Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ công bố một số đường bay mới Thái Lan Việt Nam
Theo đặc phái viên TTXVN, nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 35 và các hội nghị liên quan .
Chiều 2/11, tại thủ đô Bangkok, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự lễ khai trương thương mại hai đường bay mới của hãng hàng không VietJet của Việt Nam – kết nối Bangkok ( sân bay Suvarnabhumi) và Chiang Rai với tỉnh Udon Thani của Thái Lan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai trương 2 đường bay nội địa Thái Lan của VietjetAir. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Cùng dự lễ khai trương còn có Phó Thủ tướng Thái Lan Anutin Charnvirakul cùng đại diện lãnh đạo cấp cao chính phủ hai nước.
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Trần Tuấn Anh – Bộ trưởng Công Thương Việt Nam bày tỏ ấn tượng với những nỗ lực vượt bậc của VietJet trong thời gian qua với nhiều thành tựu tại Việt Nam cũng như trong khu vực; đặc biệt là việc cùng các đối tác xây dựng và phát triển liên doanh hàng không VietJet thành công tại Thái Lan. Bộ trưởng cho rằng thành công của VietJet thực sự góp phần tích cực vào giao lưu kinh tế, thương mại, văn hóa và du lịch giữa hai quốc gia Việt Nam và Thái Lan.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thái Lan Anutin Charnvirakul bày tỏ vui mừng được chứng kiến lễ khai trương hai đường bay mới của hãng hàng không VietJet; bày tỏ tin tưởng với sự hỗ trợ của chính phủ hai nước, việc đi lại giữa Việt Nam – Thái Lan sẽ ngày càng thuận tiện hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa doanh nghiệp và giao lưu giữa nhân dân hai nước. Phó Thủ tướng cho biết hai thành phố lần này mà VietJet khai trương là hai điểm đến du lịch hấp dẫn, không chỉ với người dân Thái Lan mà còn với du khách quốc tế. Phó Thủ tướng Anutin Charnvirakul cảm ơn VietJet đã có sự đầu tư nghiêm túc, bài bản tại Thái Lan đúng thời điểm mà Chính phủ và nhân dân Thái Lan mong đợi và khuyến khích. Những đường bay mới sẽ góp phần tăng cường kết nối và thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia Thái Lan và Việt Nam.
Đường bay Bangkok – Udon Thani sẽ được đưa vào khai thác hằng ngày từ ngày 25/11 tới. Chuyến bay từ sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok cất cánh lúc 7h20 và đến Udon Thani lúc 8h30. Chiều ngược lại từ Udon Thani khởi hành lúc 9h10 và đến Bangkok lúc 10h20. Ngoài ra, chuyến bay khởi hành lúc 16h25 từ Bangkok và đến Udon Thani vào lúc 17h35 cũng sẽ được khai thác vào mỗi thứ Ba, Năm và Chủ nhật hàng tuần.
Đường bay Chiang Rai – Udon Thani bắt đầu khai thác từ ngày 26/11 tới với tần suất 3 chuyến/tuần vào mỗi thứ Ba, Năm và Chủ Nhật hàng tuần. Chuyến bay khởi hành từ Udon Thani lúc 18h05 và đáp tại Chiang Rai lúc 19h10. Chiều ngược lại cất cánh lúc 19h40 từ Chiang Rai và đến Undon Thani lúc 20h45. Đường bay mới giúp hành khách dễ dàng di chuyển từ Bangkok hoặc Chiang Rai đến Udon Thani chỉ với 1 giờ bay.
Udon Thani là trung tâm vận tải chính của Đông Bắc Thái Lan với diện tích 11.730 km2, trung gian vận chuyển giữa Thái Lan và Lào. Đây cũng được xem là trung tâm kinh tế chính của vùng với đông đảo người nước ngoài sinh sống và làm việc, trong đó có cả cộng đồng người Việt Nam.
VietJet là thành viên chính thức của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) và sở hữu Chứng nhận An toàn Khai thác IOSA. Với đội bay gồm hơn 80 máy bay Airbus hiện đại với tuổi bình quân chỉ 2,7 năm, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới về các chỉ số an toàn, chất lượng, độ tin cậy kỹ thuật, VietJet khai thác tới 150 đường bay trong nước và quốc tế với số lượng trung bình 400 chuyến bay mỗi ngày, phục vụ gần 100 triệu lượt khách hàng trên khắp thế giới với mạng đường bay phủ khắp các điểm đến Việt Nam và quốc tế đến Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc… Riêng lượng khách do VietJet vận chuyển giữa Thái Lan và Việt Nam cũng như tại nội địa Thái Lan đã đạt tới 9 triệu lượt khách.
VietJet Thái Lan hiện đang khai thác 5 đường bay quốc nội từ Bangkok đi Chiang Mai, Chang Rai, Phuket, Krabi , Phuket đi Chiang Rai và 17 đường bay quốc tế kết nối Thái Lan và Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc.
Cùng trong ngày 2/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự lễ công bố đường bay Bangkok – Đà Nẵng và Phuket – Thành phố Hồ Chí Minh của hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines.
Theo đó, từ ngày 27/10, Vietnam Airlines đã chính thức khai thác đường bay Phuket – Thành phố Hồ Chí Minh với tần suất 5 chuyến/tuần. Các chuyến bay khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Phuket lúc 15h50 và từ Phuket đi Thành phố Hồ Chí Minh lúc 18h40 các ngày thứ Ba, thứ Sáu và Chủ nhật. Đường bay Bangkok – Đà Nẵng cũng được hãng đưa vào khai thác với tần suất hằng ngày, khởi hành từ Bangkok lúc 18h00 và từ Đà Nẵng lúc 15h20.
Trong hơn 40 năm kể từ ngày thiết lập đường bay đầu tiên đến Thái Lan, Vietnam Airlines đã phát huy vai trò làm cầu nối hàng không an toàn, hiệu quả với việc duy trì đường bay thường lệ Bangkok và Hà Nội/Thành phố Hồ Chí Minh. Hãng liên tục đầu tư vào hiệu quả hoạt động, tăng tần suất bay phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế 4 sao, trong đó nổi bật là việc đưa vào vận hành máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner trên đường bay Thành phố Hồ Chí Minh – Bangkok. Tổng tần suất các chuyến bay giữa Việt Nam và Thái Lan hiện nay lên đến 52 chuyến/tuần.
Video đang HOT
Với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 – 2018 là hơn 15%, Thái Lan là một trong những thị trường vận tải hàng không lớn và phát triển ổn định nhất của Vietnam Airlines. Năm 2018, tổng dung lượng thị trường đạt hơn 3,5 triệu lượt khách vận chuyển, tăng gần 13% so với cùng kỳ. Từ đầu năm 2019 đến nay, các đường bay giữa Việt Nam – Thái Lan của Vietnam Airlines đã ghi nhận hơn 700.000 lượt khách, tăng 6% so với tổng lượt khách cả năm 2018.
Việc khai thác đường bay Bangkok – Đà Nẵng và Phuket – Thành phố Hồ Chí Minh đã đánh dấu định hướng phát triển mạng đường bay của Vietnam Airlines, nhằm bắt kịp xu thế kết nối trực tiếp tới các điểm đến du lịch ngoài các sân bay lớn. Đặc biệt, trước thềm năm 2020 – năm Việt Nam sẽ giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN, việc mở rộng mạng đường bay là còn là nỗ lực của Vietnam Airlines nhằm phát huy vai trò là cầu nối kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Cũng trong ngày 2/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam và Công ty Năng lượng B. Grimm (Thái Lan); chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Gulf về nghiên cứu đề xuất đầu tư dự án điện khí LNG Cà Ná.
Theo Quang Vũ (TTXVN)
Phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, bền vững Việt Nam-Campuchia
Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai trong vòng 1 năm của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Campuchia tiếp tục có những phát triển tốt đẹp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Camphuchia Samdech Techo Hun Sen nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao lần thứ ba Ủy hội Mekong quốc tế tại Siam Reap, Campuchia, ngày 4/4/2018. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Akka Moha Sena Padei Techo Hun Sen sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Campuchia thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4-5/10/2019.
Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ hai trong vòng 1 năm của Thủ tướng Hun Sen, sau khi Campuchia thành lập Chính phủ nhiệm kỳ VI vào tháng 9/2018.
Quan hệ song phương có nhiều tiến triển tích cực
Thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống.
Mối quan hệ này đã được nhiều thế hệ Lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp, kể cả bằng sinh mệnh của mình. Bên cạnh đó, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước cũng đang trên đà phát triển tốt đẹp.
Quan hệ song phương Việt Nam-Campuchia có nhiều tiến triển tích cực. Hoạt động trao đổi đoàn giữa hai bên được duy trì ở cả cấp cao và các bộ, ngành, địa phương, củng cố thêm sự tin cậy giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Sau bầu cử Quốc hội khóa VI của Campuchia và Chính phủ mới được thành lập, hai bên trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao quan trọng: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm cấp nhà nước Campuchia (25- 26/2/2019); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 28 (APPF 28) tại Campuchia tháng 1/2019.
Việt Nam đón Quốc vương Campuchia thăm nghỉ dưỡng (19-21/12/2018); Thủ tướng Hun Sen thăm chính thức (6-8/12/2018) và dự tang lễ cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh (2-3/5/2019); Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin thăm chính thức (28-30/5/2019); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Prak Sokhonn thăm chính thức từ 26-27/11/2018; tổ chức Hội nghị Hợp tác và Phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam-Campuchia lần thứ 10 từ 9-10/1/2019; kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân, dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (ngày 4/1/2019).
Thủ tướng hai nước thường xuyên gặp gỡ tại các diễn đàn đa phương.
Tháng 8/2019, hai bên đã tổ chức Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật.
Triển khai Kế hoạch hợp tác an ninh-quốc phòng hằng năm, hai bên đã tiến hành Đối thoại Chính sách quốc phòng thường niên, trao đổi thường xuyên các chuyến thăm cấp cao quốc phòng, giữa các quân khu, quân chủng, đơn vị quân đội, phối hợp tốt trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia, tổ chức Giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam-Campuchia; tuần tra chung trên biển lần thứ 56 giữa Vùng 5 Hải Quân và Căn cứ Biển Campuchia.
Hợp tác an ninh được đẩy mạnh, hai bên tăng cường phối hợp trong công tác phòng chống các loại tội phạm, giữ ổn định an ninh trật tự khu vực biên giới.
Trong quá trình thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, hai nước đã phối hợp chặt chẽ với nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV), Hợp tác bốn nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), ASEAN, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Liên hợp quốc... góp phần nâng cao uy tín, vị thế của mỗi nước ở khu vực và trên thế giới.
Việt Nam ủng hộ Campuchia ứng cử là thành viên Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2017-2019. Campuchia ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018, Hội đồng Điều hành Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) nhiệm kỳ 2017-2020, Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021, Ủy ban Luật Thương mại Quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Hai bên nhất trí phối hợp trong năm 2020 khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN và Campuchia tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM 13).
Hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực
Những năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng đều và đạt mức tăng trưởng vượt bậc trong năm 2018 với hơn 4,7 tỷ USD (tăng 24% so với năm 2017), 8 tháng đầu năm 2019 đã đạt hơn 3 tỷ USD.
Về đầu tư, Việt Nam có trên 200 dự án đầu tư vào Campuchia, đứng tốp 5 nước có đầu tư lớn nhất ở Campuchia tổng vốn đăng ký trên 3 tỷ USD, tập trung trong một số lĩnh vực như trồng cao su, viễn thông, tài chính, ngân hàng, năng lượng...
Các công ty lớn của Việt Nam đầu tư vào Campuchia gồm Miliket, Vifon, Bitis, Bình Điền, Acecook, các ngân hàng lớn như: Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), doanh nghiệp, tập đoàn của Việt Nam (Viettel, Cao su, Điện lực.)
Hai bên đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Thỏa thuận về thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2019-2020; Chiến lược hợp tác giao thông vận tải tầm nhìn đến năm 2030; Hiệp định sửa đổi Hiệp định vận tải đường bộ, sửa đổi Hiệp định vận tải đường thủy.
Việt Nam viện trợ không hoàn lại cho Campuchia hằng năm với một số dự án hợp tác tiêu biểu giữa hai nước như Nhà làm việc của Ban Thư ký Quốc hội Campuchia; Trung tâm cai nghiện tự nguyện tại tỉnh Sihanouk; tăng cường năng lực cho các đài phát thanh, truyền hình Campuchia; Trường Trung học Phổ thông ở tỉnh Mondullkiri, chợ biên giới kiểu mẫu tại xã Đa, tỉnh Tbong Khmum...
Lĩnh vực hợp tác về giáo dục-đào tạo, Việt Nam cung cấp trung bình 100 suất học bổng/năm theo diện Hiệp định và hàng trăm suất học bổng trên các lĩnh vực.
Về y tế, hai bên hợp tác tạo điều kiện cho người dân Campuchia sang Việt Nam khám chữa bệnh với mức viện phí tương đương công dân Việt Nam.
Năm 2017, du khách Việt Nam thăm Campuchia đạt khoảng 800.000 người, năm 2018 đạt 835.000 người, là nước có lượng khách du lịch đến Campuchia đứng thứ hai.
Xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định lâu dài
Đường biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia có chiều dài khoảng 1.245km. Trong gần nửa thế kỷ qua, Việt Nam và Campuchia đã tiến hành nhiều đợt đàm phán, ký kết được nhiều văn kiện pháp lý để ghi nhận thành quả giải quyết biên giới giữa hai nước, góp phần xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định lâu dài, góp phần bảo vệ an ninh biên giới, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm ăn sinh sống của nhân dân hai bên khu vực biên giới.
Đường biên giới trên đất liền Việt Nam-Campuchia đã được hoạch định trong Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ký ngày 27/12/1985 và Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia ký ngày 10/10/2005.
Trên cơ sở hai Hiệp ước này, Việt Nam và Campuchia đã triển khai công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền từ đầu năm 1986.
Tính tới thời điểm đầu tháng 12/2018, hai bên đã xác định, xây dựng được 315/371 cột mốc chính, trong đó có cột mốc ở ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, cột mốc có số hiệu cuối cùng 314 trên đường biên giới đất liền, các cột mốc đại có gắn quốc huy ở 10/10 cặp cửa khẩu quốc tế, các cột mốc ở hầu hết các cửa khẩu chính, ở nơi có đường giao thông lớn qua lại biên giới, khu vực đông dân cư....
Về công tác phân giới và lập hồ sơ, tính đến tháng 9/2019, hai bên đã hoàn thành công tác phân giới trên thực địa, lập hồ sơ khoảng 1.045km đường biên giới.
Căn cứ số lượng cột mốc chính đã cắm và số chiều dài đường biên giới đã phân giới được, công tác phân giới, cắm mốc đã đạt khoảng 84% khối lượng công việc.
Về việc lập bộ bản đồ địa hình biên giới mới tỷ lệ 1/25.000, theo quy định của Hiệp ước bổ sung 2005, từ năm 2011-2012, hai bên đã thuê Công ty Blom Infor A/S của Đan Mạch lập bộ bản đồ địa hình biên giới mới.
Tháng 5/2018, hai bên tiếp tục thuê Công ty Niras Mapping A/S (là công ty Blom Infor A/S trước đây) hoàn thiện bộ bản đồ gồm các công việc như cập nhật bản đồ; thể hiện thành quả phân giới, cắm mốc lên bản đồ và in bản đồ.
Tháng 9/2019, Công ty Niras Mapping A/S hoàn thành bộ bản đồ địa hình biên giới thể hiện đầy đủ, chi tiết đường biên, mốc giới theo kết quả phân giới, cắm mốc đã đạt được để đính kèm Nghị định thư phân giới, cắm mốc.
Để thực hiện mục tiêu pháp lý hóa thành quả phân giới, cắm mốc đã đạt được, thời gian tới, hai bên cần hoàn thành nốt việc xác định, xây dựng cột mốc phụ số 22/2 thuộc khu vực làng Tà Ngà của Campuchia giữa tỉnh Kon Tum-Rattanakiri; hoàn thiện các thủ tục đối nội, đối ngoại để hai văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc (84%) được phê chuẩn, có hiệu lực.
Đối với khối lượng công tác phân giới cắm mốc còn lại, hai bên tiếp tục trao đổi, đàm phán tìm giải pháp công bằng, hợp lý để giải quyết các đoạn biên giới này...
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Campuchia tiếp tục có những phát triển tốt đẹp, khẳng định chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ, trong đó ưu tiên cao trong việc gìn giữ, vun đắp và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài với Campuchia.
Chuyến thăm cũng nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác biên giới, giao thông vận tải./.
Theo Nguyễn Hồng Điệp (TTXVN/Vietnam )
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường dự Hội nghị cấp cao ASEAN Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tối 1/11 lên đường tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 tại Thái Lan. Tối ngày 1/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, cùng đoàn cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường sang Thái Lan tham dự Hội nghị cấp cao...