Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp lãnh đạo IMF và WB
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Chủ tịch và Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington D.C, Hoa Kỳ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch WB, Jim Yong Kim và Tổng Giám đốc điều hành WB Sri Mulyani Indra Wati. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc/Chinhphu.vn)
Vào chiều 26/9 giờ địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ông Jim Yong Kim, đã hội kiến tại Trụ sở của Ngân hàng Thế giới để thảo luận về những thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng của Việt Nam và thách thức phía trước.
Chủ tịch Kim chúc mừng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về những thành quả phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo ấn tượng mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Thành quả này của Việt Nam đã được WB ghi nhận là một hình mẫu thành công cho các quốc gia trên thế giới về giảm nghèo và chia sẻ thành tựu phát triển kinh tế, đặc biệt là về an ninh lương thực, điện khí hóa nông thôn và tiếp cận viễn thông.
Tại buổi hội kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của WB đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ quý báu của WB, qua đó góp phần quan trọng giúp Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình thấp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đánh giá cao nguồn vốn ưu đãi mà Việt Nam đã nhận được từ Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) – nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ các nước nghèo nhất thế giới, cũng như việc Ngân hàng Thế giới đã đề xuất cho phép Việt Nam nhận được nguồn vốn IDA trong 3 năm tiếp theo trong kỳ IDA17. Thủ tướng bày tỏ hy vọng đợt bổ sung vốn IDA17 sẽ thành công, phấn đấu đạt được phân bổ vốn IDA-17 ít nhất bằng mức phân bổ Việt Nam đã nhận được trong kỳ IDA16 nhằm củng cố những thành tựu giảm nghèo và giải quyết các thách thức mới khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình. Thủ tướng nhấn mạnh rằng Chính phủ đã thông qua thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn vốn IDA trong tương lai.
Chủ tịch Kim bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của mình đối với những nỗ lực của Việt Nam và khẳng định rằng bên cạnh nguồn vốn IDA, Nhóm Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam thông qua nguồn vốn IBRD, Công ty Tài chính Quốc tế – một tổ chức cho vay khu vực tư nhân của WB, và Cơ Quan Bảo lãnh Đầu tư Đa biên – tổ chức bảo hiểm đầu tư rủi ro phi thương mại của WB.
Video đang HOT
Tại buổi hội kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thông báo cập nhật tình hình kinh tế xã hội Việt Nam và khẳng định toàn bộ hệ thống chính trị quyết tâm cao trong việc thực hiện chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.
Chủ tịch Kim cam kết sẽ tăng cường cung cấp các hỗ trợ về nguồn lực tài chính và tư vấn chính sách để hỗ trợ cho nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì ổn định vĩ mô, thực hiện chương trình tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao năng lực thể chế quốc gia, và theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững về môi trường.
Hai bên đã nhất trí sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong nhiều năm qua và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã mời Ông Chủ tịch sang thăm Việt Nam trong thời gian tới.
Cũng vào chiều 26/9, tại Trụ sở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Washington, D.C, Hoa Kỳ đã diễn ra buổi hội kiến giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nhân dịp chuyến công tác của Thủ tướng tham dự Khóa họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ.
Trong không khí trao đổi cởi mở và thẳng thắn, hai bên đã trao đổi với nhau về tình hình, quan điểm của mỗi bên về các vấn đề quan tâm chung.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ niềm vui lần đầu đến thăm Trụ sở IMF vào thời điểm đặc biệt kỷ niệm 20 năm nối lại quan hệ Việt Nam-IMF (1993-2013). Nhân dịp này, Thủ tướng khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của IMF trong hệ thống tài chính tiền tệ toàn cầu, đặc biệt trong việc hỗ trợ các khu vực kinh tế chủ chốt vượt qua khủng hoảng. Thủ tướng thông báo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam và quyết tâm của Chính phủ trong việc triển khai tái cơ cấu nền kinh tế, kiên định mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, quyết tâm tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào cải cách doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công và hệ thống ngân hàng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng đề nghị IMF tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để đưa ra các đánh giá, khuyến nghị chính sách nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tăng cường tư vấn, đối thoại chính sách, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam. Thủ tướng bày tỏ đánh giá cao sự hợp tác và hỗ trợ quý báu của IMF dành cho Việt Nam từ trước tới nay và cho biết Chính phủ đã tham khảo vận dụng nhiều ý kiến tư vấn, khuyến nghị của IMF trong quá trình hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội những năm qua.
Bà Lagarde nồng nhiệt chào mừng Thủ tướng Việt Nam đến thăm và làm việc với IMF nhân dịp chuyến công tác lần này. Bà Tổng Giám đốc IMF đánh giá cao, khuyến khích, và sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, qua đó tạo nền tảng vĩ mô ổn định, vững chắc để góp phần thu hút mạnh hơn nữa các luồng vốn FDI nhằm hỗ trợ Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế. IMF khuyến khích Việt Nam cải cách cơ cấu kinh tế, phát triển hơn nữa khu vực tư nhân, tiếp tục cải cách khu vực tài chính và duy trì chính sách tiền tệ hiện tại, tăng hiệu quả và lợi nhuận của DNNN, đồng thời cần huy động các nguồn lực khác nhau để phát triển kinh tế. Bà Largade khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về tư vấn chính sách, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật. Bà Tổng giám đốc IMF bày tỏ tin tưởng rằng với các biện pháp toàn diện như hiện nay, nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua được những thách thức kinh tế vĩ mô.
Hai bên đã nhất trí sẽ tiếp tục thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong nhiều năm qua. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã mời Bà Tổng Giám đốc IMF sang thăm Việt Nam trong thời gian tới. Bà Lagarde đã vui vẻ nhận lời và thông báo sẽ thu xếp sang thăm vào một thời gian thích hợp.
PV
Theo Dantri
Tổng thống Hàn Quốc bắt đầu chuyến thăm Việt Nam
Tối 7/9, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 7-11/9 theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. (Nguồn: TTXVN phát)
Tháp tùng Tổng thống Park Geun Hye trong chuyến thăm Việt Nam có Phó Chủ tịch Quốc hội Lee Byung Seok; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Yun Byung-se; Bộ trưởng Bộ Thương mại-Công nghiệp và Tài nguyên Yoon Sang-jick; Bộ trưởng Bộ Lao động-Việc làm Bang Ha Nam; Nghị sỹ Quốc hội Park Min Sik; Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Jun Dae-joo; Trợ lý Tổng thống về An ninh-Ngoại giao Ju Chul-ki; Trợ lý Tổng thống về Tuyên truyền Lee Jung-hyun; Trợ lý Tổng thống về Kinh tế Cho Won-dong; Cục trưởng Cục Nam Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Suh Jeong In.
Tổng thống Park Geun Hye sinh ngày 2/2/1952. Bà là con của cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee. Năm 1974, bà là Cử nhân Xã hội học, trường Đại học Sogang; năm 1987, bà là tiến sỹ danh dự ngành văn học, trường Đại học Văn hóa Tự do Trung Quốc.
Năm 2008, bà là tiến sỹ danh dự ngành xã hội học, Viện KAIST; Tiến sỹ danh dự ngành Chính trị học, trường Đại học Pukyong; năm 2010, bà là tiến sỹ danh dự ngành Chính trị học, trường Đại học Sogang.
Từ 1974-1980, bà là Chủ tịch danh dự Hội nữ hướng đạo sinh Hàn Quốc. Từ 1980-1988, bà là thành viên Hội đồng quản trị Trường Đại học Yong-nam.
Từ 1982-1990, bà là Giám đốc Quỹ khuyến học Yook Young. Từ 1993 đến nay, bà là Giám đốc Quỹ Văn hóa Hàn Quốc.
Từ 1994-2005, bà là Giám đốc Quỹ Jeongsu. Từ 1994 đến nay là Ủy viên Hiệp hội các tác giả văn học Hàn Quốc. Năm 1997, bà gia nhập Đảng Đại dân tộc (tiền thân của đảng Saenuri hiện nay).
Từ 1998-2000, bà là nghị sỹ Quốc hội khóa 15; Ủy viên Ủy ban Thống nhất-Ngoại giao-Thương mại Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Phụ nữ Quốc hội; Ủy viên Ủy ban đặc biệt về Phụ nữ.
Từ 1998-2002, bà là Phó Chủ tịch Đảng Đại dân tộc. Từ 2000-2004, bà là nghị sỹ Quốc hội khóa 16; Ủy viên Ủy ban Thống nhất-Ngoại giao-Thương mại Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Phụ nữ Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Khoa học kỹ thuật truyền thông Quốc hội; Năm 2002 là Chủ tịch Liên hiệp tương lai Hàn Quốc.
Năm 2003, bà là Chủ tịch Ủy ban bầu cử Tổng thống Đảng Đại dân tộc; Ủy viên thường trực Ủy ban điều hành đảng Đại dân tộc. Từ 2004-2008, bà là nghị sỹ Quốc hội khóa 17; Ủy viên Ủy ban Quốc phòng Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Hành chính Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Lao động-Môi trường Quốc hội.
Từ 2004-2006, bà là Chủ tịch Đảng Đại dân tộc. Năm 2007, bà là ứng cử viên Tổng thống lần thứ 17 trong Đảng Đại dân tộc. Từ 2008-2012, bà là Nghị sỹ Quốc hội khóa 18; Ủy viên Ủy ban Y tế-Phúc lợi-Gia đình Quốc hội; Ủy viên Ủy ban Kế hoạch tài chính Quốc hội. Từ 2011-2012, bà là Chủ tịch Ủy ban đối phó khẩn cấp Đảng cầm quyền Saenuri. Từ 2012 đến nay, bà là nghị sỹ Quốc hội khóa 19.
Tháng 7/2012, bà là ứng cử viên Tổng thống lần thứ 18 trong Đảng cầm quyền Saenuri. Ngày 20/8/2012, bà là ứng cử viên của đảng cầm quyền Saenuri ứng cử Tổng thống lần thứ 18. Ngày 19/12/2012, bà thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc thứ 18. Ngày 25/2/2013, bà trở thành Tổng thống Hàn Quốc thứ 18 (2013-2018).
http://www.vietnamplus.vn/Home/Tong-thong-Han-Quoc-bat-dau-chuyen-tham-Viet-Nam/20139/214888.vnplus
Theo Đỗ Quyên
Quan chức nghi ngờ về vụ Bạc Hy Lai từ chức Một chuyên gia giám định pháp y cấp cao của Trung Quốc, người nghi ngờ về lời buộc tội giết người đối vợ chính trị gia "ngã ngựa" Bạc Hy Lai, đã từ chức đúng vào ngày phiên tòa xét xử ông Bạc được công bố. Ông Bạc Hy Lai sẽ hầu tòa vào ngày 22/8 Wang Xuemei, người công khai nghi ngờ...