Thủ tướng: Phải tránh tiếng xấu, đồn đại quanh định giá doanh nghiệp Nhà nước
Nhấn mạnh với Bộ Tài chính cần đặc biệt chú ý vấn đề tư vấn định giá trong quá trình SCIC thoái vốn khỏi các doanh nghiệp lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải tránh tiếng xấu, tránh đồn đại quanh việc định giá bởi đây là đồng tiền, bát gạo của nhân dân.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính phải chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) khẩn trương bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn, trong đó có Tổng công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), theo hướng công khai, minh bạch, chống thất thoát vốn Nhà nước, chống lợi ích nhóm, bảo đảm bán được giá cao nhất, bảo đảm lợi ích cao nhất của nhà nước.
Vấn đề này tiếp tục được nêu ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra ngày 3/10. Tại phiên họp này, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ về việc bán vốn của SCIC tại các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom.
Thủ tướng yêu cầu, trong khâu định giá, trước hết phải đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn tốt nhất, bảo đảm việc lựa chọn công tâm, khách quan.
Từ năm 2014 đến năm 2015, SCIC đã triển khai bán vốn thành công tại 12 doanh nghiệp niêm yết theo phương thức bán thỏa thuận ngoài hệ thống Sở Giao dịch Chứng khoán, sàn Upcom với giá bán nằm ngoài biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng.
Kết quả, giá trị vốn đầu tư SCIC hạch toán trên sổ sách kế toán là 211,5 tỷ đồng, giá trị bán vốn thu về là 757,9 tỷ đồng, chêch lệch bán vốn là hơn 565,2 tỷ đồng, chênh lệch giữa giá trị thu về so với giá trị tính theo mức giá trần của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng là 371,2 tỷ đồng.
Theo nhìn nhận của Bộ Tài chính, quy định cho phép SCIC thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp đã niêm yết với giá bán ngoài biên độ (vượt trần) thông qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán là phù hợp với quy định của pháp luật về chứng khoán.
Bên cạnh đó, quy định xác định giá bán cổ phần tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá vốn cổ phần hạch toán của SCIC tại Quy chế bán vốn của SCIC không vi phạm nguyên tắc bảo toàn vốn của doanh nghiệp Nhà nước (kết quả kinh doanh không phát sinh lỗ hoặc có lãi); giúp SCIC đẩy nhanh quá trình bán vốn tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ.
Video đang HOT
Bộ Tài chính cũng đề nghị Chính phủ cho phép SCIC được tiếp tục áp dụng cơ chế bán vốn của SCIC tại các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom theo quy định tại Nghị định số 151/2013 cùng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 151 (hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi này) và Quy chế bán vốn của SCIC.
Cơ bản thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính, tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh cần đặc biệt chú ý việc tư vấn định giá. Đây là khâu rất quan trọng, trước hết phải đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn tốt nhất, bảo đảm việc lựa chọn công tâm, khách quan.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng quán triệt tinh thần này và đề nghị các cơ quan chức năng chú ý theo dõi, giám sát, nhất là với những doanh nghiệp có giá trị lớn, lợi nhuận lớn như Vinamilk.
Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng, các doanh nghiệp từ khi cổ phần hóa phải niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán, bảo đảm việc bán vốn nhà nước phải thu về giá trị cao nhất.
“Kinh nghiệm các nước về vấn đề này rất nhiều, chúng ta phải tránh tiếng xấu, tránh những tiếng đồn tiếng đại quanh việc định giá. Đây là đồng tiền, bát gạo của nhân dân”, Thủ tướng nhiều lần nhắc lại yêu cầu này.
Thời gian qua, cơ chế bán vốn của SCIC tại các doanh nghiệp được thực hiện theo Nghị định 151 năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của SCIC và Quy chế bán vốn của SCIC.
Quy chế bán vốn của SCIC đã quy định cụ thể các nội dung bán cổ phần của SCIC tại các doanh nghiệp đã niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom.
Theo đó, trường hợp bán cổ phần theo phương thức thỏa thuận ngoài hệ thống giao dịch Sở Giao dịch Chứng khoán, sàn Upcom (thực hiện chuyển nhượng qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán) nếu giá bán thỏa thuận ngoài biên độ (vượt trần), SCIC có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề nghị chấp thuận chuyển nhượng và thực hiện thủ tục chuyển nhượng qua Trung tâm Lưu ký chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Việc xác định giá bán cổ phần tối thiểu tại các doanh nghiệp đã niêm yết phải bằng hoặc cao hơn giá vốn cổ phần hạch toán trên sổ sách kế toán của SCIC (sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư vốn theo quy định) nhưng không thấp hơn giá sàn giao dịch trên thị trường tại ngày bán hoặc ngày ký hợp đồng bán cổ phần (không khống chế mức giá bán tối đa cổ phần).
Bích Diệp
Theo Danviet
Cổ phần hóa Doanh nghiệp Nhà nước: Chính phủ chống thất thoát
Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi cổ phần hóa phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa ký văn bản số 1532/TTg-ĐMDN về việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn.
Mảnh đất ở 23 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) là minh chứng cho việc định giá đất theo quy định của Nhà nước khác xa với giá thị trường
Để nâng cao tính chặt chẽ trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp do các tập đoàn kinh tế nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có quy mô lớn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp do các tập đoàn kinh tế nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) có mức vốn chủ sở hữu trên 5.000 tỷ đồng thực hiện cổ phần hóa nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề về tài chính trước khi định giá doanh nghiệp theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần và Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP.
Các trường hợp cần thiết khác không phân biệt quy mô vốn chủ sở hữu, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trước ngày 15/9/2016 nghiên cứu, đề xuất các trường hợp thí điểm thuê các công ty kiểm toán, tư vấn định giá quốc tế đã hoạt động ở Việt Nam, thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp, giá khởi điểm và sử dụng kết quả này thực hiện chào bán cổ phần ra quốc tế.
Việc kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong việc minh bạch hóa, góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Từng trao đổi với Đất Việt, nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra rằng, việc cổ phần hóa DNNN có thể gây thất thoát tài sản của Nhà nước nếu không thực hiện minh bạch, đặc biệt là thất thoát tài sản về đất.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, lâu nay, việc cổ phần hóa doanh nghiệp có một cái sai ở ngay tiền đề, đó là việc định giá đất theo quy định của Nhà nước khác xa với giá thị trường, chênh lệch nhau gấp nhiều lần.
Ông chỉ ra 3 giai đoạn tiêu cực: thứ nhất, định giá không đúng với giá thị trường. Thứ hai, định giá mà chưa biết các chỉ tiêu quy hoạch thế nào. Thứ ba, khi chỉ tiêu quy hoạch có rồi thì doanh nghiệp sở hữu miếng đất đó có thể điều chỉnh tăng lên lần nữa. Đây chính là cội nguồn gây thất thoát tài sản lớn cho Nhà nước và vì thế mới xảy ra nhiều trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất nhưng khi cổ phần hóa, cổ phiếu của công ty vẫn được trả rất cao, đó là vì người ta nhìn vào miếng đất vàng mà doanh nghiệp kia đang quản lý.
Bởi thế, ông đề nghị, để tránh thất thoát tài sản Nhà nước, tránh giá trị cổ phiếu ảo, Nhà nước chỉ nên cho doanh nghiệp quản lý phần ở bên trên mặt đất, như nhà xưởng, mà thôi. Sau này, khi Nhà nước cần thu hồi thì sẽ đấu giá.
Doanh nghiệp sẽ không có quyền gì để được Nhà nước ưu tiên giao miếng đất đó cho họ rồi họ lại tiếp tục chạy các chỉ tiêu quy hoạch cao lên để thu lợi nhiều. Đó là cội nguồn của tham nhũng về tài nguyên đất.
Minh Thái
Theo_Báo Đất Việt
Bán 9% vốn tại Vinamilk, SCIC muốn bán "càng cao càng tốt" Thừa nhận hiện tại chưa có nhà đầu tư nào tiếp xúc "ngỏ ý" mua Vinamilk nhưng lãnh đạo SCIC vẫn khẳng định không lo bị ế" và kỳ vọng bán được mức giá cao khi thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam này. (Ảnh minh hoạ), Trao đổi với báo chí chiều ngày 23/9 về lộ trình...