Thủ tướng Phan Văn Khải với những lời “nghịch nhĩ” của cấp dưới
Thời kỳ cố Thủ tướng Phan Văn Khải điều hành Chính phủ là giai đoạn đất nước hội nhập với rất nhiều điều mới, lạ. Nhưng với tâm thế khiêm tốn, biết lắng nghe những ý kiến phản biện, thận trọng trong điều hành nên thời gian này các chính sách, điều hành của Chính phủ ít sai sót, sát hợp với thực tiễn.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa – Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM có 8 năm làm việc trong Ban Nghiên cứu, tư vấn của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, hiểu rõ tác phong làm việc của cố Thủ tướng. Trong những ngày đau buồn tiễn biệt cố Thủ tướng, ông chia sẻ với PV Dân trí những hồi tưởng, cảm nhận của ông về quá trình điều hành đất nước của người thủ trưởng cũ.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cảm nhận về cố Thủ tướng Phan Văn Khải (Nguyễn Quang – Phạm Nguyễn)
Xin ông chia sẻ đôi điều cảm nhận của mình về cố Thủ tướng Phan Văn Khải?
Thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải lãnh đạo Chính phủ, tôi cũng có cơ may là thành viên Ban Nghiên cứu, tư vấn của Thủ tướng trong 8 năm. Trong suốt 8 năm đó, Thủ tướng sử dụng Ban Nghiên cứu một cách thực chất, thường xuyên lấy ý kiến cho các hoạt dộng của Chính phủ. Thủ tướng lắng nghe, thu thập, vận dụng vào hoạt động điều hành Chính phủ của ông, đưa vào chủ trương chính sách.
Thời kỳ đó, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng được nâng lên ngang với một bộ, có con dấu riêng, hoạt động như một tổ chức của Chính phủ nên phát huy được hiệu quả.
Trước khi ban hành một chủ trương chính sách, kể cả dự thảo nghị định, Thủ tướng đều đưa cho Ban Nghiên cứu, giao trách nhiệm nghiên cứu, thảo luận và đưa ra ý kiến tư vấn, chuyển sang Chính phủ để Chính phủ tập hợp, xem xét. Do đó, thời kỳ này hầu như không có chuyện ban hành chủ trương rồi bị phản ứng, phải thu hồi.
Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải là thời kỳ đầu tiên kiên quyết cắt bỏ thủ tục hành chính một cách dứt khoát. Kêu gọi các bộ hoài mà không thấy thủ tục hành chính giảm được bao nhiêu, Thủ tướng đã chỉ đạo Ban Nghiên cứu tập hợp lại rồi Thủ tướng tự mình quyết định, không chờ các bộ nữa. Cuối cùng ông ra quyết định cắt giảm rất nhiều thủ tục không cần thiết. Vì vậy, về mặt hành pháp, Thủ tướng Phan Văn Khải để lại một tấm gương sáng trong việc xây dựng bộ máy hành chính hành động vì dân, giảm thiểu phiền hà đến người dân, doanh nghiệp.
Với đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người khiêm tốn, biết lắng nghe lời can gián thực lòng, kể cả những lời khó nghe
Trong quá trình góp ý, phản biện hẳn là có những lời không dễ nghe. Tâm thế của Thủ tướng thế nào khi tiếp nhận những lời “can gián” như vậy, thưa ông?
Điều đặc biệt ở Thủ tướng Phan Văn Khải là ông rất khiêm tốn. Thủ tướng là người được đào tạo rất bài bản, học tập ở nước ngoài về, ông có trí nhớ tốt, có khả năng thuyết trình rất tốt nhưng rất điềm tĩnh, cẩn trọng. Nhờ khiêm tốn, điềm tĩnh nên ông luôn luôn tìm cách lắng nghe trước khi đưa ra quyết định.
Chúng tôi trong Ban Nghiên cứu nói rất thẳng thắn mà đối với lãnh đạo cao cấp thì nhiều khi, cách thức thể hiện như vậy rất khó nghe. Những khuyết điểm trong bộ máy nhà nước chúng tôi đều bày tỏ. Chúng tôi khuyến nghị những chính sách có khi trái với thông lệ bởi thời kỳ hội nhập quốc tế có rất nhiều thay đổi, chính sách cần điều chỉnh. Dù vậy, Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn nghe và nghe rất kỹ.
Có những cuộc họp kéo dài đến 2 ngày, ông nghe suốt 2 ngày và sau đó ông có buổi cuối cùng tổng kết, tiếp thu. Những ý kiến tổng kết, tiếp thu của ông cho thấy ông đã lắng nghe một cách thực chất và tiếp thu để điều chỉnh chính sách điều hành đất nước.
Cũng có những điều thấy đúng nhưng chưa thể làm ngay, chưa thể áp dụng ngay thì ông cũng nói rõ là ông đánh giá ý kiến đó đúng đắn nhưng cần có thêm thời gian để áp dụng. Nhờ sự cầu thị như vậy nên đội ngũ Ban Nghiên cứu, tư vấn của chúng tôi tập trung được những người tâm huyết, nói thẳng, nói thật.
Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt có thể nói là tiếp thu từ mô hình Tổ tư vấn từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ban Nghiên cứu có con dấu và trụ sở làm việc trong Văn phòng Chính phủ, có nhiều chuyên gia từng là Bộ trưởng, ý kiến tư vấn rất có trọng lượng, các bộ ngành đều cùng lắng nghe, suy nghĩ, tiếp thu.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa: “Điều đặc biệt ở Thủ tướng Phan Văn Khải là ông rất khiêm tốn”
Ấn tượng của ông đối với hoạt động điều hành Chính phủ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải?
Sau năm 1986, đất nước bước vào con đường đổi mới nhưng lúc đó kinh tế thị trường đối với chúng ta còn rất mới mẻ. Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người khởi đầu và Thủ tướng Phan Văn Khải là người xây dựng nhiều cơ chế, đường lối chính sách mang tính chất đặt nền móng cho nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Thủ tướng Phan Văn Khải cũng lãnh đạo đất nước trong thời kỳ Việt Nam hội nhập nhanh chóng, sâu rộng, từ việc tham gia ASEAN, gia nhập WTO, vận động Hoa Kỳ bỏ cấm vận, bình thường hoá quan hệ, đi tới ký kết hiệp định song phương…
Trong bối cảnh đất nước mới hội nhập, có rất nhiều điều mới mẻ, lạ lẫm nhưng nhờ sự trân trọng, lắng nghe đội ngũ tư vấn với nhiều chuyên gia giỏi, Thủ tướng Phan Văn Khải có sự thận trọng trong điều hành, các chính sách ban hành ít sai sót theo kiểu không sát với thực tiễn, rất gần dân, tạo được tác động tốt cho xã hội, cho người dân.
Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Bài: Tùng Nguyên
Ảnh: Nguyễn Quang
Video đang HOT
Theo Dantri
Lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải
Đúng 8h sáng nay, 20/3, lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải bắt đầu diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM và tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội. Lễ viễng diễn ra đến hết ngày mai, 21/3.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia quyến Thủ tướng Phan Văn Khải di chuyển về 2 bên phòng tang lễ. Đoàn gia đình và họ hàng hai bên nội, ngoại của nguyên Thủ tướng vào viếng ông đầu tiên. Toàn gia trong trang phục tang trắng truyền thống đồng loạt quỳ lạy trước linh cữu cha ông.
Tiếp đó là đoàn Ban chấp hành Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Đứng hai bên linh cữu nguyên Thủ tướng lúc này có Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Vòng hoa viếng nguyên Thủ tướng mang dòng chữ "Ban chấp hành TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam kính viếng". Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính cẩn thắp nhang dâng lên linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Toàn bộ đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước cúi đầu mặc niệm.
Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước lần cuối chạm vào linh cữu, vái chào tiễn biệt nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và nắm chặt tay chia buồn với thân nhân, gia đình ông.
8h25', đoàn Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam do Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm trưởng đoàn vào viếng nguyên Thủ tướng. Đội nghi lễ trang trọng dâng vòng hoa của Chủ tịch nước lên trước linh cữu. Đứng hàng đầu trong đoàn viếng, ngoài Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dâng nén hương tiễn biệt.
Tiếp đó là đoàn Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Đứng cạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và đông đủ các thành viên Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chạm tay vào linh cữu tiễn biệt nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Đoàn Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vào viếng nguyên Thủ tướng lúc 8h31'. Cùng bước tới trước linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải còn có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và nhiều ủy viên UB Thường vụ Quốc hội khác.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đoàn Quốc hội dâng hương.
8h38', lần lượt các đoàn đại biểu nối nhau vào Hội trường Thống nhất viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Cũng thời điểm này, tại Hà Nội, trước bàn thờ nguyên Thủ tướng tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong), đoàn Chính phủ do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu cũng vào thắp hương viếng.
Đoàn người xếp hàng vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế số 11 Lê Hồng Phong (Hà Nội) (Ảnh: Nguyễn Dương)
Rất đông các lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên Văn phòng Chính phủ dành thời gian tới thắp hương, vĩnh biệt người thủ trưởng cũ của mình.
8h51', tại Hà Nội, đoàn Quốc hội, đoàn Ban Nội chính Trung ương, đoàn Ban Tổ chức Trung ương... lần lượt vào thắp hương viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Các cơ quan đoàn thể và người dân chờ vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất (Ảnh: Công Quang)
Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi lời tiễn biệt trong sổ tang. (Ảnh: Công Quang)
Những dòng tiễn biệt "Anh Sáu" của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh: Công Quang)
Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an - ghi sổ tang. (Ảnh: Công Quang)
Lễ viễng tại cả 2 thành phố TPHCM, Hà Nội sẽ còn tiếp tục cho đến hết ngày mai, 21/3.
Đoàn người xếp hàng chuẩn bị vào viếng nguyên Thủ tướng tại Hội trường Thống Nhất (Ảnh: Đình Thảo)
Quang cảnh trước Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội)
Đường Lê Hồng Phong sáng nay hạn chế phương tiện lưu thông. (Ảnh: Nguyễn Dương)
Bên ngoài sân Hội trường Thống Nhất, một đoàn các cháu học sinh đang xếp hàng chờ vào viếng.
(Ảnh: Nguyễn Quang)
8h, tại Hội trường Thống Nhất TPHCM, lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong nghi thức Quốc tang bắt đầu. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước dẫn đầu đoàn đại biểu vào viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban tổ chức lễ tang khái quát, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sinh năm 1933, quê tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM, nguyên ủy viên TƯ đảng các khóa V,VI, VII, VIII, IX, ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, VIII, IX, Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII.
Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, ông Phan Văn Khải đã có nhiều đóng góp quý báu với Đảng, Nhà nước. Ông đã được Nhà nước tặng hưởng Huy chương Sao vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Ông mất đi là một mất mát lớn với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Ban Tang lễ Thủ tướng Phan Văn Khải do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban lễ tang và 32 lãnh đạo khác của Đảng, Nhà nước.
Đứng hàng đầu trong Hội trường Thống nhất, trước linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Ban Bí thư - Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng...
Lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất - TPHCM. (Ảnh: Đình Thảo)
Lễ viếng tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội (Ảnh: VOV)
Hình ảnh tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh sáng sớm nay. (Ảnh: VOV)
Cả nước treo cờ rủ trong ngày Quốc tang. (Ảnh: Nguyễn Quang)
Đêm qua, bà Phạm Thị Hồng Việt (70 tuổi, quê Hà Nội) đã bay từ Hà Nội vào Sài Gòn để chờ viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải.
Sau khi vào Sài Gòn, bà ra Hội trường Thống Nhất chờ từ lúc 2h sáng.
Kỷ niệm của bà Việt với Thủ tướng Khải là cùng có tâm huyết mở trường đại học ở Củ Chi.
Người phụ nữ chờ viếng cố Thủ tướng Phan Văn Khải từ 2h sáng nay. (Ảnh: Đình Thảo)
Giao thông ùn ứ nhẹ trước Dinh Độc Lập sáng sớm nay (Ảnh: Nguyễn Quang)
Nhóm phóng viên
Theo Dantri
Điều ít ai biết, Cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người "mở đường" cho cải cách tiền lương Cố Thủ tướng Phan Văn Khải là một trong số những người đầu tiên đưa những cải cách chính sách tiền lương của các chuyên gia Liên Xô về Việt Nam, đồng thời vận dụng phù hợp vào thực tiễn đất nước để chuyển giá lương sang cơ chế thị trường. Lịch sử kinh tế Việt Nam ghi nhớ công lao của Cố...