Thủ tướng nói nhiệm vụ ở “điểm nóng” TPHCM và kịch bản tăng trưởng kinh tế
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tới nay vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế – xã hội.
Sáng nay (1/7), dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6, thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Phòng chống dịch, ổn định kinh tế vĩ mô
Phiên họp tập trung thảo luận về 4 nội dung: Bối cảnh, tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, những kết quả đạt được, những hạn chế, các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và dự báo tình hình, mục tiêu, phương hướng, quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm; các nhiệm vụ, giải pháp để tháo gỡ khó khăn liên quan tới công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19; một số nội dung liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thời gian qua.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, tới thời điểm này vẫn chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra nhưng phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế – xã hội. Có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch. Có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Có nơi, có lúc lại phải cân bằng cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này.
Thủ tướng lấy ví dụ Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian vừa qua đã ưu tiên cho nhiệm vụ ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, hiện ưu tiên cho nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Một số địa phương như Hà Nội cần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa hai nhiệm vụ, mục tiêu. TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đang phải tập trung cho nhiệm vụ phòng chống dịch.
“Ngay trong một địa phương như TPHCM, có những quận, huyện tập trung phòng chống dịch nhưng những quận, huyện khác tình hình dịch bệnh không căng thẳng, phải tập trung phát triển kinh tế” – Thủ tướng yêu cầu.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 1/7 (Ảnh: Đoàn Bắc).
Thủ tướng cũng nhắc tới ví dụ về kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Ông đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm để nghiên cứu, thảo luận, phân tích kỹ, làm rõ thêm về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong thời gian tới, tập trung vào: Phòng chống dịch bệnh; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn; hoạt động xuất nhập khẩu; phát triển công nghiệp và xây dựng; phát triển nông nghiệp;
Video đang HOT
Phát triển các ngành dịch vụ (như đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử); thu hút các nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, huy động nguồn vốn xã hội; bảo đảm lao động, việc làm, an sinh xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới, cải cách, hoàn thiện thể chế; bảo đảm quốc phòng – an ninh và đẩy mạnh đối ngoại, thúc đẩy hội nhập sâu rộng; theo dõi, đôn đốc kiểm tra, khen thưởng, xử lý kỷ luật; tuyên truyền và vận động nhân dân.
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm, kinh tế thế giới chứng kiến sự phục hồi không đồng đều. Các quốc gia phát triển phục hồi khá mạnh mẽ, các quốc gia đang phát triển phục hồi chậm.
Trong nước, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức, chủ yếu đến từ các đợt bùng phát với biến chủng mới của Covid-19, tăng giá bất động sản, hàng hóa, nguyên vật liệu, chi phí vận tải, rủi ro thương mại quốc tế…
Mặc dù vậy, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tổ chức thành công các sự kiện chính trị lớn của đất nước như Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ những kết quả chủ yếu về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế khả quan dù chịu tác động từ dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020.
Các cân đối lớn được đảm bảo. Tiến độ thu ngân sách tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 57,7% dự toán, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. An ninh lương thực được đảm bảo, dù một số quốc gia đang thiếu lương thực và giá cả tăng cao do dịch Covid-19. Giữ vững an ninh năng lượng, vận hành ổn định thị trường điện…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng 2 kịch bản thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm đã được Quốc hội và Chính phủ giao, cụ thể:
Kịch bản 1: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm), quý IV tăng 6,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm).
Kịch bản 2: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,5% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm).
Thủ tướng: Sự chủ quan khiến Việt Nam có đa nguồn lây, đa ổ dịch, đa chuỗi lây
Thủ tướng cho rằng bên cạnh nguyên nhân khách quan là chủng virus mới thì còn nguyên nhân chủ quan khiến Việt Nam có đa nguồn lây, đa ổ dịch, đa chuỗi lây nhiễm.
Ngày 26/6, phát biểu kết luận cuộc họp với TP.HCM và 7 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và phát triển kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, TP.HCM và 7 tỉnh chiếm 20% dân số, 45% GDP, 40% thu ngân sách của cả nước, là trung tâm giao dịch quốc tế lớn nhất. Đến nay, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại thành phố, tác động tới các tỉnh xung quanh.
Theo Thủ tướng, ngoài nguyên nhân khách quan là chủng virus mới mạnh hơn, lây lan nhanh hơn và khó kiểm soát hơn, thì còn nguyên nhân chủ quan khiến Việt Nam có đa nguồn lây, đa ổ dịch, đa chuỗi lây nhiễm. Đó là tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch và khi dịch đã đi qua; có những sơ hở trong quản lý cách ly và sau cách ly, nhập cảnh và cư trú trái phép, dẫn tới mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam.
Thủ tướng lưu ý TP.HCM phải phân tích kỹ hơn, xác định rõ nguồn lây nhiễm trong khu cách ly, trong cộng đồng để đưa ra giải pháp phù hợp. (Ảnh: VGP)
Trong bối cảnh tiếp tục phải phòng chống dịch bệnh, việc phát triển kinh tế gặp nhiều trở ngại, đời sống người lao động, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, buôn bán hàng rong, vỉa hè đang gặp rất nhiều khó khăn.
Một số doanh nghiệp bị đình đốn trong sản xuất kinh doanh và cung ứng vật tư, hàng hóa. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, các chuỗi chung ứng dễ bị tác động, thậm chí đứt gãy nếu không có giải pháp hiệu quả. Trật tự, an toàn xã hội cũng bị ảnh hưởng nếu không có biện pháp phù hợp.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, trong bối cảnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã bám sát tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt.
Nhờ đó, chúng ta vẫn đang thực hiện được mục tiêu kép dù chưa ngăn chặn triệt để được dịch bệnh. Với hơn 10 triệu dân, hoạt động giao thương hết sức sôi động, TP.HCM không tránh khỏi lây lan dịch bệnh và khó kiểm soát hơn so với các tỉnh khác.
"Cái khó của TP.HCM như vậy, nên việc kiểm soát được tình hình như hiện nay là nỗ lực rất lớn ", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng các nhiệm vụ, giải pháp được triển khai về cơ bản là phù hợp. Tuy nhiên, vẫn còn có nơi, có lúc, có bộ phận lơ là, chủ quan, mất cảnh giác hoặc lo sợ, mất bình tĩnh, hoảng hốt, đưa giải pháp chưa thực sự phù hợp tình hình, nên hiệu quả chống dịch và sản xuản kinh doanh đều thấp, tác động tiêu cực tới việc thực hiện mục tiêu kép và đời sống nhân dân. Điều đáng mừng là các địa phương, đơn vị đã có kịp thời nhận ra bất cập, điều chỉnh phù hợp.
Thủ tướng nêu rõ, bài học kinh nghiệm thứ nhất được rút ra từ đợt dịch hiện nay là phải nắm chắc tình hình thực tế để lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra nhiệm vụ giải pháp khả thi, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Không máy móc, không hành chính đơn thuần trong phong tỏa, giãn cách xã hội và tổ chức sản xuất kinh doanh.
Bài học thứ hai là các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy tính tự lực, tự cường, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền, đối tượng, địa bàn quản lý, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối, chính sách, quy định chung để thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, nhuần nhuyễn giữa các lực lượng tuyến đầu dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng.
Thủ tướng họp với TP.HCM và 7 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 và phát triển kinh tế. (Ảnh: VGP)
Thứ ba là bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn. Công tác tuyên truyền, vận động có vai trò rất quan trọng để người dân tích cực tham gia phòng chống dịch và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
Bài học thứ tư là không để tình trạng "chặt ngoài, lỏng trong"- phong tỏa chặt bên ngoài nhưng để lây nhiễm trong khu vực cách ly, phong tỏa. Nhiều địa phương của TPHCM như Quận 2, Quận 9, Cần Giờ đã làm tốt.
Thủ tướng lưu ý về bài học quý về khoanh vùng ổ dịch theo "3 lớp": Kiểm soát nghiêm ngặt lớp lõi bên trong có ca F0 với khả năng lây nhiễm lớn; giãn cách, quản lý chặt chẽ ở lớp thứ 2; thực hiện phòng ngừa mức độ cao ở lớp ngoài cùng.
Một bài học khác là kiểm soát chặt chẽ các cơ sở y tế, nhà thuốc, nơi cách ly và sau cách ly; kiểm soát, xử lý nghiêm nhập cảnh và cư trú trái phép theo đúng quy định.
Dự báo thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, có yếu tố khó lường, chưa kiểm soát hết; sản xuất kinh doanh có thể gặp khó khăn hơn do tác động từ các biện pháp phòng chống dịch. Thủ tướng yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, TP.HCM và 7 tỉnh phải tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, dập tắt đợt dịch này càng nhanh, càng sớm, càng hiệu quả càng tốt.
Các địa phương căn cứ tình hình thực tế để đặt mục tiêu cho phù hợp. Nhanh chóng ổn định tình hình, khắc phục hậu quả và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội; từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các điều kiện sinh hoạt tối thiểu.
TP Thủ Đức sẽ có Phòng Khoa học - Công nghệ Thủ tướng đã có ý kiến chấp thuận đề xuất của TP.HCM về việc lập Phòng Khoa học - Công nghệ tại TP Thủ Đức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chấp thuận với đề xuất của Bộ Nội vụ và TP.HCM về thành lập Phòng Khoa học và Công nghệ thuộc UBND TP Thủ Đức. Thông báo này được...