Thủ tướng tiếp một số doanh nghiệp Nhật Bản
Chiều 29/6, tại Osaka, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo Tập đoàn JXTG, Marubeni, Ngân hàng J.Trust.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn JXTG, ông Tsutomu Sugimori. Cùng dự có Chủ tịch Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam ( Petrolimex) Phạm Văn Thanh. Thủ tướng hoan nghênh sự hợp tác giữa Tập đoàn JXTG với Petrolimex trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu và áp dụng các phương pháp quản trị tiên tiến, quản lý tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, và công nghệ hiện đại của Nhật Bản tại Petrolimex.
Cảm ơn Thủ tướng dành thời gian tiếp, Chủ tịch Tập đoàn JXTG trình bày kế hoạch hợp tác đầu tư với Petrolimex và mong muốn được Thủ tướng tiếp tục ủng hộ trong thời gian tới. JXTG là Tập đoàn năng lượng số một Nhật Bản, đã mua cổ phần và trở thành đối tác chiến lược của Petrolimex từ năm 2016. Theo đó, ông Tsutomu Sugimori nêu tổng quan một số nội dung về dự án dự kiến hợp tác triển khai cùng Petrolimex với mục tiêu giúp Việt Nam đa dạng hóa chuỗi cung ứng xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp cho thị trường Việt Nam các sản phẩm xăng dầu chất lượng theo tiêu chuẩn cao của nhà máy lọc dầu tại Nhật Bản, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn môi trường trong xu thế mới của Việt Nam, và mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn JXTG, ông Tsutomu Sugimori. (Ảnh VGP/Quang Hiếu)
Ghi nhận ý kiến của ông Tsutomu Sugimori, Thủ tướng cho rằng, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ càng dự án để làm sao bảo đảm hiệu quả đầu tư và giao Petrolimex báo cáo cụ thể, chi tiết về dự án này trước khi có chủ trương chính thức.
Tiếp Chủ tịch Tập đoàn Marubeni Kakinoki Masumi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Marubeni, một tập đoàn lớn của Nhật Bản, đã có các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam 70 năm qua; đề nghị Tập đoàn tiếp tục đầu tư lâu dài tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, ngoài năng lượng, với công nghệ hiện đại nhất.Ông Kakinoki Masumi, Chủ tịch Marubeni cho biết, hiện Tập đoàn đang vận hành Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1 vừa được khánh thành vào tháng 2/2019. Ngoài ra Tập đoàn đang triển khai Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2 đúng tiến độ và sẽ hoàn thành vào năm 2020. Tập đoàn cũng mong muốn đầu tư vào sản xuất điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng và đang lựa chọn các địa điểm để đề xuất với các cơ quan chức năng của Việt Nam. Tập đoàn cũng đang triển khai nhà máy cà phê hòa tan, nhà máy sản xuất bao bì tại Việt Nam. Bên cạnh dự án hạ tầng và năng lượng, Tập đoàn mong muốn tham gia đầu tư vào lĩnh vực khác tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực xử lý nước quy mô lớn; đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực phân phối, thương mại điện tử, thể thao, giải trí, chăm sóc sức khỏe, thành phố thông minh…
Video đang HOT
Chủ tịch Tập đoàn Marubeni cho biết, Việt Nam là thị trường quan trọng hàng đầu, nên Tập đoàn sẽ mang tất cả kinh nghiệm, công nghệ tốt nhất để đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là tuân thủ quy định Việt Nam, bảo vệ môi trường như yêu cầu của Thủ tướng.
Nêu rõ bảo vệ môi trường là vấn đề được các nhà lãnh đạo rất quan tâm tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn sử dụng công nghệ hiện đại và bảo vệ môi trường khi đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng cho biết, Việt Nam khuyến khích các dự án sản xuất bao bì không sử dụng nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Tập đoàn Marubeni Kakinoki Masumi. (Ảnh VGP/Quang Hiếu)
Tiếp ông Nobiru Adachi, Chủ tịch Ngân hàng J.Trust, một ngân hàng lớn của Nhật Bản hoạt động tại nhiều quốc gia, Thủ tướng đánh giá cao kinh nghiệm, năng lực tài chính của J.Trust trong việc tái cấu trúc, khôi phục hoạt động của các tổ chức ngân hàng, tài chính yếu kém, gặp khó khăn về tài chính tại một số nước trong khu vực và cho biết, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh, tái cấu trúc, lành mạnh hóa hoạt động của hệ thống tài chính – ngân hàng.
Đánh giá cao J.Trust muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, quá trình tham gia phải phù hợp với các quy định pháp luật của Việt Nam. Thủ tướng đề nghị J. Trust khẩn trương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tiến hành các công việc cần thiết, đồng thời nhấn mạnh, các đối tác tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng tại Việt Nam phải là những ngân hàng có tiềm lực tài chính, trình độ quản trị hiện đại, có phương án tái cấu trúc rõ ràng. Thủ tướng hoan nghênh việc J.Trust mong muốn là cầu nối thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam và cho biết, Việt Nam đang phấn đấu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 và đây cũng là cơ hội cho các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành thời gian tiếp, Chủ tịch Ngân hàng J.Trust, ông Nobiru Adachi cho biết, trọng tâm của Ngân hàng là hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản đầu tư ra các nước. Tập đoàn mong muốn trở thành cầu nối đưa nhiều hơn doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào Việt Nam, bởi hiện các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất. Hiện Tập đoàn đang quan tâm đến thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam, mong muốn mang kinh nghiệm, thế mạnh tốt nhất của J. Trust để tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng tại Việt Nam.
NGUỒN: BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo VTC
Mỹ-Trung nối lại đàm phán thương mại song phương
Tân Hoa Xã ngày 29-6 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên, sau cuộc gặp hẹp diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Osaka, Nhật Bản, ngày 29-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp bên lề diễn ra hơn 1 tiếng đồng hồ, với nội dung từng được dự đoán là xoay quanh thỏa thuận thương mại giữa hai bên.
Đưa tin ngay sau khi cuộc gặp kết thúc, Tân Hoa Xã cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã nhất trí khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại giữa hai quốc gia trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp bên lề Thượng đỉnh G20. Ảnh: Tân Hoa xã
Tân Hoa Xã cũng đưa tin, phía Mỹ nhất trí sẽ không áp mức thuế bổ sung mới đối với hàng hóa Trung Quốc. Các nhóm đàm phán kinh tế và thương mại của hai nước sẽ thảo luận về các vấn đề cụ thể sau cuộc gặp.
Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ từng buông lời cảnh báo sẽ tiếp tục tăng mức thuế lên 25% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nếu như Bắc Kinh và Washington không đạt được một thỏa thuận thương mại.
Còn theo CNN, phát biểu trước cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đã trở lại đúng hướng sau cuộc gặp với ông Tập Cận Bình.
"Chúng tôi đã trở lại đúng hướng. Chúng tôi sẽ chờ đợi điều gì sẽ xảy ra", ông Trump chia sẻ sau khi cuộc gặp Mỹ-Trung kết thúc. Ông thậm chí đã mô tả cuộc gặp là "rất xuất sắc" và "có lẽ tốt hơn cả mong đợi". "Tôi đã có một cuộc gặp rất tốt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra", ông chủ Nhà Trắng cho biết.
Hiện, phía Mỹ vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về cuộc gặp. Song theo Tổng thống Trump, một tuyên bố xoay quanh quan hệ Mỹ-Trung sẽ được đưa ra vào khoảng 3h30 phút chiều 29-6 (giờ địa phương).
Cuộc gặp hiếm hoi giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước đang chìm sâu trong khủng hoảng. Cuộc gặp được kỳ vọng sẽ mở hướng chấm dứt cuộc thương chiến kéo dài một năm qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
An Nhiên
Theo CAND
G20 : Trump bất ngờ nhượng bộ Trung Quốc vụ Huawei Tổng thống Donald Trump cho biết, ông sẽ cho phép tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei mua sản phẩm từ các nhà cung cấp Mỹ trong một động thái nhượng bộ Trung Quốc sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình của nước này vào ngày thứ Bảy (29/6). "Các công ty Mỹ có thể bán thiết bị của họ...