quyết tâm bằng được việc kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại TPHCM, đưa cuộc sống trở lại bình thường để phát triển kinh tế – xã hội. Cả nước đang mong đợi, cả nước đang hy vọng và cả nước đang trông chờ, tin tưởng vào thành phố”, Thủ tướng kêu gọi.
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng đưa ra thông điệp, TPHCM không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm cần thiết, khi thực hiện Chỉ thị 16.
Bên cạnh đó, thành phố triệu dân cần áp dụng mọi biện pháp để hạn chế tới mức tối thiểu ca tử vong do dịch Covid-19, thực hiện việc tiếp cận vắc xin bình đẳng với tất cả người dân theo thứ tự ưu tiên đã được xác định.
Người đạp xe ra đường ở TPHCM: "Đi mua mấy quả trứng mà bị phạt 2 triệu"
Ngày thứ 2 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TPHCM, hàng trăm chốt kiểm soát liên quận được triển khai, nhiều người đạp xe, đi bộ không có lý do trên đường bị xử phạt 2 triệu đồng.
Chiều 10/7, ngày thứ 2 giãn cách xã hội TPHCM theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, hàng trăm chốt kiểm soát ở các quận, huyện TPHCM vẫn siết chặt, kiểm tra nghiêm ngặt người lưu thông qua lại, xử phạt nhiều trường hợp ra ngoài không có lý do chính đáng.
Theo ghi nhận của PV, tại chốt kiểm soát trên đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) lúc 14h30, hàng trăm phương tiện lưu thông qua chốt này được lực lượng chức năng yêu cầu khai báo y tế qua điện thoại, bắt buộc xuất trình giấy tờ chứng minh có lý do chính đáng khi lưu thông qua chốt. Ngoại trừ người giao hàng, shipper công nghệ được phép lưu thông mà không cần giấy xác nhận công việc.
Dưới thời tiết nắng gay gắt trong buổi chiều, lực lượng chức năng khu vực này vẫn túc trực để đảm bảo kiểm soát hết 100% phương tiện, kể cả ôtô, xe gắn máy, xe đạp và đi bộ.
Nhiều người trước khi tới chốt đã chuẩn bị sẵn giấy tờ tùy thân trên tay để trình cho lực lượng kiểm soát.
Tại chốt kiểm soát tại đường Nguyễn Kiệm, (ngay bên cạnh công viên Gia Định, quận Phú Nhuận), lực lượng chức năng gồm CSGT, trật tự đô thị, dân quân tự vệ đã lập hàng rào chốt chặn, kiểm soát toàn bộ người dân đi từ hướng quận Gò Vấp về trung tâm thành phố.
Ông Nguyễn Dương Quang Hiền - Phó Chủ tịch UBND phường 9 (quận Phú Nhuận) cho biết, trường hợp lưu thông liên quận bắt buộc phải có giấy tờ xác nhận của đơn vị nơi công tác nằm trong danh sách những đơn vị được phép hoạt động trong Chỉ thị 16.
"Ví dụ, người dân muốn qua chốt thì phải có giấy xác nhận, giấy tờ chứng minh mình đang công tác tại các đơn vị phục vụ những công việc cần thiết cho người dân, hoặc cơ quan hành chính thì có thẻ công chức để chứng minh thân phận thì mới được lưu thông qua chốt", ông Hiền cho hay.
Nhiều trường hợp được yêu cầu quay lại, không được lưu thông qua chốt vì chưa đủ giấy tờ chứng minh được lý do chính đáng để lưu thông liên quận.
Trong khi đó, từ 16h tới 17h30, lực lượng chức năng đã ghi nhận 5 trường hợp đi xe đạp lưu thông qua khu vực chốt nhưng không có lý do chính đáng. Trong đó có 3 trường hợp đã bị xử phạt với mức 2 triệu đồng.
Lực lượng chức năng di chuyển xe đạp của người vi phạm vào bên trong lề đường để xử phạt nhằm tránh ùn tắc giao thông.
Ông Nguyễn Sơn (ngụ quận Phú Nhuận) di chuyển bằng xe đạp qua khu vực chốt Nguyễn Kiệm thì bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe và kiểm tra giấy tờ tùy thân, chứng minh lý do lưu thông ra đường. Tuy nhiên, ông Sơn không đưa ra được lý do chính đáng và bị lực lượng chức năng xử phạt 2 triệu đồng.
"Mấy siêu thị gần nhà đông quá, mà tôi chỉ đi mua mấy quả trứng cho cháu ăn do nó bị ốm, xếp hàng chờ lâu nên tiện thể lấy xe đạp đi luôn. Nhưng không nghĩ là bị phạt tới 2 triệu đồng. Tôi biết đang thực hiện Chỉ thị 16, nhưng lỡ rồi thì đành chịu thôi", ông Sơn nói.
Một người đàn ông mang giày thể thao, mặc phục thể thao ngắn đi bộ trên đường cũng được lực lượng chức năng mời vào làm việc, tuy nhiên người này cũng không chứng minh được giấy tờ xác nhận lý do chính đáng. "Tôi không phải đi tập thể dục, tôi đi bộ qua bệnh viện gần đây để xét nghiệm", người này phân trần.
Theo ông Nguyễn Dương Quang Hiền - Phó Chủ tịch UBND phường 9 (quận Phú Nhuận), những trường hợp vi phạm sẽ được lập biên bản, xử phạt mức từ 1-3 triệu đồng, nhưng trung bình sẽ là 2 triệu đồng với lỗi vi phạm ra ngoài không có lý do chính đáng. Những trường hợp này có thể nộp phạt ngay tại chỗ, hoặc đơn vị chức năng sẽ gửi biên bản về địa phương, sau đó địa phương sẽ thông báo lên nộp phạt tại cơ quan hành chính.
Đại diện tổ công tác tại chốt kiểm soát Nguyễn Kiệm cho biết, trong ngày 10/7, đơn vị đã xử phạt 17 trường hợp ra ngoài không có lý do chính đáng, tổng số tiền phạt là 34 triệu đồng.
2 ngày thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM xử phạt 841 triệu đồng đối với người vi phạm Từ 0h ngày 9/7-17h ngày 10/7, UBND 22 quận, huyện, TP Thủ Đức đã xử phạt hành chính 841 triệu đồng đối với người vi phạm quy định phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16. Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, từ 0h ngày 9/7 đến 17h hôm nay, UBND 22 quận, huyện, TP...