Thủ tướng phân định chuyện các Bộ trưởng “nói ngược”
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chưa hài lòng khi Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà “nói ngược” quan điểm trong phương án trình dự luật Quy hoạch của Chính phủ. Mâu thuẫn về việc xây dựng dự luật này cũng đã nhiều lần được đặt ra. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng chỉ đạo “chỉnh” lại các vấn đề…
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo về việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật Quy hoạch.
Trước hết, Thủ tướng đồng ý với các nội dung đã chỉnh lý để đưa ra xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội trong lần thảo luận gần đây nhất (ngày 17/3/2017, trong khuôn khổ phiên họp thứ 8 của cơ quan thường trực Quốc hội) về khái niệm tích hợp quy hoạch, danh mục các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch sử dụng biển quốc gia. Riêng nội dung điều khoản về quy hoạch bảo vệ, phát triển và sử dụng hải sản quốc gia, Thủ tướng yêu cầu chỉnh thành quy hoạch quản lý và khai thác nguồn lợi thuỷ sản cấp quốc gia.
Về quy hoạch sử dụng đất, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đảm bảo các nội dung chỉnh lý dự thảo luật thực hiện theo hướng kế thừa, tích hợp đầy đủ nội dung, quy định về quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện như quy định của luật Đất đai, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả trong quản lý đất đai…
Vấn đề thẩm quyền lập quy hoạch sử dụng đất (vấn đề đang gây phản ứng khi phần nhiệm vụ đang thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chuyển sang cho Bộ KH-ĐT), Thủ tướng chỉ đạo bổ sung quy định Bộ TN-MT là thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất an ninh cấp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng cấp quốc gia. Thủ tướng cũng xác định Bộ TN-MT phải là cơ quan tham gia Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.
Về quy hoạch xây dựng, Thủ tướng chỉ đạo giải trình các nội dung chỉnh lý dự thảo luật mà Bộ KH-ĐT chủ trì soạn thảo theo hướng kế thừa, tích hợp đồng bộ nội dung quy hoạch xây dựng vùng vào Quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện vào quy hoạch tỉnh.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch xây dựng vùng cũng được ấn định phải thực hiện theo quy định của luật Xây dựng và pháp luật về xây dựng khác có liên quan. Quy định về việc quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn được yêu cầu bổ sung điều khoản quy định “thực hiện theo pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị”.
Trong văn bản chỉ đạo, Thủ tướng cũng lưu ý Bộ KH-ĐT về công tác chuẩn bị các điều kiện để thi hành luật Quy hoạch sau khi Quốc hội thông qua. Theo đó, Bộ này phải chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành liên quan, chủ động xây dựng dự thảo Nghị quyết triển khai thi hành luật. Các Bộ, ngành được lưu ý chủ động rà soát, đề nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan.
Trước đó, một khó khăn lớn được chỉ ra, luật Quy hoạch lần này, nếu được Quốc hội thông qua, hàng loạt đạo luật hiện hành khác sẽ phải sửa theo, kể cả những luật vừa tiến hành sửa đổi thời gian gần đây.
Dự luật “long đong” này đã nhiều lần phải nâng lên đặt xuống, đưa vào rồi lại rút ra khỏi chương trình xây dựng luật pháp lệnh của Quốc hội từ khoá trước. Đến Quốc hội khoá này, dù đã được trình xin ý kiến lần đầu nhưng từ việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, “sóng gió” vẫn tiếp tục tại những phiên thảo luận căng như dây đàn ở cả Chính phủ và UB Thường vụ Quốc hội.
Sau phiên họp thứ 7 của Thường vụ hồi tháng trước, khi các Thứ trưởngc của hàng loạt Bộ, ngành đứng dậy “nói ngược” với những nội dung như trên, UB Thường vụ Quốc hội đã phải chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra luật – UB Kinh tế tổ chức làm việc riêng với 8 Bộ. Đó là các Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin-Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương.
Khi đó, dù Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tỏ ra đặc biệt bức xúc vì chuyện đại diện các Bộ “nói ngược” với quan điểm của Chính phủ nhưng các lãnh đạo Quốc hội cũng nhìn nhận, đó là hành động có trách nhiệm của Bộ ngành, bởi “chưa an tâm mới phải làm vậy”.
Vì sao hết Thứ trưởng tới Bộ trưởng phải “nói ngược”?
Video đang HOT
Hai Bộ trưởng Xây dựng (trái) và KH-ĐT nêu quan điểm trước UB Thường vụ Quốc hội.
Và tại buổi họp chiều 17/3 vừa qua, một lần nữa, phiên thảo luận về dự án luật Quy hoạch lại gây sóng tại UB Thường vụ Quốc hội.
Thông tin đầu tiên nêu ra tại phiên họp, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, buổi sáng cùng ngày, Chính phủ đã thống nhất lần cuối về các vấn đề cần chỉnh sửa dư luật, hầu hết các bộ, ngành đã thống nhất, như việc đổi quy định “quy hoạch không gian biển” thành “quy hoạch sử dụng biển” quốc gia để phù hợp với luật Biển, luật Tài nguyên môi trưởng biển và hải đảo hiện hành.
Bộ trưởng Dũng giải thích, dù “quy hoạch không gian biển” mới là hướng thuận theo thông lệ quốc tế nhưng vì sợ ảnh hưởng đến 2 luật kia nên Chính phủ đã nhất trí hướng chỉnh dự luật theo 2 luật hiện hành.
Tranh luận nổ ra khi Bộ trưởng KH-ĐT giải thích về quy định “quy hoạch xây dựng”. Hiện tại, luật Xây dựng có quy định về 4 loại quy hoạch xây dựng, nay luật này chỉ giữ lại 2 loại, quy hoạch xây dựng vùng liên tỉnh và liên huyện.
Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà băn khoăn: “Luật này không còn khái niệm về quy hoạch xây dựng nhưng trong các điều khoản quy định về quy hoạch vùng lại nói về quy hoạch xây dựng vùng, lập quy hoạch xây dựng vùng. Khái niệm không có nhưng nội hàm lại đề cập nên các quy định có mâu thuẫn, chưa rõ ràng”.
Bộ trưởng Hà giải thích thêm, luật Xây dựng hiện hành nêu rõ 4 loạt quy hoạch xây dựng, trong đó có quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn, quy hoạch xây dựng vùng là có hàm ý vì đô thị chính là cực tăng trưởng của vùng, là điểm thu hút, lan toả phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng với vùng xung quanh.
“Nếu không xử lý việc phân định này sẽ gây tình trạng cát cứ trong quản lý. Ví dụ, thực tế Việt Nam có quy hoạch chung xây dựng thủ đô, còn đô thị lớn loại 1 thì sẽ là quy hoạch xây dựng vùng. Thế giới cũng có các loại quy hoạch như vậy. Ý tưởng soạn thảo là tích hợp các loại quy hoạch chung nhưng thực tiễn lâu nay, khi xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội là đã có sự tích hợp đó rồi. Chưa làm rõ hướng tích hợp như thế nào sẽ rất khó thực hiện mà để giải quyết vấn đề này, phải mất chí ít 7-8 năm nữa” – Bộ trưởng Xây dựng nêu ý kiến.
“Tờ trình Chính phủ có rồi sao ông cứ nói ngược” – Bộ trưởng KH-ĐT đáp lại, đầy bức xúc.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc hiển băn khoăn, lần nào thảo luận về luật này cũng có ý kiến chứng tỏ chưa thể yên tâm. Quy định chuyển tiếp thực hiện luật này có 3 nhóm vấn đề chưa phù hợp, chưa kể phải sửa một số luật mà tính ra có thể phải 7 năm mới xong được chứ không thể chỉ ngày một, ngày hai.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cũng lo ngại vì luật Quy hoạch này dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2019 nhưng thực tế có liên quan đến 32 luật khác, có kịp sửa chữa, thông qua khối lượng lớn như vậy Xác định có đến 18 trong số 32 luật sẽ phải sửa này liên quan đến phần của UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường, Chủ nhiệm UB này cũng nhận định, rất khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ này.
Bộ trưởng KH-ĐT nói lại: “Nghe sửa 32 luật thì thấy nhiều nhưng thực tế, nhiều luật sửa chỉ cần bỏ đi 2 chữ “quy hoạch”, rất đơn giản”.
Dự luật được lãnh đạo Quốc hội yêu cầu tiếp tục tiếp thu để giải trình, những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần đưa ra xin ý kiến tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ diễn ra vào tháng tới.
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ trưởng than trời việc làm luật kiểu... "đẽo cày giữa đường"
"Hôm nay, tôi đến UB Thường vụ Quốc hội trình luật với tâm thế khác, rất hào hứng chứ tôi không nghĩ lại nghe các bộ, ngành nói ngược hoàn toàn. Nói ngược như thế là trái nguyên tắc làm việc của Chính phủ, làm luật như thế không khác gì... đẽo cày giữa đường" - Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng bức xúc...
Sáng 10/1, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình dự thảo Luật Quy hoạch trước UB Thường vụ Quốc hội - một dự luật khá "long đong" từ khoá trước khi đã phải xin lùi, làm lại... Đến kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khoá XIV vừa qua, luật đã được đưa ra xin ý kiến lần đầu.
Báo cáo giải trình tiếp thu dự án luật của UB Thường vụ Quốc hội nêu thông tin, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, sau kỳ họp, cơ quan soạn thảo luật đã bổ sung thêm một số nội dung như quy định về quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, rà soát, bổ sung trinh tư thâm đinh quy hoach; bổ sung thu tuc thâm tra quy hoach trong phê duyệt quy hoach...
UB Kinh tế báo cáo thêm về 6 loại vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan đến dự luật.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội.
Một loạt Thứ trưởng của các Bộ tham gia phiên họp của UB Thường vụ xin phát biểu ý kiến, như Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương...
"Luật này ra đời ngay lập tức ảnh hưởng đến 13.000 quy hoạch xây dựng đã có, thậm chí là những quy hoạch đã định hướng tầm nhìn đến năm 2050. Như vậy, những đồ án đã được duyệt, đang làm tốt, không có vấn đề gì mà lại phải tạo lập lại, sẽ tốn bao nhiêu kinh phí?" - ông Toàn đặt câu hỏi.Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Đình Toàn đề nghị làm rõ điều khoản nói về danh mục 32 luật khác có liên quan sẽ bị xoá bỏ, điều chỉnh, ảnh hưởng... khi luật này có hiệu lực.
Thứ trưởng Bộ TN-MT thì chia sẻ băn khoăn vì nội dung bổ sung về "quy hoạch không gian biển quốc gia" khác hoàn toàn với Luật Biển đang thi hành.
"Chúng tôi cũng chưa hình dung ra quy hoạch không gian biển là thế nào, tên gọi như thế sẽ rất khó khăn cho việc xác định các vùng biển vì như luật Biển hiện nay, với vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế chẳng hạn, chúng ta chỉ có quyền chủ quyền, còn lại thì hoạt động hàng hải, hàng không thì hoàn toàn tự do. Vậy thì phải quy hoạch thế nào?" - nữ Thứ trưởng Bộ TN-MT đề nghị giữ nguyên quy định như Luật Biển hiện hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, dự luật này đã được đưa ra thảo luận nhiều lần, nhiều bộ ngành không đồng tình như Bộ Xây dựng, TN-MT, GTVT nhưng trên văn bản chính thức thì chỉ duy nhất Bộ trưởng Xây dựng thể hiện rõ chính kiến là không đồng tình.
Ông Hiển đề nghị đại diện cơ quan soạn thảo nói thêm về danh mục 32 luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến các quy hoạch đã xây dựng. Số lượng luật bị ảnh hưởng như thế, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định là "rất đồ sộ trong khi việc liệt kê, chủ trương còn ngổn ngang, nhìn vào chưa thấy yên tâm".
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng (đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật) trình bày, luật đã được bàn nhiều lần, đã lấy ý kiến, bỏ phiếu trong Chính phủ, thống nhất rồi mới trình ra Quốc hội.
"Vậy thì đến lúc này, những ý kiến không chính thức chỉ có ý nghĩa tham khảo chứ không phải ra đến Thường vụ các bộ, ngành lại nói ngược như này. Làm như vậy là trái nguyên tắc làm việc của Chính phủ vì nếu còn bất đồng, các bộ, ngành phải trình lên Chính phủ đề nghị thảo luận lại và Chính phủ sẽ trình lại luật. Đưa ra Quốc hội còn thế này thì làm luật không khác gì việc đẽo cày giữa đường" - Bộ trưởng KH-ĐT gay gắt.
Ông Dũng khẳng định, là người trực tiếp làm luật này, ông hiểu là dư luận xã hội cũng như các đại biểu Quốc hội đã đồng tình cao với luật. Bộ trưởng bày tỏ sự thất vọng: "Hôm nay, tôi đến UB Thường vụ Quốc hội trình luật với tâm thế khác, rất hào hứng chứ tôi không nghĩ lại nghe các bộ, ngành nói ngược hoàn toàn, kiểu như những điều cách đây mấy tháng tôi đã nghe".
Bộ trưởng KH-ĐT nhận định, trước một sự thay đổi, chắc chắn có sự đụng chạm đến chức năng nhiệm vụ của một số cơ quan nào đó, một số nhóm người nào đó. Những cơ quan, con người đó chưa hiểu hết vấn đề nên chưa đồng tình. Những thay đổi, sau nữa, cũng sẽ ảnh hưởng đôi chút đến công việc của đơn vị, cá nhân nên những người đó chưa muốn thay đổi. Vậy nên khi một luật mới được làm, các bộ, ngành thường chỉ chăm chăm xem có ảnh hưởng gì tới phần mình không chứ ít tiếp cận theo hướng, việc thay đổi sẽ được gì cho xã hội, cho người dân.
Nói thêm về việc xây dựng quy hoạch ở các cấp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn cho rằng, các ngành đều muốn giữ lại các quy hoạch của mình trong khi chủ trương chung đã xác định là không giữ các quy hoạch sản phẩm để giảm việc xin - cho. Đây sẽ là một cuộc cách mạng.
Trao đổi lại ý kiến của ông Dũng, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vẫn băn khoăn, số đông ý kiến tán thành không chắc đã là đúng, đôi khi ý kiến thiểu số có thể lại là chân lý nên vấn cần phải lắng nghe đầy đủ các ý kiến trái chiều, ngược chiều.
Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bà Ngô Thị Minh cũng nhận định, nghe các ý kiến đưa ra thì có cảm nhận không biết việc làm luật có đảm bảo dân chủ từ dưới lên trên không trong khi việc này ảnh hưởng lớn đến sức bền của luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng lưu ý: "Thực ra vì có những vấn đề mà trong lòng người ta thấy chưa yên tâm thì mới nói và chúng ta vẫn cần lắng nghe".
P.Thảo
Theo Dantri
Bộ trưởng Bộ KHĐT: "Tôi không nghĩ hôm nay các bộ lại nói ngược" "Tại kỳ họp đó tôi trực tiếp báo cáo, giải trình và hiểu được tất cả các đại biểu Quốc hội đều đồng tình rất cao về dự án luật này, dư luận cũng đồng tình, đánh giá cao. Tôi không nghĩ hôm nay đại diện các bộ lại nói ngược như vậy" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT)...