Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cải tổ nội các
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 18/5 đã tuyên bố cải tổ nội các sâu rộng sau cuộc bầu cử hôm 7/5.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. (Nguồn: THX/TTXVN)
Theo quyết định cải tổ, Bộ trưởng Pháp luật K. Shanmugam sẽ trở thành tân ngoại trưởng của Singapore, thay ông George Yeo.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Wong Kan Seng, Bộ trưởng Phát triển quốc gia Mah Bow Tan và Bộ trưởng Giao thông Raymond Lim sẽ rút khỏi nội các.
Chính phủ mới của Thủ tướng Lý Hiển Long cũng sẽ không có sự tham gia của Bộ trưởng Cố vấn của Singapore Lý Quang Diệu, 87 tuổi – cha của ông Lý Hiển Long, và Bộ trưởng Cao cấp Goh Chok Tong – 70 tuổi, do hai ông này hôm 14/5 đã thông báo sẽ rút khỏi nội các để nghỉ hưu.
Giới phân tích đánh giá đây là một trong những cuộc cải tổ nội các ấn tượng nhất ở Singapore với 11 trong số 14 bộ có “ông chủ” mới.
Cuộc cải tổ trên được tiến hành sau khi Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền ở Singapore vẫn giữ đa số ghế trong quốc hội.
Nội các mới của Singapore sẽ tuyên thệ nhậm chức trước Tổng thống S. R. Nathan vào ngày 21/5 tới./
Theo TTXVN
Lý Quang Diệu lui vào bóng tối chấp chính?
Nhà lãnh đạo kỳ cựu, người được coi là "cha đẻ" của Singapore rút lui khỏi Chính phủ trường. Tuy nhiên, ông vẫn duy trì được ảnh hưởng lớn của mình ở đảo quốc Sư tử.
Nền kinh tế Singapore hiện trị giá khoảng 180 tỷ USD. Khoảng 2.3 triệu người Singapore đi bỏ phiếu vào 7/5 trong cuộc bầu cử trong 5 năm để chọn ra 82 trên tổng số 87 ghế Quốc hội.
Video đang HOT
Trước khi các phòng bỏ phiếu mở cửa, dù đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt, song đảng Nhân dân hành động (PAP) cầm quyền được dự đoán tiếp tục áp đảo trong Quốc hội Singapore như trước đây như khi họ giành được 82/84 ghế trong cuộc tổng tuyển cử năm 2006. Thậm chí giới phân tích không loại trừ khả năng lần đầu tiên từ năm 1980, PAP giành thắng lợi tuyệt đối cả 87 ghế trong cuộc bầu cử.
Cơ sở để dự đoán như vậy thì có nhiều nhưng chủ yếu xuất phát từ những thành tựu kinh tế dưới 45 năm cầm quyền của PAP, Singapore được ví như một "Thụy Sĩ tại châu Á". Thu nhập bình quân đầu người đứng hàng thứ 2 tại châu Á (48.745 USD vào năm 2010), chỉ sau Nhật Bản.
Sau khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009, Singapore trỗi dậy nhanh chóng với mức tăng trưởng kinh tế năm 2010 là 14,5%. Có thể nói, đối với PAP, kết quả trên là một niềm kiêu hãnh và là cơ sở để họ tiếp tục chiếm đa số tại Quốc hội.
Singapore phát triển thần kỳ. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, khi kết quả kiểm phiếu chính thức được công bố, nhiều người bất ngờ: PAP không thắng thuyết phục như mong đợi nếu không muốn nói đây là bước thụt lùi của họ.
PAP duy trì được đa số áp đảo 81 trên 87 ghế dân biểu với 60% phiếu. Phe đối lập mà cột trụ là đảng Công nhân chiếm được 6 ghế, tăng gấp ba so với hai ghế trong Quốc hội mãn nhiệm. Tuy nhiên tính về số phiếu thì phe đối lập tạo được tỷ lệ lịch sử khi giành 40% phiếu và đánh bại một số nhân vật sáng giá trong đảng cầm quyền.
Phe đối lập thắng lớn. Ảnh minh họa.
Nguyên nhân trực tiếp là cuộc bầu cử diễn ra giữa lúc kinh tế phát triển nhưng giá thực phẩm và nhà ở tăng nhanh, cũng như tình trạng nhập cư gia tăng.
Tỷ lệ lạm phát lên tới mức 5% trong tháng 3và dù ngân hàng trung ương cho biết mức lạm phát sẽ giảm xuống 3% đến 4% trong năm nay, giá nhà và xe ô tô vẫn tăng vọt, đưa chúng ra khỏi tầm với của giới thanh niên nước này.
Một ví dụ là Mohamed Ali, năm nay 33 tuổi. Đã kết hôn và có một con nhỏ bốn tháng tuổi, anh vẫn phải sống với cha mẹ vì không đủ tiền để mua bất kỳ căn hộ được Chính phủ trợ cấp nào.
Cha anh, Mohamed Hassan, là người ủng hộ trung thành cho đảng Cải cách đối lập. Ông đổ lỗi cho những người nhập cư gây ra tình trạng chi phí tăng cao về nhà ở trong khi tiền lương lại thấp.
Ông nhận xét: "Cứ cho là tôi kiếm được 2.000 USD nhưng người nhập cư có thể làm việc với mức lương 1500. Tuy nhiên, họ có thể làm việc tới 12 tiếng, còn tôi thì không. Tôi là người Singapore có gia đình, chúng tôi xây dựng Singapore nhưng họ vào đây, rất dễ dàng trở thành công dân. Thế còn chúng tôi thì sao?"
Hơn một phần tư trong số 5,1 triệu dân Singapore là người nước ngoài, tức là tăng 19% từ năm 2000.
Do đó, các đảng đối lập được nhiều cử tri ủng hộ vì họ đang bất mãn trước tình trạng vật giá leo thang, thiếu tin tưởng vào chính quyền và trước chính sách di trú.
Điều này càng được củng cố khi không phải mọi người dân Singapore đều được hưởng thành quả phát triển kinh tế. Cụ thể thì thu nhập bình quân tăng 40% trong thập kỷ qua nhưng thu nhập bình quân của 20% những người nghèo nhất Singapore lại giảm 2,7%. Còn nhìn chung, Singapore đứng thứ 2 trong số các nước phát triển có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất.
Một nguyên nhân khác khiến PAP "thất bại" là cuộc bầu cử có rất nhiều thanh niên (khoảng 600.000 người trong độ tuổi từ 21 đến 34) lần đầu bỏ phiếu.
Nhà văn Catherine Lim giải thích, cử tri trẻ là thế hệ Y, một nhóm hoàn toàn khác với cha mẹ và ông bà của họ, những người vẫn còn vô cùng biết ơn PAP cho họ các căn hộ hợp vệ sinh và được Chính phủ trợ cấp. Họ cởi mở hơn đối với thay đổi chính trị, do đó khó có thể nói về tỷ lệ trung thành trong cuộc bầu cử lần này.
Giáo sư trợ giảng về luật tại ĐH Quản trị Singapore là Eugene Tan thì nhận xét: "Sự áp đảo về chính trị của đảng PAP bị coi không chỉ là một điều dị thường mà là một tình trạng như quái đản với nhiều người trẻ. Điều đó, cùng với sự bất mãn của tầng lớp nhân dân bên dưới và việc PAP có vẻ thiếu quan tâm, làm cho nhiều người Singapore thấy phe đối lập trở nên đáng mến hơn".
Đã vậy, phe đối lập còn tăng cường vận động trên internet như các trang mạng Facebook, YouTube và Twitter. Việc chuyển từ phương tiện truyền thông nhà nước bị kiểm soát chặt chẽ sang hình thức trực tuyến tự do cũng là một lợi thế của phe đối lập.
Thanh niên là lực lượng quan trọng ở Singapore. Ảnh minh họa.
Thủ Tướng Lý Hiển Long phải thừa nhận rằng, tuy đảng cầm quyền chiến thắng nhưng bị tổn thất nặng nề và cuộc bầu cử là "bước ngoặc trong sinh hoạt chính trị".
Và có lẽ, bước ngoặt lớn hơn nữa là việc ông Lý Quang Diệu rút lui khỏi Chính phủ. Nhà nghiên cứu Bridget Welsh nhận định: "Hành động của ông Lý Quang Diệu cho thấy bước đi hướng tới cải tổ đầu tiên của PAP".
Nói cách khác, việc ông Lý Quang Diệu rút khỏi chính trường cho thấy Chính phủ Singapore đang lắng nghe người dân và thích nghi với tình hình mới, chế độ dân chủ vận hành tốt.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, Chính phủ Singapore sẽ tiếp tục giữ vững những quan điểm của ông Lý Quang Diệu bởi chúng mang lại cho Singapore vị trí ngày nay. Những sự thay đổi sẽ diễn ra nhưng không đáng kể bởi phe đối lập chỉ nắm 6/87 ghế.
Thậm chí, Le Figaro còn nhận định, ông Lý Quang Diệu vẫn là người chủ duy nhất của Singapore, một đất nước mà ở đó ông là biểu tượng của sự thành công kinh tế.
Ông Lý, 87 tuổi, là Thủ Tướng Singapore từ năm 1959-1990.
Dưới sự cầm quyền của đảng PAP, Singapore phát triển từ một nước thuộc địa lạc hậu, không có tài nguyên thiên nhiên để trở thành nền kinh tế trị giá hàng trăm tỷ USD.
Do đó, PAP luôn tự hào là có những người ủng hộ suốt đời, đặc biệt là những người có tuổi, vốn chứng kiến đất nước đi lên từ mức đang phát triển để trở thành nước phát triển toàn diện trong vòng một thế hệ.
Tổng sản phẩm quốc nội, GDP, tăng 14,5% trong năm 2010, đưa Singapore trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á. Singapore cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Và trong cuộc bầu cử vừa qua, số lượng ghế trong Quốc hội mà phe đối lập ra tranh cử đạt mức kỷ lục. Trong số 87 ghế Quốc hội, có tới 82 ghế bị 5 đảng đối lập ra cạnh tranh. Đảng Đoàn kết quốc gia có 24 ứng cử viên, trong khi Đảng Lao động, vốn chiếm một ghế trong kỳ Quốc hội trước, ra ganh đua cho 23 ghế. Đảng Cải cách, Dân chủ Singapore và Nhân dân Singapore cũng ra tranh cử.
Đây được xem là cuộc bầu cử có tính cạnh tranh cao nhất với việc PAP đối mặt với số lượng đối thủ nhiều nhất từ trước đến nay. Phe đối lập đưa người ra cạnh tranh 82 ghế trong tổng số 87 ghế, trái ngược với những lần trước khi chỉ cạnh tranh một phần số ghế và rất ít người thắng cử.
Theo Báo Đất Việt