Thủ tướng: Thua lỗ tiền tỉ ai không xót
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói như vậy tại hội nghị Chính phủ với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước ngày 16/1.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty trong nền kinh tế là “không ai có thể phủ nhận”. Thủ tướng nêu ví dụ về công trình thủy điện Sơn La, từ thiết kế đến thi công đều do doanh nghiệp nhà nước làm, vượt tiến độ ba năm, nếu tính sản lượng điện hơn 10 tỉ kWh/năm thì tương đương mỗi năm vào khoảng 500-700 triệu USD. Nếu như trước đây thủy điện Hòa Bình lúc cao điểm có hàng nghìn chuyên gia Liên Xô thì thủy điện Sơn La tất cả đều do kỹ sư, lao động Việt Nam thực hiện.
Người dân có quyền hỏi còn Vina nào nữa?
Thủ tướng khẳng định chủ trương doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế nhà nước, là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô…
Thủ tướng nói vụ việc Vinalines vừa qua đã ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nghiệp nhà nước, vậy nên người dân có quyền hỏi còn Vina nào nữa? “Nhân dân phê phán là đúng, làm ăn tiêu cực thua lỗ như thế, tiền tỉ như thế ai mà không xót ruột. Tuy rằng đa số là tốt, nhưng các biểu hiện như thế không thể coi thường” – Thủ tướng nói.
Doanh thu của Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam trong năm 2012 chỉ bằng 85,5% so với năm 2011 – Ảnh: Đàm Duy
Liên quan đến việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng nhấn mạnh khâu thoái vốn phải có lộ trình, phải có phương án.
“Đầu tư ngoài ngành là làm không trái pháp luật, không trái chủ trương của Đảng, nhưng từ thực tiễn thấy hiệu quả không tốt thì thu hẹp lại, tập trung vào ngành nghề chính. Nhưng khi tiến phải có phương án, mà rút lui cũng phải có trật tự, có phương án sao cho không để xảy ra tiêu cực, thất thoát. Mỗi tập đoàn, tổng công ty phải có phương án. Rút lui mà vứt cả súng đạn bỏ chạy là không được” – Thủ tướng nói.
Về giá điện, xăng dầu, than, nước sạch ở các thành phố lớn, Thủ tướng yêu cầu phải làm minh bạch hơn, rõ ràng hơn nữa. Ví dụ như giá than, hiện bán cho sản xuất điện dưới giá thành (chỉ bằng 70% giá thành), quyết tâm theo lộ trình là than bán đủ không thấp hơn giá thành, nhưng đi liền với đó bản thân ngành than phải tính toán giảm giá thành, minh bạch, công khai giá thành.
Phải nghiêm túc xem lại các yếu kém
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thể chế, cơ chế để tạo ra môi trường cạnh tranh quốc gia thuận lợi cho các tập đoàn, tổng công ty hoạt động, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn nữa vào việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tổng công ty Thép doanh thu năm 2012 đạt 29.400 tỉ đồng, giảm 8,9% so với thực hiện năm 2011, công ty mẹ ước lỗ 500 tỉ đồng, hợp nhất toàn tổ hợp ước lỗ 150 tỉ đồng (Trong ảnh: Trụ sở của Tổng công ty Thép Việt Nam tại Hà Nội)
Thủ tướng lưu ý các tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành kế hoạch hoặc việc sản xuất kinh doanh giảm so với năm 2011, hiệu quả thấp cần phải nghiêm túc xem lại các yếu kém của mình, “lỗ là do các yếu tố vĩ mô hay do chính mình”.
Đề cập đến nhiệm vụ năm 2013 của các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng nêu rõ phải bám sát các mục tiêu tổng quát về kinh tế – xã hội mà Đảng, Quốc hội đã đề ra, cụ thể như xây dựng kế hoạch sao cho không thấp hơn năm 2012, vì nếu thấp hơn thì làm sao góp phần vào việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2013 cao hơn 2012.
Thủ tướng cho rằng xã hội hiện nay yêu cầu công khai, minh bạch, dân chủ ngày càng cao, do vậy bản thân các tập đoàn, tổng công ty cũng như bộ quản lý ngành phải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm phải kiểm toán, công bố công khai, không che giấu, nói rõ mặt được cũng như mặt chưa được để nhìn nhận một cách khách quan.
Hạn chế thành lập mới tập đoàn, tổng công ty
Theo dự thảo nghị định về tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước vừa được Bộ Kế hoạch – đầu tư công bố lấy ý kiến nhân dân, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ phải giải thể, chuyển đổi nếu không đáp ứng điều kiện theo quy định.
Video đang HOT
Theo đó, Nhà nước chủ trương hạn chế việc thành lập mới tập đoàn kinh tế, tổng công ty và chỉ xem xét thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện về hiệu quả kinh doanh, tình trạng tài chính, nguồn nhân lực, trang thiết bị…
Dự thảo quy định tổng công ty nhà nước được lựa chọn làm nòng cốt hình thành tập đoàn kinh tế phải bảo đảm kinh doanh có lãi trong ba năm liên tiếp liền kề năm được lựa chọn. Bên cạnh đó phải có tình trạng tài chính lành mạnh, trình độ nguồn nhân lực và năng suất lao động cao hơn các doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành…
(Chinhphu.vn)
Theo 24h
'Tham nhũng làm xấu hình ảnh tập đoàn'
Tham nhũng là vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý khi phân tích về khuyết điểm của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước tại buổi làm việc sáng 16/1.
Sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, 4 Phó thủ tướng cùng nhiều vị Bộ trưởng tại Hội nghị với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sáng 16/1 cho thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với tình hình sản xuất - kinh doanh của các "quả đấm thép" trong nền kinh tế.
Năm 2012, trước tình hình kinh tế nhiều khó khăn, tính bức thiết của quá trình tái cơ cấu, Chính phủ tiếp tục thể hiện sự ủng hộ đối với quá trình phát triển của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Nhấn mạnh tới đóng góp xấp xỉ 40% vào GDP cũng như nguồn thu ngân sách, trong phần phát biểu dài hơn một giờ đồng hồ tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành nhiều thời gian để ghi nhận những đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đối với nền kinh tế, thực hiện nhiệm vụ phát triển hạ tầng và đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Tuy vậy, bên cạnh những điểm "làm được" của các doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ, với thái độ quyết liệt, cũng chỉ ra nhiều điểm thiếu sót, cần khắc phục của các tập đoàn. Câu chuyện tham nhũng, lãng phí trong đầu tư được Thủ tướng nhắc đến, tuy không phải ở vị trí hàng đầu, nhưng với những ngôn từ nhiều trăn trở.
Trong những ngày đầu năm 2013, câu chuyện Vinalines được nhắc lại vì mặc dù xảy ra từ năm 2007 nhưng chỉ vừa mới được khởi tố cách đây ít tháng và tiêu biểu cho vấn nạn tham nhũng, lãng phí tại các tập đoàn. "Cùng với những khó khăn khách quan, chuyện này đã ảnh hưởng tới hoạt động, hình ảnh của Vinalines cũng như các doanh nghiệp Nhà nước khác", Thủ tướng nhận định.
"Người ta nói liệu sẽ còn những Vina nào nữa? Chuyên gia họ có quyền hỏi như vậy lắm chứ. Có thể chỉ một cá nhân nhưng thiệt hại tiền tỷ như vậy, ai mà không xót ruột. Nhân dân phê bình như vậy là đúng lắm", người đứng đầu Chính phủ trăn trở và cho rằng đây là những nguy cơ không thể coi thường.
Phát biểu trước lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng cũng lưu ý tới quá trình đổi mới quản trị, tái cơ cấu hiện vẫn còn quá chậm (chỉ 13 đơn vị được cổ phần hóa trong năm 2012). Đồng ý với các doanh nghiệp phải căn cứ vào điều kiện thị trường để chào bán cổ phần nhưng Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị này phải có lộ trình cụ thể để thoái vốn.
Theo Thủ tướng, việc các tập đoàn, tổng công ty đầu tư ngoài ngành trong giai đoạn trước đây là không sai về mặt pháp luật nhưng thực tế cho thấy không hiệu quả. "Không hiệu quả thì cần rút vốn, nhưng đầu tư có kế hoạch thì thoái vốn cũng cần có lộ trình, không bán tài sản theo kiểu hoảng loạn, bỏ chạy là rất nguy hiểm", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng việc đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp không sai luật nhưng thực tế cho thấy không hiệu quả. Ảnh: Nhật Minh
Một vấn đề khác cũng được đại diện Chính phủ lưu ý là kết quả sản xuất kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty giảm so với 2011 hoặc không hoàn thành kế hoạch, thậm chí thua lỗ. Thủ tướng cho rằng lãnh đạo doanh nghiệp cần nghiêm túc kiểm điểm những nhân tố chủ quan, dẫn đến kết quả này, mặc dù điều kiện kinh doanh của năm 2012 chịu ảnh hưởng rất nhiều của những khó khăn khách quan. "Doanh nghiệp thiếu hiệu quả, vốn chủ sở hữu tăng thấp, một số nơi tài chính thiếu lành mạnh... có phải là do nguyên nhân vĩ mô, hay do điều hành, do lãnh đạo làm trái?", ông đặt câu hỏi.
Tương tự với kế hoạch năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng "không ổn" khi Chính phủ đặt mục tiêu "tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn nhưng hầu hết các tập đoàn, tổng công ty lại đăng ký các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách... đều giảm so với năm 2012 (tổng doanh thu đăng ký chỉ bằng 95,8%, lợi nhuận khoảng 79%). Do đó, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương rà soát hoạt động, phấn đấu thực hiện cao nhất những nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được giao.
Kế hoạch 2013 của các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước
Chỉ tiêu
TH 2012
KH 2013
% tăng
Vốn điều lệ (tỷ đồng)
568.664
643.224
13,11
Vốn chủ sở hữu (tỷ đồng)
791.898
891.162
12,53
Tổng tài sản (tỷ đồng)
1.649.328
1.750.682
6,15
Doanh thu (tỷ đồng)
1.781.248
1.707.994
-4,11
Lợi nhuận trước thuế (tỷ đồng)
184.957
147.799
-20,09
Nộp ngân sách (tỷ đồng)
253.976
200.799
-20,94
Lao động (người)
1.043.412
1.058.511
1,45
Thu nhập bình quân (triệu đồng / tháng)
6,88
7,41
7,77
Nguồn: MPI
Nhiều lần nhấn mạnh tới vai trò là lực lượng quan trọng của Nhà nước trong nhiệm vụ phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng, đảm bảo việc làm, ổn định vĩ mô... của khu vực doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng nhất trí với nhiều kiến nghị của các tập đoàn, tổng công ty về cơ chế. Đặc biệt đối với nhiệm vụ bình ổn giá, đại diện Chính phủ tái khẳng định quan điểm nhất quán về việc phải thực hiện giá thị trường đối với than, điện, xăng dầu... nhưng cũng yêu cầu Vinacomin, EVN hay Petrolimex phải thực sự minh bạch, đồng thời có ý thức tiết giảm chi phí tối đa để có "giá thị trường" thấp nhất có thể.
Trở lại với vấn đề chống tham nhũng trong phần cuối bài phát biểu, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, vai trò Đảng viên cũng như nâng cao tính minh bạch, công khai "Xã hội hiện nay đòi hỏi đề cao tính minh bạch, kết quả kinh doanh hàng năm phải có kiểm toán và công bố công khai. Nếu hiệu quả thì nói hiệu quả, lỗ thì phải nói lỗ, không được che giấu", Thủ tướng khẳng định.
Lưu ý một lần nữa đến việc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải bám sát các mục tiêu về kinh tế, xã hội của Chính phủ để thực hiện, Thủ tướng kết luận hội nghị bằng lời kêu gọi các doanh nghiệp "cùng nhau làm tốt, để xã hội thấy rõ hơn đóng góp của khu vực doanh nghiệp Nhà nước".
Theo VNE
Thu nhập bình quân tại 8 Tập đoàn nhà nước hơn 9 triệu đồng Trong năm 2012, tổng số lao động của 73 TĐ, TCT trên 1 triệu người, thu nhập bình quân 6,88 triệu đồng, trong đó, tại khối 8 Tập đoàn kinh tế lớn, thu nhập bình quân là 9,41 triệu. Nổi bật, bình quân thu nhập lao động ở Viettel tới 18 triệu đồng. Mức thu nhập của người lao động ở Viettel cao...