Thủ tướng: Thành quả không phải để tự mãn mà để có quyết tâm làm tốt hơn
Chiều 9/4/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hậu Giang về tình hình kinh tế – xã hội của địa phương.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết, thời gian qua, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh Hậu Giang tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Năm 2014, tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng 12,5%; thu nhập bình quân đầu người 1 năm đạt 31,3 triệu đồng; xuất khẩu tăng 24,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 3,58%; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 8,4% (giảm 3,39% so với cùng kỳ);…Hiện tỉnh đã đạt 17/19 chỉ tiêu chủ yếu đề ra cho kế hoạch 5 năm 2011-2015, trong đó có 11 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt kế hoạch.
Về công tác tổ chức Đại hội Đảng các cấp, theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc, việc tiếp thu, quán triệt Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị, Quy chế bầu cử trong Đảng, các hướng dẫn của các ban Đảng Trung ương được các cấp ủy địa phương thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, tạo sự thống nhất cao trong thực hiện; công tác chuẩn bị văn kiện đại hội đảng các cấp và Đảng bộ tỉnh chu đáo, chất lượng, đảm bảo sát, đúng với tình hình chung của cả nước và của tỉnh; công tác chuẩn bị nhân sự chặt chẽ, đảm bảo về tiêu chuẩn, số lượng, tỷ lệ, cơ cấu, độ tuổi, đúng quy trình, thủ tục theo hướng dẫn của Trung ương.
Thủ tướng trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả khá toàn diện mà Hậu Giang đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội 5 năm qua. Thủ tướng cho rằng là địa phương gặp rất nhiều khó khăn sau khi chia tách, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh; điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, đời sống nhân dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lớn song với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, toàn quân, toàn dân, Hậu Giang đã có những bước phát triển hết sức vượt bậc, tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là hạ tầng về giao thông vận tải, thủy lợi được quan tâm đầu tư xây dựng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao.
“Chúng ta khẳng định những kết quả đạt được không phải để tự mãn mà để tự hào, để có lòng tin, ý chí, quyết tâm, để làm tốt hơn” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hậu Giang tiếp tục phấn đấu nỗ lực để đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2011-2015; đồng thời triển khai nghiêm túc, tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Thủ tướng mong muốn Hậu Giang tiếp tục phát huy truyền thống, kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để tiếp tục phát triển và vương lên, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Thủ tướng cho rằng, để phát triển nhanh và bền vững không có cách nào khác là phải phát huy tinh thần năng động, sáng tạo; khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế của địa phương, trong đó tiềm năng lớn nhất chính là trồng lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản.
Video đang HOT
Tuy nhiên, muốn nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao, tỉnh cần hết sức quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là khâu giống, quy trình canh tác; đồng thời đẩy mạnh việc liên kết sản xuất, hình thành các cánh đồng mẫu lớn gắn với phát triển công nghiệp chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp.
Là một tỉnh thuần nông, lực lượng lao động làm nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hết sức lưu ý Hậu Giang quan tâm đến công tác đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động; trong đó hết sức chú ý khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp về đầu tư ở các vùng nông thôn để chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nông thôn; đồng thời thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn nữa chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng lưu ý Hậu Giang không ngừng củng cố tiềm lực an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Làm tốt công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính quyền trong sạch, vững mạnh. Quyết liệt trong thực hiện cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; chủ động trong thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững; chú trọng hơn nữa công tác phát triển y tế, văn hóa, giáo dục.
“Hậu Giang cần đặc biệt quan tâm đến phát triển y tế, giáo dục bởi chỉ số trong các lĩnh vực này còn rất thấp, đây là những lĩnh vực không chỉ là điểm yếu của Hậu Giang mà còn là của các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của Hậu Giang liên quan đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho Trung tâm Điện lực Sông Hậu phục vụ cho 3 dự án là Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, 2 và 3; chủ trương đầu tư dự án đường tỉnh 927C; hỗ trợ đầu tư hạ tầng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang và các hạ tầng khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
P.Thảo
Theo Dantri
Báo chí Nga lạc quan về triển vọng hợp tác kinh tế Việt-Nga
Ngày 6/4, tờ Vedomosti, một trong các tờ báo hàng đầu chuyên về tài chính và kinh tế của Nga có bài viết "Thỏa thuận đầu tiên của Liên minh kinh tế Á-Âu về khu vực thương mại tự do có thể được ký với Hà Nội" nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nga D. Medvedev.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đón Thủ tướng Dmitry Medvedev. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Theo bài viết này của tác giả Ilya Usov, thỏa thuận về khu vực thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh kinh tế Á-Âu (EAES) và Việt Nam có thể được ký trong nửa đầu năm 2015.
Đây là tuyên bố chung của Thủ tướng Nga Medvedev và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau các cuộc hội đàm tại Hà Nội. Các bên nhấn mạnh đã thống nhất xong mọi vấn đề nguyên tắc. Như vậy, trong thời gian tới, Việt Nam có thể là quốc gia đầu tiên mà EAES thành lập khu vực thương mại tự do.
Ngoài ra, trong khuôn khổ chuyến thăm này, các công ty Nga như Gazpromneft, Inter RAO và Tập đoàn đường sắt Nga còn ký các thỏa thuận hợp tác kinh tế với các đối tác Việt Nam. Dự án thí điểm của Tập đoàn đường sắt Nga với công ty An Viên có thể là công trình xây dựng tuyến đường sắt tại miền Nam Việt Nam.
Tập đoàn này cho biết đồ án đã được hai bên soạn thảo và trình Chính phủ Việt Nam xem xét. Trong thời gian tới, Việt Nam và Nga dự kiến ký thỏa thuận tổng thể xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên tại Việt Nam và lộ trình thực thi từng giai đoạn của dự án.
Bên cạnh đó, hai bên còn ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực hiện đại hóa các nhà máy điện của Việt Nam và các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu khí.
Ngày 5/4 vừa qua, Thủ tướng Medvedev đã bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tháp tùng ông Medvedev có Chánh Văn phòng chính phủ Nga Sergey Prikhodko, Phó Thủ tướng - đại diện đặc biệt của Tổng thống tại khu liên bang Viễn Đông Yuri Trutnev, Bộ trưởng công nghiệp và thương mại Denis Manturov, Bộ trưởng năng lượng Alexandr Novak, Giám đốc cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật-quân sự Alexandr Fomin, lãnh đạo một số địa phương và gần 30 nhà doanh nghiệp lớn của Nga.
Đây là chuyến thăm thứ ba của Thủ tướng Medvedev đến Việt Nam. Chuyến thăm đầu tiên diễn ra vào tháng 9/2010, khi ông Medvedev giữ cương vị Tổng thống và đến Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Lần thứ hai ông Medvedev đến Việt Nam là năm 2012, trên cương vị Thủ tướng.
Chuyến thăm lần này của người đứng đầu Chính phủ Nga nhằm "thực hiện nội dung thực tế" nêu trong các tuyên bố của Tổng thống Nga Putin về tầm quan trọng của việc mở rộng sự hiện diện của Nga tại Đông Nam Á, có tính tới triển vọng thị trường các nước nằm trong tiểu khu vực này.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời Chánh văn phòng Thủ tướng Nga phụ trách hợp tác quốc tế Sergey-Prikhodko cho biết đây là bước đi thực tế nhằm thực hiện Luận thuyết phát triển quan hệ với các nước châu Á-Thái Bình Dương và các quyết định đã được tuyên bố và áp dụng khi Nga tham gia vào APEC.
Còn nhớ hồi tháng 9/2014, trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Vedomosti, Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh Nga cần tích cực hiện diện tại châu Á-Thái Bình Dương, trao đổi thương mại, thu hút đầu tư, hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và các cường quốc khác ở châu Á-Thái Bình Dương.
Khi đề cập đến vấn đề tái định hướng giới doanh nghiệp của Nga sang châu Á, ông Medvedev lưu ý bước ngoặt này đã chín muồi và không phải do tác động của các lệnh trừng phạt hay sự căng cẳng bối cảnh chính trị quốc tế, mà là Nga cần đa dạng hóa các luồng hàng hóa. Điều này giúp phát triển khu vực Siberi và Viễn Đông của Nga.
Tại các cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hồi cuối tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Putin tuyên bố Nga và Việt Nam dự kiến nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2020.
Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc trả lời phỏng vấn TASS cũng cho rằng kim ngạch thương mại song phương chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Hợp tác kinh tế-thương mại Việt-Nga chưa đạt được mức cao như quan hệ chính trị tốt đẹp.
Phía Nga hy vọng việc thành lập FTA giữa EAES và Việt Nam sẽ giúp mở rộng các mối quan hệ kinh tế-thương mại. Trong cuộc trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí Việt Nam trước thềm chuyến thăm, Thủ tướng Medvedev cho biết "Nga có các ý tưởng để đưa đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga lên tầm cao hợp tác kinh tế mới. Một trong các ý tưởng đó là Hiệp định thành lập FTA giữa EAES và Việt Nam."
Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tin tưởng việc ký hiệp định này sẽ thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước./.
Theo Cao Cường/Moskva (Vietnam )
Nga cung cấp máy bay cho Việt Nam Nga dành ưu tiên đầu tư vào Việt Nam 17 dự án, trong đó có dự án nhiều triển vọng như cung cấp máy bay của Nga cho Việt Nam, tổ chức lắp ráp ôtô của Nga tại Việt Nam, cũng như tổ chức sản xuất đầu tàu ở Việt Nam... Đây là nội dung được thông báo trong cuộc họp báo sau...