Thủ tướng Nhật Bản ít khả năng gặp riêng Tổng thống Hàn Quốc
Theo tờ Sankei, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ít khả năng sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9, dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa 2 nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tờ Sankei dẫn nguồn tin cho biết, Thủ tướng Abe sẽ không gặp Tổng thống Moon ở Liên Hợp Quốc vào tháng 9, trừ khi Seoul có những bước đi mang tính xây dựng trong việc giải quyết các tranh cãi từ thời Thế chiến II và nhiều vấn đề khác.
Ông Abe cũng sẽ từ bỏ cuộc gặp trực tiếp với ông Moon vào tháng 10 bên lề cuộc họp với các nước ASEAN và hội nghị APEC vào tháng 11.
Nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Nhật Bản đã không gặp nhau kể từ hội nghị G20 được tổ chức ở Osaka vào tháng 6.
Nhật Bản và Hàn Quốc đang trong căng thẳng chính trị và thương mại
Trong một diễn biến có liên quan, hãng hàng không Korean Airlines cho biết sẽ dừng đường bay từ thành phố Busan đến Sapporo của Nhật Bản từ 3-9 do nhu cầu giảm sút giữa những căng thẳng ngoại giao của 2 nước dẫn đến sự tẩy chay của người dân Hàn Quốc với sản phẩm, dịch vụ du lịch đến Nhật Bản.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang ở mức xấu nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1965. Vào tháng 6, một tòa án Hàn Quốc đã tuyên án các công ty Nhật Bản phải trả tiền bồi thường cho các lao động Hàn Quốc bị ép làm việc trong thời gian từ 1910 đến 1945, tuy nhiên, Tokyo đã bác bỏ bản án này vì khẳng định rằng, mọi vấn đề tồn tại từ thời chiến tranh đã được giải quyết trước khi bình thường hóa quan hệ.
Video đang HOT
Nhật Bản cũng đã ban hành lệnh hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu công nghệ cao quan trọng sang Hàn Quốc, tuy nhiên lại phủ nhận nó có liên quan đến những căng thẳng trước đó.
Theo anninhthudo
"Hục hặc" về lịch sử, Nhật Bản hạn chế xuất khẩu vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc
Hôm 1-7, Nhật Bản thông báo sẽ siết chặt việc xuất khẩu các vật liệu cao cấp để sản xuất bán dẫn và màn hình sang Hàn Quốc, một động thái có thể gây rối loại cho các chuỗi cung ứng công nghệ ở châu Á.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (phải) đến Osaka, Nhật Bản để dự hội nghị thượng định G20 vào cuối tuần trước nhưng ông và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không tiến hành bất cứ cuộc gặp song phương nào. Ảnh: Nikkei Asian Review
Bộ Công nghiệp, Thương mại và Kinh tế Nhật Bản (METI) cho biết bắt đầu từ ngày 4-7 tới sẽ hạn chế xuất khẩu ba vật liệu photoresist (chất cản quang), hydrogen fluoride (chất ăn mòn được dùng trong khắc thủy tinh) và fluorine polyimide (một loại nhựa nhiệt dẻo) cho các công ty Hàn Quốc.
Ba loại vật liệu này được sử dụng để sản xuất các linh kiện bán dẫn và màn hình cho các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại thông minh (smartphone) và tivi. Bắt đầu từ ngày 4-7, các nhà cung ứng Nhật Bản phải xin phép cho từng đơn hàng xuất khẩu riêng lẻ cho các vật liệu này. Trước đây, họ chỉ cần gộp nhiều vật liệu vào trong một đơn xin phép xuất khẩu.
Ngoài ra, Nhật Bản có thể đưa Hàn Quốc ra khỏi một danh sách "các khách hàng đáng tin cậy", vốn cho phép họ chỉ chịu các biện pháp hạn chế chuyển giao công nghệ có liên quan đến đến an ninh quốc gia ở mức tối thiểu.
Các nhà cung ứng Nhật Bản đang kiểm soát 90% thị trường toàn cầu của photoresist và hydrogen fluoride. Quy định xét duyệt xuất khẩu mới sẽ làm đình trệ các hoạt động xuất khẩu các vật liệu này, dẫn đến nguy cơ gây tổn thương cho các hãng điện tử Hàn Quốc đang mua chúng. Các "ông lớn" công nghệ Nhật Bản như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Display sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định này.
Theo METI, các hạn chế này được đưa ra nhằm phản ứng với "sự xuất hiện của một vấn đề không phù hợp". METI không giải thích rõ "vấn đề không phù hợp này" là gì nhưng dường như đó là hành động trả đũa của Nhật Bản trước lập trường của Seoul về một vụ tranh cãi liên quan đến việc bồi thường cho những người Hàn Quốc bị các công ty Nhật Bản cưỡng bức lao động trong chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Thông báo của Nhật Bản được đưa ra sau khi năm ngoái, tòa án tối cao Hàn Quốc phán quyết rằng các công ty Nhật Bản bao gồm Nippon Steel, Sumitomo Metal, Mitsubishi Heavy Industries... phải bồi thường cho những người Hàn Quốc bị cưỡng ép làm việc trong các nhà máy và hầm mỏ vào thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên (1910-1945).
Các nguyên đơn trong vụ kiện đang tiến hành thủ tục bán tài sản bị thu giữ của các công ty Nhật Bản tại Hàn Quốc như là một phần của phán quyết bồi thường. Nếu kế hoạch bán các tài sản này được thực hiện, các công ty Nhật Bản sẽ bị thiệt hại.
Bất chấp phản đối của Tokyo, chính phủ Hàn Quốc nói rằng tôn trọng tính độc lập của bộ máy tư pháp của nước này.
Nhật Bản quyết định hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc các vật liệu công nghệ cao được sử dụng để sản xuất thiết bị bán dẫn và màn hình. Ảnh: Nikkei Asian Review
Ngay sau khi METI ra thông báo trên, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Cho Sei-young đã triệu tập Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc, Yasumasa Nagamine, đến để trao công hàm phản đối. Ông Sei-young cho rằng việc hạn chế xuất khẩu các vật liệu trên của Nhật Bản là một động thái trả đũa kinh tế, vi phạm các nguyên tắc dân chủ trong việc phân tách rạch ròi giữ các quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Ông nói: "Các biện pháp hạn chế xuất khẩu như vậy đi ngược lại với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cũng đi ngược lại với với tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh G20 (hồi cuối tuần trước), trong đó, nhấn mạnh các nỗ lực thiết lập một môi trường đầu tư và thương mại ổn định, dễ dự báo, minh bạch và không phân biệt đối xử".
Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành cuộc họp khẩn vào cùng ngày để thảo luận động thái của Nhật Bản. Sau đó, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ra tuyên bố cho biết Seoul sẽ tiến hành các biện pháp đáp trả cần thiết bao gồm nộp đơn kiện Nhật Bản lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Sung Yun-mo nói chính phủ Hàn Quốc xem động thái của Nhật Bản là nhằm trả đũa phán quyết của tòa án tối cao Hàn Quốc buộc các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nguyên đơn bị cưỡng bức lao động trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Nhiều tờ báo Hàn Quốc đưa vụ tranh cãi này lên trang nhất và thậm chí có một tờ báo giật tít so sánh vụ việc như là phát súng khai màn chiến tranh thương mại Nhật-Hàn.
Ngay trước khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đến Osaka, Nhật Bản để dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tuần trước, Tokyo đã thúc ép Seoul giải quyết vấn đề này. Chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc tự nguyện đóng góp tiền để bồi thường cho các nguyên đơn Hàn Quốc nhưng Tokyo bác bỏ ý tưởng này.
Hôm 2-7, tại cuộc họp báo ở Tokyo, Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Kinh tế Nhật Bản, Hiroshige Seko, khẳng định quyết định siết chặt xuất khẩu các vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc không vi phạm các quy tắc của WTO.
Ông nói rằng quyết định này là "hậu quả của việc Hàn Quốc không đưa ra các biện pháp thỏa đáng" để giải quyết vấn đề người Hàn Quốc bị cưỡng bức làm việc cho các công ty Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Lâu nay, Nhật Bản cho rằng vấn đề này đã được giải quyết vào năm 1965 khi Nhật Bản và Hàn Quốc nối lại quan hệ ngoại giao. Tokyo cấp cho Seoul các khoản trợ cấp và các khoản vay trị giá 500 triệu đô la Mỹ để giải quyết vấn đề chiếm đóng bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn 1910-1945.
Theo KTSG
Dấu hiệu rạn nứt mới trong quan hệ Nhật Bản và Hàn Quốc Theo nguồn tin Chính phủ Nhật Bản ngày 12/4, Thủ tướng nước này Shinzo Abe đang xem xét hủy bỏ các cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bên lề G20, dự kiến vào tháng Sáu tới. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc...