Thủ tướng Thái hứng đòn pháp lý chí tử
Những thách thức pháp lý mới nhất chống lại Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra có thể khiến bà bị bãi chức và toàn bộ nội các hiện thời cũng phải ra đi, báo The Nation đưa tin.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm 2/4 đã bỏ phiếu nhất trí xử lý đơn kiện chống lại Thủ tướng Yingluck về cáo buộc xung đột lợi ích khi cách chức người đứng đầu Hội đồng an ninh quốc gia Thawil Pliensri.
Ảnh: Reuters
Thông báo của tòa án cho biết: “Chúng tôi đồng ý xem xét đơn kiện Thủ tướng và yêu cầu bà tự biện hộ trong vòng 15 ngày, kể từ khi nhận được thông báo của tòa án”. Nếu bị cho là vi phạm Hiến pháp, bà Yingluck và toàn bộ nội các sẽ bị sa thải vì phê chuẩn quyết định thuyên chuyển ông Thawill.
Đơn kiện Thủ tướng và nội các do một nhóm các thượng nghị sĩ đứng tên. Đơn kiện được trình dựa trên một phán quyết của tòa án hành chính tối cao cho rằng, việc điều chuyển ông Thawill sang làm cố vấn của Thủ tướng là hành động bất hợp pháp.
Nhóm thượng nghị sĩ trên cáo buộc Thủ tướng cách chức ông Thawill để mở đường cho một trong những người họ hàng là Tướng Priewpan Damapong lên thay.
Các chuyên gia pháp lý nhận định, tòa án sẽ mau chóng có phán quyết về vụ việc. Tòa án cho bà Yingluck 15 ngày để bảo vệ mình, song chắc chắn Thủ tướng sẽ yêu cầu có thêm thời gian,
Các nhà quan sát chính trị cho biết, vụ việc trên có thể là một đòn pháp lý chí tử với bà Yingluck và chính phủ tạm quyền hiện nay, vì nếu bị buộc tội vi phạm hiến pháp, bà sẽ tự động mất vị trí hiện thời và toàn bộ nội các của bà cũng phải ra đi.
Giới quan sát tin rằng, tòa án sẽ ra phán quyết chống Thủ tướng Yingluck dựa trên phán quyết của tòa án hành chính tối cao là việc thuyên chuyển ông Thawiln không hợp pháp.
Video đang HOT
Bà Yingluck nhiều khả năng sẽ chịu chung số phận như cố Thủ tướng Samak Sundaravej, bị bãi chức năm 2008 sau khi Tòa án Hiến pháp phán quyết ông này vi phạm Hiến pháp khi nhận tiền để dạy nấu ăn trên truyền hình trong khi làm thủ tướng. Do phán quyết chống lại ông Samak, toàn bộ nội các của ông cũng được yêu cầu phải từ chức.
Dẫn điều 172 và 173, đơn kiến nghị của các thượng nghị sĩ cho biết, Hạ viện nên phê chuẩn một người phù hợp làm Thủ tướng trong vòng 30 ngày, kể từ khi thủ tướng hiện thời bị cách chức.
Nếu tòa án ra phán quyết bất lợi với bà Yingluck, nó sẽ dẫn tới một lỗ hổng chính trị vì hiện thời Thái Lan không có Hạ viện. Vì vậy, nếu bà Yingluck và toàn bộ nội các phải ra đi do phán quyết, Thái Lan sẽ không có chính phủ.
Một khoảng trống chính trị như vậy sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho những người biểu tình chống chính phủ, vốn đang muốn bà từ chức để mở đường cho một chính phủ mới không thông qua bầu cử.
Bộ trưởng Giáo dục tạm quyền Chaturon Chaisang nói, đợt tấn công pháp lý mới nhất chống bà Yingluck sẽ diễn ra sớm hơn bất cứ vụ việc nào mà cơ quan chống tham nhũng đưa ra.
Ủy ban chống tham nhũng quốc gia đang cân nhắc các cáo buộc xao lãng nhiệm vụ chống lại bà Yingluck liên quan tới chương trình trợ giá gạo. Nếu bị quy tội, bà Yingluck sẽ phải dừng đảm nhiệm các nghĩa vụ Thủ tướng trong khi Thượng viện sẽ quyết định có luận tội bà hay không.
“Khả năng chính phủ bị lật đổ trong tháng này là 50-50″, ông Chaisang cho biết.
Hoài Linh
Theo_VietNamNet
Nữ Thủ tướng xinh đẹp trước thử thách "sinh tử"
Nữ Thủ tướng xinh đẹp Yingluck Shinawatra hôm qua (19/11) đã lên tiếng kêu gọi sự bình tĩnh và kiềm chế trước khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết có thể buộc bà phải giải tán đảng cầm quyền và thổi bùng lên ngọn lửa mâu thuẫn cay đắng đã âm ỉ bao lâu nay trong xã hội Thái Lan.
Nữ Thủ tướng Yingluck vẫn tự tin, bình thản trước sóng gió mới nhất.
"Nữ tướng" Yingluck khẳng định kiên quyết rằng, bà sẽ không từ chức trước thềm phán quyết của tòa án. Đây là thách thức mới nhất đối với chính phủ Thái Lan. Thách thức này xuất phát từ "nước cờ" mạo hiểm mà Thủ tướng Yingluck đã thực hiện khi đưa ra một dự luật ân xá có thể mở đường cho sự trở về của anh trai bà - cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Dự luật đó đã đẩy chính phủ của bà Yingluck vào tình thế khó khăn, nguy hiểm trong suốt gần 3 tuần qua. Thủ tướng Thái Lan đã phải đối mặt với liên tiếp những cuộc biểu tình chống chính phủ trên các đường phố.
Tiếp đó, hồi cuối tuần vừa rồi, Đảng Dân chủ đối lập đã "tung" ra hai đòn nhằm tìm cách lật đổ chính phủ của bà Yingluck. Một là, phe đối lập đã đưa ra kiến nghị luận tội bà cùng với hai thành viên khác trong nội các. Cùng với đó, phe đối lập còn đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck.
"Tôi không muốn người dân trong nước xử sự cảm tính và đấu đá lẫn nhau", Nhà lãnh đạo Thái Lan đồng thời cũng là em gái của cựu Thủ tướng Thaksin cho biết. Bà Yingluck kêu gọi các nhóm chống và ủng hộ chính phủ hãy bình tĩnh, kiên nhẫn và kiềm chế đợi chờ cuộc điều tra cũng như phán quyết của Tòa án Hiến pháp.
Dự kiến, ngày hôm nay (20/11), tòa án sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về việc những nỗ lực của chính phủ Thái Lan trong việc tìm cách thay đổi Hiến pháp có hợp pháp hay không.
Bất kỳ phán quyết nào cho rằng hành động của đảng cầm quyền Thái Lan là không hợp hiến đều có thể dẫn đến kết cục buồn cho nữ Thủ tướng Yingluck. Cụ thể, phán quyết bất lợi này sẽ buộc đảng cầm quyền phải giải tán và những nghị sĩ hàng đầu trong đảng sẽ phải đối mặt với "án" cấm tham gia chính trường 5 năm.
Diễn biến trên có nguy cơ đẩy đất nước Thái Lan vào một vòng xoáy bất ổn và xung đột mới sau khi đã liên tiếp bị chao đảo bởi những cuộc biểu tình đường phố đẫm máu kể từ khi cựu Thủ tướng Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006.
"Không có lý do gì để tôi phải giải tán Hạ viện hoặc từ chức. Chúng ta vẫn có thể đảm bảo hòa bình và trật tự. Chúng ta sẽ đánh mất tính liên tục nếu chính phủ liên tiếp thay đổi", bà Yingluck phát biểu. Nếu phán quyết của tòa có bất lợi thì nữ Thủ tướng Thái Lan không trực tiếp gặp nguy hiểm bởi bà không phải đối mặt với lệnh cấm của Quốc hội. Lý do là bà Yingluck không phải là lãnh đạo đảng cầm quyền. Tuy vậy, việc đảng cầm quyền phải giải tán sẽ làm ảnh hưởng đến chiếc ghế Thủ tướng mà bà Yingluck đang ngồi
Chính phủ Thái Lan trước giờ "sinh tử"
Những phán quyền của tòa án đóng vai trò rất quan trọng trong nền chính trị ở đất nước bất ổn Thái Lan. Đã từng có hai Thủ tướng thân Thaksin buộc phải ra đi năm 2008 bởi những phán quyết như vậy. Và điều đó đã dọn đường cho Đảng Dân chủ đối lập được hậu thuẫn bởi quân đội và những thành phần trung lưu ở Bangkok lên cầm quyền trong một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội.
Những người biểu tình có liên quan đến phe đối lập Thái Lan vẫn đang có mặt trên các đường phố ở thủ đô Bangkok trong nhiều tuần qua để phản đối ông Thaksin và đảng cầm quyền. Tuy nhiên, con số người biểu tình đã giảm mạnh kể từ khi Thượng viện chính thức bãi bỏ dự luật ân xá hôm 11/11.
Cảnh sát Thái Lan cho biết, có khoảng 2.500 người biểu tình chống chính phủ tụ tập ở thủ đô Bangkok. Trong khi đó, một phóng viên của một hãng thông tấn nước ngoài nổi tiếng ước tính có tới 20.000 người áo đỏ trung thành với đảng của bà Yingluck đã tập hợp về một sân vậy động vào chiều ngày hôm qua (19/11) để sẵn sàng lắng nghe phán quyết của tòa án hiến pháp.
Những người áo đỏ thề sẽ phản đối bất kỳ quyết định nào khiến chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck bị sụp đổ.
"Chúng tôi muốn tòa án ra một phán quyết tích cực. Một phán quyết tiêu cực sẽ phá hủy đất nước chúng tôi", một người dân 50 tuổi có tên là Ounruan Posri đang có mặt tại sân vận động với hàng người áo đỏ cho biết. Hàng chục ngàn người này sẽ ngủ qua đêm tại sân vận động để chờ đến ngày hôm nay.
Giới chuyên gia và các nhà phân tích cho rằng, Tòa án Hiến pháp sẽ có một loạt lựa chọn, từ việc cho phép dự luật sửa đổi hiến pháp thành luật đến việc tuyên bố dự luật đó là vi phạm hiến pháp. Phán quyết sau có khả năng đe dọa sự tồn tại của chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck.
Tuy nhiên, nhà phân tích Thitinan Pongsudhirak đến từ trường Đại học Chulalongkorn ở thủ đô Bangkok nhận định rằng, Tòa án Hiến pháp có thể đưa ra một phán quyết "trung dung ở giữa". Theo đó, phán quyết này sẽ ngăn chặn không để dự luật sửa đổi của chính phủ thành luật nhưng cũng không khiến chính phủ của bà Yingluck phải sụp đổ.
Cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất ở đất nước Thái Lan được châm ngòi từ sự kiện nữ Thủ tướng Yingluck chơi một "canh bạc chính trị" đầy mạo hiểm khi tìm cách thông qua luật ân xá - một dự luật vốn cực kỳ nhạy cảm đối với phe đối lập. Phe đối lập tin rằng, dự luật được đưa ra là một nỗ lực của bà Yingluck nhằm "rửa sạch tội lỗi" cho anh trai bà - cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra và đưa ông này trở về nước sau nhiều năm phải đi sống lưu vong bên ngoài để trốn tránh án phạt tù 2 năm vì tội tham nhũng mà ông phải đối mặt năm 2008.
Nhiều người đang rất lo ngại cho số phận của bà Yingluck bởi dự luật ân xá cũng từng làm "gục ngã" một chính phủ thân Thaksin hồi cuối năm 2008. Giới phân tích cho rằng, bà Yingluck đã mắc sai lầm khi vội vã đưa ra dự luật ân xá vào thời điểm này bởi nó đã làm "sống dậy" sự chống đối của phe đối lập và gây ảnh hưởng đến uy tín mà bà đã tạo dựng được trong hơn hai năm qua với tư cách là một nhà lãnh đạo khéo léo, ôn hòa và tránh đối đầu.
Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Bạn gái cũ của Tổng thống Pháp tham gia nội các mới Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 2.4 đã phê chuẩn nội các mới, bao gồm bạn gái cũ của ông là bà Segolene Royal giữ vị trí Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng, hãng AP đưa tin. Ông Francois Hollande và bà Segolene Royal trên sân khấu mừng chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2012 - Ảnh: AFP Bà Royal, năm...