Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Thủ tục bán gà còn lâu hơn nuôi gà”
“Có ý kiến nói rằng nuôi gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Sáng 30.8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8.2017.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng nhìn nhận tình hình kinh tế – xã hội tháng 8 có nhiều chuyển biến tích cực. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 18%. Không khí làm ăn, mua bán, du lịch sôi động.
Tổng lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 8.2017 ước đạt 1,23 triệu lượt, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2016, đây là tháng đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng trên 10%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. Ảnh: VGP.
Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần trong 8 tháng năm 2017 ước đạt 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước.
Thủ tướng cho biết lĩnh vực xã hội có nhiều điểm đáng phấn khởi, trong đó có thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29, với 58 Huy chương Vàng, hiện đứng thứ 3 toàn đoàn. Đặc biệt, chúng ta đạt thành tích cao tại các môn điển hình như điền kinh, bơi lội, bóng bàn… Thủ tướng biểu dương thành tích của đội bóng đá nữ khi lần thứ 5 giành Huy chương Vàng tại SEA Games, đây là cố gắng rất lớn.
Tuy nhiên, còn một số tồn tại, yếu kém cần tập trung khắc phục như giải ngân vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Tại phiên họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận một số vấn đề, trước hết là về phát triển kinh tế. Theo đó, cần tiếp tục tháo gỡ mạnh mẽ hơn, bám sát hơn nữa các chỉ tiêu đối với các sản phẩm ngành hàng, dịch vụ để đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Video đang HOT
Mặc dù thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên, theo Thủ tướng, “giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều”.
“Nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn. Có ý kiến nói rằng là nuôi gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ gà, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà”, Thủ tướng nói và yêu cầu tập trung tháo gỡ thủ tục, nhất là xử lý giải quyết giấy phép con, giấy phép cháu.
Bên cạnh đó, gánh nặng thuế, phí đối với doanh nghiệp còn lớn, một số phí như phí BOT còn cao, đặt trạm thu phí còn bất hợp lý, gây bức xúc. Theo thống kê, tổng phí vận tải doanh nghiệp phải đóng lên tới 70 loại.
Ngoài ra, chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn, với tỷ lệ lô hàng kiểm tra chuyên ngành lên tới 30%. Mục tiêu đặt ra phải giảm còn 15% nhưng một số bộ, ngành chuyển biến còn chậm. “Vấn đề này cũng cần đặt ra để chúng ta thảo luận”, Thủ tướng nói.
Quy định thủ tục hành chính về hải quan, hoàn thuế VAT, thời gian và chi phí nộp bảo hiểm xã hội còn cao. Thủ tướng dẫn chứng báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết doanh nghiệp Việt Nam nộp bảo hiểm xã hội mất 189 giờ, trong khi Thái Lan chỉ mất 48 giờ, Indonesia mất 56 giờ.
Vấn đề cải cách thủ tục hành chính đã nói nhiều lần trong năm qua, đặc biệt tháng 7, đã đề cập rất quyết liệt vấn đề này nhưng mới giảm được một phần, còn nhiều phần, nhiều ngành, đơn vị chưa chuyển biến, Thủ tướng trăn trở và đề nghị các Bộ trưởng đề xuất giải pháp cụ thể, phải thực sự vào cuộc để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, tạo niềm tin xã hội, góp phần vào tăng trưởng.
Thủ tướng cũng đề nghị thảo luận một số vấn đề xã hội như tình hình năm học mới như thế nào, nhất là ở vùng lũ, vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ; vấn đề an toàn xã hội, môi trường, dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng đang diễn biến phức tạp; tình hình tội phạm ma túy, khiếu kiện đông người…
Thủ tướng đề nghị báo cáo rõ hơn về Năm APEC 2017 khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa diễn ra Tuần lễ cấp cao ở Đà Nẵng và còn tới 6 hội nghị lớn.
Theo Đức Tuân (Baochinhphu)
"Thủ tướng luôn trân trọng và lắng nghe ý kiến các nhà khoa học"
"Thủ tướng luôn trân trọng và lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, của đồng chí, đồng bào về phát triển kinh tế-xã hội nói chung và về phát triển khoa học công nghệ nói riêng để cùng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ công bố.
Ngày 28/8, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ công bố "Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017" và phát động phong trào thi đua "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế".
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc MTTQ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tuyển chọn, biên tập và công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017 với 72 công trình, giải pháp sáng tạo khoa học công nghệ tiêu biểu và tổ chức lễ phát động phong trào thi đua "Đoàn kết sáng tạo" trong cả nước.
"Đổi mới sáng tạo luôn tạo động lực cho sự phát triển của xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng và bối cảnh thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quốc gia nào có năng lực đổi mới, sáng tạo cao sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nhất là trong phát triển khoa học công nghệ, phát hiện, đào tạo tài năng. Chính phủ luôn quan tâm đầu tư phát triển khoa học công nghệ, dành những điều kiện tốt nhất, phù hợp với khả năng của đất nước để các nhà khoa học phát huy tài năng, sáng tạo và cống hiến cho Tổ quốc.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi biết 72 công trình tiêu biểu thuộc nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội đang được Đảng, Nhà nước tập trung ưu tiên phát triển như nông nghiệp, y tế, phát triển hạ tầng, năng lượng tái tạo, thích ứng biến đổi khí hậu, quốc phòng an ninh...
Tác giả của các công trình này là những tập thể, cá nhân trên mọi miền Tổ quốc; có người là giáo sư, tiến sĩ, có người là chủ doanh nghiệp và cả những sinh viên, học sinh.
Để khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc gia, là động lực phát triển kinh tế-xã hội, để phong trào thi đua "Đoàn kết sáng tạo" được MTTQ phát động hôm nay thực sự khơi dậy, phát huy cao độ sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, hệ thống các cơ quan quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ, các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ.
Đó là tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học công nghệ; quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Chúng ta cần tạo được những thể chế thông thoáng về trọng dụng nhân tài cho đất nước, nhất là đối với kiều bào ở nước ngoài.
"Thủ tướng luôn trân trọng và lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, của đồng chí, đồng bào về phát triển kinh tế-xã hội nói chung và về phát triển khoa học công nghệ nói riêng để cùng góp công sức vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước", Thủ tướng nói.
Hằng năm, Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ dự họp với MTTQ Việt Nam để nghe ý kiến của các thành viên MTTQ.
Trên cơ sở những định hướng lớn của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội, các bộ, cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố hỗ trợ tích cực, phối hợp chặt chẽ với MTTQ các cấp để hưởng ứng, tổ chức, triển khai phong trào thi đua "Đoàn kết sáng tạo" trong phạm vi cả nước, tránh hình thức, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, nhằm khơi dậy, phát huy cao độ sức sáng tạo của mỗi người Việt Nam và toàn dân tộc ta, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế-xã hội của đất nước. Qua đó, hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển tài năng, sáng tạo của con người Việt Nam.
Lễ công bố Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2017
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, nghiên cứu các chính sách đột phá về khoa học công nghệ; không ngừng quan tâm, khuyến khích động viên các cấp, các ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tận dụng, phát huy xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung sáng tạo, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm và ý tưởng có tính ứng dụng cao, thúc đẩy tăng năng suất lao động, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong đó, cần chú trọng nghiên cứu các đề tài khoa học, giải pháp công nghệ trong các ngành, lĩnh vực then chốt đang được quan tâm hiện nay như tài nguyên môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, năng lượng sạch, vật liệu mới... và đặc biệt nâng cao năng suất lao động xã hội.
Trên cơ sở tổ chức tốt các cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ trong cả nước, nhất là Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc và Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, Thủ tướng đề nghị tiếp tục ra mắt Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam vào dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 hằng năm để công bố rộng rãi, làm phong phú và tôn vinh các công trình, giải pháp khoa học công nghệ tiêu biểu, hữu ích trong xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ, đưa sản phẩm khoa học công nghệ đi vào cuộc sống.
"Tôi đánh giá cao và tin tưởng rằng những phong trào thi đua và hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ truyền cảm hứng, niềm say mê sáng tạo cho thế hệ trẻ, cho cộng đồng và toàn xã hội. Thực hiện lời Bác Hồ dạy, chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết, nuôi dưỡng, bồi đắp nguồn trí tuệ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, tạo nên những động lực mạnh mẽ để xây dựng đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" - Thủ tướng nói.
P.T
Theo Dantri
Về với dân để kiến tạo thịnh vượng Thăm hỏi các hộ dân ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình xong, trời đứng trưa, có người bảo để cho xe ô tô vào đón, Thủ tướng gạt phắt: "về với dân đi bộ vào được thì đi ra được có gì đâu mà phiền phức". Một chính khách ở tầm nguyên thủ ngoài đảm bảo chính sách vĩ...