Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo
Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Cấp cao G20 và thăm Nhật Bản, ngày 1/7/2019, tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng nhân dân Nhật Bản nhân sự kiện trọng đại Nhà Vua Naruhito lên ngôi và việc Nhật Bản tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao G20 lần này. Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác tin cậy, quan trọng hàng đầu và lâu dài. Thủ tướng Nhật Bản Abe đánh giá cao vị thế, vai trò và những thành tựu đối ngoại của Việt Nam thời gian qua, cảm ơn những sáng kiến và đóng góp tích cực của đoàn Việt Nam tại Hội nghị cấp cao G20. Thủ tướng Abe cũng đánh giá cao cộng đồng hơn 330.000 người Việt Nam tại Nhật Bản, coi đây là “tài sản chung quý giá” đối với quan hệ hai nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Nhật Bản tiếp tục quan tâm, tạo môi trường thuận lợi cho người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Hai bên bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển thực chất của quan hệ giữa hai nước, thể hiện qua việc hai bên vừa ký kết một loạt các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, tài chính ngay trước Hội đàm Cấp cao Việt Nam – Nhật Bản.
Hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị thông qua việc duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời Thủ tướng Abe thăm lại Việt Nam, dự Hội nghị cấp cao ASEAN trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020; Thủ tướng Abe cảm ơn và vui vẻ nhận lời. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh, trong đó có hợp tác trong khuôn khổ ADMM .
Video đang HOT
Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hai Thủ tướng hoan nghênh việc hai bên đã thống nhất về các thủ tục để cho phép nhập khẩu quả vải của Việt Nam và quả táo của Nhật Bản. Ta đề nghị Nhật Bản xem xét sớm cho phép nhập khẩu đối với quả nhãn, vú sữa, chanh leo của Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam nâng cao chất lượng nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Phía Nhật Bản đề nghị ta cho phép nhập khẩu cam của Nhật Bản. Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các dự án hợp tác ODA của Nhật Bản tại Việt Nam, thúc đẩy hợp tác theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thuận lợi hơn nữa.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Hai Thủ tướng hoan nghênh việc hai nước đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình “Lao động kỹ năng đặc định”, nhất trí hợp tác để triển khai hiệu quả Bản ghi nhớ.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh hai nước ký Hiệp định chuyển giao người bị kết án tù, nhất trí thúc đẩy đàm phán Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, tăng cường hợp tác y tế thông qua Sáng kiến sức khỏe Châu Á. Thủ tướng Abe khẳng định Nhật Bản sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam đào tạo cán bộ, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, đối phó với biến đổi khí hậu…
Thủ tướng Abe chúc mừng Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao; hai bên nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN, khu vực sông Mekong với Nhật Bản trong bối cảnh Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN năm 2020. Hai bên nhất trí phối hợp để thực thi hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hợp tác thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hai nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Trước Hội đàm cấp cao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã chứng kiến lễ ký kết, trao đổi 6 văn kiện, bao gồm: Hiệp định giữa CHXHCN Việt Nam và Nhật Bản về chuyển giao người bị kết án phạt tù; Công hàm trao đổi giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản liên quan đến khoản viện trợ không hoàn lại cho Dự án Học bổng phát triển nguồn nhân lực (JDS); Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Văn phòng Chính sách y tế thuộc Ban thư ký nội các Chính phủ Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản và Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản về khung pháp lý cơ bản để thực hiện đúng chương trình “Lao động kỹ năng đặc định”; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Viện Công nghệ Quốc gia KOSEN Nhật Bản về việc tiếp tục các hoạt động hợp tác nhằm hướng tới mô hình đào tạo KOSEN tại Việt Nam; Hợp đồng vay vốn tài trợ các dự án năng lượng tái tạo giữa Vietcombank và Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC)./.
Đức Tuân
Theo Chinhphu
Các nhà lãnh đạo G20 khẳng định tầm quan trọng của kinh tế số
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra tại Osaka (Nhật Bản), ngày 28/6, các nhà lãnh đạo G20 đã có cuộc họp đặc biệt đầu tiên khẳng định tầm quan trọng của kinh tế số.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (phải), Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ( trái) tại cuộc gặp ở Osaka, Nhật Bản ngày 27/6. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định số hóa đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và có thể giải quyết được các vấn đề xã hội. Để tận dụng tối đa những lợi ích mà kinh tế số mang lại không thể thiếu việc xây dựng những quy tắc toàn cầu trong lĩnh vực này.
Theo Thủ tướng Nhật Bản, cần xây dựng những quy tắc nền tảng của thế giới thúc đẩy cách tân công nghệ và xây dựng những khu vực lưu thông dữ liệu tự do có thể tin cậy. Bên cạnh đó, ông mong muốn các bên đạt được những tiến bộ thực chất về kinh tế số tại Hội nghị cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự kiến diễn ra vào tháng 6/2020.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng kinh tế số đang ngày càng phát triển và thế giới cần xây dựng một thị trường, môi trường công bằng. Trung Quốc mong muốn tiếp tục mở cửa thị trường, hợp tác quốc tế một cách tích cực với tư cách là một nước có nền kinh tế số lớn.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh kinh tế số của nước này đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, quyền riêng tư và lưu thông dữ liệu một cách tự do, hỗ trợ cải cách công nghệ, tiếp cận các nguồn vốn. Đề cập hệ thống viễn thông thế hệ 5G, ông Trump cho rằng dựa trên việc mở rộng thương mại số cần đảm bảo tính an toàn của mạng 5G.
Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ mục tiêu đưa những quy tắc về lưu thông dữ liệu tự do vào khuôn khổ WTO nhằm tạo ra một khuôn khổ đàm phán cho tổ chức thương mại toàn cầu này. Ông kêu gọi các nước tham gia nhận thức và thúc đẩy nỗ lực này, hướng đến một khu vực lưu thông dữ liệu của tương lai, là nền tảng cơ bản phát triển nền kinh tế số toàn cầu.
Sau hội nghị bên lề về kinh tế số, các nhà lãnh đạo bắt đầu bước vào phiên thảo luận chính đầu tiên về đầu tư, thương mại và kinh tế số.
Theo Thành Hữu (TTXVN)
Thừa Thiên-Huế "mạnh tay" xử lý việc đổ rác thải ra môi trường Tỉnh Thừa Thiên-Huế bắt đầu "mạnh tay" xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường, với mức xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 tỷ đồng tùy theo mức độ vi phạm và nguy hại của chất thải. Người dân thành phố Huế tổ chức vớt bèo trên sông Hương trong phong trào Ngày Chủ nhật xanh. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)...