Thủ tướng nhắc nhở ngành y tế rút kinh nghiệm để phòng chống dịch bệnh tốt hơn
Tại cuộc họp khẩn về phòng chống dịch sởi diễn ra vào chiều tối qua 23-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế cần rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong nắm tình hình, trong công tác thông tin tuyên truyền… để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh thời gian tới.
Không để lây chéo là biện pháp quan trọng hiện nay để khống chế bệnh sởi
Thẳng thắn nhìn nhận
Báo cáo về diễn biến bệnh sởi hiện nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, dịch sởi xuất hiện sớm cộng thêm thời tiết xấu kéo dài gây quá tải cục bộ tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Tuy nhiên, hiện số bệnh nhân mắc và tử vong đều đã giảm. Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, vaccine tiêm phòng sởi hiện không thiếu do trong nước đã sản xuất được, máy thở cũng đã được bổ sung đầy đủ. Về chuyên môn, Bộ Y tế đã lên phác đồ điều trị, các phương án ngăn chặn, lập kế hoạch dịch tễ toàn diện. Song người đứng đầu Bộ Y tế cũng bày tỏ lo lắng khi tỷ lệ tiêm chủng bệnh sởi không cao, mới chỉ đạt khoảng 65%, nhất là tại một số thành phố lớn, dân trí cao “vì sợ tai biến”.
“Công tác truyền thông yếu và không hiệu quả dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng thấp, rồi việc người bệnh tập trung đông tại một số bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội, trong khi cơ sở vật chất thiếu, nhất là phòng điều trị. Nếu còn tình trạng nằm ghép giường thì việc giảm tỷ lệ tử vong gặp nhiều khó khăn”, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay. Lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận, truyền thông phòng chống dịch còn yếu kém cũng như nhiều địa phương thiếu tập trung chỉ đạo dẫn đến kết quả tiêm chủng ì ạch. “Phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm chủng 95% cũng chưa hẳn an toàn vì chỉ bảo hộ 95%, vẫn còn 5% mắc bệnh. Dịch bệnh đang có chu kỳ quay trở lại, bùng phát cao, ngay nước Mỹ đã thanh toán hoàn toàn bệnh giờ cũng tái dịch. Việt Nam cam kết năm 2017 khống chế dịch bệnh này”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, sau 3 năm Hà Nội mới có bệnh nhân sởi trở lại và trường hợp đầu tiên vào cuối tháng 12-2013. Từ khi có dịch trở lại, Hà Nội có 1.339 bệnh nhân sởi (tính cả trường hợp sởi và triệu chứng sởi là sốt phát ban), phân tán ở 584 xã, phường, thị trấn. Hiện còn 766 bệnh nhân, trong đó đang nằm viện 511 bệnh nhân, còn lại điều trị tại nhà.
Theo ông Vũ Hồng Khanh, số bệnh nhân mắc cao nhất trong ngày là vào 26-3 với 27 trường hợp. Tháng 3 ghi nhận nhiều nhất với 543 trường hợp. “Từ đầu năm đã có 54 bệnh nhân tử vong liên quan đến sởi, trong đó trực tiếp do sởi là 14 bệnh nhân, còn lại trên các nền bệnh khác. Những trường hợp này hầu hết chưa được tiêm vaccine. Đặc biệt có trường hợp bệnh nhân 42 tuổi và 1,5 tháng tuổi vẫn mắc sởi, là rất lạ”.
Kết quả tiêm phòng sởi của Hà Nội đến nay đã đạt 95,4% do tích cực vận động, tuyên truyền. Nhiều điểm tiêm tiếp cả nghìn trường hợp mỗi ngày nên tắc nghẽn. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội là dù số bệnh nhân nhập viện giảm, nhưng số ca nặng nhập viện có nguy cơ tử vong cao.
Không được dồn bệnh nhân vào một chỗ
Video đang HOT
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, hiện bệnh sởi đã có xu hướng giảm, song vẫn còn rất phức tạp, không được chủ quan, lơ là, cần tập trung đồng bộ các giải pháp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các cơ quan chức năng của Bộ và các địa phương, nhất là Hà Nội, TP.HCM cần tập trung chỉ đạo chặt chẽ việc cấp cứu, điều trị, phải hạn chế thấp nhất tử vong, không để lây chéo. “Không được dồn bệnh nhân vào một chỗ quá đông và quyết tâm dập tắt sởi càng sớm càng tốt”, Thủ tướng chỉ đạo.
Về kết quả tiêm chủng còn ì ạch, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của tuyên truyền là hết sức quan trọng, cần tập trung làm tốt để người dân đi tiêm phòng, phấn đấu tối thiểu đạt 95%. “Hiện chỉ đạt 65,3% là rất thấp, có tới 11 tỉnh tỷ lệ tiêm phòng dưới 50% cần phải phê bình. Nhân dân chưa nhận thức được đầy đủ thì phải tích cực phổ biến, vận động. Đừng để người dân đổ xô đi mua hạt mùi… về phòng chữa sởi mà tác dụng chỉ có hạn”- Thủ tướng đề nghị.
Trước diễn biến dịch phức tạp trong thời gian qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở: “Bộ Y tế và các địa phương cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, theo dõi tình hình dịch bệnh cho kịp thời, đúng mức, trọng tâm, trọng điểm, hiệu lực và hiệu quả. Nếu thời gian qua làm tốt việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động thì đã giảm được tỷ lệ mắc và không có chuyện dồn lên một chỗ tạo ra lây chéo”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở ngành y tế cần rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong nắm tình hình, trong công tác thông tin tuyên truyền,… để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới. Đồng thời tiếp tục lưu ý thực hiện tốt việc nghiên cứu, phân tích dịch bệnh, đặc điểm dịch tễ, vi rút học… tăng cường đào tạo cán bộ cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo ANTD
Phụ huynh 'phát sốt' với bệnh sởi
Thông tin về bệnh sởi hoành hành với hơn 8.000 ca có xét nghiệm nhiễm sởi và hơn 100 trẻ tử vong vì bệnh này ở Hà Nội đã làm nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng. Bệnh sởi đã trở thành 'cơn sốt' với phụ huynh thời gian này.
Khi bệnh sởi lây lan, nhiều trẻ lớn mới được phụ huynh đưa đi tiêm vắc xin ngừa bệnh - Ảnh: Nguyên Mi
Ùn ùn đi tiêm vắc xin
Viện Pasteur TP.HCM những ngày này đông nghịt người tại khu vực tiêm chủng. Sáng nay (23.4), mới 9 giờ 30 phút, ở đây đã phải thông báo ngừng phát số thứ tự tiêm vắc xin vì đã quá tải với hơn 600 số còn ngồi chờ tiêm vắc xin sởi.
Đến tiêm ngừa sởi tại Viện Pasteur TP.HCM không chỉ người dân ở TP.HCM mà cả người dân ở nhiều tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An,...
Theo Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur: Vắc xin ngừa sởi trong chương trình tiêm chủng quốc gia tiêm miễn phí cho trẻ em hay vắc xin sởi dịch vụ (3 trong 1) có tác dụng phòng ngừa đối với bệnh sởi như nhau. Chỉ khác nhau ở chỗ, vắc xin sởi là vắc xin đơn giá - ngừa một bệnh, còn vắc xin sởi 3 trong 1 là vắc xin đa giá - một vắc xin ngừa nhiều bệnh (sởi, quai bị, rubella). Vắc xin sởi tiêm mũi đầu khi trẻ 9 tháng tuổi, còn vắc xin 3 trong 1 tiêm mũi đầu khi trẻ 1 tuổi.
Thậm chí, một phụ huynh đang ngồi chờ tiêm vắc xin sởi cho con, cho biết: "Bà chị em ở Phú Yên cũng hỏi trong đây còn vắc xin sởi không để chỉ đưa con vào chích, chứ bé quá tuổi tiêm vắc xin sởi miễn phí mà ngoài đó hết vắc xin sởi dịch vụ giống vầy rồi".
Chị Mai Ngọc Anh (có con 3 tuổi, ở Tây Ninh), lo lắng: "Con em đã tiêm ngừa vắc xin sởi miễn phí hai mũi rồi. Nhưng em nghe nói sởi năm nay là sởi 3 trong 1, chứ không phải sởi thường nên đưa bé lên đây chích thêm cho chắc". Chị cùng chồng từ Tây Ninh đưa con đến Viện Pasteur TP.HCM lấy số từ 7 giờ sáng.
Sau đó, phải được bác sĩ giải thích không có bệnh sởi 3 trong 1 mà là vắc xin 3 trong 1 tức là vắc xin kết hợp ngừa nhiều bệnh gồm sởi và quai bị, rubella. Còn riêng ngừa sởi thì vắc xin 3 trong 1 và vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, bé đã tiêm có tác dụng ngừa như nhau nên không cần phải tiêm lại. Thế là sau buổi sáng chờ đợi, chị Ngọc Anh mới yên tâm bế con về.
Theo thống kê của Viện Pasteur, số lượng người đến Viện Pasteur tiêm ngừa sởi trung bình mỗi ngày trong tuần này đã tăng vọt so với tuần trước với hơn 700 lượt/ngày (tuần trước chỉ khoảng 120 lượt/ngày).
Tại Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, phụ huynh đưa con đi tiêm vắc xin sởi cũng đông hẳn so với bình thường.
Còn chị Bùi Ngọc Nga (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) thì: "Con mình chưa đủ tuổi chích ngừa vắc xin sởi nên thời gian này mình chỉ cho bé ở trong nhà, không cho ra ngoài, qua nhà bà con, hàng xóm hay đi đâu hết. Vậy cho an toàn!".
Phụ huynh cùng con chống đỡ với bệnh sởi - Ảnh: Nguyên Mi
Phòng bệnh sởi cho cả phụ huynh
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur, khuyến cáo phụ huynh ngoài phòng bệnh cho con còn cần phòng bệnh cho cả chính mình, không để mình là nguồn trung gian lây bệnh cho con.
Theo bác sĩ Lân, ngoài đi tiêm ngừa thì hiện giờ phụ huynh bảo vệ con trước dịch sởi bằng cách giữ trẻ trong nhà, không cho trẻ ra ngoài, nơi đông người, không cho trẻ chơi, tiếp xúc với bạn bè, các bé đang mắc bệnh sởi. Như vậy là đúng. Tuy nhiên, đó chỉ mới là một phần, phụ huynh cần chú ý phòng bệnh lây nhiễm cả cho mình (đặc biệt với phụ huynh có con nhỏ dưới 9 tháng), để mình không thành nguồn trung gian lây sởi cho con.
Phụ huynh (cha mẹ, ông bà, người giữ trẻ) cần tránh tiếp xúc với nguồn bệnh, không tiếp xúc, sờ, nựng trẻ, người bị bệnh sởi rồi về ôm, nựng con trẻ nhà mình; tránh đến chỗ tụ tập đông người; rửa tay, vệ sinh sạch sẽ khi nựng, tiếp xúc với con; để nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đã có 45.000 lượt tiêm qua 6 tuần thực hiện tiêm vét vắc xin ngừa sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi tại TP.HCM. Nếu tính luôn 17.000 lượt tiêm dịch vụ tại các bệnh viện thì ước tính có khoảng 62.000 trẻ được tiêm (đạt 62% số trẻ cần tiêm bổ sung so với dự tính là 100.000 liều vắc xin).
Trong khi đó, bác sĩ Lân cho biết đã có khoảng 12.000 mũi sởi được tiêm ngừa tại Viện Pasteur TP.HCM từ đầu năm đến nay.
Hiện nay, tại TP.HCM, tiêm ngừa vắc xin sởi miễn phí cho trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi, trong chương trình tiêm chủng quốc gia đang thực hiện tiêm vét bổ sung tại tất cả các trạm y tế phường, xã vào thứ 6, 7, chủ nhật hằng tuần (tùy lịch tiêm mỗi nơi).
Riêng tiêm vắc xin sởi dịch vụ 3 trong 1 (ngừa sởi, quai bị và rubella) có ở tất cả các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện; Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, Viện Pasteur, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, các bệnh viện sản nhi,...
"Tuy nhiên, chống dịch, phòng bệnh sởi ngoài tiêm chủng thì cần có các biện pháp tổng thể", ông Lân ý kiến.
Cộng đồng mạng chia sẻ thông tin về bệnh sởi Trên Facebook, các diễn đàn của cha mẹ, thông tin về bệnh sởi, cách phòng bệnh cũng đầy ắp mấy ngày nay. "Muốn post cái gì đó ngoài bệnh sởi nhưng hiện giờ bệnh này làm mình lo cho bé Mèo và các bé quá nên post tiếp bài này về sởi vậy", nickname Phan Mai chia sẻ. Hay vừa chia sẻ link một bài viết về cách phòng bệnh sởi, nickname Mai Nguyễn viết: "Xin lỗi những ai phải đọc những bài này suốt trên Facebook của mình, nhưng xin hãy đề phòng và cẩn thận hết sức cho các em nhỏ xung quanh mình".
Theo TNO
Rối với tiêm ngừa bệnh sởi Nơi bảo tiêm, nơi bảo không, khiến các bà mẹ có con nhỏ rối như canh hẹ về việc tiêm ngừa bệnh sởi cho trẻ. Rất đông người chờ tiêm vắc xin tại Viện Pasteur TP.HCM sáng 23.4 - Ảnh: Lương Ngọc Chị Thùy N. (ngụ TP.HCM) cho biết con chị 5 tuổi, đã tiêm vắc xin sởi mũi đơn theo chương trình...