Thủ tướng: Tham nhũng, rút ruột công trình là có tội với nhân dân
Thủ tướng nhấn mạnh điều này tại lễ khởi công Dự án thành phần Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.
Sáng nay (16/9), tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công Dự án thành phần Dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 đoạn Cam Lộ – La Sơn đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, có chiều dài 98km. Nhấn mạnh đây là dự án quan trọng, Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình triển khai đoạn cao tốc Cam Lộ-La Sơn như dự án kiểu mẫu trong dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khởi công
Dự án cao tốc Cam Lộ-La Sơn là một trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam, cũng là dự án đầu tiên được khởi công. Đoạn cao tốc này được xây dựng trùng với đường Hồ Chí Minh hiện nay. Trong giai đoạn đầu, dự án có 2 làn xe, bề rộng nền đường là 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện cả nước có gần 1.000km đường cao tốc, đến năm 2021 cả nước sẽ có 2.000km cao tốc, con số này sẽ nâng lên gần 4.000km vào năm 2025, trải dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Việc hoàn thiện các tuyến cao tốc có ý nghĩa rất quan trọng, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương, đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Hệ thống đường cao tốc khi hoàn thiện sẽ góp phần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh phải quyết tâm thực hiện được các mục tiêu xây dựng các tuyến cao tốc theo quy hoạch.
Đối với đoạn cao tốc Cam Lộ – La Sơn, Thủ tướng cho rằng, đây là tuyến rất quan trọng đối với hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, giúp kết nối thuận lợi với cảng Chân Mây, sân bay Phú Bài.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các ban ngành, đơn vị dự bấm nút khởi công dự án đường cao tốc Cam Lộ- La Sơn.
Với việc triển khai đoạn cao tốc phía Đông này thì cả nước sẽ có 4 tuyến đường quan trọng dọc chiều dài đất nước, đó là Quốc Lộ 1A đang được tiếp tục nâng cấp; tuyến đường Hồ Chí Minh; tuyến cao tốc Bắc Nam; và tuyến đường bộ ven biển. Khi tất cả 4 tuyến này hoàn thiện, cùng với đường sắt cao tốc Bắc Nam (trình Trung ương và Quốc hội xem xét thông qua sắp tới), sẽ tạo hệ thống giao thông đồng bộ cả đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không hoàn thiện. Đây là yếu tố quan trọng để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn.
Đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải, hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã tích cực chuẩn bị để triển khai dự án, Thủ tướng yêu cầu chính quyền địa phương đảm bảo đời sống cho người dân, nhất là những người đã dành đất cho dự án, có cuộc sống ổn định, lâu dài.
Nhấn mạnh tính chất quan trọng của dự án, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu nâng cao trách nhiệm, thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu chống tham nhũng, tiêu cực trong quá trình xây dựng với các biểu hiện như: ăn cắp vật liệu, vật tư thi công để giảm chi phí, khiến chất lượng công trình kém; biểu hiện bán thầu từ nhà thầu B thành B’, B”, thậm chí B”‘ để hưởng hoa hồng, trong khi đơn vị thi công yếu năng lực, dẫn đến chất lượng công trình thấp; biểu hiện các đơn vị thiết kế, thi công, giám sát thông đồng, cùng sự buông lỏng của chủ đầu tư, hoặc chủ đầu tư bị mua chuộc, không phát hiện quy trình sai, không giám sát đúng đắn, dẫn đến công trình bị rút ruột dễ hư hỏng, xuống cấp nhanh sau thi công.
Video đang HOT
Các đại biểu bấm nút khởi công dự án đường cao tốc Cam Lộ- La Sơn.
Nêu các thực tế đó, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tất cả điều đó nếu xảy ra sẽ làm công trình chất lượng kém, làm ít năm đã xuống cấp. Một số nơi mà chúng ta đã biết, chất lượng đáng sợ ở một số công trình. Làm như vậy, chúng ta có tội, có lỗi với nhân dân, mất niềm tin của quần chúng. Các đồng chí đã đi nhiều nước, họ làm cao tốc nhiều như vậy, nhưng chất lương rất tốt. Anh để ly nước trên xe đang chạy trên đường cao tốc mà nước không rớt ra. Độ mịn và độ phẳng của đường có chất lượng tốt. Không phải như chúng ta làm đi vài ba năm chất lượng kém. Tôi đã rút kinh nghiệm ở một số tuyến đường như đường Hồ Chí Minh, thậm chí tuyến Quốc lộ 1 này và một số nơi, có nơi làm tốt nhưng nhiều nơi xuống cấp quá nhanh. Nếu chúng ta sử dụng nhà nước với những phương thức và hậu quả như vừa nêu thì đó là tội lỗi với nhân dân”.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo công tác quản lý dự án phải đúng quy định của Nhà nước, triển khai dự án đoạn Cam Lộ-La Sơn như dự án kiểu mẫu trong dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, chấm dứt tình trạng chất lượng xấu như một số dự án xây dựng cơ bản từng xảy ra.
Nhấn mạnh miền Trung là vùng đất chịu nhiều mất mát đau thương trong chiến tranh, Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải có trách nhiệm đền đáp công hơn của các anh hùng liệt sỹ, đồng bào, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn với những công trình xây dựng cơ bản đang và sẽ thi công thời gian tới. Thủ tướng nhắn nhủ tới chủ đầu tư, các nhà thầu cần thực hiện dự án với lương tâm, trách nhiệm, tình cảm để có những công trình chất lượng tốtcho đất nước, để lại mãi mãi cho con cháu đời sau.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hoàn thành công tác chuẩn bị để triển khai các dự án còn lại, trong đó có 3 dự án thành phần 100% vốn đầu tư công đi qua 3 vùng miền là Bắc Trung Bộ, Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; và 8 dự án thành phần còn lại đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP). Theo đó, bí thư, chủ tịch các địa phương có công trình đi qua phải trực tiếp là trưởng ban giải phóng mặt bằng để sớm khởi công đồng bộ trên phạm vi quốc gia.
Theo quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 326 năm 2016, tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài khoảng 2.109km. Hiện đã khai thác và đang xây dựng một số đoạn dài 601km.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho các gia đình chính sách tại huyện Cam Lộ.
Thực hiện Nghị Quyết số 52/2017 của Quốc Hội khóa XIV, dự án cao tốc Bắc – Nam tiếp tục đầu tư một số đoạn với chiều dài khoảng 654 km, chia làm 11 dự án thành phần, gồm các đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2, (Tiền Giang và Vĩnh Long).
Cùng với mạng đường sắt, thuỷ, bộ hiện có và đang được nâng cấp cải tạo, việc xây dựng một tuyến đường bộ cao tốc có tiêu chuẩn kỹ thuật cao song song với QL1A thoả mãn nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh, đáp ứng yêu cầu rút ngắn thời gian đi lại. Mặt khác theo quy hoạch phát triển không gian của các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, một số khu cụm công nghiệp được mở rộng về phía Tây QL1A hiện tại, sự hình thành tuyến đường này sẽ gắn kết các khu cụm công nghiệp mới trong vùng, tạo điều kiện khai thác tiềm năng kinh tế phục vụ phát triển dân sinh./.
Theo Vũ Dũng/VOV
Khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam đầu tiên: Khẳng định tầm vóc quốc gia
KVới việc khởi công dự án đầu tiên Cam Lộ - La Sơn cùng với 10 dự án còn lại (đã và đang gấp rút chuẩn bị để triển khai), Việt Nam sẽ sớm có đường cao tốc nối 2 miền Nam - Bắc, một công trình thế kỷ khẳng định tầm vóc quốc gia
Hôm nay (16-9), tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức lễ khởi công xây dựng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đây là dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được khởi công xây dựng.
Hoàn thành năm 2021
Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện chủ đầu tư, cho biết tổng mức đầu tư tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn khoảng 7.699 tỉ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, vốn đầu tư xây lắp khoảng 5.586 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 434 tỉ đồng. Toàn tuyến dài hơn 98 km, đi qua 2 tỉnh Quảng Trị (hơn 37 km) và Thừa Thiên - Huế (61 km). Điểm đầu của dự án tại Km0 thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối tại Km102 200 thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế (trùng với điểm đầu dự án thành phần La Sơn - Túy Loan).
Trong giai đoạn đầu, dự án được đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12 m, riêng các đoạn vượt có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23 m; vận tốc thiết kế 80-100 km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23 m.
Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Đến nay, điều kiện để thi công dự án đã cơ bản hoàn tất. Tại tỉnh Quảng Trị, dự án đi qua các huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và TP Đông Hà. Diện tích bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án khoảng 205 ha, chủ yếu là đất rừng, đất ở nông thôn và một số loại đất khác. Theo thống kê, trên toàn tuyến qua tỉnh Quảng Trị có 27 ngôi nhà bị ảnh hưởng, phải tiến hành bố trí tái định cư. Đến thời điểm này, công tác bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đã cơ bản hoàn thành.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, dự án đi qua 4 huyện, thị xã gồm Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy và Phú Lộc. Để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng tiến độ, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang khẩn trương giải phóng mặt bằng, di dời mồ mả và bố trí, xây dựng khu tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng.
Theo UBND huyện Phong Điền, dự án đi qua địa bàn huyện có tổng chiều dài 23,8 km, tổng diện tích thu hồi khoảng 149,59 ha với 760 đối tượng bị ảnh hưởng, trong đó có 5 tổ chức và 755 hộ gia đình. Huyện đang tiến hành chi trả, bồi thường cho các trường hợp bị ảnh hưởng về mồ mả và chi trả đợt 1 về đất nông nghiệp cho 370 hộ dân. "Chúng tôi đang gấp rút triển khai khâu giải phóng mặt bằng để xây dựng khu tái định cư cho người dân. Khoảng vài tháng nữa, huyện sẽ hoàn thành việc di dời các hộ dân bị ảnh hưởng, bảo đảm đúng kế hoạch đã đề ra" - lãnh đạo UBND huyện Phong Điền khẳng định.
Ông Lâm Văn Hoàng cho rằng khi hoàn thành, dự án Cam Lộ - La Sơn cùng với đoạn La Sơn - Túy Loan tạo thành tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan, tiếp cận với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, giải tỏa lưu lượng giao thông của Quốc lộ 1 trong trường hợp tuyến đèo và tuyến hầm Hải Vân có sự cố, góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh, góp phần tạo động lực phát triển cho cả miền Trung.
Đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn sẽ nối với đoạn La Sơn - Túy Loan (sắp hoàn thành) để hợp thành tuyến Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan - Ảnh: QUANG TÁM
Sẵn sàng cho 10 dự án còn lại
Theo ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 52/2017/QH14 ngày 22-11-2017 thông qua chủ trương đầu tư "Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020".
Theo đó, giai đoạn 2017-2020 sẽ đầu tư xây dựng 654 km, đi qua địa phận 13 tỉnh (Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long), trên các đoạn: Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang - Vĩnh Long). Tổng mức đầu tư của dự án theo phê duyệt của Bộ GTVT là 102.514 tỉ đồng, gồm 51.702 tỉ đồng vốn BOT và 50.812 tỉ đồng vốn nhà nước.
Sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Bộ GTVT đã giao nhiệm vụ cho các chủ đầu tư khẩn trương khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Đến cuối tháng 10-2018, Bộ GTVT đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần, với tổng chiều dài 654,3 km.
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Vụ PPP - Bộ GTVT), cho biết dự án được chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có 3 dự án đầu tư công và 8 dự án PPP (đối tác công - tư), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Trong 3 dự án đầu tư công, ngoài dự án Cam Lộ - La Sơn còn có dự án Cao Bồ - Mai Sơn và cầu Mỹ Thuận 2. Dự án cầu Mỹ Thuận 2 xây dựng cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu khoảng 350m về phía thượng lưu, phần cầu chính vượt sông Tiền, nối Tiền Giang với Vĩnh Long. Cầu sẽ nối thông với đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại nút giao An Thái Trung, điểm cuối nối với đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại nút giao đầu tuyến Quốc lộ 80. Toàn tuyến đường và cầu chính dài khoảng 6,6 km. Cầu Mỹ Thuận 2 thiết kế rộng 6 làn xe, phần đường dẫn vào cầu được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn, giai đoạn trước mắt 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ; giai đoạn hoàn chỉnh đầu tư 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.000 tỉ đồng, dự kiến khởi công cuối năm 2019.
Tám dự án PPP, loại hợp đồng BOT bao gồm: Mai Sơn (Ninh Bình) - Quốc lộ 45 (Thanh Hóa) dài 63 km; Quốc lộ 45 - Nghi Sơn (Thanh Hóa) dài 43 km; Nghi Sơn - Diễn Châu (Nghệ An) dài 50 km; Diễn Châu - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) dài 50 km; Nha Trang - Cam Lâm (Khánh Hòa) dài 29 km; Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Bình Thuận) dài 91 km; Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) dài 106 km; Phan Thiết - Dầu Giây (Đồng Nai) dài 98 km.
Các bước chuẩn bị cho 10 dự án thành phần đã và đang gấp rút thực hiện để kịp triển khai theo lộ trình từ năm 2020.
Đã có 60 nhà đầu tư tham gia 8 dự án thành phần
Theo Bộ GTVT, đến thời điểm này, 8/8 dự án thành phần đã mở thầu bước sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư với 60 nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia. Theo lộ trình dự kiến, từ tháng 10-2019 đến tháng 1-2020, Bộ GTVT phát hành hồ sơ mời thầu. Từ tháng 1 đến tháng 2-2020, đánh giá hồ sơ mời thầu và đến tháng 3-2020, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Tất cả dự án này sẽ được triển khai ngay sau khi ký kết hợp đồng, dự kiến vào tháng 4-2020.
Vai trò, ý nghĩa rất quan trọng
Gần 2 năm qua, kể từ khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, người dân kỳ vọng từng ngày về công trình mang tầm vóc quốc gia được hình thành. Với việc khởi công dự án Cam Lộ - La Sơn, người dân trong khu vực hết sức vui mừng. Anh Nguyễn Doanh, tài xế xe tải chạy tuyến Quảng Trị - TP Đà Nẵng, bày tỏ: "Thông thường, từ Quảng Trị vào TP Đà Nẵng mất khoảng 5 giờ. Khi đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn hoàn thành, chắc chắn thời gian sẽ được rút ngắn. Cánh tài xế chở hàng hóa chúng tôi cảm thấy phấn khởi vì tới đây không còn mất nhiều thời gian di chuyển như trước".
Ông Lê Đức Tiến, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Trị, cho rằng không chỉ rút gắn thời gian di chuyển cũng như giảm tải lưu lượng xe trên Quốc lộ 1, dự án còn hỗ trợ, phát huy hiệu quả tuyến vận tải thuộc dự án Hành lang Đông - Tây, nhất là khi tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh ở phía Tây gặp sự cố. Còn theo ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với địa phương. Khi dự án hoàn thành chắc chắn sẽ tạo động lực khơi dậy tiềm năng kinh tế ở vùng đất phía Tây và tạo điều kiện lưu thông hàng hóa từ tỉnh Quảng Trị vào Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng.
Đ.Nghĩa
VĂN DUẨN - ĐỨC NGHĨA
Theo Nguoilaodong
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Công an tỉnh Quảng Bình Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ vui mừng và đánh giá cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực của lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình trong thực hiện nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững ổn định tình hình để địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Chiều 13/9,...