Thủ tướng nghe các tỉnh miền núi phía bắc góp ý chiến lược phát triển
Sáng nay (24/7), tại tỉnh Yên Bái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Tiểu ban Kinh tế- Xã hội Đại hội Đảng XIII với các tỉnh miền núi phía bắc, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và TP. Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc – Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đây là vùng thứ 5 mà Tiểu ban tới làm việc nhằm khảo sát thực tế tại các bộ, ngành, địa phương phục vụ việc xây dựng văn kiện kinh tế-xã hội mà Tiểu ban chủ trì là Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Báo cáo Kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 (còn gọi là Phương hướng, nhiệm vụ phát triển 5 năm).
Cách đây một tuần, tại Cần Thơ, Tiểu ban đã có cuộc làm việc thông trưa, kéo dài đến 2h30′ chiều với các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM.
Trước đó, Tiểu ban đã có các cuộc làm việc (thường kết thúc vào 12h30′-13h30′) với vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên (12/7), với các địa phương Nam Bộ, với TP. Hà Nội và 12 địa phương lân cận.
Dự cuộc làm việc hôm nay có các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, 9 tỉnh miền núi phía bắc, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và TP. Hà Nội.
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban, chia sẻ khó khăn, mất mát với tỉnh Yên Bái trong đợt lũ lụt vừa qua; đồng thời biểu dương sự cố gắng của tỉnh, khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt. Nhân đây, Thủ tướng nhắc nhở các tỉnh miền núi phía bắc, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo phòng chống thiên tai, công tác khắc phục hậu quả của mưa lớn, sạt lở đất, nhất là lũ quét, lũ ống, với tinh thần không để ảnh hưởng đến đời sống, tính mạng của nhân dân.
Video đang HOT
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Về cuộc làm việc hôm nay, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ của Tiểu ban trong việc xây dựng 2 văn kiện quan trọng mà đến nay, “đã làm được một số việc, đã có đề cương chi tiết, báo cáo Hội nghị Trung ương vừa rồi”. Tinh thần của Tiểu ban là văn kiện phải sát thực tiễn, cho nên, “phải lắng nghe các địa phương đóng góp về tình hình phát triển cũng như mô hình, những nét mới trong 5, 10 năm qua”. Vì thế, Tiểu ban đã có 5 cuộc làm việc với các vùng có các đặc thù riêng.
“Đây là hội nghị quan trọng, trước hết đưa ra phương hướng phát triển đất nước 5 năm, 10 năm tới, tầm nhìn đến 2045, trong đó đánh giá tình hình phát triển thời gian qua”, Thủ tướng đề nghị các đại biểu nhận định đúng tình hình, đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhất là giải pháp phát triển phù hợp với tình hình mới, cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên toàn cầu.
Chín tỉnh miền núi phía bắc cùng Nghệ An, Thanh Hóa, 2 tỉnh có quy mô dân số lớn, và TP. Hà Nội cùng ngồi lại để bàn về vấn đề liên kết Thủ đô với các địa phương. Vì vậy, tại cuộc làm việc, “chúng ta sẽ tìm ra đặc điểm của khu vực này để tìm được lợi thế so sánh, xác định vị trí chiến lược, kể cả quốc phòng, an ninh, đối ngoại, môi trường sinh thái trong bối cảnh biến đổi khí hậu sâu sắc”. Theo Thủ tướng, 9 tỉnh miền núi phía bắc và Nghệ An, Thanh Hóa có nhiều tiềm năng phát triển và rất vui mừng khi các địa phương này có nhiều thay đổi trong 5, 10 năm qua, có nhiều mô hình hay mà “Trung ương, Tiểu ban cần lắng nghe để có định hướng tốt cho vùng quan trọng này”. Tuy nhiên, các địa phương trong vùng còn nhiều khó khăn, thách thức, lớn nhất là địa hình chia cắt, hạ tầng khó khăn và tỉ lệ nghèo cao nhất cả nước.
Thủ tướng đề nghị cần bàn sát tình hình hơn, kể cả kinh tế và xã hội, lĩnh vực rất quan trọng với “nôi cách mạng” này. Bên cạnh đó, cần đề xuất, góp ý phương hướng, nhiệm vụ, cách làm mới.
Thủ tướng cũng đề nghị làm rõ mối liên kết giữa Hà Nội với các địa phương vùng núi phía bắc cũng như với các tỉnh lớn là Nghệ An, Thanh Hóa.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ cập nhật thông tin về cuộc làm việc này.
Đức Tuân
Theo Chinhphu
Thủ tướng: Quyết làm cho được Chính phủ điện tử
Sáng 23/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Cùng dự có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban, cho biết đây là công việc mới, việc khó, nên thường xuyên tổng kết, sơ kết rút kinh nghiệm là cần thiết.
Ngày 7/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025, trong đó, đã giao 83 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan. Đến nay, cơ bản các bộ, ngành, cơ quan đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 17, bước đầu đạt kết quả.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 17, đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai nói chung cũng như phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, tổ chức bộ máy để thực hiện nói riêng.
"Việc rút kinh nghiệm cách làm hay ở các bộ, địa phương là việc cần thiết", Thủ tướng nói. "Cách làm nào tốt nhất, tiết kiệm nhất, an toàn nhất, đạt kết quả tốt nhất để phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển là câu hỏi lớn đặt ra".
Cùng với tình hình xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, Thủ tướng đề nghị nêu các giải pháp bảo đảm sự thống nhất về cách làm, sự kết nối thống nhất, đồng bộ giữa trung ương và địa phương. "Nếu không, sau này chúng ta triển khai mà không kết nối được thì rất phức tạp, mô hình khác nhau, cách làm, thiết bị khác nhau là vấn đề rất lớn". Đây là một vướng mắc hiện nay, lần này cần rút ra kinh nghiệm nhằm xử lý đồng bộ để có hệ thống thống nhất.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối trong xây dựng Chính phủ điện tử. "Ai là người chịu trách kiểm soát vấn đề này". An toàn cần đặt lên hàng đầu, "nếu không an toàn thì chưa làm".
Về phương hướng những tháng cuối năm 2019, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định 28 của Thủ tướng, xây dựng các hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành, cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục Thủ tướng đã ban hành và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia.... "Vướng nhất hiện nay là gì thì các đồng chí phát biểu".
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là quyết tâm làm cho được Chính phủ điện tử.
Trình bày tóm tắt báo cáo tình hình triển khai xây dựng Chính phủ điện tử và hoạt động của Ủy ban, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổng Thư ký Ủy ban cho biết, đến nay, đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai Chính phủ điện tử như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, các nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đang được thực hiện...
Đã cơ bản hoàn thành nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, giải pháp xác thực tập trung và xây dựng danh mục các dịch vụ công thiết yếu cho vòng đời của một con người, doanh nghiệp để triển khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Dự kiến sẽ đưa vào thử nghiệm trong tháng 9/2019 và vận hành chính thức trong tháng 11/2019. Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đang tích cực phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ TT&TT đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp công nghệ thông tin, chuyên gia trong nước và quốc tế nghiên cứu, xây dựng dự thảo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) và gửi lấy ý kiến góp ý các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp khoảng 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước; cấp hơn 12 triệu căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố và đang xây dựng phần mềm phục vụ kết nối hệ thống căn cước công dân với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, Bộ Công an đã thu thập thông tin được 80 triệu phiếu, đạt tỷ lệ 86% và scan được khoảng 25 triệu dữ liệu.
Các đề án về không gian địa lý quốc gia, về tài nguyên và môi trường đang được xây dựng, dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 11/2019.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về hội nghị này.
Đức Tuân
Theo Chinhphu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ma-lai-xi-a; Thống đốc Ngân hàng JBIC (Nhật Bản) Chiều 16-5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ma-lai-xi-a X.Áp-đu-la. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Bộ trưởng Ngoại giao Ma-lai-xi-a X.Áp-đu-la. Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, chuyến thăm của Bộ trưởng sẽ thành công tốt đẹp, góp phần củng cố quan hệ Đối tác...