Thủ tướng thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định 1447/QĐ-TTg ngày 30/8 về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái là Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Ảnh: TTXVN.
Theo Quyết định này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái là Tổ trưởng Tổ công tác; Tổ phó thường trực là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Các Tổ phó Tổ công tác bao gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung.
Thành viên Tổ công tác là lãnh đạo các bộ, cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, Thủ trưởng các bộ, cơ quan có tên kể trên có trách nhiệm cử đại diện lãnh đạo bộ, cơ quan tham gia Tổ công tác và gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tùy thuộc yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác và theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác có thể mời thêm lãnh đạo một số cơ quan trung ương và địa phương liên quan hoặc các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia để phối hợp, tham vấn thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.
Tổ công tác là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành trong việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Nhiệm vụ của Tổ công tác: Chủ động tiếp cận, nắm bắt, tiếp nhận thông tin, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách, có tính chất liên vùng, liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19; phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương được thành lập tại Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ để cùng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề có liên quan.
Giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các bộ, ngành và địa phương để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19.
Đề xuất hướng xử lý những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cấp có thẩm quyền. Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương; kịp thời đề xuất khen thưởng, kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Quyền hạn của Tổ công tác: Yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền của cơ quan đó. Mời lãnh đạo các cơ quan trung ương và địa phương liên quan hoặc các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia để phối hợp, tham vấn thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác.
Tổ công tác có trách nhiệm bảo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hằng tháng, 3 tháng hoặc đột xuất theo quyết định của Tổ trưởng Tổ công tác hoặc theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tình hình, kết quả, tiến độ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Tổ công tác chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Quyết định này và Quy chế hoạt động của Tổ công tác. Tổ công tác làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, đề cao trách nhiệm cá nhân của từng thành viên và người đứng đầu; các thành viên thực hiện nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm và chịu trách nhiệm về công việc được phân công theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; đảm bảo kịp thời giải quyết, tháo gỡ, xử lý khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp.
Tổ trưởng Tổ công tác được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; Tổ phó thường trực, các Tổ phó Tổ công tác và thành viên Tổ công tác được sử dụng con dấu của cơ quan mình để thực hiện nhiệm vụ được giao của Tổ công tác.
Tổ trưởng Tổ công tác ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Tổ công tác. Thành viên Tổ công tác sử dụng bộ máy hiện có của mình, trong đó phân công một cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý làm đầu mối để giúp việc thành viên Tổ công tác trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo phân công của Tổ trưởng Tổ công tác…
Kinh phí hoạt động của Tổ công tác, nhóm giúp việc được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan theo quy định hiện hành. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Thủ tướng hứa đấu tranh chống "bệnh" hành dân, xa dân
Đây là nội dung Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong phần phát biểu nhậm chức sau lễ tuyên thệ trước Quốc hội khi lần thứ hai được bầu vào vị trí người đứng đầu cơ quan hành pháp quốc gia.
Ông Phạm Minh Chính lần thứ 2 thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng, kể từ hồi tháng 4/2021 (Ảnh: Quốc Chính).
Chiều 26/7, sau lễ tuyên thệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận hoa và lời chúc mừng từ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và phát biểu nhậm chức sau đó.
Lời đầu tiên, ông Phạm Minh Chính cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu ông giữ chức Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Ông khẳng định đây là vinh dự lớn lao đối với cá nhân ông, đồng thời cũng là trách nhiệm rất nặng nề trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ và đồng bào nhân dân cả nước.
Thủ tướng bày tỏ sự tri ân, biết ơn tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bậc lão thành cách mạng, các anh hùng liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình người có công, đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước cùng cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã làm nên nhiều kỳ tích trong quá khứ để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như hiện nay.
Thủ tướng nhiệm kỳ mới cũng gửi lời cảm ơn các vị lãnh đạo tiền nhiệm, sự chia sẻ của đồng bào cả nước, của bạn bè quốc tế về sự đồng hành với Chính phủ thời gian qua. Ông khẳng định Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ kế thừa thành tựu của Chính phủ các nhiệm kỳ trước, đổi mới sáng tạo, đặt lợi ích của đất nước, nhân dân lên trên hết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu sau lễ tuyên thệ.
Phát biểu nhậm chức, ông Phạm Minh Chính cho biết đây là vinh dự lớn lao nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ và đồng bào, cử tri cả nước.
Thủ tướng nêu chương trình hành động với nhiều điểm ưu tiên trong nhiệm kỳ công tác này. Trước hết, Chính phủ sẽ chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược, 12 nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên được Thủ tướng đề cập là việc điều hành chống dịch. Theo Thủ tướng, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, Đảng, Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ với người dân những khó khăn, vất vả cả về tinh thần và vật chất khi phải tiến hành phong tỏa, cách ly. Với tư tưởng chỉ đạo "chống dịch như chống giặc" và vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, an ninh, an toàn của nhân dân, Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu hiện nay của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là tập trung trí tuệ, nguồn lực, các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhất là chiến lược vắc xin; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; kêu gọi sự chung sức, đồng lòng, nâng cao ý thức chấp hành và tinh thần tương thân tương ái, "thương người như thể thương thân" của Nhân dân để chống dịch thành công.
Đồng thời với nhiệm vụ chống dịch, cơ quan điều hành cũng nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Nhiệm vụ then chốt khác được người đứng đầu Chính phủ xác định là đẩy mạnh xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên trong Chính phủ và chính quyền các cấp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Có biện pháp cụ thể để cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội; khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động.
Thủ tướng phát biểu sau lễ tuyên thệ nhậm chức.
Thủ tướng dự định đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với nâng cao năng lực cấp dưới; đồng thời tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực; phát huy tính chủ động, năng động sáng tạo ở các cấp; xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Ông cũng dự định xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể để kiên quyết, kiên trì thúc đẩy đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, nhũng nhiễu, hách dịch, xa dân; xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Ưu tiên hành động tiếp theo là đẩy mạnh hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước hết, chủ động phát hiện, tháo gỡ theo thẩm quyền những "rào cản", "điểm nghẽn" về thể chế, cơ chế, chính sách làm trì trệ các hoạt động của nền kinh tế. Chính phủ sẽ tích cực hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, bình đẳng cho các thành phần kinh tế, chủ thể sản xuất kinh doanh và người dân. Tập trung rà soát và đề xuất phương án xử lý kịp thời, hiệu quả những tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình thua lỗ kéo dài; tích cực khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công.
Đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy truyền thống, lịch sử hào hùng; xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; xác định đây là những nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là mục tiêu cao nhất, vừa là động lực quan trọng nhất của sự phát triển.
Thủ tướng quán triệt, tuyệt đối không "hy sinh" tiến bộ, công bằng xã hội, giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Chú trọng chăm lo, nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo thực chất, bền vững. Phát huy ưu thế dân số vàng và chủ động thích ứng với xu thế già hóa dân số của đất nước ta.
Về lĩnh vực xã hội, Thủ tướng nêu kế hoạch tiếp tục củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là an ninh con người. Về lĩnh vực quốc phòng, an ninh, người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ mới hứa kiên trì giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, biển đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới.
"Chính phủ và cá nhân tôi nguyện cống hiến hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp, pháp luật quy định, là cơ quan chấp hành của Quốc hội"- Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định. Ông cũng hứa luôn chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông mong muốn Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ luôn nhận được sự giám sát, hỗ trợ và ủng hộ tích cực của cả hệ thống chính trị, của người dân Việt Nam trong và ngoài nước để Chính phủ, Thủ tướng hoàn thành trọng trách cao cả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.
Sở GTVT TP.HCM dừng tiếp nhận, cấp giấy nhận diện phương tiện Chiều 30-8, Sở Giao thông vận tải TP.HCM ra thông báo khẩn về việc dừng tiếp nhận, cấp giấy nhận diện có mã QR Code. Đồng thời sở này cũng hướng dẫn doanh nghiệp, tài xế triển khai trong thời gian sắp tới. Doanh nghiệp, chủ xe chú ý làm theo hướng dẫn mới của Sở GTVT TP - Ảnh: CHÂU TUẤN Cụ...