Thủ tướng: Người ngứa đầu lại chỉ được gãi… chân sẽ cho nhà nước điểm zero!
Nói về việc xây dựng website Chính phủ với Doanh nghiệp, Chính phủ với người dân theo hướng thể hiện được sự đánh giá, cho điểm của các đối tượng được phục vụ, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng luôn nhắc nhở “người ngứa đầu lại chỉ được gãi chân sẽ cho điểm rất xấu với cơ quan nhà nước”…
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói về vấn đề này tại hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính được tổ chức ngày 29/8.
Nhắc đến mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ, ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính phủ kiến tạo cần tập trung xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính, thay dần tư duy quản lý sang một nhà nước lấy người dân và DN làm mục tiêu phục vụ, nỗ lực tháo gỡ mọi rào cản, khó khăn cho người dân, DN trong sản xuất kinh doanh. Đó là điều Chính phủ đang quyết tâm thực hiện.
Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – dẫn lời Thủ tướng tại buổi hội thảo.
Với những nỗ lực này, gần đây, lần đầu tiên Chính phủ không còn để nợ đọng văn bản thuộc thẩm quyền của mình.
3 tháng qua, Chính phủ đã tập trung xây dựng 49 nghị định thi hành luật đầu tư, luật doanh nghiệp. Cùng với đó là cố gắng tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.
Tuy nhiên, việc này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như việc triển khai tại địa phương còn lúng túng, hình thức, tổ chức một cửa nhưng vẫn nhiều dấu, nhận – trả hồ sơ chậm trễ, chất lượng giải quyết công việc còn thấp vì vướng kết nối kỹ thuật, năng lực cán bộ bộ phận một cửa không cao…
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ gợi ý 5 điểm cần giải quyết, khắc phục khi xây dựng nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông như làm rõ nguyên tắc người dân, tổ chức có quyền lựa chọn dịch vụ, nơi cung cấp dịch vụ tốt nhất; người dân được tham gia giám sát cán bộ công chức trong việc thực thi công vụ; mở rộng mô hình bộ phận một cửa tới cả các bộ, ngành; đặt bộ phận này dưới sự phụ trách trực tiếp của Bộ trưởng, Cục trưởng, Chủ tịch UBND các cấp…
Ngoài ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh việc quy phạm hoá công tác đánh giá hiệu quả việc giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý hành nước.
Ông Dũng lấy ví dụ từ việc Thủ tướng cho mở trang web kết nối Chính phủ với doanh nghiệp, Chính phủ với người dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ do người đứng đầu Văn phòng Chính phủ chủ trì để tiếp nhận mọi vấn đề liên quan đến kiến nghị của DN, người dân, sàng lọc và chuyển ý kiến đến các đơn vị, địa phương để giải quyết.
Theo đó, website “Chính phủ với người dân” đã có công cụ thể hiện sự đánh giá, cho điểm của người dân với kết quả giải quyết của các cơ quan, website “Chính phủ với doanh nghiệp” cũng đang được yêu cầu viết lại phần mềm theo hướng này.
Video đang HOT
“Như thế, nếu việc giải quyết các kiến nghị không tốt, người dân sẽ cho điểm kém, điểm xấu, điểm zero với cơ quan quản lý nhà nước. Đó là động lực thúc đẩy chất lượng giải quyết công việc. Thủ tướng vẫn luôn nhắc chúng tôi, người ngứa đầu lại chỉ được gãi… chân sẽ cho điểm rất xấu với cơ quan nhà nước” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, nhìn vào điếm số đánh giá sẽ biết chất lượng làm việc của các cơ quan tốt, xấu ra sao.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cũng nêu quan điểm thúc đẩy, ưu tiên ứng dụng CNTT trong xử lý, giải quyết công việc. Ông phân tích, như Văn phòng Chính phủ, mỗi tháng tiếp nhận trung bình 14.000-15.000 văn bản của các bộ, ngành, địa phương gửi đến. Các văn bản sẽ được nhập dữ liệu vào hệ thống quản lý chung trước khi chuyển đến các vụ chuyên môn, các đơn vị rồi phân tới từng chuyên viên cụ thể. “Đường đi” của văn bản, theo đó, sẽ thể hiện, lưu dấu trên hệ thống theo dõi, kiểm soát.
Thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã thực hiện nhiều đợt kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ công chức. Nhiều chuyên viên vẫn hay báo cáo làm tốt nhưng qua hệ thống đã phát hiện có những hồ sơ bộ ngành địa phương chuyển lên mà chuyên viên… để quên.
“Ta cứ sòng phẳng nói thẳng với nhau cả những yếu kém, tồn tại như thế. Qua theo dõi bằng cách này, chuyên viên mà mắc lỗi 2 lần trong quá trình giải quyết công việc sẽ phải điều chuyển công tác. Làm cách này thì không thể giấu lỗi được, vì văn bản hiện rõ những thông số như đang nằm ở đâu, nằm ở bàn chuyên viên bao nhiêu ngày, ở phòng lãnh đạo vụ/cục bao nhiêu ngày. Có những chuyên viên dùng xảo thuật để đánh lừa lãnh đạo nhưng việc đó cũng vẫn để lại vết, có thể thấy hết những lắt léo” – người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho rằng, các địa phương cũng cần áp dụng cơ chế theo dõi, đánh giá này.
P.Thảo
Theo Dantri
Đưa ra khỏi bộ máy những cục trưởng chỉ biết hô "cứ cải cách đi"
"Cục trưởng, vụ trưởng nào nói "anh cứ cải cách đi" còn bản thân không chịu cải cách thì cán bộ đó phải đưa ra khỏi bộ máy nhà nước" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.
Chiều 16/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ).
Thủ tướng chủ trì cuộc họp với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.
Né tránh, chỉ dẫn lòng vòng làm nản lòng doanh nghiệp
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính đạt một số kết quả, tuy nhiên người dân, doanh nghiệp vẫn còn kêu ca về sự phiền hà, rắc rối, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính ở khâu này, khâu khác tại nhiều cơ quan khác nhau.
Một số việc làm nản lòng nhà đầu tư và doanh nghiệp như né tránh trách nhiệm, chỉ dẫn lòng vòng hay thực hiện thiếu thủ tục.
Thủ tướng mong muốn Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính quốc gia tập trung đề xuất tốt hơn nữa cho Chính phủ, Văn phòng Chính phủ để làm sao những tiếng nói phản ánh từ đời sống thực tiễn được giải quyết kịp thời hơn.
Tại cuộc họp, một số ý kiến thành viên Hội đồng cho rằng, ngọn lửa cải cách đã được thổi bùng lên, tuy nhiên, sức nóng của ngọn lửa chưa lan tỏa nhiều tới cấp cơ sở, tới mỗi cán bộ, công chức trực tiếp triển khai thủ tục. Trong khi đó, khâu then chốt của cải cách vẫn là con người.
Cũng tại cuộc họp, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đã nêu các kiến nghị cụ thể về các thủ tục "gây khó" cho doanh nghiệp liên quan đến các lĩnh vực như sản xuất, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu...
Hoan nghênh các ý kiến, phản ánh, Thủ tướng cho rằng chính các doanh nghiệp, những người trong cuộc, mới phát hiện ra các vấn đề, vướng mắc và "phải nghe lời nói ngang trái để sửa chính sách, để sát cuộc sống, để phát triển đất nước". "Tôi rất vui mừng khi được ký những nghị quyết của Chính phủ về giảm thủ tục hành chính ở bộ này, ngành kia", Thủ tướng bày tỏ.
Thủ tướng đề nghị Hội đồng cần trực tiếp lắng nghe thêm nhiều ý kiến của các hiệp hội ngành nghề để giải quyết thủ tục đang vướng mắc sát với thực tiễn. Bên cạnh hướng chính là cải cách tốt hơn thì cần lưu ý không buông lỏng quản lý nhà nước.
Trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính phục vụ cho tăng trưởng là một nhiệm vụ hàng đầu hiện nay để hoàn thành toàn diện mục tiêu, chỉ tiêu Đảng, Quốc hội giao. "Người ta nói là trong chuyện tăng trưởng chậm có nguyên nhân thủ tục, trước hết là thủ tục đầu tư, thủ tục giải ngân, các thủ tục có liên quan khác vẫn còn chậm trễ so với một số nước", Thủ tướng nói.
Muốn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thì cần tháo gỡ mọi rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, tạo sức cạnh tranh cao hơn cho nền kinh tế. Muốn tăng trưởng phải đẩy mạnh giải ngân các loại nguồn vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Phải cải cách thật tốt các thủ tục thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, tăng cường hậu kiểm, kiểm tra rủi ro...
Lĩnh vực cải cách quan trọng nữa là thủ tục hành chính đối với cuộc sống hằng ngày của người dân mà hiện nay, còn nhiều thủ tục phức tạp, nhận được nhiều phản ánh về tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu công khai, minh bạch. Đây là điều cần tập trung khắc phục.
Kiên quyết giảm từ phí BOT tới lãi suất
Nhất trí với các thành viên Hội đồng, Thủ tướng cho rằng hệ thống các cơ quan nhà nước, nhất là cấp cục, vụ, sở, phòng, huyện, xã phải chuyển biến đồng bộ với chủ trương của Trung ương trong vấn đề giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là khâu yếu cần khắc phục.
"Không chuyển biến thì cần có chế tài thực hiện. Cho nên, cục trưởng, vụ trưởng nào nói "anh cứ cải cách đi" còn bản thân không chịu cải cách thì cán bộ đó phải đưa ra khỏi bộ máy nhà nước" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, để giải quyết nhanh một công việc thì yêu cầu đầu tiên là năng lực của người thực hiện, thứ hai là tinh thần trách nhiệm, dám làm dám chịu, vì sự phát triển, thứ ba là phẩm chất của cán bộ. Và thứ tư là thủ tục đỡ rườm rà, phức tạp.
Đối với Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu có chương trình tập trung cao cho các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, bám sát vào trọng tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, sát thực tiễn hơn nữa. Phải tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ quyết liệt cắt giảm các thủ tục hành chính, loại bỏ giấy phép con, đặc biệt, phải kiểm soát tốt hơn việc đặt thêm thủ tục, hoặc biến tướng các loại giấy tờ mới, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân.
Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục để nhà đầu tư không phải đi lại nhiều lần, mà chỉ cần 1 lần duy nhất tại bộ phận một cửa dưới sự giám sát qua camera. Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức trong khi làm thủ tục để hạn chế tiêu cực, tham nhũng.
Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ thực hiện nghiêm túc quy định về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và cập nhật công khai kết quả xử lý trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và cổng thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Nội vụ chủ trì kiểm tra công vụ, có tổ công tác cùng với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính kiểm tra việc thực thi công vụ của một số nhóm đối tượng đã bị phát hiện có thể gây ách tắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó, xử lý nghiêm, đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh truyền thông về các điển hình, tấm gương, mô hình tốt về cải cách thủ tục hành chính.
Thủ tướng đề nghị Hội đồng có nhiều sáng kiến về cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục; lựa chọn vấn đề còn nhiều khó khăn vướng mắc hoặc vấn đề trọng tâm liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh như thuế, hải quan, đất đai, đầu tư, xây dựng, tiếp cận điện năng, kiểm tra quản lý chuyên ngành... để đề xuất xử lý giải quyết.
Thủ tướng đồng ý trong quý này, Hội đồng và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính lựa chọn một số thủ tục để cắt giảm.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là kiên quyết giảm chi phí doanh nghiệp, từ chi phí BOT đến chi phí lãi vay và các chi phí khác. Kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu theo tinh thần hậu kiểm.
P.T
Theo Dantri
TP HCM cấp phép xây dựng trực tuyến từ tháng 10 Để tạo thuận lợi cho người dân, thành phố sẽ áp dụng việc cấp phép xây dựng trực tuyến với chi phí chỉ 50.000 đồng. UBND TP HCM vừa yêu cầu Sở Xây dựng hoàn chỉnh quy trình cấp phép xây dựng trực tuyến, thuộc thẩm quyền của sở và UBND các quận huyện, để chính thức áp dụng từ tháng 10. Thủ...