Thủ tướng: Sớm công bố phương án kỳ thi quốc gia chung
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng GD&ĐT sớm lựa chọn phương án tổ chức kỳ thi quốc gia chung để công bố.
Chiều 26/8/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Đổi mới giáo dục và đào tạo đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ủy ban để thảo luận về những nội dung lớn về đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân; chương trình, sách giáo khoa; phương án tổ chức kỳ thi THPT.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban và các thành viên của Ủy ban.
Tách riêng chương trình và SGK
Góp ý về đổi mới chương trình và SGK để trình Quốc hội xem xét, các thành viên Ủy ban đồng tình với chủ trương tách riêng hai khâu này. Từ đó, cho phép một chương trình có thể có nhiều bộ SGK, còn chương trình là căn cứ kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục.
Ngoài việc biên soạn chương trình chuẩn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xin ý kiến về phương án Bộ trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn; hoặc ngay từ đầu, Bộ GD&ĐT chỉ thực hiện kiểm định chất lượng các bộ SGK được biên soạn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Đổi mới giáo dục và đào tạo đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Ủy ban.
Tại phiên họp, nhiều thành viên bày tỏ sự quan tâm đối với chủ trương áp dụng triển khai bộ SGK mới đồng loạt ở các lớp học thay cho cách làm cuốn chiếu trước đây, mất nhiều thời gian hơn.
Về chương trình ở bậc giáo dục phổ thông, theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, tập trung đổi mới ở từng cấp học theo hướng tăng cường các môn và chủ đề tích hợp ở tiểu học và THCS; phân hóa mạnh với việc tăng các môn tự chọn, giảm số môn bắt buộc ở THPT.
Số chủ đề và các hoạt động giáo dục trải nghiệm tự chọn được tăng lên nhằm định hướng nghề nghiệp cho học sinh, tạo tiền đề để phân luồng sau THCS và THPT.
Video đang HOT
Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương biên soạn chương trình chuẩn, thống nhất, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu và đưa ra các phương án biên soạn SGK để báo cáo Quốc hội.
Bộ trưởng GD&ĐT chịu trách nhiệm về kỳ thi quốc gia chung
Tại phiên họp, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban về những phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.
Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cho biết, trường đã xây dựng đề án tuyển sinh ĐH, CĐ theo phương án 1 bài thi tổng hợp trong kỳ thi ĐH, CĐ sắp tới. “Ưu điểm của bài thi tổng hợp là đánh giá được toàn diện năng lực của học sinh, đồng thời, các em có thể thi nhiều lần, hoàn toàn trên máy tính. Chúng tôi cũng đang đề xuất để một nhóm các trường ĐH cùng sử dụng kết quả bài thi tổng hợp này”, ông Nhạ cho biết thêm.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc tổ chức một kỳ thi nhận được sự đồng thuận xã hội, nổi rõ nhất là 2 yêu cầu: xét tốt nghiệp và làm cơ sở căn cứ xét tuyển vào ĐH.
Đối với 3 phương án thi của Bộ GD&ĐT, Thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục lắng nghe các nhà khoa học, chuyên gia, ý kiến của người dân, các phương án của các đại biểu đưa ra tại phiên họp cũng như phương án do ĐHQG Hà Nội đề xuất, từ đó lựa chọn phương án tối ưu, căn bản tạo thuận lợi cho học sinh.
“Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm về vấn đề này và sớm lựa chọn phương án để công bố. Bộ chọn phương án nào thì phải nêu rõ lý lẽ, giải thích cho người dân, xã hội hiểu và ủng hộ” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Theo Khampha
Đề xuất cả nước dùng duy nhất bài thi tốt nghiệp - đại học
Theo phương án của ĐH Quốc gia Hà Nội, các thí sinh sẽ chỉ cần thi một bài duy nhất, tổng hợp tất cả các môn học, dưới hình thức trắc nghiệm
Với mong muốn xây dưng phương án thi tốt nghiệp, đại học công bằng, nghiêm túc, đặt lợi ích của người học lên hàng đầu, ĐH Quốc gia Hà Nội vừa đưa ra đề án mới. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội đã có cuộc trao đổi với báo chí về phương án này.
Sử dụng một bài thi duy nhất
Đề án này sẽ tách "thi/đánh giá" ra khỏi "xét tốt nghiệp hay tuyển sinh" giúp thí sinh tránh áp lực "đỗ/trượt", cũng tạo điều kiện các thí sinh tự phân loại, sàng lọc để đăng ký vào các trường đại học theo kết quả thi.
Các thí sinh sẽ làm bài thi bao gồm tất cả các kiến thức đã được học, để khuyến khích, tạo động lực cho việc học toàn diện, học thực chất, từng bước chuyển từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực.Thí sinh có thể xem đề mẫu, làm thử, luyện thi trên mạng tránh hoàn toàn việc luyện thi phức tạp tốn kém.Kỳ thi này sẽ diễn ra khách quan và đảm bảo độ tin cậy cao; công bằng. Thí sinh được chọn ngày thi, thời điểm, số lần thi; coi thi đơn giản, dễ triển khai trên diện rộng, cho số đông.
Phương án tổ chức kỳ thi quốc gia chung sẽ được Bộ GD-ĐT công bố trước khi bắt đầu năm học mới.
Cấu trúc bài thi: 180 câu hỏi
Bài thi tổng hợp được thiết kế theo hình thức trắc nghiệm, gồm 4 hợp phần: Toán; Ngữ văn; Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.Các hợp phần Toán và Ngữ văn mỗi hợp phần có 50 câu trắc nghiệm khách quan. Hai hợp phần tổng hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) mỗi hợp phần gồm 40 câu trắc nghiệm khách quan.Tổng số toàn đề thi có 180 câu. Thời gian làm bài là 215 phút, làm gọn trong một buổi thi.
Cơ cấu câu hỏi theo nội dung: các môn Toán và Ngữ văn và hai hợp phần khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sẽ bao phủ chương trình cơ bản của bậc THPT. Bài thi có 20% câu hỏi dễ (mức năng lực thấp), 60% câu hỏi trung bình (mức năng lực trung bình) và 20% câu hỏi khó (mức năng lực cao).
Mỗi câu trả lời đúng được 1 điểm, sai hoặc bỏ qua không bị trừ điểm. Tổng số điểm tối thiểu là 0, tối đa là 180.
Tổ chức thi nhiều lần trong năm
Kỳ thi có thể tổ chức nhiều lần trong năm. Riêng năm 2015, kỳ thi này được tổ chức trước khi thi tốt nghiệp THPT, thí sinh nào có kết quả bài thi tổng hợp đạt yêu cầu sẽ không phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp như thông lệ. Từ năm 2016 chỉ còn tồn tại một kỳ thi hợp nhất.Kỳ thi có thể tổ chức nhiều đợt trong tháng 5 để thí sinh không đạt yêu cầu hoặc mong muốn có kết quả cao hơn có thể thi lại.
Việc thi và chấm thi được thực hiện trên máy tính trong các phòng thi chuyên dụng. Đề thi cho từng cá nhân sẽ được xáo trộn ngẫu nhiên về câu hỏi, phương án để các thí sinh không thể nhìn bài nhau và cũng không thể sử dụng sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Việc thi và chấm thi trực tiếp trên máy tính sẽ hạn chế tối đa các hiện tượng tiêu cực so với việc giám khảo trực tiếp chấm bài thi, đảm bảo nhanh chóng, chính xác.Công tác coi thi được thực hiện bởi các cán bộ được tập huấn về nghiệp vụ có liên quan tới kỳ thi. Các phòng máy có cán bộ trực kỹ thuật hỗ trợ vận hành máy tính.
Thí sinh có thể thi tại các điểm thi/phòng thi đủ điều kiện tại các tỉnh thành. Vì vậy, sẽ không gây áp lực với các đô thị lớn, tạo tính an sinh xã hội cao.
Việc đăng ký thi sẽ thực hiện qua mạng Internet. Học sinh được làm quen với dạng thức thi qua mạng. Việc hướng dẫn ôn tập, ôn luyện, thi thử cũng sẽ thực hiện trực tuyến trên các trang web được chỉ định với các dạng thức bài thi, các bài thi mẫu, sẽ làm giảm thiểu tình trạng học thêm, dạy thêm. Đề thi đảm bảo tỷ lệ đỗ tốt nghiệp
ĐH Quốc gia Hà Nội có đủ nguồn cán bộ giảng viên thuộc tất các các chuyên môn theo yêu cầu ra đề theo cấu trúc và dạng thức của bài thi tổng hợp.
Trên 70 giảng viên của ĐH Quốc gia Hà Nội đã được chuyên gia khảo thí của Hoa Kỳ tập huấn về kỹ năng ra đề thi. Nhiều chuyên gia hàng đầu trong việc ra đề thi trung học và tuyển sinh đại học cũng đã được huy động tham gia vào xây dựng đề thi.Hiện nay ĐH Quốc gia Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn câu hỏi đánh giá năng lực với gần 4.000 mục hỏi thuộc các hợp phần khác nhau. Trong số này một bộ phận đã được thử nghiệm.Nhà trường cần tiếp tục thử nghiệm và phát triển thêm câu hỏi mới trong các năm tiếp theo để đảm bảo thường trực khoảng 10.000 câu hỏi trong ngân hàng. Tuy nhiên, trước mắt cho 2015 cần có 4.500 câu hỏi đã chuẩn hóa. ĐH Quốc gia Hà Nội cũng đã thành lập trung tâm khảo thí để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ này.
Bài thi tổng hợp này được thiết kế bao quát chương trình phổ thông hiện nay, chủ yếu lớp 12. Trong điều kiện chương trình đào tạo, sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy ở bậc phổ thông chưa có thay đổi thí sinh vẫn có thể làm bài tốt.
Bên cạnh đó, với điểm chuẩn hợp lý, cùng với các chính sách ưu tiên cho học sinh thuộc đối tương ưu tiên, tỷ lệ tốt nghiệp sẽ không có xáo trộn lớn.Trong khi đó, với những câu hỏi có tính phân loại các trường đại học vẫn có căn cứ để chọn được những ứng viên vào học đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, phương án tính khả thi cao.
Sử dụng kết quả thi
Phiếu điểm được thiết kế và sử dụng cho các mục đích làm căn cứ xác nhận trình độ tốt nghiệp THPT (cùng với điểm học tập các môn trong 3 năm) và cung cấp kết quả cho xét tuyển đại học, cao đẳng.Phiếu điểm của bài thi sẽ cung cấp kết quả riêng rẽ của 4 hợp phần: Toán; Ngữ văn; Khoa học tự nhiên; Khoa học xã hội. Điểm sẽ quy đổi về điểm trên thang 0-10, với 2 số thập phân. Kết quả thi sẽ dùng lại nhiều lần trong khoảng thời gian 2 năm tính từ ngày thi.Căn cứ vào điểm bài thi tổng hợp và điểm các môn học, thí sinh được chọn xét tốt nghiệp theo các yêu cầu được quy định trước.Các trường đại học khi sử dụng kết quả các hợp phần điểm của bài thi quốc gia, có thể lấy điểm của một, nhiều hoặc cả 4 hợp phần để đặt điểm sàn sàng lọc; có thể nhân hệ số cho điểm các hợp phần tùy theo ngành tuyển chọn.Các trường cũng có thể tổ chức thêm một bài thi đơn môn với dạng thứ trắc nghiêm hoặc tự luận, câu hỏi mở, hoặc thi năng khiếu để có thêm thông tin đánh giá về thí sinh tuyển chọn vào các chương trình có những đòi hỏi đặc thù.
Theo Zing
Tổ chức một kỳ thi quốc gia ngay từ 2015 Ngày 15/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo Bộ GD- ĐT về phương án tổ chức thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học năm 2015. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo, ngay từ 2015 sẽ chỉ còn một kỳ thi để phục vụ cả mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở giúp các...