Thủ tướng tiếp Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Samsung
Chiều 6.10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Shin Jong Kyun, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Samsung Electronics Hàn Quốc.
Phát biểu tại buổi tiếp, Thủ tướng cho biết quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục trên đà phát triển tốt đẹp trên tất cả các mặt. Năm nay, hai nước đang kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.
Thủ tướng đánh giá cao việc các nhà đầu tư Hàn Quốc, đặc biệt là Tập đoàn Samsung trong nhiều năm qua luôn duy trì là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Samsung, làm ăn kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng tiếp Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Samsung Shin Jong Kyun.
Thủ tướng mong muốn Tập đoàn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực điện tử mà cả các lĩnh vực khác mà Samsung có thế mạnh; đề nghị Tập đoàn tiếp tục hỗ trợ thiết thực về đào tạo và chuyển giao công nghệ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ phụ trợ của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội hợp tác, tham gia cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện cho các dự án của Samsung.
Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn sớm triển khai Dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển Samsung theo đúng tiến độ.
Bày tỏ cảm ơn sự ủng hộ, quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng đối với Samsung, ông Shin Jong Kyun nhắc lại câu chuyện cách đây đúng 10 năm, phía Việt Nam đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Samsung về việc đầu tư vào Việt Nam.
Qua 10 năm đầu tư vào Việt Nam, đến nay, tổng vốn đầu tư của Samsung đã lên tới 17 tỷ USD. Samsung dự kiến sẽ xuất khẩu hơn 50 tỷ USD sản phẩm trong năm 2017, chiếm trên 20% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Hai nhà máy đặt tại Việt Nam có quy mô lớn nhất, hiện đại nhất của Samsung.
“Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, quan tâm của Chính phủ Việt Nam, của ngài Thủ tướng để Samsung đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của Việt Nam”, ông Shin Jong Kyun bày tỏ và khẳng định “Nếu không có sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam thì Samsung không có thành công như hôm nay”.
Video đang HOT
Tập đoàn rất chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, quan tâm đào tạo cán bộ, kỹ sư Việt Nam làm việc tại Tập đoàn, trong đó đã đưa nhiều kỹ sư Việt Nam sang Hàn Quốc nâng cao tay nghề. Samsung cũng đã tăng số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất của Tập đoàn với 29 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 vào cuối năm nay. Sau 3 năm nữa, con số này sẽ tăng lên 50 doanh nghiệp.
Ông cũng cho biết, Samsung rất quan tâm mở rộng đầu tư vào lĩnh vực viễn thông tại Việt Nam.
Cho biết công nghệ cao là lĩnh vực ưu tiên phát triển của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu có vướng mắc gì thì Tập đoàn có thể trao đổi, làm việc với các bộ, ngành chức năng của Việt Nam, “chúng tôi luôn sẵn sàng giải quyết”.
Thủ tướng cũng chia sẻ với sự cố trong cung cấp điện cho hoạt động của Samsung thời gian qua và cho biết đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng có kế hoạch bảo đảm nguồn cung điện ổn định cho hoạt động của Tập đoàn.
Theo Danviet
Đưa ra khỏi bộ máy những cục trưởng chỉ biết hô "cứ cải cách đi"
"Cục trưởng, vụ trưởng nào nói "anh cứ cải cách đi" còn bản thân không chịu cải cách thì cán bộ đó phải đưa ra khỏi bộ máy nhà nước" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Chiều 16/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ).
Thủ tướng chủ trì cuộc họp với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.
Né tránh, chỉ dẫn lòng vòng làm nản lòng doanh nghiệp
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính đạt một số kết quả, tuy nhiên người dân, doanh nghiệp vẫn còn kêu ca về sự phiền hà, rắc rối, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính ở khâu này, khâu khác tại nhiều cơ quan khác nhau.
Một số việc làm nản lòng nhà đầu tư và doanh nghiệp như né tránh trách nhiệm, chỉ dẫn lòng vòng hay thực hiện thiếu thủ tục.
Thủ tướng mong muốn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính quốc gia tập trung đề xuất tốt hơn nữa cho Chính phủ, Văn phòng Chính phủ để làm sao những tiếng nói phản ánh từ đời sống thực tiễn được giải quyết kịp thời hơn.
Tại cuộc họp, một số ý kiến thành viên Hội đồng cho rằng, ngọn lửa cải cách đã được thổi bùng lên, tuy nhiên, sức nóng của ngọn lửa chưa lan tỏa nhiều tới cấp cơ sở, tới mỗi cán bộ, công chức trực tiếp triển khai thủ tục. Trong khi đó, khâu then chốt của cải cách vẫn là con người.
Cũng tại cuộc họp, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đã nêu các kiến nghị cụ thể về các thủ tục "gây khó" cho doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực như sản xuất, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu...
Hoan nghênh các ý kiến, phản ánh, Thủ tướng cho rằng chính các doanh nghiệp, những người trong cuộc, mới phát hiện ra các vấn đề, vướng mắc và "phải nghe lời nói ngang trái để sửa chính sách, để sát cuộc sống, để phát triển đất nước". "Tôi rất vui mừng khi được ký những nghị quyết của Chính phủ về giảm thủ tục hành chính ở bộ này, ngành kia", Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng đề nghị Hội đồng cần trực tiếp lắng nghe thêm nhiều ý kiến của các hiệp hội ngành nghề để giải quyết thủ tục đang vướng mắc sát với thực tiễn. Bên cạnh hướng chính là cải cách tốt hơn thì cần lưu ý không buông lỏng quản lý nhà nước.
Trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính phục vụ cho tăng trưởng là một nhiệm vụ hàng đầu hiện nay để hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu Đảng, Quốc hội giao. "Người ta nói là trong chuyện tăng trưởng chậm có nguyên nhân thủ tục, trước hết là thủ tục đầu tư, thủ tục giải ngân, các thủ tục có liên quan khác vẫn còn chậm trễ so với một số nước", Thủ tướng nói.
Muốn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thì cần tháo gỡ mọi rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, tạo sức cạnh tranh cao hơn cho nền kinh tế. Muốn tăng trưởng phải đẩy mạnh giải ngân các loại nguồn vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Phải cải cách thật tốt các thủ tục thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, tăng cường hậu kiểm, kiểm tra rủi ro...
Lĩnh vực cải cách quan trọng nữa là thủ tục hành chính đối với cuộc sống hằng ngày của người dân mà hiện nay, còn nhiều thủ tục phức tạp, nhận được nhiều phản ánh về tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu công khai, minh bạch. Đây là điều cần tập trung khắc phục.
Kiên quyết giảm từ phí BOT tới lãi suất
Nhất trí với các thành viên Hội đồng, Thủ tướng cho rằng hệ thống các cơ quan nhà nước, nhất là cấp cục, vụ, sở, phòng, huyện, xã phải chuyển biến đồng bộ với chủ trương của Trung ương trong vấn đề giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là khâu yếu cần khắc phục.
"Không chuyển biến thì cần có chế tài thực hiện. Cho nên, cục trưởng, vụ trưởng nào nói "anh cứ cải cách đi" còn bản thân không chịu cải cách thì cán bộ đó phải đưa ra khỏi bộ máy nhà nước" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, để giải quyết nhanh một công việc thì yêu cầu đầu tiên là năng lực của người thực hiện, thứ hai là tinh thần trách nhiệm, dám làm dám chịu, vì sự phát triển, thứ ba là phẩm chất của cán bộ. Và thứ tư là thủ tục đỡ rườm rà, phức tạp.
Đối với Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu có chương trình tập trung cao cho các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, bám sát vào trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, sát thực tiễn hơn nữa. Phải tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ quyết liệt cắt giảm các thủ tục hành chính, loại bỏ giấy phép con, đặc biệt, phải kiểm soát tốt hơn việc đặt thêm thủ tục, hoặc biến tướng các loại giấy tờ mới, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục để nhà đầu tư không phải đi lại nhiều lần, mà chỉ cần 1 lần duy nhất tại bộ phận một cửa dưới sự giám sát qua camera. Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức trong khi làm thủ tục để hạn chế tiêu cực, tham nhũng.
Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ thực hiện nghiêm túc quy định về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và cập nhật công khai kết quả xử lý trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và cổng thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Nội vụ chủ trì kiểm tra công vụ, có tổ công tác cùng với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính kiểm tra việc thực thi công vụ của một số nhóm đối tượng đã bị phát hiện có thể gây ách tắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó, xử lý nghiêm, đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông về các điển hình, tấm gương, mô hình tốt về cải cách thủ tục hành chính.
Thủ tướng đề nghị Hội đồng có nhiều sáng kiến về cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục; lựa chọn vấn đề còn nhiều khó khăn vướng mắc hoặc vấn đề trọng tâm liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh như thuế, hải quan, đất đai, đầu tư, xây dựng, tiếp cận điện năng, kiểm tra quản lý chuyên ngành... để đề xuất xử lý giải quyết.
Thủ tướng đồng ý trong quý này, Hội đồng và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính lựa chọn một số thủ tục để cắt giảm.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là kiên quyết giảm chi phí doanh nghiệp, từ chi phí BOT đến chi phí lãi vay và các chi phí khác. Kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu theo tinh thần hậu kiểm.
P.T
Theo Dantri
Thủ tướng yêu cầu thận trọng với quy hoạch khu vực ga Hà Nội Trong khi chính quyền Thủ đô xin ý kiến về Đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội và phụ cận, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu "thận trọng". Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về quy hoạch xây dựng khu vực ga Hà Nội và vùng phụ...