Thủ tướng Thái Lan kêu gọi đẩy nhanh tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã kêu gọi các cơ quan y tế đẩy nhanh việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục lây lan ở trẻ em và tỷ lệ tiêm chủng trong nhóm này vẫn rất thấp.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 26/1/2022. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Người phát ngôn Chính phủ Thanakorn Wangboonkongchana ngày 7/2 cho biết Thủ tướng Prayut lo ngại về tỷ lệ mắc COVID-19 trong bộ phận dân cư nói trên và muốn trẻ em nhanh chóng được tiêm phòng.
Số liệu của Chính phủ Thái Lan cho thấy số ca mắc COVID-19 trong nhóm này là 123.403 ca từ tháng 4-12 /2021 (trung bình 13.711 ca mỗi tháng), trong khi số ca mắc từ tháng 1 đến ngày 2/2/2022 là 10.266 ca.
Video đang HOT
Bộ Y tế Thái Lan đã mở đợt tiêm đầu tiên cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi từ ngày 31/1 bằng vaccine của Pfizer trên cơ sở tự nguyện. Đợt thứ hai dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 26/2. Ngoài ra, trẻ em từ 6 tuổi trở lên cũng sẽ có lựa chọn tiêm vaccine của Sinovac hoặc Sinopharm trong tương lai sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Thái Lan phê duyệt hai loại vaccine này.
Theo Bộ Y tế, tổng số trẻ em ở độ tuổi 5-11 ở Thái Lan là 5 triệu nhưng chỉ có khoảng 41.000 trẻ em, tương đương 0,8%, đã được tiêm ít nhất một mũi tính đến ngày 5/2.
Trong khi đó, Bộ Y tế Thái Lan đang chuẩn bị đề xuất nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch lên Trung tâm Quản lý Tình hình COVID-19 (CCSA) trong tuần này. Mặc dù không cho biết chi tiết về các biện pháp sẽ được nới lỏng, Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) Opas Karnkawinpong nói rằng Thái Lan đang đi theo xu hướng ở những nơi khác.
Theo ông Opas, tình hình COVID-19 toàn cầu dường như đang diễn biến theo cùng một hướng. Nhiều quốc gia đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp bất chấp việc các ca lây nhiễm hàng ngày tăng đột biến. Bộ Y tế tin rằng Thái Lan không nên áp đặt các biện pháp phong tỏa nữa vì người dân cần học cách đối phó với COVID-19 vì sẽ sớm chuyển sang giai đoạn COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu.
Ông Opas nhận định căn cứ vào tình hình ở Thái Lan, số ca mắc mới hàng ngày vẫn được coi là an toàn. Mặc dù tốc độ lây nhiễm của biến thể Omicron cao, nhưng ảnh hưởng của biến thể này ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta. Biện pháp cách ly tại nhà đối với những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ đã tỏ ra hiệu quả trong việc để dành giường bệnh cho những bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
DDC trước đó đã kêu gọi người dân không hoảng sợ sau khi số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày tại Thái Lan vượt ngưỡng 10.000 ca. Quốc gia Đông Nam Á này sáng 7/2 ghi nhận thêm 10.470 ca mắc mới cùng 12 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 2.507.471 ca, trong đó có 22.303 người không qua khỏi.
Thái Lan đặt mục tiêu tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu vào cuối năm nay
Bộ Y tế Thái Lan có kế hoạch tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu vào cuối năm nay dựa trên các tiêu chí riêng, ngay cả khi chưa có xác nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Băng Cốc, Thái Lan ngày 24/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Truyền thông sở tại cho biết Thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan Kiattiphum Wongrajit đã thông báo kế hoạch này sau cuộc họp của Ủy ban quốc gia về các bệnh truyền nhiễm ngày 27/1. Theo Tiến sĩ Kiattiphum, ủy ban trên đã lên kế hoạch tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu trước cuối năm nay dựa trên các tiêu chí có thể chấp nhận được về mặt học thuật bao gồm không quá 10.000 ca mắc mới mỗi ngày, tỷ lệ tử vong không vượt quá 0,1% và hơn 80% số người có nguy cơ mắc bệnh đã được tiêm hai liều vaccine.
Ông Kiattiphum cho hay quan điểm của Bộ Y tế Thái Lan là COVID-19 đã lây lan trong hơn 2 năm và các xu hướng cho thấy căn bệnh này đã được kiểm soát và hiện không quá nghiêm trọng. Về nguyên tắc, căn bệnh trên có thể lây lan, nhưng không nghiêm trọng. Tỷ lệ tử vong có thể chấp nhận được và dịch bệnh có thể bùng phát theo từng đợt, song điều quan trọng là người dân phải được miễn dịch hoàn toàn, phải được tiêm chủng đầy đủ và hệ thống y tế hoạt động hiệu quả. Sau khi các tiêu chí này được đáp ứng trong một thời gian, COVID-19 có thể được công bố là bệnh đặc hữu ở Thái Lan.
Theo ông Kiattiphum, giới chức y tế Thái Lan sẽ hành động để đẩy nhanh quá trình tiến tới tuyên bố nói trên thay vì chờ đợi căn bệnh này tự nhiên trở thành bệnh đặc hữu, vốn sẽ mất nhiều thời gian hơn. Dự kiến, sau khi COVID-19 được tuyên bố là bệnh đặc hữu, các bệnh viện của Thái Lan sẽ điều trị cho bệnh nhân theo nhu cầu cá nhân và có thể yêu cầu tất cả mọi người hoặc chỉ riêng bệnh nhân đeo khẩu trang. Theo quy định hiện tại, Ủy ban quốc gia về các bệnh truyền nhiễm yêu cầu tất cả mọi người phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng và người vi phạm có thể bị phạt tới 20.000 baht (600 USD).
Về tình hình đại dịch COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này sáng 27/1 ghi nhận thêm 8.078 ca mắc mới và 22 trường hợp tử vong trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca mắc lên 2.407.022 ca, trong đó có 22.098 người không qua khỏi.
COVID-19 tại ASEAN hết 9/1: Philippines lại có ca mắc cao chưa từng thấy; Campuchia chuẩn bị tiêm mũi 4 Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 9/1, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 58.171 ca mắc COVID-19 và 242 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 15.255.431 ca, trong đó 307.803 người tử vong. Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN Trong ngày 9/1,...