Thủ tướng tiếp xúc song phương với tổng thống Mỹ tại hội nghị G7 mở rộng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm qua tiếp xúc với các lãnh đạo G7 tại hội nghị mở rộng ở Nhật Bản, trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (giữa) trong hội nghị G7 mở rộng. Ảnh: AFP
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong cuộc tiếp xúc song phương hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảm ơn chân thành tình cảm và sự đón tiếp trọng thị, chu đáo mà nhân dân Việt Nam và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành cho ông trong chuyến thăm vừa qua.
Tổng thống Obama cho rằng đây là chuyến thăm tuyệt vời, với rất nhiều ấn tượng, và nhân dịp này ông sẽ phát biểu với các nước G7 về sự phát triển vượt bậc của Việt Nam. Trước khi tới Nhật, ông Obama có chuyến thăm Việt Nam kéo dài ba ngày, lần đầu tiên với tư cách tổng thống Mỹ. Tại đây, ông có quyết định mang tính lịch sử khi tuyên bố dỡ lệnh cấm bán vũ khí sát thương với Việt Nam, một lệnh cấm đã tồn tại nửa thế kỷ.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Ise Shima, tỉnh Mie, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm qua còn tiếp xúc song phương với Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italy Matteo Renzi và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim.
Video đang HOT
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay với Tổng thống Pháp Francois Hollande. Ảnh: AFP
Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chính phủ Việt Nam quyết tâm đưa quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất, đặc biệt là hợp tác kinh tế. Thủ tướng mong muốn các nước và đối tác ủng hộ Việt Nam tăng cường vai trò và trách nhiệm tại các tổ chức quốc tế, tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương quan trọng, trong đó có việc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và ứng cử vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017 – 2021.
Về vấn đề Biển Đông, Thủ tướng hoan nghênh các nước có lập trường tích cực, ủng hộ Việt Nam và ASEAN trong giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định cho thịnh vượng và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Cũng trong ngày hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm đền Ise Jingu, ngôi đền lớn nhất và thiêng liêng nhất Nhật Bản.
Trọng Giáp
Theo VNE
Trung Quốc tức tối vì tuyên bố của G7 nhắc tới Biển Đông
Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ sự "bất mãn" về tuyên bố đề cập tình hình Biển Đông của các lãnh đạo G7.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh. Ảnh: Reuters
Theo Reuters, trong cuộc họp báo thường kỳ hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cho biết Trung Quốc "vô cùng bất mãn" với tuyên bố của lãnh đạo G7 liên quan đến các tranh chấp trên Biển Đông.
Ngày 26/5, lãnh đạo các nước G7, gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Đức, Italy và Canada, trong hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản, đã ra tuyên bố tái khẳng định tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết "hòa bình" và tôn trọng "tự do đi lại trên biển, trên không".
Trung Quốc không phải thành viên của G7, nhưng các động thái ngày càng quyết đoán của nước này trên Biển Đông đã khiến các lãnh đạo G7 thống nhất ra tuyên bố trên.
Tuyên bố của các lãnh đạo G7 nhấn mạnh các quốc gia nên kiềm chế, không có "hành động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng" và tránh "sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép để củng cố tuyên bố chủ quyền".
Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi G7 chỉ nên tập trung vào các vấn đề kinh tế tài chính cấp thiết và không đề cập đến Biển Đông trên bàn nghị sự. "Các thành viên G7 phải có lập trường công bằng, không thiên vị thay vì áp tiêu chuẩn kép hay tư duy liên minh", Vương nói.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông, bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế. Nước này ồ ạt bồi đắp, cải tạo trái phép 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến chúng thành đảo nhân tạo phi pháp. Bắc Kinh từ đầu năm nay còn lộ rõ ý đồ quân sự hóa khi bố trí hệ thống tên lửa, radar và chiến đấu cơ tại Biển Đông.
Văn Việt
Theo VNE
G7 quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông, biển Hoa Đông Lãnh đạo các nước G7 ngày 27.5 cho biết họ quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông và biển Hoa Đông, nhưng không nêu đích danh Trung Quốc như tuyên bố trước đó. Các lãnh đạo G7 chào giới truyền thông trước khi bước vào ngày làm việc thứ hai tại thượng đỉnh G7 tại vùng Ise-Shima, Nhật...