Thủ tướng: Thời gian nuôi gà còn nhanh hơn thủ tục bán gà
“Dù đã tập trung cải cách hành chính thời gian qua nhưng giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều. Có ý kiến nói rằng nuôi gà một lứa chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung xử lý ngay tình trạng này.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, sáng nay, 30/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 8/2017 của Chính phủ.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng nhìn nhận, tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 có nhiều chuyển biến tích cực. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 18%. Không khí làm ăn, mua bán, du lịch sôi động.
Thủ tướng cho biết, lĩnh vực xã hội có nhiều điểm đáng phấn khởi, trong đó có thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29, với 58 Huy chương Vàng, hiện đứng thứ 3 toàn đoàn. Đặc biệt, các vận động viên Việt Nam đã đạt thành tích cao tại các môn điển hình như điền kinh, bơi lội, bóng bàn… Thủ tướng biểu dương thành tích của đội bóng đá nữ khi lần thứ 5 giành Huy chương Vàng tại SEA Games, đây là cố gắng rất lớn.
Tuy nhiên, còn một số tồn tại, yếu kém cần tập trung khắc phục như giải ngân vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Thủ tướng chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ (ảnh: VGP)
Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục tháo gỡ mạnh mẽ hơn, bám sát hơn nữa các chỉ tiêu đối với các sản phẩm ngành hàng, dịch vụ để đạt được mục tiêu tăng trưởng.
“Mặc dù thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính nhưng tình trạng giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều. Nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn. Có ý kiến nói rằng là nuôi lứa gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ gà, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà” – Thủ tướng nói và yêu cầu tập trung tháo gỡ thủ tục, nhất là xử lý giải quyết giấy phép con, giấy phép cháu.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, gánh nặng thuế, phí đối với doanh nghiệp còn lớn, một số phí như phí BOT còn cao, đặt trạm thu phí còn bất hợp lý, gây bức xúc. Theo thống kê, tổng phí vận tải doanh nghiệp phải đóng lên tới 70 loại. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải tập trung tháo gỡ; Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải lưu ý các quy định hiện hành về phí BOT để có giải pháp giải quyết, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Ngoài ra, chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn, với tỷ lệ lô hàng kiểm tra chuyên ngành lên tới 30%. Mục tiêu đặt ra phải giảm còn 15% nhưng một số bộ, ngành chuyển biến còn chậm.
Quy định thủ tục hành chính về hải quan, hoàn thuế VAT, thời gian và chi phí nộp bảo hiểm xã hội còn cao. Thủ tướng dẫn chứng báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết doanh nghiệp Việt Nam nộp bảo hiểm xã hội mất 189 giờ, trong khi Thái Lan chỉ mất 48 giờ, Indonesia mất 56 giờ.
Vấn đề cải cách thủ tục hành chính đã nói nhiều lần trong năm qua, đặc biệt tháng 7, đã đề cập rất quyết liệt vấn đề này nhưng mới giảm được một phần, còn nhiều phần, nhiều ngành, đơn vị chưa chuyển biến, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng đề xuất giải pháp cụ thể, phải thực sự vào cuộc để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, tạo niềm tin xã hội, góp phần vào tăng trưởng.
Thủ tướng cũng đề nghị thảo luận một số vấn đề xã hội như tình hình năm học mới như thế nào, nhất là ở vùng lũ, vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ; vấn đề an toàn xã hội, môi trường, dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng hiện đang diễn biến phức tạp; tình hình tội phạm ma túy, khiếu kiện đông người…
Thủ tướng đề nghị báo cáo rõ hơn về Năm APEC 2017 khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa diễn ra Tuần lễ cấp cao ở Đà Nẵng và còn tới 6 hội nghị lớn trước thềm sự kiện này.
P.T
Theo Dantri
Thủ tướng: Người ngứa đầu lại chỉ được gãi... chân sẽ cho nhà nước điểm zero!
Nói về việc xây dựng website Chính phủ với Doanh nghiệp, Chính phủ với người dân theo hướng thể hiện được sự đánh giá, cho điểm của các đối tượng được phục vụ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng luôn nhắc nhở "người ngứa đầu lại chỉ được gãi chân sẽ cho điểm rất xấu với cơ quan nhà nước"...
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói về vấn đề này tại hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính được tổ chức ngày 29/8.
Nhắc đến mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính phủ kiến tạo cần tập trung xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính, thay dần tư duy quản lý sang một nhà nước lấy người dân và DN làm mục tiêu phục vụ, nỗ lực tháo gỡ mọi rào cản, khó khăn cho người dân, DN trong sản xuất kinh doanh. Đó là điều Chính phủ đang quyết tâm thực hiện.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - dẫn lời Thủ tướng tại buổi hội thảo.
Với những nỗ lực này, gần đây, lần đầu tiên Chính phủ không còn để nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền của mình.
3 tháng qua, Chính phủ đã tập trung xây dựng 49 nghị định thi hành luật đầu tư, luật doanh nghiệp. Cùng với đó là cố gắng tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, việc này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như việc triển khai tại địa phương còn lúng túng, hình thức, tổ chức một cửa nhưng vẫn nhiều dấu, nhận - trả hồ sơ chậm trễ, chất lượng giải quyết công việc còn thấp vì vướng kết nối kỹ thuật, năng lực cán bộ bộ phận một cửa không cao...
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ gợi ý 5 điểm cần giải quyết, khắc phục khi xây dựng nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông như làm rõ nguyên tắc người dân, tổ chức có quyền lựa chọn dịch vụ, nơi cung cấp dịch vụ tốt nhất; người dân được tham gia giám sát cán bộ công chức trong việc thực thi công vụ; mở rộng mô hình bộ phận một cửa tới cả các bộ, ngành; đặt bộ phận này dưới sự phụ trách trực tiếp của Bộ trưởng, Cục trưởng, Chủ tịch UBND các cấp...
Ngoài ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh việc quy phạm hoá công tác đánh giá hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý hành nước.
Ông Dũng lấy ví dụ từ việc Thủ tướng cho mở trang web kết nối Chính phủ với doanh nghiệp, Chính phủ với người dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ do người đứng đầu Văn phòng Chính phủ chủ trì để tiếp nhận mọi vấn đề liên quan đến kiến nghị của DN, người dân, sàng lọc và chuyển ý kiến đến các đơn vị, địa phương để giải quyết.
Theo đó, website "Chính phủ với người dân" đã có công cụ thể hiện sự đánh giá, cho điểm của người dân với kết quả giải quyết của các cơ quan, website "Chính phủ với doanh nghiệp" cũng đang được yêu cầu viết lại phần mềm theo hướng này.
"Như thế, nếu việc giải quyết các kiến nghị không tốt, người dân sẽ cho điểm kém, điểm xấu, điểm zero với cơ quan quản lý nhà nước. Đó là động lực thúc đẩy chất lượng giải quyết công việc. Thủ tướng vẫn luôn nhắc chúng tôi, người ngứa đầu lại chỉ được gãi... chân sẽ cho điểm rất xấu với cơ quan nhà nước" - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, nhìn vào điếm số đánh giá sẽ biết chất lượng làm việc của các cơ quan tốt, xấu ra sao.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cũng nêu quan điểm thúc đẩy, ưu tiên ứng dụng CNTT trong xử lý, giải quyết công việc. Ông phân tích, như Văn phòng Chính phủ, mỗi tháng tiếp nhận trung bình 14.000-15.000 văn bản của các bộ, ngành, địa phương gửi đến. Các văn bản sẽ được nhập dữ liệu vào hệ thống quản lý chung trước khi chuyển đến các vụ chuyên môn, các đơn vị rồi phân tới từng chuyên viên cụ thể. "Đường đi" của văn bản, theo đó, sẽ thể hiện, lưu dấu trên hệ thống theo dõi, kiểm soát.
Thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ công chức. Nhiều chuyên viên vẫn hay báo cáo làm tốt nhưng qua hệ thống đã phát hiện có những hồ sơ bộ ngành địa phương chuyển lên mà chuyên viên... để quên.
"Ta cứ sòng phẳng nói thẳng với nhau cả những yếu kém, tồn tại như thế. Qua theo dõi bằng cách này, chuyên viên mà mắc lỗi 2 lần trong quá trình giải quyết công việc sẽ phải điều chuyển công tác. Làm cách này thì không thể giấu lỗi được, vì văn bản hiện rõ những thông số như đang nằm ở đâu, nằm ở bàn chuyên viên bao nhiêu ngày, ở phòng lãnh đạo vụ/cục bao nhiêu ngày. Có những chuyên viên dùng xảo thuật để đánh lừa lãnh đạo nhưng việc đó cũng vẫn để lại vết, có thể thấy hết những lắt léo" - người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho rằng, các địa phương cũng cần áp dụng cơ chế theo dõi, đánh giá này.
P.Thảo
Theo Dantri
Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng phải đảm bảo tiêu chuẩn nào Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư phải kinh qua chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh hoặc ban, bộ ngành. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý. Theo đó, bên cạnh các...