Thủ tướng Nhật: Thực lực quân sự các nước ven Biển Đông quá yếu
Sức mạnh quân sự của mỗi quốc gia Đông Nam Á ven Biển Đông đều rất yếu. Vai trò của các lực lượng mỹ và liên minh Mỹ – Nhật là chìa khóa…
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Amaze.
Liên minh Mỹ – Nhật là “chìa khóa” cho Biển Đông
The Yomiuri Shimbun ngày 14/7 bình luận, Nhật Bản và Hoa Kỳ đang chia sẻ một cảm giác khủng hoảng trước những bước leo thang liều lĩnh của Trung Quốc. Thủ tướng Shinzo Abe đã nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington ngày 28/4 vừa qua rằng:
“Sức mạnh quân sự của mỗi quốc gia Đông Nam Á ven Biển Đông đều rất yếu. Vai trò của các lực lượng mỹ và liên minh Mỹ – Nhật là chìa khóa cho (việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh hàng không hàng hải và luật pháp quốc tế ở) Biển Đông”.
Trên biển Hoa Đông, Trung Quốc đã không ngừng gây sức ép với Nhật Bản về vấn đề tranh chấp chủ quyền nhóm đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát. Trung Quốc cũng đang triển khai kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự ở Hoa Đông gần Senkaku.
“Cuối cùng, Trung Quốc là một đất nước chỉ tin vào sức mạnh. Sức mạnh để răn đe”, một trợ lý thân cận của ông Shinzo Abe phụ trách các vấn đề chính sách của Nhật Bản đối với Trung Quốc nói với The Yomiuri Shimbun.
Ông Shinzo Abe đã chọn Việt Nam, Thái Lan, Indonesia là điểm dừng chân trong chuyến công du đầu tiên sau khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 của mình năm 2012.
Thủ tướng Nhật Bản đã thăm tất cả 10 nước thành viên ASEAN chỉ trong một năm. Chính phủ Nhật Bản cũng đang tăng cường hợp tác an ninh với các nước Đông Nam Á có mâu thuẫn với Trung Quốc trên Biển Đông.
Video đang HOT
Vẻ mặt ông Tập Cận Bình đã thoải mái hơn khi gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung năm nay ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: Asahi.
Ông Tập Cận Bình bỗng dưng thay đổi thái độ với Nhật Bản
Trong cuộc gặp lần thứ 2 bên lề lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị thượng đỉnh Á – Phi còn gọi là Hội nghị Bandung hôm 22/4 vừa qua ở Indonesia, ông Tập Cận Bình đã nói với Thủ tướng Nhật Bản: “Người ta trở thành bạn bè kể từ lần gặp gỡ thứ hai.”Nụ cười của ông Bình với ông Shinzo Abe trái ngược rõ ràng với khuôn mặt hờn dỗi khi ông tiếp Thủ tướng Nhật Bản tại Hội nghị APEC tháng 11 năm ngoái ở Bắc Kinh.
Lần này ông Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Nhật: “Chúng ta chỉ có thể thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau nếu chúng ta đối diện trực tiếp với lịch sử. Không ai ở Trung Quốc có cái nhìn thù địch với Nhật Bản ngày nay. Lễ kỷ niệm chiến thắng Nhật Bản trong tháng 9 tới không phải nhằm vào đất nước Nhật Bản ngày nay. Vì vậy tôi muốn mời ngài”, The Yomiuri Shimbun cho biết.
Ngày 3/9 năm nay Trung Quốc tổ chức duyệt binh quy mô lớn ở Thiên An Môn để kỷ niệm 70 năm ngày “kháng chiến chống Nhật thắng lợi”. Bắc Kinh đã mời lãnh đạo nhiều nước tham dự và hy vọng các nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ có mặt để nhấn mạnh vị trí “đất nước chiến thắng” của Trung Quốc.
Thủ tướng Shinzo Abe đã không cam kết có nhận lời mời của ông Tập Cận Bình hay không. The Yomiuri Shimbun dẫn lời ông cho biết: “Rất khó khăn để tham dự, trừ khi có những yếu tố của sự hòa giải giữa Nhật Bản và Trung Quốc”, vẻ mặt của ông Tập Cận Bình vẫn nhẹ nhàng khi nghe điều này.
Cuộc gặp thượng đỉnh Trung – Nhật bên lề Hội nghị Bandung nhìn bề ngoài tưởng như được tổ chức bởi mong muốn của Nhật Bản, tuy nhiên Trung Quốc đã thực sự thúc đẩy mạnh mẽ cho hội nghị này, The Yomiuri Shimbun lưu ý.
Hôm 7/7 vừa qua chính phủ Trung Quốc đã tổ chức một buổi lễ kỷ niệm lần thứ 78 sự kiện cầu Lư Câu mở đầu cho Chiến tranh Trung – Nhật tại bảo tàng Kháng chiến chống xâm lược Nhật Bản ở ngoại ô Bắc Kinh. Ông Tập Cận Bình từng chỉ trích Nhật Bản trong buổi lễ kỷ niệm năm ngoái, năm nay đã không xuất hiện.
Ông Tập Cận Bình tiếp ông Shinzo Abe sang dự hội nghị APEC năm ngoái tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.
Điều gì khiến Trung Nam Hải đổi thái độ với Nhật?
“Nền tảng quyền lực của Tập Cận Bình đã ổn định và ông ấy đã ít nhu cầu hơn trước về việc nhấn mạnh khẩu hiệu chống Nhật Bản trong bối cảnh xung đột chính trị nội bộ Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc chia sẻ mong muốn cải thiện quan hệ với Nhật Bản”, một quan chức chính phủ Nhật nói với The Yomiuri Shimbun.
Có vẻ như bây giờ Bắc Kinh đang cần một mối quan hệ đối ứng chiến lược với Nhật Bản. Đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc là chìa khóa cho việc ngăn chặn suy giảm kinh tế. Ông Tập Cận Bình kêu gọi Nhật Bản tham gia Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á do Bắc Kinh khởi xướng bên lề Hội nghị Bandung cho thấy, rõ ràng Bắc Kinh muốn tăng cường lòng tin của thị trường đối với định chế tài chính này.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G-7 ở Elmau miền Nam nước Đức ngày 7/6, Thủ tướng Shinzo Abe đã khiến các nhà lãnh đạo G-7 bật cười khi chia sẻ: “Quan hệ với Trung Quốc đã được cải thiện kể từ khi tôi có cuộc họp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Mặc dù tôi nói chuyện với ông ấy chỉ có 2 lần.”
Điều gì nữa đã dẫn đến sự thay đổi thái độ của Trung Quốc? Một số nhà quan sát cho rằng, Bắc Kinh đã bị cô lập qua hoạt động ngoại giao tích cực của Nội các Thủ tướng Shinzo Abe ở Đông Nam Á và những nỗ lực của ông để củng cố liên minh Mỹ – Nhật.
Trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản tháng 4 năm ngoái, ông Barack Obama đã trở thành Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ công khai cam kết Mỹ sẽ bảo vệ quần đảo Senkaku theo Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ – Nhật.
Xu thế gia tăng đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trước hoạt động cải tạo, bồi lấp đảo nhân tạo mà Bắc Kinh tiến hành (phi pháp) ở Biển Đông cũng mang lại lợi ích cho Nhật Bản.
Hồng Thủy
Theo giaoduc
Mỹ nghe lén 125 số điện thoại của chính phủ Đức trong 10 năm
-Tuyên bố mới nhất của WikiLeaks cho thấy quy mô hoạt động gián điệp của NSA sâu và rộng hơn rất nhiều so với những gì người ta biết tới trước đó.
Reuters ngày 8/7 dẫn tiết lộ mới của WikiLeak cho biết, Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã nghe lén các cuộc điện thoại liên quan tới Thủ tướng Đức Angela Merkel và các cố vấn thân cận nhất của bà cũng như tiền nhiệm của bà trong nhiều năm.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh RT
Mục tiêu của các vụ gián điệp này là nhằm theo dõi các vấn đề nhạy cảm ở Đức liên quan tới phát xít, lấy các thông tin về kinh tế và thương mại. Tuyên bố mới nhất của WikiLeaks cho thấy quy mô hoạt động gián điệp của NSA sâu và rộng hơn rất nhiều so với những gì người ta biết tới trước đó.
WikiLeaks cho biết, NSA đã nhắm mục tiêu giám sát dài hạn 125 số điện thoại của các quan chức hàng đầu của Đức trong khoảng 10 năm. WikiLeaks còn cho công bố 3 cuộc điện đàm NSA nghe lén của bà Merkel cũng như dữ liệu liệt kê số điện thoại của bà cùng các trợ lý, máy fax.
Những tuyên bố mới nhất có nguy cơ làm tăng căng thẳng giữa Đức và Mỹ vốn đã bị rạn nứt sau khi xuất hiện các tiết lộ trước đó của cựu nhà thầu NSA Edward Snowden về hoạt động gián điệp đồng minh Berlin của NSA khiến chính phủ nước này nổi giận.
Chính quyền Tổng thống Barack Obama đã phải nỗ lực rất nhiều để lấy lại niềm tin và mối quan hệ với Berlin. Trong một tuyên bố tại Đức, ông Obama khẳng định hai quốc gia vẫn là "đồng minh không thể tách rời".
Ngoài chính phủ Merkel, NSA còn nhắm mục tiêu nghe lén điện thoại của các trợ lý của cựu Thủ tướng Gerhard Schroeder (1998-2002), và người tiền nhiệm của ông Helmut Kohl.
Hiện chưa có bình luận nào từ phía chính phủ Đức sau tiết lộ trên.
Nguyễn Hường
Theo giaoduc
Nhật Trung đoán trước sẽ 'va chạm' quân sự? Theo Reuters, trong tháng tới Nhật Bản và Trung Quốc sẽ đi tới một thỏa thuận vạch rõ những thủ tục về liên lạc giữa tàu hải quân và máy bay quân sự của hai nước trong những vụ chạm trán bất ngờ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) bắt tay với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu...