Thủ tướng Nhật yêu cầu mạnh tay với Triều Tiên
Ông Shinzo Abe hôm qua kêu gọi hành động “kiên quyết” với Triều Tiên trong cuộc thảo luận gay gắt của các nước lớn về thái độ với chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Một tên lửa của Triều Tiên trong một cuộc diễu hành tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AP
Ông Abe có cuộc điện đàm với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hôm 8/1. Vấn đề Triều Tiên cùng với công việc tái thiết của Nhật Bản sau trận động đất, sóng thần năm 2011 là nội dung của lần nói chuyện đầu tiên giữa tổng thư ký Liên Hợp Quốc và nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản, AFP dẫn lời người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Martin Nesirky cho hay.
Ông Ban Ki-moon bày tỏ lo ngại về việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, còn thủ tướng Nhật “nhất trí về sự cần thiết của hành động cứng rắn của Hội đồng Bảo an với vấn đề sở hữu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng”. Ông Abe cũng cho biết sẵn sàng hợp tác để cải thiện tình hình nhân quyền ở đây, người phát ngôn Nesirky nói thêm.
Trước đó, Nhật Bản cùng với Mỹ và Hàn Quốc từng mạnh mẽ kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có hành động trừng phạt Bình Nhưỡng sau vụ phóng tên lửa mà các nước cho rằng thực chất là cuộc thử tên lửa đạn đạo hôm 12/12/2012.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc từng ban hành hai lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân của nước này năm 2006 và 2009. Hội đồng cũng liên tục nhắc lại những lời cảnh báo sẽ có những hành động mới nếu chính quyền của ông Kim Jong-un vi phạm những nghị quyết trước đó và các nước phương tây tuyên bố những lời cảnh báo đó nay sắp trở thành hiện thực.
Trong khi đó, Trung Quốc, nước thân cận nhất với Triều Tiên, phản đối các nỗ lực do Mỹ dẫn đầu về lệnh trừng phạt mới với Bình Nhưỡng. Trung Quốc và Mỹ đang có đàm phán “cấp cao” về thái độ đối với Triều Tiên. Mỹ và các đồng minh mong muốn một nghị quyết chính thức của Hội đồng Bảo an trừng phạt vụ phóng tên lửa, trong khi Trung Quốc đồng ý với tuyên bố mới của Hội đồng Bảo an trong đó lặp lại những trừng phạt hiện có, một quan chức ngoại giao giấu tên cho biết.
Tuyên bố là cấp độ thấp hơn so với nghị quyết chính thức và các nhà ngoại giao phương Tây coi đó là sự yếu thế của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc thì nói rằng “Triều Tiên vừa có nhà lãnh đạo mới và hãy cho họ thời gian”.
Mỹ vẫn chưa quyết định có đề xuất một nghị quyết chính thức hay không bởi Trung Quốc, một trong năm nước của Hội đồng, dường như sẽ bỏ phiếu chống. “Họ vẫn đang thảo luận và hy vọng sẽ có được tiến triển trong vấn đề này”, nhà ngoại giao của Liên Hợp Quốc cho hay.
Theo VNE