Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Kiên quyết ngăn chặn lợi ích nhóm
Trong buổi tiếp xúc với cử tri tại Hải Phòng chiều nay 4.12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra bản chất của lợi ích nhóm và khẳng định: Chính phủ kiên quyết ngăn chặn lợi ích nhóm.
Trả lời kiến nghị của cử tri Vũ Thiện Bản, đại diện cử tri P.Thượng Lý, Q.Hồng Bàng, TP Hải Phòng về việc yêu cầu Chính phủ phải mạnh tay với lợi ích nhóm để xây dựng một nền kinh tế sạch, Thủ tướng nói: Tôi đã cho trợ lý kiểm tra, thấy chúng ta chưa có một định nghĩa đầy đủ trong từ điển về cụm từ “lợi ích nhóm”. Tôi có thể giải thích cơ bản thế này, lợi ích nhóm là một nhóm có quyền lực và vị thế nhất định câu kết với nhau để mưu cầu lợi ích cho các thành viên trong nhóm, nhưng lợi ích này đi ngược lại với lợi ích quốc gia, ảnh hưởng không tốt đến lợi ích chính đáng của đại đa số người dân.
“Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã nói thẳng thắn. Tôi khẳng định một lần nữa, chúng tôi kiên quyết ngăn chặn lợi ích nhóm để đảm bảo sự công bằng xã hội. Việc hợp tác, liên kết để giúp nhau làm giàu chính đáng là tốt, nhưng không thể vì lợi ích của anh mà phương hại đến lợi ích của cộng đồng” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông lấy ví dụ: “Có ngân hàng, vì lợi ích mà một số cá nhân đã có hành vi vi phạm pháp luật. Trong đó, có cả một người nguyên là bộ trưởng. Dù rất đau xót nhưng chúng tôi vẫn phải quyết định xử lý nghiêm”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thân mật hỏi thăm đồng bào, cử tri tại Hải Phòng – Ảnh: Thiên Bình
Xử lý hơn 15.000 đảng viên vi phạm
Về cuộc chiến chống tham nhũng, Thủ tướng cho rằng dù Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã quyết tâm thực hiện và đạt được một số kết quả nhưng thực tế là nhân dân còn chưa hài lòng, còn bức xúc về tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng, lãng phí.
Tham nhũng và tiêu cực cấp nào, ngành nào, địa phương nào cũng có, tuy không phải là đa số, chỉ là một bộ phận, nhưng những hành vi tiêu cực gây bức xúc, gây xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, với Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, đấu tranh chống tham nhũng là việc làm lâu dài, phải kiên quyết, kiên trì và huy động sức mạnh tổng hợp của cả bộ máy chính quyền và người dân, đặc biệt là đảng viên gương mẫu.
Video đang HOT
“Chúng ta kết nạp công dân ưu tú trên các lĩnh vực, qua các phong trào vào Đảng, nhưng chúng ta cũng phải đấu tranh để đưa những người thoái hóa, biến chất, không giữ được mình ra khỏi Đảng. Nếu đảng viên nào vi phạm pháp luật thì xử lý theo pháp luật. Có thể hôm qua là anh hùng, nhưng không giữ được mình, hôm nay sa đọa, có vi phạm, chúng ta phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng. Các cấp, các ngành phải kiên trì, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, năm 2011, cả nước đã xử lý 13.700 đảng viên vi phạm năm 2012 xử lý 15.800 đảng viên với các hình thức, kể cả đưa ra trước pháp luật.
Theo TNO
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Vì cái ghế, chế độ sẽ suy vong
Tiếp tục chuyến công tác tại TP.HCM, sáng qua 26.11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi tiếp xúc với cử tri Q.1. Suốt hơn 3 giờ đồng hồ, Chủ tịch nước đã lắng nghe ý kiến cử tri, chủ yếu xoay quanh vấn đề chống tham nhũng, lợi ích nhóm...
Cứ phê phán trực tiếp chúng tôi
Là người đầu tiên phát biểu, cử tri Trần Văn Lài, hỏi thẳng: "Vấn nạn tham nhũng tràn lan khiến người dân vô cùng bức xúc. Bây giờ Bộ Chính trị ra tay liệu có xoay chuyển được tình thế không?".
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi cử tri TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh
Cảm ơn bà con cử tri ngày càng tin tưởng vào hoạt động của Quốc hội (QH), Chủ tịch nước nói: "Nghị quyết, văn bản về chống tham nhũng đã có nhiều, xin không nhắc lại, chỉ xin bám vào ý kiến của cô bác, anh chị. QH đã thông qua nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đây là việc làm cụ thể hết sức hệ trọng trong tổng thể hệ thống giải pháp về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của đất nước. Nghị quyết T.Ư 4 cũng đã đề cập rất rõ vấn đề này. Việc này nếu làm tốt, làm đúng đắn, làm có hiệu quả thì chắc chắn sẽ xoay chuyển tình thế. Từ nay về sau, cán bộ thuộc diện cấp ủy bầu ra thì dứt khoát hằng năm phải lấy phiếu tín nhiệm. Thường vụ Thành ủy chịu sự giám sát, kiểm tra của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Còn chúng tôi là Ủy viên Bộ Chính trị thì hằng năm phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành T.Ư".
Tôi có nghe đồn thổi là ông A, ông B, ông C nào đó ra lệnh cấm đoán. Như vậy là không có quyền. Ai đó có thẩm quyền riêng thì thẩm quyền đó phải được quy định trong điều lệ Đảng hoặc trong Hiến pháp, hoặc trong những đạo luật về tổ chức.
Nếu cấm thì phải nhân danh cái gì, căn cứ đạo luật nào quy định thì mới được
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
"Mà nghe hơi buồn lòng, hơi chạnh lòng là các đồng chí cũng không tin T.Ư lắm. Nghe cái này hơi xấu hổ nghe ra có vẻ lòng tin có giảm sút đối với T.Ư. Cái này thì báo chí cứ đăng bình thường, đừng có giấu, để mỗi đồng chí Ban Chấp hành T.Ư phải tự suy nghĩ, phải tự răn mình để sửa. Cái gì mình cũng giấu giếm là không được đâu", Chủ tịch nước nói tiếp. Ông cho rằng, trách nhiệm của người cầm lá phiếu phải có cách nhìn hết sức đầy đủ, khách quan, vô tư, công tâm, vì sự nghiệp của đất nước, chứ không phải vì sự nghiệp của cá nhân mình, lại càng không phải vì cái ghế mình đang ngồi. "Vì cái ghế mình ngồi thì chế độ sẽ suy vong. Muốn chế độ vững bền, xã hội vững bền thì cầm những lá phiếu đó phải rất trọng trách, cần thiết phải có dũng khí nhất định. Tôi hy vọng rằng các vị đại biểu QH, các vị đại biểu HĐND trên cả nước đừng để mất lòng tin của người dân", ông nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cũng nói rõ ông "rất thích thú khi gặp quý cô bác, anh chị trong mỗi lần tiếp xúc cử tri, ngoài việc hiến kế để xây dựng đất nước, khi nghe thông tin gì mà cảm thấy không vừa lòng thì cứ hãy phê phán trực tiếp chúng tôi". "Dù báo chí có đăng tải cũng không sao, không có vấn đề gì cả. Điều quan trọng là ngày hôm qua có thể bị lỗi lầm nhưng ngày hôm nay là thành tựu, là ưu điểm, là tốt. Chứ ngày hôm qua thành tích ghê gớm nhưng ngày hôm nay trở thành một người không ra gì thì phải nói là đau khổ hơn nhiều", Chủ tịch nước bày tỏ.
"Làm gì cũng sợ hết thì chịu thôi"
Cử tri Phạm Thị Nga nêu vấn đề: "Người dân phát hiện tham nhũng có người dám nói sự thật nhưng có người phải thông qua kênh thông tin báo chí, có trường hợp khi nhà báo đưa tin hoặc đi lấy tin thì lại bị hành hung hoặc bị trù dập".
Nợ công hiện đã chiếm 57% GDP rồi
Trước chất vấn của cử tri về lương cán bộ, công chức xã, phường không đủ nuôi sống bản thân, Chủ tịch nước trả lời: "Chúng tôi đã nhận biết được vấn đề này. T.Ư đang tổng kết việc tổ chức bộ máy từ T.Ư đến cơ sở để tính toán lại đề án cải cách tiền lương cho hợp lý hơn trong thời gian tới. Với số lượng bộ máy và ngân sách hiện nay thì không thể nào tăng tiền lương thêm được. Cũng không thể nào đi vay để bổ sung vào quỹ tiền lương. Nếu làm thì rất nguy hiểm, chắc chắn sẽ đổ vỡ ngay thôi, vì nợ công hiện đã chiếm 57% GDP rồi, nếu như tính cả khu vực doanh nghiệp nhà nước mà Nhà nước, Chính phủ phải chịu trách nhiệm nữa thì cũng đã xấp xỉ cơ cấu 100%, to lắm, hết sức nguy hiểm và rất khó. Nếu tăng lương theo đúng lộ trình thì thủng lưới ngân sách, không thể lo xuể".
Chủ tịch nước giải thích, trong các nghị quyết của Đảng đã khẳng định các cơ quan thông tin truyền thông là một trong những công cụ cực kỳ quan trọng, góp phần phòng, chống tham nhũng và lãng phí. "Gần đây có anh em (báo chí - NV) gặp tôi than vãn là không được coi trọng lắm. Tôi có nghe đồn thổi là ông A, ông B, ông C nào đó ra lệnh cấm đoán. Như vậy là không có quyền. Ai đó có thẩm quyền riêng thì thẩm quyền đó phải được quy định trong điều lệ Đảng hoặc trong Hiến pháp, hoặc trong những đạo luật về tổ chức. Nếu cấm thì phải nhân danh cái gì, căn cứ đạo luật nào quy định thì mới được", Chủ tịch nước nói rõ.
Với mong muốn cử tri, báo chí phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện của mình, Chủ tịch nước chia sẻ: "Làm gì cũng sợ hết thì chịu thôi, tôi cũng chịu thôi. Làm gì chỉ cần căn cứ vào việc Đảng có chủ trương không? Nhà nước có luật lệ không? Còn đồn thổi gì đó mà cứ ngồi sợ thì tôi biết thế nào được. Xã hội này không phải dưới sự trị vì của những người đồn thổi. Lần trước tôi đã nói, rồi có anh em gọi điện cho tôi hỏi sao nói dữ vậy, tôi trả lời nói vậy là không có gì dữ cả. Một người có thể trù úm, mươi người có thể trù úm nhưng cả đất nước này, cả dân tộc này thì sao lại sợ? Tôi biết có người thân cô thế cô từng bị trù úm. Cá nhân anh em chúng tôi trong quá trình làm cách mạng cũng đã từng bị. Mà có chết chóc gì đâu. Mình có khuyết điểm gì đâu, kỷ luật mình, đuổi mình ra khỏi Đảng, đâu có được. Cao lắm công cụ của người đó là không cho mình lên chức lên lương thôi. Mình đừng có thèm những thứ đó, thì người ta không thể dùng công cụ để khống chế mình. Những ai mà tham những thứ đó thì dễ bị khống chế".
"Không cần đại học cũng trả lời được"
Trước đòi hỏi của cử tri "cần chỉ rõ địa chỉ cụ thể của nhóm lợi ích", Chủ tịch nước thẳng thắn: "Cả nước bây giờ đi đâu cũng nghe người dân nói về chuyện này, nhất là các đồng chí cựu chiến binh, hưu trí, lão thành. Tôi xin trả lời hết sức vắn tắt, đây là câu hỏi khó nhưng nếu nhìn thẳng vào sự thật thì không khó. Cấp 1 thôi, không cần đại học cũng trả lời được, dễ ẹt. Tất nhiên đòi hỏi sự hiểu biết, trí và dũng. Nhưng câu chuyện này nói ngay kết quả bây giờ thì không thể làm các đồng chí hài lòng được. Nhưng từ những việc nhỏ, cụ thể, chúng ta làm dần dần lên và phải đi đến đích để chỉ cho ra được cái này. Không phải là chỉ ra rồi thôi mà còn phải giải quyết, dọn dẹp tiêu cực. Làm thời gian qua chưa được bao nhiêu, kết quả công tác này chưa nhiều lắm nên tôi xin phép chưa trả lời cụ thể... ".
Dùng tiền mặt thế này thì đút lót, hối lộ ghê gớm lắm...
Giải tỏa băn khoăn của cử tri về vấn đề quy định kê khai tài sản của cán bộ, Chủ tịch nước cho rằng đây không phải là chủ trương mới, quan trọng là làm sao để chủ trương này có giá trị trên thực tế.
"Đất nước mình sẽ mất rất nhiều thời gian nữa để chuyển nền kinh tế tiền mặt sang hoạt động không dùng tiền mặt. Chứ dùng tiền mặt thế này thì đút lót, hối lộ ghê gớm lắm, kiểm soát không nổi... Chủ trương kê khai tài sản mấy năm rồi, mấy khóa rồi vẫn làm chưa được, nó cản trở ghê gớm. Luật có, pháp lệnh có, đủ thứ chuyện nhưng không làm, vẫn không làm và không ai trị gì hết. Vô chủ đến mức độ như thế! Phải nói là còn rất nhiều nhược điểm. Vấn đề đặt ra phải công khai minh bạch. Chứ cái gì cũng bí mật, bí mật hết, có những chuyện không có gì là bí mật cả nhưng cường điệu lên, lợi dụng cái gọi bí mật đó mà che giấu nhiều chuyện thì rất dễ xảy ra tham nhũng", ông nói.
"Một chuyện nữa không thể không nói là đòi hỏi sự trong sạch và quyết tâm của các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ kiểm kê, kiểm soát. Tôi biết bây giờ không phải tất cả cơ quan chức năng làm nhiệm vụ kiểm kê, kiểm soát đều đóng vai trò đầy đủ hết đâu. Không phải ai trên đời cũng miễn dịch hết sự cám dỗ, hù dọa nhưng tôi tin rằng người đứng đầu cơ quan mà đủ chuẩn, đủ chất, lòng tin của Đảng và của nhân dân đầy đủ thì chắc rằng tuyệt đại anh em bên dưới cũng sẽ theo ngọn cờ đó. Hôm trước có một cử tri đã nói: Các vị làm gì chúng tôi đều biết hết. Tôi nghĩ đây không phải là câu nói nổi tiếng nhưng có thể khẳng định đó là câu nói đáng lưu tâm nhất trong năm. Nghe nó mộc mạc nhưng mà cũng có người sợ", Chủ tịch nước chia sẻ.
Theo TNO
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Không vừa lòng, hãy phê phán trực tiếp chúng tôi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi cử tri TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh Hôm nay 26.11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục có buổi buổi tiếp xúc cử tri Q.1, TP.HCM. Suốt hơn ba giờ đồng hồ, Chủ tịch nước đã lắng nghe 15 ý kiến cử tri chủ yếu xoay quanh vấn đề tham nhũng, lợi ích...